Buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng
Theo thống kê, quý III/2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 63.100 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) gần 4.400 tỷ đồng, khởi tố 369 vụ với 454 đối tượng. Lũy kế 9 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý gần 138.400 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN gần 15.679 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 1.497 vụ với 1.800 đối tượng.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, dịch Covid - 19 bùng phát lần 2 tại một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội cả nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng thay đổi phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.
“Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán ma túy; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Việt Nam”…”, ông Đàm Thanh Thế cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại, chủ yếu là hàng tiêu dùng, quần áo, đồ chơi, hàng điện tử,… Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên... Tình hình vận chuyển trái phép, buôn lậu khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phức tạp.
Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Điển hình như tại Bắc Giang, vụ dừng, kiểm tra xe ô tô của đối tượng nghi vấn, đối tượng đã manh động tấn công lực lượng chức năng, làm một chiến sĩ công an hy sinh. Qua khám xét xe ô tô, lực lượng chức năng phát hiện 2 tấn linh kiện điện thoại các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại địa bàn biên giới các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng diễn ra rất phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng ma túy lớn. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, có vũ khí nóng sẵn sàng chống trả khi bị bao vây, bắt giữ.
Tuyến biên giới Tây Nam, một số đối tượng lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, đường cát, thuốc lá điếu... qua biên giới.
Đặc biệt, trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,...
Quyết liệt đấu tranh
Về phía hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng Hải quan đã tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm; tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu có nội dung xấu, động, thực vật hoang dã; hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng hóa kém chất lượng như xăng dầu, thuốc lá, phân bón, rượu, bia, hàng bách hóa tiêu dùng, khẩu trang y tế và các thiết bị phục vụ chống dịch... Trong 9 tháng qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý gần 14.000 vụ vi phạm, nộp NSNN 1.885 tỷ đồng.
Để đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành Thuế đã tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán, thu gom hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.
“Ngành Thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế… Trong 3 quý đầu năm, cơ quan Thuế đã phát hiện, xử lý gần 49.000 vụ vi phạm, nộp NSNN hơn 13.267 tỷ đồng”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thược phẩm chức năng.... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
“Các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ”, đại diện Ban Chỉ đạo 389 nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm./.
Cẩm Tú/VOV.VN