Tín dụng đen 'lộng hành' và hệ lụy khó lường

Không chỉ ở thành phố lớn, tín dụng đen đã len lỏi đến từng ngõ ngách ở nông thôn, miền núi, KCN. Nhiều người ví 'tín dụng đen' như những tên 'cướp ngày'.

 

Sau đại dịch Covid-19, khó khăn về tài chính đã bủa vây, “gõ cửa” từng nhà, từng người. Có thể nói, đây là thời điểm “vàng”, là mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện để tín dụng đen phát triển.

Bờ tường, góc phố, cột điện từ thành thị đến nông thôn tràn lan rao vặt quảng cáo với những lời mời chào hỗ trợ tín dụng như: vay tín chấp thủ tục đơn giản, chỉ cần alo là có tiền, hỗ trợ vay tiền, giải ngân ngay trong ngày...

Thủ tục vay tín dụng đen khá đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không phụ phí, nhận tiền nhanh chóng… đã thu hút nhiều người có nhu cầu vay tiền. Trong đó, đối tượng mà tín dụng đen nhắm đến là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ở các làng quê, người thất nghiệp, người có việc cần tiền đột xuất…

Lãi suất cho vay của tín dụng đen thường rất cao, từ 100% - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm. Những giao dịch dân sự này do các bên tự thỏa thuận, không được chứng thực bởi pháp luật, không có tài sản bảo đảm. Nếu người vay không có khả năng trả nợ hoặc chậm trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ dùng nhiều thủ đoạn ép bên vay và người thân phải trả. Từ đó phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...

Không chỉ xuất hiện tại các vùng quê, mà tại các khu công nghiệp, tín dụng đen cũng phát triển rất mạnh, khách hàng là những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Bắc Giang là địa phương có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư và hoạt động. Trong đó có thể kể đến khu công nghiệp Quang Châu, Đình Trám, thôn My Điền hay Công ty Foxconn - Hồng Hải nằm ở khu công nghiệp Đình Trám và Vân Trung… Giao thông thuận tiện nên Bắc Giang tập trung rất đông công nhân ở các tỉnh phía Bắc đổ về. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho các tổ chức tài chính hoạt động.

Chỉ cần công nhân tại các khu công nghiệp có thu nhập ít nhất 3 triệu/tháng là có thể dễ dàng vay được khoản tiền lên đến 10 triệu đồng mà không cần chứng minh thu nhập hay thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần đăng ký vay tiền trên web hoặc tải app vay tiền online là đã có ngay 1 khoản tiền chuyển vào tài khoản trong ngày.

Nhiều công nhân đi làm thay vì gửi tiền về lo cho gia đình ở quê lại tiêu hết tiền vào các trò chơi, tệ nạn dẫn đến vay nặng lãi, vay tiền online, sau đó không đủ khả năng trả nợ đẫn đến nhiều vụ đòi nợ thuê, gây ra án mạng…

Thực tế cho thấy, hầu hết những người vay tín dụng đen đều phải hứng chịu hậu quả khôn lường, không những làm xáo trộn cuộc sống của bản thân mà còn liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình.

Trường hợp của anh Trần Ngọc Cường ở Đông Anh (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc kinh doanh của gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập giảm tới 2/3, trong khi vẫn phải trả phí thuê mặt bằng và một phần nhỏ tiền lương để giữ chân người lao động. Mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng việc duy trì ấy chỉ có thể kéo dài được 3-4 tháng.

Những tờ quảng cáo cho vay tiền được dán nhan nhản trên các bức tường.

Vì doanh nghiệp của anh là doanh nghiệp siêu nhỏ nên không thuộc đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi cũng như được nhận gói hỗ trợ của Nhà nước. Không còn cách nào khác, anh phải vay 100 triệu đồng từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen” với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày trong vòng 5 tháng. Như vậy, số tiền lãi mà anh phải trả là 60 triệu đồng.

Anh Cường chia sẻ, trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay, đây là một số tiền khá lớn đối với anh, chật vật mãi, quá hạn 3 tháng sau anh mới trả hết cả gốc lẫn lãi, lúc này, con số tiền lãi không dừng lại ở 60 triệu đồng nữa mà đã tăng lên nhiều so với trước đó…

Còn nhiều trường hợp vay tín dụng đen khác do đến hạn không đủ khả năng trả đã bị các đối tượng “xã hội đen” đòi nợ, xiết nợ bằng các cách từ chửi bới đến bắt giữ người, khủng bố cả người thân của "con nợ"…

Có thể nói, với sự lọc lõi trong hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Trong một số trường hợp, khi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền của công ty họ để giải quyết món nợ hiện tại, tránh kiện tụng phiền phức. Bước đường cùng, người đi vay đã phải chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ. Vậy là món nợ của chủ cũ được chuyển sang chủ mới với tỉ lệ lãi suất cao ngất ngưởng.

Tín dụng đen “lộng hành” khắp nơi, thế nhưng đến nay, việc xử lý những hành vi vi phạm của các đối tượng gặp nhiều khó khăn vì chúng có nhiều thủ đoạn lách luật. Khi vụ việc xảy ra, việc phân định trách nhiệm hình sự hay dân sự cũng không phải dễ dàng.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết công việc hay ổn định cuộc sống sau mùa dịch này là điều không hiếm. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc vay tín dụng đen đã được nhiều người lựa chọn và xem đó là “cứu cánh” trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do tín dụng đen để lại là rất lớn.

Cũng theo ông Hà, với tín dụng đen, trong bộ luật hình sự vẫn quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, để phát hiện ra một đường dây tín dụng đen cũng không hề dễ vì tín dụng đen hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.

“Để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục chủ của các đường dây tín dụng đen hạn chế hoặc ngừng cung cấp dịch vụ này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay./.

Chung Thủy/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận