Ai có quyền sở hữu Diệu Nam Phật Đường?

Phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai II đang gây nhiều bức xúc.

 

Việc UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ký quyết định số 3168/QĐ-UBND, ngày 17/9/2020, phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai II đang gây nhiều bức xúc.

Chùa Diệu Nam là đất công của chùa từ năm 1960. Ảnh: T.C

Đất chùa hay đất tư?

Như Báo TNVN đã nêu trong bài viết ra trong số báo 44, ngày 29/10/2020 với tiêu đề “Chuyện uẩn khúc ở Diệu Nam Phật Đường” với nội dung phản ánh việc tranh chấp quyền thừa kế tại chùa Diệu Nam (Diệu Nam Phật Đường) tại địa chỉ số 60 phố Đại La giữa bà Phạm Thị Là, trụ trì chùa Diệu Nam và bà Lê Thị Loan cùng các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến. Vụ việc đang ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng thi công dự án đường vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng).

Theo đó, ngày 8/5/1992, TAND quận Hai Bà Trưng ra bản án sơ thẩm số 21/DSST phân chia chùa Diệu Nam. Đến ngày 7/8/1992, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS, quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu 1/2 chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia, để sử dụng chung. Ngày 16/8/1992, cụ Hương có di chúc lại phần thừa kế của mình cho đệ tử là Lê Thị Loan, lúc này đang tu hành tại chùa Diệu Nam. Ngày 20/3/1995, cụ Lương có di chúc lại phần thừa kế cho sư cụ Thích Thanh Mến (Thích Đàm Mến).

Ngày 9/11/2012, sư cụ Thích Đàm Mến và bà Lê Thị Loan đã lập di chúc với nội dung, cho ông Lê Ngọc Sơn (tức Đại đức Thích Quảng Lâm) được toàn quyền sở hữu và sử dụng đối với tài sản là 667,7m2 đất tại chùa Diệu Nam (60 phố Đại La, phường Trương Định). Đây là căn cứ để UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định 3168/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng vành đai II tại chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT về việc tranh chấp quyền thừa kế chùa tại địa chỉ 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo đó, Quyết định tái thẩm đã “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội, và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Quyết định tái thẩm đã “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội. Ảnh: T.C

Quyết định tái thẩm nêu rõ: Theo di chúc của những người đầu tiên xây dựng chùa, và theo Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định về nguồn gốc đất thì “Chùa Diệu Nam là đất công của chùa từ năm 1960”.

Cũng theo hồ sơ của Sở Tài nguyên Môi trường thì thửa đất có số 218, tờ bản đồ 5H-II-15 thuộc phường Trương Định, tại mục chủ sử dụng có ghi là Lê Thị Loan. Tại thửa đất có số 219, tờ bản đồ 5H-II-15, phường Trương Định, tại mục Chủ sử dụng có ghi là Phạm Thị Là. Đồng thời, trong Quyết định của UBND quận Hai Bà Trưng có ghi, bà Phạm Thị Là hiện tại đang trông nom, quản lý và sử dụng 1/2 dọc chùa thuộc thửa đất có số 219.

Quyết định gây bức xúc

Chùa Diệu Nam là cơ sở tôn giáo do các tu sĩ Nam tông Minh Sư đạo xây dựng năm 1930, trực thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo - Tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận theo quyết định số 196/QĐ-TGCP ngày 1/10/2008. Chùa Diệu Nam được Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo giao cho bà Phạm Thị Là làm trụ trì, quản lý tài sản, duy trì việc thờ cúng tín ngưỡng tôn giáo Minh Sư đạo tại Đạo lệnh số 31/BTS-ĐL từ ngày 28/5/2009.

Ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định 3168/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng vành đai II tại chùa cho cá nhân bà Lê Thị Loan và các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng. Hộ bà Phạm Thị Là, trụ trì chùa Diệu Nam, được hơn 26 triệu đồng tiền hỗ trợ ổn định đời sống và thuê nhà tạm cư. Quyết định trên của UBND quận Hai Bà Trưng đang gây bức xúc trong dư luận, và những người tu hành tại chùa Diệu Nam, tại sao?

Vụ việc tranh chấp tại chùa Diệu Nam đang ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng thi công dự án đường vành đai II. Ảnh: T.C

Điều 159 Luật Đất đai quy định rõ, việc giao đất cho cơ sở tôn giáo phải thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của cơ quan chức năng của địa phương.

Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo nêu rõ:

1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

Dù là trụ trì chính thức và là đại diện hợp pháp của chùa Diệu Nam, nhưng bà Phạm Thị Là lại không phải là người có tên trong quyết định chi trả tiền bồi thường khi ngôi chùa này bị thu hồi để thực hiện dự án đường vành đai II.

Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì thửa đất chùa Diệu Nam đã được xác định là đất công. Tuy nhiên, Tòa đã không xem xét vấn đề này nên xác định chùa thuộc quyền sở hữu tư nhân và chia thừa kế.

Hiện nay UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo BQL dự án đầu tư xây dựng quận tạm dừng việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại chùa Diệu Nam; chuyển toàn bộ số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước.

Trước sự việc Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định tái thẩm, hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, UBND quận Hai Bà Trưng cần phải thu hồi ngay Quyết định 3168/QĐ-UBND, chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa.

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vụ việc./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận