Nơi đầy ắp tiếng cười con trẻ
Đến thành phố Đà Nẵng, hỏi về Trung tâm Từ thiện, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố chắc hẳn người dân địa phương ai cũng biết. Trung tâm nằm ở đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây lúc nào cũng đầy ắp tình yêu thương và tiếng cười con trẻ.
Em Trần Thành Nghĩa ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, 10 tuổi đã sớm chịu cảnh mất mẹ. Nỗi đau mất mẹ là quá lớn, giờ lại thêm anh trai bị ung thư máu. Nghĩa kể, mỗi tuần một lần cha phải đưa anh ra Đà Nẵng để lọc máu. Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ khi cha chỉ làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Một mình cha làm không đủ để nuôi hai anh em. Ngày được đưa tới Trung tâm từ thiện thành phố Đà Nẵng, Nghĩa khóc rất nhiều vì nhớ gia đình. Nhưng nhờ được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo cùng điều kiện học tập đầy đủ, Nghĩa dần vơi nỗi nhớ nhà và rồi yêu thích “mái nhà” thứ 2 của mình từ bao giờ không hay. “Con vào Trung tâm này được một năm rồi. Con được học và chơi với các bạn rất vui. Các bảo mẫu và cô chú ở đây chăm sóc con rất chu đáo”, Thành Nghĩa tâm sự.
Khác với Nghĩa, cô bé Nguyễn N., 15 tuổi ở thành phố Đà Nẵng không có cha, mẹ bỏ đi khi em mới 3 tuổi và làm nghề phi pháp. N. được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục như vậy nên em rất ngang ngược. Gương mặt xinh xắn, dễ thương nhưng tính cách của em lại rất khó bảo, không chịu nghe lời. Tuổi thơ của N. chỉ là những ngày lang thang, bỏ học, không được sự bảo vệ yêu thương của mẹ, cha. Được tin báo từ người dân địa phương, lãnh đạo Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Từ thiện đã đến xác minh hoàn cảnh, đón N. về nuôi dưỡng. Nguyễn N. chia sẻ: “Sống trong Trung tâm từ thiện, con thấy vui vì có nhiều anh chị, bạn bè bên cạnh. Ở trong này con được đi học, được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc, bảo vệ yêu thương. Ước mơ của con là làm người mẫu ảnh. Sau này kiếm được nhiều tiền con sẽ trả ơn cho tổ chức đã giúp con”.
Không chỉ riêng Nghĩa và cô bé Nguyễn N, Trung tâm còn đang nuôi dưỡng nhiều trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Em N.T.H quê xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là một trong những trường hợp như thế. H. kể lại những năm tháng tuổi thơ vất vả của mình: “Ba bỏ nhà đi, mẹ lại bị tàn tật. Gia đình chủ yếu sống nhờ vào từng lon gạo, bát cơm của hàng xóm. Hằng ngày, mẹ lăn xe đi bán vé số kiếm tiền nuôi 4 đứa con nhỏ. Mâm cơm gia đình bữa nào cũng chỉ có rau luộc cùng bát nước mắm và vài quả trứng luộc. Nhìn mẹ, nhìn các em, nước mắt em tuôn trào, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu… Từ ngày vào Trung tâm Từ thiện Đà Nẵng, em được sống với các cô, chú, được yêu thương và đi học. Nhờ đó, em đã thi đỗ đại học là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Các thành viên trong Trung tâm đều hòa thuận, yêu thương nhau như anh em ruột thịt”.
Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng gần 100 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng đều được Trung tâm Từ thiện giang rộng vòng tay đón nhận, nuôi dưỡng. Hầu hết các em quê ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, còn nhiều em ở các tỉnh khác như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk. Vào đây, các em được đi học ở các trường công lập. Ngoài giờ học ở trường, các em còn được học thêm 4 môn (Toán, Lý, Hóa, Tin học) ngay tại trung tâm, do Ban Giám đốc Trung tâm hợp đồng giáo viên đến giảng dạy.
Trẻ trưởng thành là món quà quý hơn tiền bạc
Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm Từ thiện, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cho biết, hằng năm, Trung tâm Từ thiện đều nhận khoảng 25 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng. Lúc mới vào đây, các em rất còi do ăn uống thất thường. Mỗi em một tính nết nên các bảo mẫu phải dạy dỗ các em từng chút một, từ cách nói năng, sinh hoạt đến giúp đỡ nhau trong học tập, giờ nhiều cháu đã khôn lớn, trưởng thành. “Các em vào đây đa phần mồ côi cha, mồ côi mẹ, thậm chí mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn. Có những em ở đây đã 10 năm. Ban giám đốc cũng như cán bộ nhân viên ở đây đều mong muốn cho trẻ được học hành, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc”, ông Đặng Hữu Bảo cho biết và bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều nhà hảo tâm đồng hành để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh.
Ngoài học tập, các em còn được hướng dẫn các kỹ năng sống và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Trung tâm tổ chức dạy bơi, đánh bóng rổ và nhiều hoạt động giải trí nhằm nâng cao sức khỏe, tạo niềm tin, phấn khởi bước vào năm học mới. Qua mỗi năm học, sức khỏe và học lực của từng em đều chuyển biến tốt, trong đó, nhiều em tiến bộ vượt bậc. Từ các mái ấm này, nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hoặc hoàn thành chương trình đào tạo nghề.
“Khi thấy mỗi đứa trẻ trưởng thành, rời Trung tâm ra xã hội, trở thành người có ích thì với Trung tâm đó là món quà còn quý hơn tiền bạc” - Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm từ thiện, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng.
|
Giữa bộn bề công việc mưu sinh, các em vẫn luôn hướng về Trung tâm với lòng biết ơn sâu sắc. Anh Lê Ngọc Quý, hiện làm việc tại một khách sạn ở thành phố Đà Nẵng từng được Trung tâm Từ thiện Đà Nẵng nuôi dưỡng trong 4 năm, nay Quý đã có cuộc sống ổn định. Hay như em Đào Quốc Thánh được Trung tâm Từ thiện Đà Nẵng đón về nuôi từ khi mới học hết phổ thông, bây giờ đã tốt nghiệp đại học và trở về làm giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa của Trung tâm.
Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ trẻ em thành phố Đà Nẵng, cuộc sống của các em nhỏ tại Trung tâm đã thực sự đổi thay khi có bàn tay chăm sóc của cán bộ Trung tâm. Từ năm 2012 đến nay, Hội được Tổ chức “Trả lại Tuổi Thơ” Hoa Kỳ tài trợ kinh phí dài hạn, mỗi năm 4 tỷ đồng cho dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đà Nẵng”. Dự án đặt mục tiêu tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên 40 em từ 4 đến 18 tuổi là đối tượng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về tất cả các mặt dinh dưỡng, y tế, giáo dục, đạo đức lối sống cho trẻ.
“Hội luôn sẵn sàng đón nhận những hoàn cảnh thương tâm, nuôi các em ăn học đến khi tốt nghiệp đại học ra trường, tư vấn việc làm nếu cháu đó tự nguyện và làm đơn có chính quyền địa phương xác nhận”, bà Lê Thị Tám cho biết./.
Những năm qua, hành trình nhân ái của Hội gắn liền với sự đồng hành của Tổ chức “Trả lại Tuổi Thơ”. Tổ chức này đã tài trợ kinh phí nuôi các em học văn hóa, học nghề cùng với nhiều hoạt động văn thể mỹ.
|