Những cô cậu bé nghèo khó, nhút nhát, thậm chí không biết chữ đã trở nên lễ phép hơn, ý thức hơn và học tập tốt hơn nhờ có những “ông bố” mang quân hàm xanh ở vùng biên tỉnh Lạng Sơn. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, họ còn là những người cha, người anh nâng bước các em nhỏ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tới trường.
5 giờ sáng, tiếng loa báo thức của Đồn Biên phòng Pò Mã, Bộ đội biên phòng Lạng Sơn vang lên. Ở vùng núi cao, mùa đông mây mù bao phủ, sương xuống lạnh tê người nhưng không vì thế mà Lý Anh Kiệt (7 tuổi) và Nông Việt Hùng (9 tuổi) trì hoãn giờ thức dậy. Sáng tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, quét dọn phòng ở và tới trường, chiều về hai cậu bé “con nuôi đồn biên phòng” này lại cùng các chiến sĩ chơi thể thao, tăng gia sản xuất… thực hiện theo 11 chế độ trong ngày như những quân nhân thực thụ.
Binh nhất Dương Tuấn Hà kể: Để hai cậu bé Kiệt và Hùng quen được với nếp sống và sinh hoạt trong môi trường quân đội, những cán bộ chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Pò Mã đã phải uốn nắn từng li từng tí rất vất vả, nhất là những ngày đầu.
“Ngày đầu tiên các cháu đến vẫn còn e dè, vẫn còn khóc nói nhớ ông nhớ bà. Tôi đã ân cần chỉ bảo các cháu rằng bây giờ lên trên này sống với các chú, các bác sẽ có điều kiện để học tập, có kiến thức hơn, tốt hơn và cũng có sự yêu thương đùm bọc hơn. Chúng tôi coi các cháu như con em trong nhà, dần dần các cháu cũng quý mến và coi các chú, các bác chỉ huy đồn như những người trong cùng một gia đình”, anh Dương Tuấn Hà chia sẻ.
Nông Việt Hùng, học sinh lớp 4A1 và Lý Anh Kiệt học sinh lớp 2A2 Trường Tiểu học Khánh Hòa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ bỏ đi lấy chồng, bố vướng vào tệ nạn xã hội. Hùng và Kiệt đều sống với ông bà đã già yếu. Cuối năm 2019 Đồn Biên phòng Pò Mã đã nhận đỡ đầu mang về đơn vị nuôi, phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ đưa, đón các cháu đi học. Nhà ở cho “con nuôi biên phòng” được đơn vị bố trí khang trang tách biệt nơi sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, có đầy đủ thiết bị học tập và được cán bộ quân y chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Ông Nông Văn Sĩn, ông nội của em Nông Việt Hùng xúc động nói: “Từ một đứa trẻ ở nhà không biết gì nhiều, nhưng khi ở Đồn Pò Mã học hỏi, cháu Hùng biết thêm nhiều điều. Các chiến sĩ cũng gửi lời với gia đình khi gửi con cháu ở đây rằng ông bà không phải lo gì nữa, bây giờ lên đây các chú chăm sóc cho học hết lớp 9, cứ 1 đến 2 tháng lại cho Hùng về thăm nhà. Tôi rất mừng và cảm động giờ cháu tôi là con của biên phòng rồi”.
Thượng tá Đào Văn Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã kể: Trường hợp em Lý Anh Kiệt khi được nhận về nuôi không biết chữ, không theo kịp các bạn trong lớp. Thượng tá Trường phải trực tiếp yêu cầu cháu rèn luyện thường xuyên bằng cách tập đọc hết các khẩu hiệu treo trong khuôn viên đơn vị. Đến nay, Kiệt và Hùng đều đã có sự thay đổi rất tích cực trong học tập và là tấm gương của các bạn trong lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Mị, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hòa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Về nề nếp, giờ giấc các em thực hiện rất nghiêm túc, khi đến lớp các em cũng có ý thức tự giác rất cao. Nhà trường đánh giá đây là sự nỗ lực của các đồng chí chiến sĩ, tận tâm, tâm huyết, không quản ngại khó khăn vẫn đưa các em đến trường buổi chiều để học lớp tăng cường nếu các em chưa đạt kiến thức buổi sáng. Có khi nhiều gia đình cũng chưa có sự quan tâm con em được đầy đủ như các cán bộ chiến sĩ biên phòng ở đây”.
Tại Đồn Biên phòng Pò Mã, có cán bộ chiến sĩ đã có vợ con, có người thì chưa lập gia đình nhưng phần lớn đều phải công tác xa nhà, về với xã Quốc Khánh cắm bản rất nhiều năm nay. Nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của Hùng và Kiệt cuộc sống sinh hoạt trong đơn vị như ấm áp và rộn ràng hơn bởi tiếng cười đùa, tiếng ê a học bài của hai đứa trẻ.
Thượng tá Đào Văn Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã cho hay: “Từ đồng chí Chỉ huy Đồn đến các đồng chí chiến sĩ rất hồ hởi vì có tiếng nói của trẻ con. Có những tiếng cười trẻ con, tiếng khóc trẻ con sẽ làm vơi đi nỗi nhớ con cái, nỗi nhớ gia đình cho các cán bộ chiến sĩ. Ngay từ những ngày đầu các anh đã thay nhau bắt các cháu gọi là bố nuôi, bố Hùng, bố Trường, bố Hữu… Các cán bộ chiến sĩ đều rất phấn khởi”.
Những “ông bố” đặc biệt quân hàm xanh đã chiếm trọn tình cảm của hai cậu bé. Nông Việt Hùng nói: “Ở Đồn có bố Huy, bố Hùng, bố Thu, bố Nam, bố Tiệp, ông Thái, ông Trường, ông Thường… Con quý ông Trường vì ông thường dẫn con đi ăn bánh mì, ăn xúc xích. Con thích ở Đồn Biên phòng lắm vì ở đó con có em Kiệt và có các ông các chú chăm sóc, yêu thương”.
Có lẽ chẳng ở đâu mà một đứa trẻ lại thuộc lòng tên nhiều “ông bố” đến như vậy. Để không phụ lòng chăm sóc nuôi dưỡng của các chú, các bố, các ông ở Đồn Biên phòng Pò Mã, Hùng và Kiệt đang hàng ngày cố gắng trở thành “chiến sĩ nhí” chăm chỉ rèn luyện và phấn đấu học tập thật tốt. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chương trình "nâng bước em tới trường", các đồn biên phòng trong cả nước mỗi năm giúp đỡ gần 3.000 cháu. Riêng năm 2019, 355 cháu là học sinh dân tộc thiểu số được nuôi dạy ngay tại đồn.
Mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, lan tỏa yêu thương, viết tiếp giấc mơ đi học cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, biên giới./.
Mai Linh/VOV-Đông Bắc