Trong bối cảnh việc học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số thường đứt quãng do điều kiện kinh tế khó khăn, mô hình "con nuôi biên phòng" được triển khai đã góp phần đáng kể vào việc duy trì tỷ lệ chuyên cần ở nhiều trường học; chất lượng giáo dục ở vùng biên giới cũng từ đó được nâng lên.
Hình ảnh người lính biên phòng cùng 3 em học sinh dân tộc thiểu số nhanh bước đến trường trên còn đường mòn vào mỗi buổi sáng, nhiều năm qua đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương trên miền biên viễn Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu). Đây cũng chính là nơi xuất phát của mô hình "con nuôi biên phòng" trong Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam, nhằm nâng bước cho học sinh vùng cao, vùng biên giới, vùng khó khăn đến trường.
Ba học sinh là các em Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh, dân tộc Hà Nhì và em Vàng Lò Hừ, dân tộc La Hủ. Cả 3 em đều là con nuôi Đồn biên phòng Thu Lũm từ nhiều năm nay. Các em đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi bố mẹ mất sớm, không nơi nương tựa, hoặc gia đình đông anh em. Nếu như không có mô hình "con nuôi biên phòng", thì có lẽ các em sẽ phải ở nhà làm nương, làm rẫy, không có cơ hội được học hành, vui chơi với các bạn như bây giờ.
Em Chang Mò Hừ, học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm chia sẻ: “Gia đình cháu nghèo và đông anh em, được các chú bộ đội nhận nuôi và được đi học cháu rất vui. Ước mơ sau này của cháu được trở thành các chú bộ đội và được giúp đỡ mọi người”.
Còn em Mạ Đức Mạnh, học sinh lớp 9B cho biết: “Ở đây cháu học được từ các chú bộ đội nhiều thứ như, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ và cẩn thận. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người giống như mấy chú bộ đội”.
Đóng quân và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu ở vùng biên giới huyện Mường Tè, dẫu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng từ năm 2008 đến nay, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã tổ chức đón nhận, nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học cho 6 cháu tại đơn vị. Việc làm ý nghĩa ấy không chỉ góp phần san sẻ gánh nặng về kinh tế với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ ở vùng gian khó này, mà còn giúp các nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục hàng năm.
Thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm cho biết: “Mô hình con nuôi biên phòng có ý nghĩa rất thiết thực đã nâng bước, tạo động lực, tiếp sức cho các em đến trường, không còn nghỉ học giữa chừng như những năm trước nữa. Từ đó đã giúp cho nhà trường nâng cao được số lượng học sinh đến trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần cũng như chất lượng học sinh”.
Sống trong môi trường quân đội, các em đã học được nhiều điều từ các chú bộ đội, từ việc sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng, đến tự tin trong giao tiếp, ăn nói lễ phép, hòa nhã với mọi người xung quanh.
Ngoài việc chăm sóc các em ăn ở, sinh hoạt ở đơn vị, như một phụ huynh thực thụ, cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm cũng thường xuyên trao đổi thông tin với nhà trường về kết quả học tập, tình hình mọi mặt của các cháu để có những biện pháp kèm cặp, giúp các cháu tiến bộ. Qua đó, thông tin với gia đình để gia đình yên tâm về con em mình.
Đại úy Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết: “Từ năm 2008 các cấp ủy, Ban chỉ huy đồn đã nhận 2 cháu người dân tộc Hà Nhì về nuôi ăn, ở tại đồn; giúp các cháu trong quá trình học tập, cũng như dạy các cháu kỹ năng sống, chăn nuôi sản xuất. Khi được về đồn học tập, qua thời gian các cháu đã có ý thức cao trong học tập và tự chăm sóc được bản thân”.
Từ những hiệu quả bước đầu, mô hình “con nuôi biên phòng” sau đó đã được nhân rộng ra tại các đồn biên phòng ở tỉnh Lai Châu và hiện nay đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước. Riêng tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện có gần 20 học sinh đang được các đồn biên phòng nhận nuôi; các em đang thực sự trở thành những "hạt giống đỏ" để ngày mai mang tri thức đến xây dựng bản làng, quê hương mình phát triển giàu mạnh hơn.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: “Chương trình nuôi dạy con em đồng bào của các đồn biên phòng rất có ý nghĩa, đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho không chỉ đối với học sinh, các đơn vị trường mà đặc biệt là ngành giáo dục trên địa bàn, góp phần chia sẻ khó khăn, vất vả với ngành. Chất lượng học của các em sau khi được nuôi dạy nâng lên rất nhiều, đặc biệt là tỷ lệ chuyên cần và công tác nuôi dưỡng”.
Thống kê trong toàn tỉnh Lai Châu, hiện các đơn vị và đồn thuộc lực lượng biên phòng tỉnh đang nhận nuôi gần 60 cháu học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây thực sự là việc làm ý nghĩa, giúp con em các dân tộc có điều kiện tốt hơn để vững bước trên con đường học tập, hướng đến một tương lai tươi sáng./.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc