Sự nghiệp gieo con chữ tại vùng núi cao này vốn khó khăn giờ lại càng khó khăn. Thế nhưng các thầy, cô nơi đây không chùn bước.
“Làm con của cô nhé!”
Trận sạt lở đất kinh hoàng chiều ngày 28/10 tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khiến nhiều người chết, đã biến nữ sinh Hồ Thị Sơ - người dân tộc Giẻ Triêng, học sinh lớp 11/2, trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn - thành trẻ mồ côi mẹ. Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, 4 anh chị của Sơ đã lập gia đình, nhà chỉ còn mình em với bố, mẹ. Sơ bảo, học sinh trường nội trú mỗi tháng chỉ được về nhà một lần nhưng tháng trước bão số 9 mưa lớn nên thầy cô không cho về để đảm bảo an toàn. Vậy là em không được nhìn thấy mẹ thân yêu của mình thêm một lần nào nữa. Đêm biết tin mẹ mất, nước mắt em hòa cùng tiếng mưa.
Bần thần nhớ lại chuyện cũ, Sơ cho biết mình đã không thể chợp mắt suốt 2 đêm liền. Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly, giáo viên chủ nhiệm của Sơ phải túc trực bên em. Cô đưa Sơ về nhà mình ngủ để em có hơi ấm gia đình. Giờ Sơ lên lớp, cô Ly theo sau động viên. Sơ nói, quãng thời gian này em được các cô giáo động viên, chăm sóc đã giúp em vơi đi phần nào nỗi nhớ mẹ, an tâm ở lại trường học tập. Đưa tay lau dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt non nớt còn lộ vẻ hoảng sợ, Sơ nói: “Em ít đi ăn, đi học cũng không chép bài nữa, chỉ toàn các bạn chép bài giùm, em chỉ khóc thôi. Mỗi lần các bạn nhắc tới, em lại nghĩ mấy bạn có mẹ, còn em không còn mẹ nữa nên em khóc. Nhưng thời gian qua có nhiều đoàn từ thiện lên đây giúp đỡ, trao quà cho em. Cô Ly và cô Thứ hiệu trưởng của trường thường xuyên an ủi, động viên nên em cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ mẹ”.
Trận sạt lở đất ấy cũng cướp đi người thân của em Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10/2, Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn. Trong những ngày đau thương ấy, cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng nhà trường đã ôm các em vào lòng như người mẹ truyền hơi ấm cho các con. Đôi mắt đỏ hoe, cô nói với học trò: “Hãy mạnh mẽ lên để vượt qua nỗi đau, trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng người đã khuất. Các em hãy nhận cô làm mẹ nhé!". Câu nói của cô Thứ đã khiến 2 trò nhỏ bật khóc.
Cô Thứ cho biết, trong thời gian tới, thầy cô sẽ cố gắng hết sức để lo cho các em tiếp tục ăn học và nuôi dạy các em như con cái của mình.
Vượt mọi khó khăn để giữ học trò
Con đường từ trung tâm huyện Phước Sơn dẫn vào xã Phước Kim những ngày này dù đã thông đường nhưng vẫn còn khó đi. Sau nhiều đợt mưa liên tiếp, ngọn núi bao quanh đường với hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống chắn ngang, nền đường bị thay thế bằng bùn đất nhão, nhiều hố nước sâu hoắm. Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim là một trong ba điểm trường bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9 vừa qua tại huyện Phước Sơn. Nước lũ cuốn trôi nhà ăn bán trú, bàn ghế, giường ngủ cùng toàn bộ sách, vở và quần áo của học sinh trong trường. Bờ đất phía sau phòng ăn trượt xuống vực, thủng nhiều chỗ ngay sát mép bờ sông, sẵn sàng “nuốt” ngôi trường trong tích tắc. Cô Đoàn Thị Oanh, giáo viên dạy tiểu học Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim cho biết, hiện nay nhà trường phải mua 5 tấm bạt che tạm trước hiên phòng ở cho các em sinh hoạt tạm. Thầy cô phải đi xin từng bộ áo quần, từng quyển sách cho các em học. Đã 2 tuần nay, 26 cán bộ, giáo viên trong trường phải thay cha, mẹ vừa dạy học vừa nuôi hơn 200 em học sinh vì các em không thể về nhà, một phần do nhiều nhà của học sinh bị trôi và phần lớn do chiếc cầu qua sông tới trường đã bị nước lũ cuốn đi. Khó khăn chồng chất, thế nhưng tất cả giáo viên vẫn cố gắng hết sức để lo cho các em tiếp tục ăn học.
“Chưa bao giờ ngành giáo dục tỉnh nhà lại chịu nhiều tổn thất và đau thương đến vậy. Giải pháp trước mắt không chỉ là hỗ trợ, mà phải tính toán lâu dài khi các em không còn cha mẹ, nhà cửa”.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam.
|
Mưa vùng cao dai dẳng, núi thì vẫn chực chờ ập xuống. Vậy nhưng từ khi bão đi qua, những giáo viên ở Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim đã vội vã đến trường. Thầy Trần Văn Thắng, quyền hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều giáo viên có con nhỏ nhưng mỗi ngày đều đặn vượt hơn 20km đến trường. Đường đèo dốc, vách núi dựng trên đỉnh đầu, đầy vết sạt lở. Biết là nguy hiểm nhưng họ phải đến trường giữ học trò. “Nhìn cảnh trường sau bão, chúng tôi đã nghĩ rất lâu nữa học sinh mới có thể quay trở lại trường học, nhưng nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của các thầy cô, có những thầy cô quên ăn để làm cho xong việc nên học sinh đã được đến trường sớm. Cuộc sống sau thiên tai, lũ dữ dẫu khó khăn, thiếu thốn, song nhiều thầy cô giáo vẫn miệt mài bên trang giáo án. Sự đoàn kết và cống hiến của các thầy cô khiến tôi cảm động không nói thành lời”, thầy Thắng tâm sự.
“Mất mát lớn nhất chính là nhiều em học sinh mất bố, mất mẹ trong mùa mưa bão vừa rồi. Bây giờ cách khắc phục đón các em học sinh trở lại trường theo tinh thần 4 tại chỗ. Các trường vận động phụ huynh, các đơn vị bộ đội để tăng cường nhân công nhanh chóng khắc phục hậu quả. Tạm thời lấy nguồn kinh phí của nhà trường để mua tôn, ngói và các vật dụng khác” - ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết.
Huyện Phước Sơn những ngày này thời tiết nắng ráo, các thầy cô nơi đây đang cố gắng vượt mọi khó khăn để dạy chữ cho học trò. Thế nhưng, việc học tạm thế này cũng rất khó để các em theo kịp chương trình, trong khi vẫn còn hàng trăm học sinh 2 xã Phước Thành và Phước Lộc vẫn chưa thể đến trường. Các em còn nhỏ, “ăn chưa no, lo chưa tới”, nơi ở của cả gia đình chưa ổn định, trường lớp còn tan hoang sau cơn lũ dữ thì ước mơ theo học con chữ của các em học sinh vùng cao Phước Sơn còn rất chông chênh./.
* Học sinh vùng sạt lở Phước Sơn trở lại lớp sau gần một tháng nghỉ học
Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, học sinh vùng sạt lở núi ở các xã Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã trở lại trường học tập sau gần 1 tháng nghỉ học.
Con đường từ xã Phước Thành vào Phước Lộc dài hơn 10km, tuy đã thông tuyến tạm thời nhưng việc đi lại và vận chuyển lương thực rất khó khăn. Đường vừa thông, các thầy cô giáo miền xuôi tranh thủ trở lại xã Phước Lộc, khẩn trương vệ sinh trường lớp, ổn định chỗ ở bán trú cho các em. Tiếp đó là đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đến nay trường học ở các xã Phước Thành, Phước Lộc đã đón các em trở lại lớp nhưng vẫn bộn bề khó khăn. Sau sạt lở hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt hư hỏng, điện chưa cấp trở lại nên là phải dùng máy nổ phát điện. Đối với những trường bị hư hỏng cơ sở vật chất, trôi giường của học sinh bán trú, các trường chủ động mua chiếu trải cho các em nằm tạm chờ Phòng GD-ĐT huyện chuyển lên sau. Hiện nay, Phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn yêu cầu các trường tổ chức dạy bù để các em bắt kịp chương trình học.