Thầy giáo trẻ được Giải thưởng Công chúa Thái Lan

Trong thời gian qua thầy giáo Lê Thanh Liêm đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt công tác giảng dạy.

 

Nhắc đến thầy giáo Lê Thanh Liêm - Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam ở huyện Châu Thành A thì phần lớn cán bộ quản lý giáo dục cho đến thầy cô giáo trong tỉnh Hậu Giang đều biết. Trong thời gian qua thầy giáo trẻ này đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt công tác giảng dạy.

Với tấm lòng tận tâm, tận lực với học trò, thầy đã được trao tặng Giải thưởng Công chúa Thái Lan.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam. Cách đây hơn nửa tháng, trong buổi họp mặt Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã trao tặng Bằng khen đột xuất cho thầy giáo trẻ Lê Thanh Liêm về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu sáng tạo đồ dùng dạy học, đặc biệt là vừa qua, thầy xuất sắc đạt giải “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020, với công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý”. Đây là 1 trong 3 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của năm 2020 được trao giải thưởng 100 triệu đồng.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm chia sẻ: “Trong quá trình dạy học có rất nhiều chủ đề khiến mình cần có những đồ dùng dạy học phù hợp hơn. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển, cộng thêm sự ra đời của cách mạng 4.0, vì vậy chúng ta phải không ngừng cải tiến bộ đồ dùng giảng dạy. Chúng tôi luôn tìm hiểu, cải tiến đổi mới để có những bộ thiết bị phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục”.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm đang hướng dẫn các em học sinh phương pháp nghiên cứu, sáng tạo các thiết bị, đồ dùng dạy học.Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam được thành lập vào năm 2011. Thời điểm đó thầy giáo Lê Thanh Liêm cũng về giảng dạy môn Vật lý và Công nghệ tại trường. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy học sinh của trường phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, trong khi đó thiết bị, đồ dùng dạy học của trường còn nhiều hạn chế. Để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, trong 9 năm ròng, bên cạnh việc giảng dạy, thời gian còn lại thầy Liêm dành để nghiên cứu các thiết bị, đồ dùng dạy học.

Tính đến thời điểm này, thầy giáo Lê Thanh Liêm đã cho ra đời hơn 10 mô hình phục vụ tốt công tác giảng dạy. Các thiết bị đồ dùng dạy học của thầy Liêm khi tham dự các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, khu vực và quốc gia đều đạt giải cao. Đặc biệt, thầy đã và đang phát triển mô hình “Câu lạc bộ Khoa học - Kỹ thuật” nhằm kết nối các học sinh giữa các dân tộc đang theo học tại trường cũng như trong huyện và tỉnh Hậu Giang để truyền cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm nhận Giải thưởng từ công chúa Thái Lan.

Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam cho biết: “Để chúng em có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả thì thầy Liêm đã chế tạo ra các dụng cụ dạy học ứng dụng vi điều khiển và các dụng cụ này hiện tại đang được ứng dụng tại nhà trường. Sau khi được trải nghiệm học tập với các dụng cụ này, em nhận thấy nó giúp cho tiết học của chúng em trở nên sinh động và thú vị hơn. Với cách dạy học trực quan này đã giúp chúng em có thể nhớ nhanh, nhớ lâu và nhớ rất kỹ về nội dung của mình”.

Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, năm 2019 thầy Lê Thanh Liêm đã được nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri. Đây là một giải thưởng quốc tế được thành lập từ năm 2015. Từ đó giải được tổ chức 2 năm một lần do Hội đồng Giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan và Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành tặng cho giáo viên hoặc nhà quản lý giáo dục của các nước Đông Nam Á.

Để được nhận Giải thưởng của Công chúa Thái Lan, người được chọn ít nhất phải hội đủ các tiêu chí sau: là giáo viên hoặc cán bộ quản lý giáo dục tận tâm, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương; xứng đáng được quốc tế công nhận là tấm gương sáng, có ảnh hưởng đến cộng đồng, tích cực thúc đẩy phát triển giáo dục, sự nghiệp trồng người và hội nhập quốc tế của địa phương; đang trực tiếp giảng dạy hoặc quản lý ở các trường học.

Tính đến nay, Việt Nam có 3 giáo viên được vinh dự nhận giải thưởng này. Cụ thể, vào năm 2015 là cô giáo Trần Thị Thùy Dung thuộc Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, tỉnh Lào Cai; Năm 2017 là cô giáo Phan Thị Nữ thuộc Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng và trong năm ngoái là thầy giáo Lê Thanh Liêm thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh  trao tặng Bằng khen đột xuất cho thầy giáo trẻ Lê Thanh Liêm.

Theo thầy Lư Xuân Hoan - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, những giải thưởng mà thầy Lê Thanh Liêm nhận được trong thời gian qua không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân mà còn là niềm tự hào của nhà trường, của ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang.

“Trường đã gặt hái được rất nhiều thành tích. Hiện nay là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước. Những thành tích đó có sự đóng góp rất đáng kể của thầy Lê Thanh Liêm từ năm 2011 cho đến nay. Thầy là một giáo viên mẫu mực, được học sinh yêu quý và noi theo”, Hiệu trưởng Lư Xuân Hoan nhận xét.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội. Thầy Liêm tâm sự: "Những thành tích, giải thưởng trong thời gian qua sẽ là động lực để mình đồng hành với học trò tiếp tục nghiên cứu cho ra đời nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học hiệu quả, thiết thực hơn, đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục trong thời gian tới"./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

 

Bình luận

    Chưa có bình luận