Người 'mắc nợ' cải lương

'Chỉ cần đưa được nghệ thuật cải lương đến gần khán giả thì khó mấy tôi cũng chẳng nề hà'.

 

“Chỉ cần đưa được nghệ thuật cải lương đến gần khán giả thì khó mấy tôi cũng chẳng nề hà”. NSƯT Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu nhỏ Sen Việt, TP.HCM đã chọn con đường phát triển cải lương thử nghiệm với hành trang chính là tâm huyết ấy.

Lạ đời, sân khấu nhỏ

NSƯT Lê Nguyên Đạt vừa khai trương một sân khấu cải lương nhỏ mang tên Sen Việt, điều mà chẳng ai dám liều lĩnh áp dụng cho bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự hoành tráng này.

Sân khấu của anh khiêm tốn lắm, cao nhất chừng 100 ghế, mọi thứ gói ghém ấm cúng trong khuôn viên rộng 150m2. Phần sân khấu chính để nghệ sĩ đứng biểu diễn nói ra chẳng ai tin - chỉ vỏn vẹn 25m2. Vậy mà khi ánh đèn sân khấu bật lên hòa vào giai điệu cuốn hút của vở diễn mở màn mang tên “Truyền tích Cổ Loa xưa”, người xem như quên mất đường về. Khán giả bị hấp dẫn bởi lời ca, cốt truyện, cách dẫn dắt của “ông đạo diễn” đến thứ âm nhạc mới mẻ quyện chặt với những điều đã thành hồn cốt của cải lương. Trên sân khấu ấy có lúc gần 30 nghệ sĩ, diễn viên cùng góp mặt nhưng không hề lúng túng bởi không gian hẹp mà rất uyển chuyển, ăn ý. Phía dưới, khán giả lặng im thưởng thức từ đầu đến cuối vở diễn, nhiều người đưa tay lau nước mắt khi đến đoạn bi ai. Vở diễn khép lại đã mười phút nhưng dường như không ai muốn rời ghế. Họ ngồi đó, mắt vẫn nhìn lên sân khấu với nhiều lớp màn nhung đỏ thắm trong ánh đèn vàng dịu, tiếng vỗ tay không dứt.

NSƯT Lê Nguyên Đạt ấp ủ nhiều kế hoạch thử nghiệm cải lương cùng nghệ sĩ trẻ trong thời gian tới.

Vở diễn thời lượng hơn 120 phút có lẽ chưa đủ làm vơi đi nỗi nhớ cải lương của nhiều khán giả ở TP.HCM. Cũng đúng thôi bởi nhiều người thành phố lâu lắm rồi không quay lại rạp nghe cải lương. Họ bận rộn với cuộc sống mưu sinh, bận rộn với ti vi và rất nhiều chương trình giải trí từ kênh này sang kênh khác. Rồi khi được quay lại không gian ký ức với vài biến tấu độc đáo, họ bất ngờ, vui sướng.

Đứng sau cánh gà chỉ đạo, áo đẫm mồ hôi, NSƯT Lê Nguyên Đạt nở nụ cười mãn nguyện khi vở diễn khai trương được bà con chào đón. “Vậy là mọi người đâu lãng quên cải lương, họ vẫn tới sân khấu dù trời mưa. Điều này khiến anh em làm sân khấu chúng tôi hạnh phúc lắm. Sẽ có thật nhiều vở cải lương thử nghiệm nữa được chúng tôi chuẩn bị chu đáo và trình diễn ở sân khấu nhỏ này định kỳ mỗi tối thứ Bảy. Lúc tôi nói ra ấp ủ này, nhiều người can lắm, kêu thôi đừng làm. Nhưng tôi đã quyết tâm và đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Làm để người dân có nơi xem cải lương mỗi cuối tuần, làm để nghệ sĩ trẻ có đất diễn mà bám trụ với nghề, làm để giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Khó mấy cũng phải làm”, NSƯT Lê Nguyên Đạt trải lòng.

NSƯT Lê Nguyên Đạt đặt nhiều kỳ vọng vào lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa.

Chọn gắn bó với cải lương giữa cuộc cạnh tranh “không cân sức” với đủ loại hình nghệ thuật, giải trí trong thời hiện đại tự thân đã là một thử thách quá lớn. Vậy mà NSƯT Lê Nguyên Đạt còn tạo cho mình đường đi hẹp và nhiều chông gai hơn: Chọn con đường thử nghiệm, chọn cách làm mới cải lương với góc nhìn của người hiện đại. 3 năm nay, NSƯT Lê Nguyên Đạt nhiều lần đặt bản thân vào thế khó, từ viết kịch bản đến chuẩn bị cảnh trí. Vở cải lương thử nghiệm đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo cao vì phải tiết giảm mọi thứ tới mức tối đa nhưng vẫn đảm bảo cái hay của cốt truyện và không cho sự biến tấu đi quá xa.

Ngày nghe nhiều người nói mình “không bình thường” bởi cải lương mà không đào, chỉ 2, 3, thậm chí 1 diễn viên trên sân khấu thì làm được gì, anh mặc kệ vì tin rồi đến lúc mọi người sẽ hiểu. Quả ngọt cũng kết sau nhiều nỗ lực miệt mài khi vở diễn “Nhật thực” của đạo diễn Lê Nguyên Đạt được đánh giá rất cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019. Vở “Đối thoại Lý Chiêu Hoàng” cũng gây được tiếng vang khi mở ra góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa. Mới đây, vở “Truyền tích Cổ Loa xưa” cũng đoạt Huy chương Bạc cùng 4 huy chương cá nhân cho các nghệ sĩ xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020. NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết, từ nay đến cuối năm, anh sẽ thử nghiệm sân khấu của mình hết công suất với khoảng 10 vở diễn từ các nghệ sĩ tên tuổi đến các cây bút, nhà dàn dựng mới. Và trong tương lai gần, đây còn là sân khấu trải nghiệm của nhiều sinh viên ngành sân khấu yêu thích bộ môn cải lương.

Mong mỏi thế hệ kế thừa

Làm mới cải lương, chủ động đưa nghệ sĩ đến tận trường học, khu công nghiệp - khu chế xuất và các tỉnh để biểu diễn phục vụ nhiều nhóm đối tượng khán giả khác nhau, biết là rất cực, nguồn thu cũng chẳng thấm vào đâu so với công sức bỏ ra nhưng NSƯT Lê Nguyên Đạt vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Vừa hoàn tất chuyến công diễn tại 15 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ vào giữa năm, giờ đây, đạo diễn Lê Nguyên Đạt lại tiếp tục cùng đoàn nghệ sĩ rong ruổi miền Nam để đem những vở diễn sáng tạo, gần gũi đến công chúng.

Vở cải lương thử nghiệm Truyền tích Cổ Loa xưa của đạo diễn Lê Nguyên Đạt tại Sân khấu nhỏ Sen Việt đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả.

NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Càng đi diễn nhiều sẽ lan tỏa được nhiều, nhất là tại các trường học. Mình không mang đến cho các em nhỏ những vở diễn hay thì làm sao đòi hỏi các em yêu mến, giữ gìn và phát triển cải lương. Bên cạnh đề tài lịch sử, chúng tôi còn đi sâu vào những vấn đề của cuộc sống nhằm giúp người xem chạm gần đến cải lương. Khi yêu thích họ sẽ biết cách giữ gìn, tôi tin vậy”.

Điều dễ nhận thấy nhất là tại sân khấu của mình, NSƯT Lê Nguyên Đạt dành sự quan tâm rất lớn cho những nghệ sĩ trẻ. Trong buổi ra mắt sân khấu, anh chia sẻ: “Từ nay tôi sẽ lui lại, để sân khấu này cho các bạn trẻ trải nghiệm và tỏa sáng. Tôi sẽ tìm cách kết nối các bạn về đây, nuôi dưỡng đam mê cải lương, mang đến cho khán giả những sản phẩm cải lương đậm chất đời, gần gũi và đầy mới mẻ. Người trẻ bây giờ giỏi lắm, mình đồng hành, hướng dẫn cách đi, phần còn lại cứ trao cho các bạn thể hiện”. Và điều đó được thể hiện rõ trong từng vở diễn do NSƯT Lê Nguyên Đạt chọn lựa đồng hành. Từ biên kịch, đạo diễn đến người ca chính đều thấy rõ sức trẻ của thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Không dựa vào các tên tuổi gạo cội để thu hút khán giả quay lại sân khấu dù thâm niên mấy chục năm trong nghề cho phép anh làm điều đó, NSƯT Lê Nguyên Đạt chọn lối đi mạo hiểm, đặt niềm tin vào người trẻ cùng với cách biến tấu cải lương để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người xem thời hiện đại.

Tại giảng đường, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học SKĐA TP.HCM luôn chọn cách lắng nghe sinh viên thay vì áp đặt, yêu cầu. Nhờ vậy mà buổi báo cáo, kiểm tra học kỳ hay tốt nghiệp của các sinh viên do anh dẫn dắt bao giờ cũng bay bổng, đậm chất nghệ thuật như đang công diễn. Khi luyện tập, anh yêu cầu sinh viên làm việc cao độ nhưng lúc ánh đèn sân khấu bật lên, nhạc vào nền, anh trao toàn quyền vào tay những nghệ sĩ tương lai.

Vở cải lương thử nghiệm Nhật Thực của đạo diễn Lê Nguyên Đạt tạo được nhiều dấu ấn với cách làm sáng tạo, độc đáo, mang lại hiệu quả cao.

Tại Sen Việt, NSƯT Lê Nguyên Đạt dành 1/3 diện tích sân khấu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế thừa. Anh vui vì ngay khi công bố thông tin, lớp đào tạo diễn viên cải lương đã thu hút đông đảo người đăng ký. Từ bác sĩ, kỹ sư đến người bán hàng rong, các bạn sinh viên, học sinh… cứ mê cải lương đều được anh chào đón. Giám đốc Sân khấu nhỏ Sen Việt cho biết đây là kênh quan trọng để anh tìm những “hạt ngọc thô” tiếp tục đào tạo lên cao. Lớp biên kịch cải lương hiện chỉ vài người đăng ký nhưng thay vì bỏ qua anh chọn vẫn mở lớp. “Biết đâu trong số vài người theo học đó sau này có một, hai tác giả viết kịch bản cho cải lương thì sao. Còn người yêu cải lương là mình còn truyền nghề, truyền lửa, đừng thấy khó mà ngại bước vào. Chỉ mong từ những lớp học như thế này sẽ có thêm nhiều người vì yêu cải lương mà đến, rồi chúng ta sẽ cùng nhau giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống trong thời hiện đại”, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho hay.

Người cùng nghề nói NSƯT Lê Nguyên Đạt “mắc nợ” cải lương. Mỗi khi nghe vậy, anh chỉ cười hiền. Đúng là mắc nợ thật vì nhiều lúc mệt mỏi rã rời, khó khăn cùng cực anh vẫn chưa bao giờ nuôi ý nghĩ sẽ có ngày mình từ bỏ cải lương. Và bây giờ điều đó càng không thể vì anh tin rằng cải lương sẽ hồi sinh theo cách làm mới, cách “cháy” hết mình của từng nghệ sĩ tâm huyết với nghề./.

“Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ tài năng không có đủ điều kiện, môi trường để làm nghề và phát triển, chứng minh bản thân trước công chúng. Chúng ta không quá tham vọng, chỉ mong có nơi biểu diễn thường xuyên để nghệ sĩ trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu cải lương. Mong rằng Đạt sẽ liên kết với tất cả đạo diễn trẻ muốn làm và tìm hiểu về cải lương, ngồi lại với nhau để tìm ra cái gì đó mới cho cải lương bằng thực tế sân khấu chứ không chỉ bằng các cuộc hội thảo…”.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận