Xôi ngũ sắc là nét văn hoá ẩm thực độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng, Cao Lan, Mường. Nói đến xôi ngũ sắc ở miền Đất Tổ Phú Thọ, người ta nghĩ ngay đến xôi nếp của người Mường ở Tân Sơn.
Để có một nồi xôi ngũ sắc ngon, đẹp mắt cần trải qua nhiều quy trình từ khâu chọn nếp - những hạt gạo nếp phải căng mẩy để khi đồ lên sẽ bóng, thơm và dẻo. Để nhuộm màu cho xôi, người Mường Tân Sơn dùng những lá cây có sẵn trong vườn: Màu đỏ được tạo nên từ lá cây cơm đỏ, màu tím từ lá cơm đen, màu xanh từ lá cây hoặc lá gừng, màu vàng là màu của nghệ tươi, màu trắng là màu nguyên thủy của gạo nếp. Tiếp đó là nấu lá, giã lá, củ để lấy nước màu dùng cho việc trộn vào gạo nếp để tạo màu.
Khâu quan trọng cuối cùng là đồ xôi. Khâu này cũng đòi hỏi sự cầu kỳ khi người đồ phải bỏ từng lượt gạo đã trộn màu vào “chõ”. Gạo nhuộm những màu sắc mạnh, dễ bị dây màu sang các màu khác như vàng, đỏ, tím thường được rải ở lượt dưới cùng và được ngăn cách nhau bằng lá chuối và trên cùng là lớp gạo nếp nguyên thủy, màu trắng. Xôi sau khi chín được bắc ra khỏi bếp cũng là lúc bàn tay khéo léo của người nấu xới, gạt để trộn đều các lớp xôi màu với nhau để xôi được trộn thành ngũ sắc đẹp mắt. Khi chín, hương thơm của nếp quyện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác.
Sắc màu của xôi ngũ sắc thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và ước vọng về cuộc sống đủ đầy. Năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý âm dương ngũ hành và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu đen tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và màu xanh tượng trưng cho Mộc. Vì vậy, xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Mường, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và trong những bữa ăn tiếp khách quý.