Phía sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà. Đối với Madame Liên cũng thế, đằng sau sự thành công của người con gái xứ Bắc này không thể thiếu sự đóng góp của chồng và các con.
Về tới nhà vào lúc khuya muộn sau khi thu xếp công việc cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, vừa ngả lưng thì điện thoại của tôi reo. “Anh Trần Thế Tuyển phải không? Em là Liên - Đỗ Liên đây”. Tôi nhận ra giọng người con gái xứ Bắc quen thuộc. Giọng Liên trong như tiếng suối: “Em đang ở Cộng hòa Liên bang Đức. Em vừa xem clip về thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ trên Facebook của anh. Em cảm động trước nghĩa tình đồng đội của các anh. Cho chúng em đồng hành cùng Hội nhé!”. Nói là làm. Liên bảo, đợt đầu sẽ ủng hộ 10 căn nhà hỗ trợ gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn. Và, Hội mới thành lập, trăm bề khó khăn, cần sự giúp đỡ, sẻ chia cứ nói. Đỗ Liên và gia đình sẵn sàng “vào cuộc”.
Từ cô giáo dạy văn dịu dàng đến thương gia quyết đoán
Tôi biết danh Đỗ Liên từ lâu, nhưng phải đến chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh sang Nam Phi cách đây hơn 10 năm, chúng tôi mới có dịp diện kiến. Hồi ấy, Đỗ Liên đã là “ngôi sao” trên thương trường với sự bứt phá, khởi nghiệp ngoạn mục. Sự nổi tiếng của Liên không chỉ trên lĩnh vực kinh doanh mà còn ở phong cách, tính quyết đoán và cả những phát ngôn “gây sốc” nữa.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đứng lớp vài năm, Liên bỏ nghề giáo dấn thân vào dòng xoáy thị trường. Lột xác, hóa thân thành cô gái bán nước giải khát nơi bãi tắm Vũng Tàu, làm nhân viên thuyết minh du lịch tại Khu di tích Bạch Dinh, đầu quân vào tập đoàn Dầu khí... Rồi như cái duyên tiền định, Liên khám phá nghề mới thời hội nhập - nghề làm bảo hiểm. Người ta làm được thì mình làm được! Tại sao không?! Liên học thầy, học bạn và tự thân tìm ra hướng đi của riêng mình. Đỗ Liên rất tâm đắc với câu sologan, như một phương châm hành động: “Hãy làm theo cách của bạn”. Có lẽ chính vì thế, từ “nữ hoàng bảo hiểm”, Đỗ Liên thành danh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều dự án gắn liền với tên tuổi, sự “độc quyền” của Madame Liên như: Bảo hiểm tư nhân đầu tiên AAA; Ứng dụng bảo hiểm tự động LiAn; Quỹ xây dựng Môi trường Xanh Việt Nam; nhà đầu tư “ thiên thần và dũng mãnh” trong 16 tập của Shark Tank Mùa 3 (Thương vụ bạc tỷ )...
Không chỉ thế, Madame Liên còn là một nhà ngoại giao năng động và gần gũi. Với sự đóng góp cho cộng đồng của bà, Đỗ Thị Kim Liên được mời làm Tổng lãnh sự Danh dự của Cộng hoà Nam Phi tại TP.HCM. Những chuyến ngoại giao “con thoi” của Madame Liên đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hoà Nam Phi. Những dự án liên quan đến việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường , bảo vệ động vật hoang dã của bà đã góp phần tăng sự hiểu biết giữa đất nước và con người hai xứ sở vốn cách xa cả địa lý và xã hội.
Bản lĩnh, quyết đoán, sự thông thái là yếu tố quyết định mang đến sự thành công cho Madame Liên trong thương trường. Còn trái tim nhân hậu, sự sẻ chia hết mình với cộng đồng, đặc biệt những mảnh đời bất hạnh tạo nên một hình ảnh Madame Đỗ Liên - con người của “hành trình thiện nguyện” không mệt mỏi. Việc làm thiện nguyện ấy có liên quan gì đến tên gọi Kim Liên? Đỗ Liên không ngần ngại, trả lời: “Bố em bảo, Kim Liên là bông sen vàng tinh khiết; là sự liên kết, sẻ chia; là “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng...; Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn...”.
Ước nguyện của bố mẹ đã trở thành định hướng, phương châm hành động của cả cuộc đời Đỗ Liên - người con gái sinh ra trên đất Mê Linh - quê hương của Hai Bà Trưng lừng lẫy?!
Cho đi là còn mãi
Theo quan niệm Á Đông, hoa sen thường gắn với đạo Phật. Đó là sự tinh khiết, thánh thiện. Đạo Phật có giai đoạn lịch sử đã trở thành quốc đạo ở nước ta; trên thực tế luôn hiện hữu trong thế giới tâm linh của người Việt. Một trong triết lý trở thành phương châm hành động của đạo Phật “cho đi là còn mãi”. Có phải thế không, sở hữu danh xưng “Bông sen vàng tinh khiết” (Kim Liên), cả đời mình, Đỗ Thị Kim Liên đã lựa chọn cho mình cách đi riêng để tiếp cận triết lý ấy. Đầu năm 2021 đầy biến động, vô thường này, Đỗ Liên ra mắt tập sách viết về cuộc đời của bà: “Liên - Người được chọn”. Dưới ngòi bút của nhà văn Y Ban và cộng sự, tập truyện ký là một bức tranh toàn cảnh, tính khái quát cao về cuộc đời và sự nghiệp của Đỗ Liên. Bên cạnh phần NHẬN mà Đỗ Liên đã đạt được trong mấy chục năm gian nan, vất vả để khẳng định mình, phần CHO mà Madame Liên và cộng sự của bà đã chia sẻ là điều tôi quan tâm nhất.
Bắt đầu từ đâu? Từ chính khởi đầu nghèo khó của Đỗ Liên và gia đình. Bắt đầu từ đâu? Từ ánh mắt đầy khát vọng được sống, được làm việc của cậu bé ăn xin phải mặc quần áo của người chết trên bãi biển Vũng Tàu khi Madame Liên còn là một cô gái bán nước giải khát. Rộng hơn, xa hơn là sự đói nghèo của đất nước, sự cơ cực của nhân dân... Điều ấy đã ám ảnh Đỗ Liên, tạo động lực, ý chí cho bà vượt lên chính mình để có ngày hôm nay. Từ hai bàn tay trắng, với ý chí, bản lĩnh, sự quyết đoán và trái tim nhân hậu của mình, cô giáo dạy văn Đỗ Thị Kim Liên đã trở thành thương gia Madame Liên nổi tiếng. Thương gia thì có nhiều tiền. Tiền để làm gì? Tiền để lo cho gia đình và xã hội; để sẻ chia với người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Nghĩ thế, chỉ trong vòng hơn chục năm trở lại đây, Đỗ Liên và những người cộng sự đã giành hơn 100 tỷ đồng làm việc thiện. Đó là những cây cầu treo Bắc qua sông Pako trên chót vót Tây Nguyên; những cây cầu nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long; những dự án nước sạch nơi đảo xa và cả việc tri ân những người có công với đất nước trao tặng nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ ở Hà Tĩnh, trùng tu nghĩa trang liệt sĩ ở Hậu Giang...
“Tôi làm việc thiện theo tiếng gọi từ trái tim, không vì mục đích “Tổ quốc ghi công” hoặc đánh bóng tên tuổi mình”. Trong lễ ra mắt sách “Liên - Người được chọn tại ngôi nhà Đức (TP.HCM ) vừa qua, Madame Liên đã tâm sự như thế. Điều đó lý giải động cơ làm việc thiện của bà, trong đó có việc tài trợ cho 39 gia đình có người thân tử nạn tại Anh quốc đưa hài cốt về quê nhà gần đây. Mới nhất, hành trình làm việc thiện của Madam Liên nối dài khi toàn bộ lợi nhuận do bán 50.000 cuốn sách “Liên - Người được chọn” dành làm việc thiện như đồng hành cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM xây nhà tình nghĩa tặng mẹ liệt sĩ; tặng 50 suất học bổng cho chương trình Cặp lá yêu thương (VTV); ủng hộ Quỹ Ươm mầm khởi nghiệp và mổ tim cho các cháu ở vùng sâu, vùng xa ...
Gia đình là trên hết
Đối với Madam Liên, đằng sau sự thành công của Đỗ Liên không thể thiếu sự đóng góp, ủng hộ của chồng và các con. Tại lễ ra mắt sách “Liên - Người được chọn”, từ nước Đức, Madam Liên gửi video clip chia sẻ. Liên bảo rằng, sự thành công của bà gắn liền với sự ủng hộ, chia sẻ của chồng và các con. Chồng bà đã trao cho bà tình yêu mà đỉnh cao của tình yêu ấy là sự tin tưởng. Chồng đã cho bà bí quyết của sự thành công là được tự do. Tự do suy nghĩ, tự do hành động và cả tự do... quyết đoán. “Không có anh, tôi không làm được điều gì” - Madam Liên tâm sự.
“Tôi làm việc thiện theo tiếng gọi từ trái tim, không vì mục đích “Tổ quốc ghi công” hoặc đánh bóng tên tuổi mình”, madame Liên. |
Tôi đã có dịp ngồi với Toàn - người bạn đời của Madame Liên và nhận ra điều ấy. Sở hữu khuôn mặt đẹp, phúc hậu, nụ cười tỏa nắng, phu quân của Madam Liên vốn là một cựu chiến binh từng có những tháng năm tham gia chiến trận. “Tôi và các con, các cháu luôn ở bên cạnh nhà tôi, nhất là lúc gian nan, vất vả” - người đàn ông của người đàn bà nổi tiếng chia sẻ...
Madame Liên không chỉ lấy lợi nhuận - làm ra nhiều tiền làm mục đích cuối cùng của đời mình - mà bà quý trọng, nâng niu cái nghĩa, cái tình; trong đó chữ Hiếu luôn được trân trọng, thờ phụng...
Liên - Người được chọn. Phác họa chân dung người nổi tiếng mà gần gũi.
Sài Gòn, cuối đông Canh Tý./.