Hồi sinh trên vùng đất Trà Leng

Gần 3 tháng sau vụ sạt lở kinh hoàng, Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng nhà cửa, tái thiết sản xuất cho người dân.

 

Sau tiếng nổ ầm, đất đá đổ xuống vùi lấp, xóa sổ cả một ngôi làng, 55 người gặp nạn, 9 người chết, nhiều người mất tích. Đã gần 3 tháng sau trận sạt lở ấy, người dân làng Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Những vết xước trên đại ngàn

Ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi quay trở lại làng Ông Đề. Gần 3 tháng sau vụ sạt lở kinh hoàng, đến nay con đường qua ngôi làng bị xóa sổ này đã được khơi thông, bằng phẳng trở lại. Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng nhà cửa, tái thiết sản xuất cho người dân. Thế nhưng lòng người nơi đây vẫn còn nặng trĩu những vết thương.

Đưa chúng tôi vượt qua con đường dẫn vào khu đất đang chuẩn bị tái định cư cho người dân, khi đi qua ngôi làng cũ, ông Hồ Văn Đề, 85 tuổi, thôn 1, xã Trà Leng - người đã mất 8 người thân trong vụ sạt lở ấy - vẫn không khỏi chạnh lòng. Hướng đôi mắt xa xăm nhìn vào những chiếc đèn năng lượng mặt trời mới được bắt thêm ở làng cũ, ông Đề tìm kiếm, chờ đợi luồng hy vọng xa xăm về tin tức của những người thân còn mất tích.

Khu dân cư mới cho người dân vùng sạt lở Trà Leng đang được gấp rút xây dựng.

Nhưng việc tìm kiếm 13 người mất tích ở ngôi làng này như “mò kim đáy bể”, bởi khu vực sạt lở tại ngôi làng đã được đào bới nhiều lần rất kỹ lưỡng nhưng vẫn chưa tìm thấy. “Ở làng còn 13 người vẫn chưa tìm được. Lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực nhưng vẫn chưa có tin tức gì” - câu nói xen lẫn từng tiếng nấc nghẹn từ người đàn ông già nua đủ thấy nỗi đau của người dân vẫn còn nguyên vẹn. Nỗi đau tột cùng đó sẽ là mảnh ký ức nhiều “sẹo” nhất với người đàn ông này.

Không chỉ ông Đề mà nhiều dân làng may mắn sống sót sau trận sạt lở kinh hoàng ấy vẫn bị ám ảnh khôn nguôi. Ai cũng mong mỏi, chờ đợi tin tức. Chị Trần Thị Liễu ở làng Ông Đề, thôn 1 đã chuyển qua khu nhà tạm ở chờ tái định cư nhưng ngày ngày vẫn quay lại làng cũ mong ngóng tin tức người chồng. Chị kể, hôm ấy “đất đá từ trên núi đổ xuống ầm ầm. Chạy không kịp. Gia đình chúng tôi bị đất đá vùi. Tôi và hai đứa con gái bị thương, may mắn được cứu. Chồng thì đến nay vẫn chưa có tin tức gì”. Nói đến đây, đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ, giọng người đàn bà chưa qua tứ tuần nghẹn đắng, không nói nên lời.

Không chỉ làng ông Đề mà nhiều ngôi làng, ngọn núi ở Trà Leng cũng sạt lở, đe dọa cuộc sống, vùi lấp hoa màu của người dân. Những “vết xước” của núi rừng đại ngàn vẫn còn đó, những nỗi đau cùng cực vẫn hiện hữu trong lòng mỗi người nhưng người dân làng Ông Đề phải học cách nén nỗi tang thương vào trong. Những ai còn sống sau vụ sạt lở phải mạnh mẽ, tiếp tục đứng lên xây dựng lại nhà cửa, trở lại sản xuất, làm nương rẫy, tìm kế sinh nhai, dần ổn định cuộc sống.

Chỉ tay về lô đất rộng 200m2 tại khu tái định cư mà mình được nhận cuối năm 2020, nhiều ngôi nhà đang hình thành. Theo dự định, ngôi nhà sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đôi mắt ông Đề bừng lên chút ánh sáng. Đây là lần đầu tiên người đàn ông này mới có lại niềm vui sau nỗi đau thiên tai gần 3 tháng trước. “Sau sạt lở, tôi được đưa về ở tạm tại nóc ông Lục cách hiện trường sạt lở 65m. Mọi lương thực, quần áo đều được hỗ trợ. Sau thiên tai, có chủ trương Đảng, Nhà nước cho nhận đất, hỗ trợ làm cái nhà. Nhà làm xong là ổn định, ổn định cả cuộc sống của người dân ở đây, để người dân có chỗ ăn, ở”, ông Hồ Văn Đề bày tỏ.

Hồi sinh vùng đất mới

Trước chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam trong việc gấp rút làm nhà cho người dân vùng sạt lở Nam Trà My trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, chính quyền huyện Nam Trà My đã tập trung rất cao trong việc sắp xếp lại 2 khu dân cư ở xã Trà Leng và xã Trà Vân bị sạt lở do mưa bão vừa qua. Đối với khu dân cư ở thôn 1, xã Trà Vân có 15 hộ được bố trí tái định cư, hiện đã xong mặt bằng và bàn giao cho người dân làm nhà. Còn tại xã Trà Leng, chính quyền đã quy hoạch khoảng 6ha, bố trí 81 lô đất, trước mắt giải quyết cho 51 hộ bị sạt lở ở Trà Leng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc xây dựng khu dân cư cho người dân.

Những ngày đầu năm 2021, trên công trường tái định cư mới cho người dân vùng sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My trở nên nhộn nhịp hơn. Mặc dù có những cơn mưa nhỏ nhưng lực lượng chức năng, đơn vị thi công gấp rút hoàn thành mặt bằng, triển khai xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân. Những căn nhà đầu tiên được làm móng chuẩn bị xây dựng, người dân vùng sạt lở cũng vơi bớt nỗi lo về nhà ở sau thiên tai.

Ròng rã gần 3 tháng qua, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng luôn có mặt để tìm kiếm người mất tích, bám sát đơn vị thi công làm khu tái định cư. Nghĩ về những tháng ngày qua, ông Cường nghẹn ngào: “Gần 3 tháng qua, mỗi ngày là một mảnh ký ức không bao giờ quên. Bằng mọi cách chúng tôi cố hết sức để sớm ổn định đời sống cho bà con”.

Ông Cường cho biết, hiện khu dân cư mới cho người dân vùng sạt lở Trà Leng đã hoàn thiện phần mặt bằng và phân chia 81 lô đất, mỗi lô có diện tích 200m2. Trước mắt, huyện Nam Trà My sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư với mức 150 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân cả nước.

“Gần 3 tháng qua, mỗi ngày là một mảnh ký ức không bao giờ quên. Bằng mọi cách chúng tôi cố hết sức để sớm ổn định đời sống cho bà con”.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng

“Cuộc sống của bà con nơi ở tạm còn nhiều bất cập, do đó xã Trà Leng phối hợp với các ban, ngành của huyện và các cấp tiến hành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tổ chức họp để lấy ý kiến nhân dân, bố trí bà con về nơi ở mới. Tới thời điểm hiện tại, mặt bằng đã được phân lô, cắm mốc và xã đã họp bà con để lựa chọn vị trí đất của mình. UBND xã Trà Leng cũng đã phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng lại nhà cho bà con trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021”, ông Cường cho hay.

Ngoài khu dân cư mới đang xây dựng, hiện một ngôi trường mẫu giáo và một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng đang được gấp rút xây dựng. Ngày 12/1 vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu V khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân Trà Leng với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng. Công trình cấp IV, quy mô 2 tầng: Tầng 1 diện tích 220m2, tầng 2 diện tích 182m2. Khi công trình hoàn thành sẽ là điểm sinh hoạt cho người dân vùng sạt lở, vừa là ngôi nhà để phòng chống thiên tai, tránh lũ quét, sạt lở đất.

Không chỉ xây dựng những công trình để sớm ổn định cuộc sống người dân, huyện Nam Trà My cũng đang tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương vận động nhân dân khôi phục sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021. Đối với các diện tích bị bồi lấp nặng, huyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng; Huy động lực lượng sửa chữa các đập bổi, đập thời vụ, nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất. Vận động nhân dân trồng rừng, thay dần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả. Tăng cường công tác tái đàn trong chăn nuôi, nhất là đàn bò, dê và heo đen địa phương./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận