Champasac và hành trình khám phá cao nguyên Boloven

Champasac, thủ phủ miền nam Lào đang hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và một nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc...

 

Champasac, thủ phủ miền nam Lào, một vùng đất bình yên và vô cùng tươi đẹp trên cao nguyên Boloven đang hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và một nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc...

Tượng Phật lớn ở Wat Phou Salao nhìn ra sông Mekong

Champasac, vùng đất tươi đẹp trên cao nguyên Boloven, cách thủ đô Vietiene khoảng 700km. Miền đất từ bao đời được tưới tắm bởi dòng MeKong trĩu nặng phù sa đang hấp dẫn bước chân lữ khách xa gần nhờ mùa nối mùa cây trái sum suê, phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với thác, với rừng và một nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc, ẩn sau sự trầm mặc, yên bình của những mái chùa, những đền đài cổ kính rêu phong.

Nơi sở hữu nhiều di sản văn hóa

          Từ nhiều thế kỷ trước, Champasac đã là một lãnh địa hùng mạnh trong lưu vực Hạ Mekong; từng là tiền đồn của vương triều Khmer dưới thời Đế chế Angkor, là 1 trong 3 lãnh địa thuộc Vương quốc Lanxang (Triệu Voi) và bây giờ là một tỉnh lớn, một cực phát triển quan trọng phía Nam Lào.

         Có lẽ vì thế mà nơi đây đã sở hữu nhiều di sản về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đền Wat Phou, Chùa Om Mương, làng dệt Saphai Veunexay, thác Khon Phapheng ở Xiphandon, chùa Phousalao - nơi có tượng Phật ở lưng chừng núi, mặt hướng ra sông MeKong lớn nhất vùng.

Ngôi đền thiêng cao nhất của Wat phou được người Lào thờ Phật

          Nghiêng mình từ cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), đổ dần xuống phương Nam, băng qua bao thác dốc của địa hình rừng núi xứ nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, sông Mekong về đến Hạ Lào đã chững dòng, rồi ngập ngừng trải lòng mình tạo nên một vùng sông nước mênh mông với vô số đảo lớn, đảo nhỏ trông như những đàn cá khổng lồ suốt đêm ngày nô đùa, tạo nên những ngọn thác nối tiếp nhau tung bọt trắng xóa giữa trời nước mênh mông. Người Lào gọi đó là xứ sở Siphandon, nghĩa là bốn nghìn đảo - một thắng cảnh nổi tiếng, một nơi rất đáng để những người thích xê dịch thỏa mơ ước một lần trong đời tận mắt chiêm ngưỡng, được đi thuyền ra giữa sông xem cá heo nước ngọt - loài cá đặc hữu chỉ có ở đoạn sông này - để trải nghiệm những điều kỳ diệu của thiên nhiên.       

          Từ Vientiane du khách có thể đến Champasac bằng máy bay, hoặc bằng đường bộ theo QL13 phía nam. 7 giờ sáng khởi hành, chiều tối đã có mặt ở thành phố Pacxe, để sáng hôm sau, có thể khám phá đền Wat Phou.

Di sản VHTG Đền thờ Wat Phou.

Từ những trải nghiệm kỳ diệu…

          Wat Phou là quần thể đền thờ cổ kính bằng đá, nằm phía bắc sườn núi Voi, cách thành phố Pacxekhoảng 45km, sát biên giới với Thái Lan và Campuchia. Wat Phou được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 13, từng là trung tâm của đạo Hindu. Đến khi đạo Phật trở thành Quốc giáo, người Lào đã biến nơi đây thành ngôi đền thờ Phật. Trải qua hàng trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt, Wat Phou đã trở thành phế tích. Hầu hết các công trình kiến trúc đều xuống cấp trầm trọng. Tượng Phật lớn nhất thờ ở ngôi chính điện trên lưng chừng núi đã hư hỏng nhiều, một số cấu kiện phải dùng gỗ chống đỡ, mái đền phải phủ bạt che mưa nắng và tiếp tục chịu sự tác động của thiên nhiên và khách tham quan.

          Lễ hội Wat Phou vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hằng năm thu hút đông đảo người hành hương khắp nước Lào và du khách quốc tế.Nhờ những giá trị độc đáo về kiến trúc, điêu khắc, kỹ thuật xây dựng và tín ngưỡng mà năm 2001, Wat Phou được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (VHTG).

Bình minh trên cao nguyên Boloven.          Trong hành trình khám phá cao nguyên Boloven, đã đến Pacxe, không thể bỏ qua thị trấn Paksong, nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt ở Việt Nam. Với nguồn đất đỏ bazanmàu mỡ, cộng với khí hậu mát mẻ quanh nămnhờ ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Champasacđã trở thànhthủ phủ cà phê của Lào, khi diện tích cà phê ở đây lên đến hơn 50.000ha, chiếm 80% diện tích cà phê cả nước, mà huyện Pacxon là trung tâm.

          Vì dịch Covid-19 mà năm nay Pacxon khá vắng khách du lịch. 8 giờ tối, hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa. Những dãy kiot đầy ắp rau củ quả xứ lạnh khi chiều đã được phủ bạt kín mít. Chủ sạp đã về nhà sau khi hoàn tất việc giao hàng về các tỉnh, có khi vượt tận 700km về thủ đô Vientiane cung cấp cho các siêu thị. Người Lào là vậy, hết giờ là nghỉ, không có chuyện làm thêm.

Thác Huakhon - Sekong

          Câu chuyện bên tách cà phê tự tay pha cho khách của ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc chi nhánh cà phê Minh Tiến tại Lào hồi chiềugiúp tôi hiểu rằng, để được gọi là “thủ phủ cà phê”, không chỉ là trồng bao nhiêu hecta, thu baonhiêu nghìn tấn, xuất khẩu đi bao nhiêu nước, mà cốt là ở chất lượng. “Cà phê phải chăm bón đủ chất hạt mới mẩy; thu hoạch phải đúng độ chín. Những công đoạn từ ủ, sấy, sàng lọc, rang, xay, đến khi thành một tách cà phê thơm lừng đặt lên bàn mời khách thưởng thức là cả một câu chuyện hết sức công phu, mà nếu không yêu, không tâm huyết với loại cây đặc biệt này, không thể làm được”, ông Khoát bảo vậy.

          Đêm ở lại Pacxon, thị trấn nhòa đi trong không gian mờ ảo của sương mù, nghe cái lạnh của cao nguyên thấm dần vào da thịt, mới cảm nhận được hết hương vị thơm tho, ấm áp của tách cà phê mang đầy tâm trạng của những người cả đời gắn bó với cây cà phê như ông Khoát.

Thác Khonphapheng

          Trăm năm trước, người Pháp đã mang cây cà phê đến Champasac, truyền bá một thức uống tao nhã, hợp với lối sống chậm của người Lào. Để rồi trồng, chế biến, thưởng thức cà phê đã trở thành một nghề mang lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa cho đất và người nơi đây. Cà phê Pacxon đã chinh phục người dùng khắp thế giới, từ Việt Nam đến Thái Lan, Nhật Bản, Bỉ, Hoa Kỳ...

          Pacxon còn là vựa rau quả lớn nhất của xứ sở Triệu Voi với nhiều loại trái cây ngon như sầu riêng, bơ, mít, chuối, thanh long... Mùa sầu riêng tháng 7, dọc QL16B, sầu riêng chất thành đống, giá chỉ từ 30-40.000 kip(75-100.000đ/kg). Sầu riêng ở đây tuy quả không lớn như của Thái Lan nhưng thịt rất ngậy và hương thơm thật đặc biệt, ăn một lần, chắc sẽ khó quên.

          Từ Pacxon, xuôi QL16B về hướng Sekong, xuyên qua nhiều cánh rừng nguyên sinh của huyện Thateng, du khách sẽ lạc vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với nhiều thác nước đẹp như Tad Hua khon (thác đầu người), Tad Hia, Tad Faek, hay Tad Namtok Katamtok nổi tiếng; trải nghiệm cuộc sống hoang dã với những chuyến du lịch xuyên rừng. Nhiều doanh nghiệp đã đến đây đầu tư làm du lịch như Khu vườn sinh thái Cafe Sinouk, hay Khu du lịch trải nghiệm nghỉ dưỡng kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thateng farm resort... thu hút mạnh nguồn khách từ các tỉnh của Lào và đông bắc Thái Lan trong phạm vi vài ba trăm kilomet đến đây nghỉ dưỡng cuối tuần.

Hai hàng Linga trên đường vào khu đền thờ đá Wat phou

…tới khát khao khám phá 1 ngày ăn cơm 3 nước

Câu chuyện trong bữa cơm tối với tiến sĩ Vilayvong Boukdakham, Bí thư - Tỉnh trưởng Champasac, sau mấy lời giao đãi vẫn là những trăn trở đưa vùng đất này trở thành một cực phát triển, không chỉ là thủ phủ của Nam Lào mà còn là điểm kết nối giữa các nước Thái Lan - Lào - Việt Nam và Campuchia.

          Mong muốn của ông hẳn là không viển vông khi tỉnh này nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây thứ 2, nối liền Đà Nẵng - Quảng Nam (Việt Nam) với Sekong, Champasac (Lào) và Vang tau- Ubon Ratchathani- Bangkok (Thái Lan). Các hãng lữ hành lớn ở miền Trung đang triển khai các tour du lịch “3 di sản một điểm đến”, đưa khách tham quan các Di sản văn hóa của 3 nước Đông Dương. Hội nghị Xúc tiến du lịch giữa các tỉnh Nam Lào với miền Trung Việt Nam tổ chức năm ngoái đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cái bắt tay khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa khách Việt Nam đi du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh, di sản VHTG ở Nam Lào như đền Watphou, thác Khone Phapheng (Champasac), thác Houa khon ở Sekong, thác Sepha ở Attapeu, khám phá vẻ đẹp của cao nguyên Boloven… đồng thời đón khách du lịch từ đông bắc Thái Lan và các tỉnh Nam Lào sang nghỉ ngơi tắm biển Đà Nẵng, khám phá Bà Nà Hill, tham quan các Di sản VHTG Mỹ Sơn, Hội An, Huế...

          Hơn 400km từ Champasac về Đà Nẵng sẽ không còn xa khi QL16B đã được đầu tư nâng cấp nối liền với QL14B qua cặp cửa khẩu Nam Giang - Daktaoc. Cầu đã nối, đường đã thông để câu chuyện “một ngày ăn cơm ba nước: Sáng Thái, trưa Lào, tối Việt” không chỉ là ước mơ của riêng ông Bí thư - Tỉnh trưởng Champasac, mà đó còn là niềm khát khao khám phá của mỗi người dân, là ước mơ trỗi dậy của vùng cao nguyên trù phú bên dòng Mekong ở phía cực Nam của đất nước xứ Triệu Voi xinh đẹp, hiền hòa./.  

Nguyễn Vân Thiêng (từ Vientine)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận