Nhân lên cái 'đạo' của người chơi cổ vật

Không chỉ nặng lòng với việc săn tìm cổ vật, gần 30 năm qua, ông Trần Văn Hinh còn truyền tình yêu những giá trị văn hóa, tinh thần của người xưa tới người chơi

 

Không chỉ nặng lòng với việc săn tìm cổ vật, gần 30 năm qua, ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường còn truyền tình yêu những giá trị văn hóa, tinh thần của người xưa… tới người chơi.

Duyên nghiệp với cổ vật

Nằm trên đường Nguyễn Khuyến (TP. Nam Định), cơ ngơi khang trang của ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường hiện ra trước mắt chúng tôi thật choáng ngợp với kiến trúc vừa hiện đại, vừa truyền thống. Nhưng bất ngờ lớn nhất lại nằm bên trong ngôi nhà chứa hàng ngàn cổ vật có giá trị thuộc nhiều niên đại được ông Hinh cất công sưu tầm. Từ nóc tủ, sàn nhà, giá, kệ… đâu đâu cũng là những món đồ cổ, đặc biệt với số lượng lớn như thế nhưng ông Hinh đều vanh vách nói về giá trị lịch sử, văn hoá của từng loại như thuộc nằm lòng…

Ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường giới thiệu 1 trong 5 viên gạch vuông hoa văn rồng đời Lý do ông sở hữu.Vốn sinh ra ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, vì cuộc sống mưu sinh, cơ duyên với đất Nam Định, ông Hinh đến Thành Nam lập nghiệp. Bên ấm trà xanh những ngày mùa đông, giá rét, ông Hinh nâng niu từng cổ vật khoe với chúng tôi. Bằng giọng nói thâm trầm và khiêm tốn, ông cho biết: “Các cụ có câu, trai đinh-nhâm-quý thì tài, tôi tuổi Quý Mão (1963) nhưng dường như lại không có tài lẻ gì ngoài tính thích phiêu lưu và ham tìm tòi học hỏi. Thú thực tôi chỉ là kẻ ngoại đạo với “nghề” chơi cổ vật… bởi tôi khởi nghiệp từ nghề buôn xe máy. Thời đó, nghề này giúp tôi có cuộc sống ổn định và so với mặt bằng chung là khá giả. Tuy nhiên, như một cái duyên định mệnh, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều khách hàng, thấy họ chơi đồ cổ, tôi lân la hỏi và say mê những câu chuyện xoay quanh từng món cổ vật. Rồi “nghiện” lúc nào không hay, tôi quyết định bỏ nghề buôn xe, tập trung học kiến thức từ các bậc có thâm niên trong sưu tầm cổ vật… Ban đầu, nhiều người nói tôi có “vấn đề” thần kinh, bởi lúc đó thương hiệu sản phẩm của tôi bán ra đang có chỗ đứng vững chắc ở thị trường. Tôi vẫn tin mọi sự đến với mình đều do chữ duyên, mà đã hữu duyên thì phải biết nắm lấy…”.

Bộ long sàng quý hiếm của ông Hinh lưu giữSau khi có những kiến thức về phân biệt niên đại, giá trị, cách phân biệt cổ vật thật-giả, ông bắt đầu lao vào công cuộc sưu tầm… Những ngày đầu, trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Hinh rong ruổi khắp các miền quê để “săn” cổ vật. Đối với ông, quá trình tìm kiếm cổ vật không khác gì những chuyến đi câu, có khi lang thang cả tuần không kiếm được món đồ. Cũng có khi, vô tình ông lại kiếm được những cổ vật mà người dân vứt lăn lóc ở bụi tre, bãi nứa…

Ông cho biết: “Nghe nói ở đâu có cổ vật quý là tôi đến nhưng không phải chỗ nào người ta cũng đồng ý bán ngay, có những món đồ tôi mất vài tháng, vài năm thuyết phục nhưng không thành công… Rồi bất ngờ một ngày họ lại đồng ý bởi họ hiểu mục đích tôi sưu tầm món đồ này không phải để bán mà để hoàn thành trọn vẹn 1 bộ sưu tập…”.

Gần 30 năm lăn lộn với nghề săn cổ vật, đến nay, bộ sưu tập của ông Hinh đã có trên 5.000 cổ vật, trong đó có những món đồ đặc biệt quý giá, được đánh giá là “hàng độc, hàng hiếm” như: những hiện vật đầu rồng bằng đất nung thời Lý - Trần, ông gần như là người có số lượng đầy đủ nhất. Riêng bộ Long Sàng (giường vua nằm) mà ông Hinh đang giữ được đánh giá là “độc nhất vô nhị”. Long Sàng dài 3,43m, rộng 2,56m, cao 2,68m được giới sưu tầm săn đón nhưng ông Hinh không bán. Ông bảo: “Đã quyết giữ làm kỷ niệm thì cũng quyết không vì nhiều tiền mà bán. Đấy cũng là một cái đạo của người chơi cổ vật”.

Đầu rồng thời Vua Lý Nhân Tông bằng đất nungĐặc biệt, giới chơi đồ cổ không khỏi trầm trồ khi ông Hinh sưu tầm được 16 lá đề đời Trần có màu men vàng và lục; 10 lá đề 2 con rồng chầu đất; 20 lá đề rồng không men; 25 lá đề phượng không men; lá đề hình búp sen; lá đề uyên ương…

Với ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường - việc hiến tặng cổ vật cũng là cơ hội giúp nhiều người được chiêm ngưỡng, tìm hiểu, biết tới những giá trị văn hóa tinh thần của người xưa, từ đó góp nhặt thêm niềm tự hào, nhân lên cái “đạo’ của người chơi cổ vật.

Kết nối người yêu cổ vật

Bên cạnh việc sưu tầm cổ vật, ông Trần Văn Hinh còn mong muốn lan toả, kết nối với nhiều người có chung niềm đam mê. Năm 2004, ông là một trong những thành viên đầu tiên thành lập Hội Cổ vật Thiên Trường với gần 200 hội viên nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giao lưu cổ vật. Với vai trò Chủ tịch hội, ông Hinh đã cùng Ban chủ nhiệm Hội đăng ký thành lập hội đồng giám định và mời lãnh đạo Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT&DL làm trưởng ban phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức kê khai, khảo tả, thẩm định cổ vật cho từng hội viên, báo cáo cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ vật. Đến nay, đã có trên 3.000 cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia của hơn 100 cá nhân đã được đăng ký với Nhà nước, góp phần phát huy giá trị của cổ vật, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của các cá nhân đang sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm.

Bức tượng Phật tổ Buddha ông Hinh mua từ Thanh Hóa cách đây hơn chục năm. Bức tượng làm bằng đồng, nặng hơn 1 tạ, chiều cao 1,3m.Chơi cổ vật, nặng lòng với cổ vật, tuy nhiên không vì thế mà ông Hinh tìm cách giữ những món đồ quý cho riêng mình. Vốn là người phóng khoáng, ông đã mang tặng cổ vật quý cho nhiều nơi. Ông đã tặng khoảng 100 cổ vật đời Hán, Đông Sơn, Trần, Lê, Nguyễn… cho Bảo tàng Nam Định. Ông cũng tặng 2 tháp đất nung cho Bảo tàng Thanh Hóa, tặng Bảo tàng Trung ương hoa văn lá đề uyên ương… Nhiều bảo tàng khác cũng đang mượn ông Hinh số lượng cổ vật lớn để trưng bày, chuyển tải thông điệp lịch sử đến với người dân và giới mộ điệu.

Nhiều người chơi cổ vật chỉ chuyên tâm đến một món đồ, có người chuyên gốm, có người chuyên đồ kim khí. Ông Hinh thì khác, ông sưu tầm đa dạng các món đồ, từ gốm, gỗ, kim khí đến đá. Mỗi cổ vật, loại hình, theo ông đều có tiếng nói riêng, vị trí riêng phản ánh về một thời kỳ văn hóa của lịch sử, cuộc sống, thói quen sinh hoạt của giai đoạn lịch sử đó. Vấn đề của người chơi cổ vật là tìm ra được thông điệp ấy, minh chứng được cho một thời kỳ đã qua của đất nước. Với những nhận định, tâm huyết đó, ông muốn đi nhiều nơi hơn nữa để làm người kết nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai thông qua cổ vật lịch sử.

Là một người sưu tầm đa dạng nhưng ông Hinh nặng lòng với văn hóa Việt. Chính vì vậy, mặc dù sưu tầm được khá nhiều những món đồ Tàu, đồ Tây nhưng ông hầu như không giữ lại các cổ vật “ngoại”. Trân quý hồn xưa cốt cũ trong những món đồ cổ của người Việt, ông Hinh luôn dành vị trí trưng bày đặc biệt trong gia đình. Với ông việc hiến tặng cũng là cơ hội giúp nhiều người được chiêm ngưỡng, tìm hiểu, biết tới những giá trị văn hóa tinh thần của người xưa. Từ đó mà góp nhặt thêm niềm tự hào, nhân lên cái “đạo” của người chơi cổ vật./.

Viết Dư

 

Bình luận

    Chưa có bình luận