Bảo tàng tình đồng đội

Bảo tàng Quang Minh trưng bày hơn 2.000 hiện vật, tư liệu trong hai cuộc chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.

 

Với diện tích 10.000m2, Bảo tàng Quang Minh (thuộc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh) - nơi trưng bày hơn 2.000 hiện vật, tư liệu trong hai cuộc chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc - đang trở thành một địa chỉ đỏ thu hút khách tham quan.

Những kỷ vật người lính

Lần đầu tiên tôi biết tới Bảo tàng Quang Minh trong một chuyến công tác ở đất Cảng Hải Phòng cách đây gần 2 năm. Lần ấy, dù không đủ thời gian nán lại lâu, nhưng quá ấn tượng về Bảo tàng này cùng người khai sinh ra nó - anh thương binh Trần Hồng Quảng - tôi tự nhủ chắc chắn mình sẽ trở lại nơi này. Và trong những ngày cả nước hướng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 này, tôi đã thực hiện niềm mong mỏi ấy.

Từ một phòng truyền thống, Bảo tàng Quang Minh mới chính thức được TP Hải Phòng cho thành lập từ năm 2019. Thế nhưng những gì có ở Bảo tàng này thực sự đáng nể. Bảo tàng đã được hầu hết các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội đến thăm, trồng cây lưu niệm và ghi lưu bút sổ vàng truyền thống. Trân trọng điều này, anh Quảng đã cho dựng các tấm bia khắc những dòng lưu bút ấy trước mỗi cây trồng.

Ông Trần Hồng Quảng (đội mũ), Giám đốc Bảo tàng Quang Minh giới thiệu Bảo tàng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 9/2017).

Giữa không gian thoáng đãng, nổi bật mô hình đất nước Việt Nam hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng tấm phù điêu bằng đá khắc họa những hình ảnh tượng trưng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan. Trong Bảo tàng, các hình ảnh, tư liệu được sắp xếp trưng bày theo trình tự thời gian, diễn biến của sự kiện lịch sử. Ở đây, một lần nữa tôi được thấy những đồ dùng và dụng cụ tác chiến của các chiến sĩ, các chiến lợi phẩm thu được của quân đội Mỹ, 2 khẩu súng thành tích: Súng cao xạ 14,5mm và pháo cao xạ 23mm, tờ báo Quân đội nhân dân số ra đầu tiên mà hiện giờ chỉ riêng Bảo tàng Quang Minh có.

Mô hình đất nước Việt Nam hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nổi bật giữa khuôn viên của Bảo tàng.

         

Tham quan Bảo tàng, ngoài hiểu thêm những lát cắt trong hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ hào hùng của dân tộc, tôi còn cảm nhận được sự trân trọng một thời hào hùng của dân tộc, nỗi nhớ tuổi trẻ chiến đấu oanh liệt vì Tổ quốc, tình đồng đội thiết tha mà anh Trần Hồng Quảng mang theo suốt cuộc đời. Nỗi nhớ ấy, nghĩa tình ấy đã thôi thúc anh làm nên Bảo tàng này.

“Tôi là một người lính ở K18, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 - đơn vị được mệnh danh là quả đấm thép miền Đông. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi trở về quê hương với chiếc ba lô chứa những kỷ vật thiêng liêng của biết bao đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Những đồ dùng hằng ngày hay dụng cụ chiến đấu mà người lính mang theo bên mình trong suốt những ngày ở chiến trường như chiếc bi đông, cặp lồng, bộ quần áo, các lá thư, những chiếc ba lô... hay những chiến lợi phẩm thu được là những chiếc đèn pin, chiếc ca, cái dù, khay quân y, đèn cồn của Mỹ.... đã trở thành kỷ vật mà tôi trân quý hơn cả tính mạng của mình. Chính những kỷ vật đó khiến tôi nảy ý tưởng xây dựng một phòng truyền thống để lưu giữ các kỷ niệm của người lính”, anh Trần Hồng Quảng trải lòng về ý tưởng xây dựng Bảo tàng Quang Minh.

Mỗi tư liệu, hiện vật trong Bảo tàng là một câu chuyện dài về hành trình anh Quảng đưa chúng về tụ hội ở đây. Suốt gần 20 năm qua, anh Quảng đi khắp các chiến trường phía Bắc, phía Nam, Campuchia... đã sưu tầm hiện vật của người lính. Mỗi lần đi họp cựu chiến binh, hay các đơn vị tổ chức kỷ niệm các ngày lễ 30/4, 27/7, 22/12..., gặp các đồng đội, anh lại nói về Bảo tàng, vì thế, mọi người biết tới mà mang kỷ vật tới hiến tặng. “Hiện vật đó ở gia đình thì chỉ gia đình mình biết, nhưng hiện vật được trưng bày ở bảo tàng không những được bảo quản tốt mà còn có tác dụng giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng của cha anh” - đó là những lời anh Quảng thường nói để thuyết phục mọi người mang kỷ vật hiến tặng.

Và khi biết tới Bảo tàng Quang Minh, rất nhiều người đã gửi hiện vật, tư liệu cho Bảo tàng. Quân đoàn 4, bộ đội biên phòng, bộ đội đặc công, các binh chủng đều gửi hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã có tới hơn 2.000 hiện vật. 

Ông Trần Hồng Quảng (áo trắng) tiếp nhận hiện vật hiến tặng từ các cựu chiến binh.

Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Ý tưởng thành lập bảo tàng là vậy, nhưng khi bước vào mới thấy con đường lắm gian nan bởi việc xây dựng bảo tàng không phải chuyện dễ dàng, đơn giản. Trước hết là vấn đề kinh phí. Kinh phí chủ yếu huy động từ nguồn của cá nhân và đồng đội từ mọi miền Tổ quốc. Chưa kể, anh Quảng còn phải xin phép Bộ Quốc phòng để Bảo tàng Quang Minh được phép lưu giữ các hiện vật của chiến tranh. Và đưa được hiện vật về Bảo tàng là cả một kỳ công. Với những hiện vật là vũ khí cấp 5, tức là vũ khí không còn sử dụng, loại ra khỏi vòng chiến đấu thì các anh mới được phép đưa về đây.

“Hơn nữa, không có chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng nên các anh gặp rất nhiều khó khăn. Có tư liệu, hiện vật rồi nhưng sắp xếp thế nào cho khoa học, để khách tham quan dễ hiểu, nhất là với học sinh thì các anh cũng phải học hỏi và nhờ các chuyên gia ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam và các bảo tàng trên cả nước đến cố vấn”, anh Quảng cho hay.

Mỗi hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng đều được ông Trần Hồng Quảng dày công sưu tầm, đưa về trưng bày tại Bảo tàng.

Các hiện vật do Binh chủng Hóa học hiến tặng cho Bảo tàng Quang Minh.

Có quá nhiều kỷ niệm trong quá trình xây dựng bảo tàng này. Kể về từng hiện vật cũng như quá trình sưu tầm và đưa hiện vật về Bảo tàng, có nhiều lúc giọng anh Quảng trầm xuống, pha lẫn sự nghẹn ngào. Trong số những hiện vật anh Quảng cầm về từ chiến trường, có những chiếc bi đông bị bắn thủng. Những kỷ vật này đi theo suốt cuộc đời anh, gợi nhớ lại những kỷ niệm thời chiến tranh. Kể về hiện vật là viên đạn nằm trong đùi người lính - chính là anh trai mình - trong suốt 40 năm, anh Quảng nghẹn ngào: “Năm 1970 và 1971, anh trai tôi và tôi lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu. Anh tôi bị một viên đạn đại liên của Mỹ bắn vào đùi ngay trong năm 1970 trong một trận càn của Mỹ. Lúc ấy, y học chưa phát triển và ở chiến trường cũng không có đủ dụng cụ y tế nên không thể lấy viên đạn ra được vì nó nằm giáp dây thần kinh. Nếu mình không có đủ kỹ thuật, khi mổ mà chạm vào dây thần kinh sẽ bị liệt nửa người. Mãi 40 năm sau, viên đạn ấy tự bị ô xy hóa nên vết thương mưng mủ và đẩy viên đạn ra”.

Tuy mất rất nhiều công sức, kinh phí nhưng anh Quảng quyết tâm làm bảo tàng bởi anh quan niệm đây là làm cho những đồng đội đã ngã xuống, tuy các anh mất rồi nhưng kỷ vật vẫn còn, để người thân của các anh thấy được kỷ vật như thấy được con em mình. “Làm việc này, tôi thấy thanh thản. Tâm huyết làm bảo tàng của tôi đã được tập thể cán bộ công nhân Xí nghiệp Thương binh Quang Minh cùng chung tay xây dựng, chứ mình tôi chắc chắn không thể làm được. Xí nghiệp là đơn vị chính sách, trong số hơn 100 lao động thì thương binh chiếm 82%, còn lại là con em gia đình chính sách phục viên. Những người làm việc ở đây đều vừa sản xuất, vừa kiêm nhiệm công tác bảo tàng”, anh Quảng trải lòng.

Các đoàn viên thanh niên Trường Phổ thông trung học Thăng Long (Hải Phòng) tham quan Bảo tàng, được nghe nói chuyện về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cho đến nay, nhiều người vẫn tiếp tục mang hiện vật đến hiến tặng. Trên youtube, anh Quảng lập một kênh riêng để thông tin về việc tìm kiếm hiện vật. Bởi vậy, đến nay, các hiện vật vẫn tiếp tục được gửi về. Và mỗi khi biết ở đâu có hiện vật, anh Quảng sẽ dành thời gian, công sức, tiền bạc để đưa được hiện vật đó về bảo tàng. Tới đây, Bảo tàng Quang Minh sẽ được Bộ Quốc phòng xét duyệt được phép đưa các máy bay, xe tăng và các loại vũ khí lớn để trưng bày ngoài trời. Như vậy, bảo tàng sẽ có nhiều hiện vật làm phong phú thêm nội dung trưng bày, vừa có nhiều hiện vật để học sinh trải nghiệm và du khách đến tham quan các kỷ vật từ thời chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới.

Hiện nay, mỗi ngày Bảo tàng Quang Minh đón tiếp lượng khách rất đông đến tham quan. Đặc biệt là học sinh các trường đến tham quan, học ngoại khóa, tìm hiểu về lịch sử... “Chúng tôi không thu phí tham quan. Bảo tàng Quang Minh sẽ là địa chỉ cung cấp thêm kiến thức, sự hiểu biết về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc mình cho khách tham quan”, anh Trần Hồng Quảng khẳng định./.

Bảo tàng Quang Minh là nơi lưu giữ những kỷ vật thời kháng chiến cùng những dấu ấn lịch sử trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Qua hoạt động tham quan, Bảo tàng Quang Minh đã giúp học sinh có những trải nghiệm bổ ích, tìm hiểu về truyền thống yêu nước của dân tộc ta cũng như của người dân Hải Phòng.

Ông Trần Nguyên Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận