Điện Biên Phủ - Sự ám ảnh của quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, là nỗi ám ảnh và bài học sâu sắc cho các thế lực xâm lược.

 

Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân ta đã tổ chức thực hiện thành công trận quyết chiến chiến lược, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp (có đế quốc Mỹ trợ giúp), kết thúc bằng thắng lợi ngày 7/5/1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thất bại này của quân đội Pháp về sau đã trở thành nỗi ám ảnh của quân Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thất bại của chính sách “can thiệp” chiến tranh Đông Dương

Từ năm 1950, lợi dụng lúc thực dân Pháp đang trong tình thế khó khăn, đế quốc Mỹ quyết định “can thiệp”, viện trợ cho thực dân Pháp kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Viện trợ của Mỹ trong ngân sách chiến tranh của Pháp tại Đông Dương ngày càng tăng, chiếm 19% (1951), 35% (1952), 43% (1953), dự kiến 73% (1954).

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Tháng 5/1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Tháng 7/1953, Nava đưa ra kế hoạch quân sự mới, mà nội dung cơ bản là tập trung xây dựng khối chủ lực mạnh, có khả năng cơ động cao, tiến tới mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, thực dân Pháp tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét, bắt lính; đồng thời tăng cường đưa các đơn vị viễn chinh vào Đông Dương, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đã xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ. Kế hoạch quân sự Nava là nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm “chuyển bại thành thắng”.

Trước âm mưu và hành động của kẻ thù xâm lược, bước vào Đông - Xuân 1953 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng kháng chiến hai nước Lào, Campuchia mở 5 đòn tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược (Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào) buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó. Đến tháng 2/1954, toàn bộ khối chủ lực cơ động của quân Pháp bao gồm 84 tiểu đoàn, từ chỗ tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, chính thức bị “xé nát thành 5 mảnh”, đứng chôn chân trên 5 khu vực mà hầu như không thể hỗ trợ được cho nhau.

Đặc biệt, tại mặt trận Tây Bắc, trước tình hình chiến sự diễn biến căng thẳng, thực dân Pháp quyết định điều quân xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh với tổng số 16.200 quân, gồm những đơn vị thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương. Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”, thách thức đối phương tiến công.

Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, quân dân Việt Nam mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu dũng mãnh, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy (Christian de Castries), kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhân độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, cam kết rút quân về nước. Cũng từ đây, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” có sức cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc xâm lược. 

Sự ám ảnh “Điện Biên Phủ thứ hai” tại Khe Sanh năm 1968

Năm 1965, để cứu vãn chính quyền, quân đội Sài Gòn khỏi nguy cơ sụp đổ, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm 1967, mặc dù đã đưa sang chiến trường gần nửa triệu quân, nhưng Mỹ vẫn không đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, mà trái lại, gặp phải sự bế tắc về quân sự, bị “mắc kẹt” giữa thế trận chiến tranh nhân dân của cách mạng Việt Nam.

Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, cuối năm 1971. (Ảnh: TTXVN)

Dự đoán chiều hướng phát triển của chiến tranh, tướng William C. Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) cho rằng: Đến một thời điểm nhất định, phía Quân giải phóng sẽ dồn sức đánh một trận quyết định giống như đã từng làm đối với quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Nhưng thời điểm cụ thể nào, địa bàn ở đâu thì chưa thể trả lời.

Tháng 12/1967, khi phát hiện sự di chuyển của nhiều sư đoàn chủ lực Quân giải phóng hướng về căn cứ Mỹ ở Khe Sanh (thuộc phía tây bắc tỉnh Quảng Trị), do 3.000 lính thủy đánh bộ đang chốt giữ, tướng William C. Westmoreland vội vã khẳng định: “Mục tiêu chủ yếu của Cộng sản là đánh chiếm Khe Sanh, biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai!”. Từ nhận định đó, phía Mỹ tăng cường phòng thủ căn cứ lên gần 7.000 quân, đồng thời huy động tối đa các lực lượng, phương tiện chiến tranh hướng về các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, sẵn sàng đối phó. Tự tin vào sức mạnh vật chất, tướng Westmoreland còn tuyên bố sẽ làm một “Điện Biên Phủ đảo ngược”, muốn “dìm các sư đoàn Cộng sản dưới một thác bom và đạn cối”.

Đêm 20/1/1968 (trước Tết Mậu Thân 10 ngày), Quân giải phóng nổ súng tiến công Khe Sanh và toàn bộ tuyến phòng ngự Đường số 9 của quân Mỹ - quân đội Sài Gòn. Ngay lập tức, phía Mỹ tập trung đối phó.

Khi mọi sự chú ý của Mỹ đổ dồn về Khe Sanh, thì vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân Việt Nam mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam - nơi được xem là hậu phương an toàn của Mỹ, đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc tiến công Tết làm rung chuyển nước Mỹ, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược, buộc Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Như vậy, do bị ám ảnh về trận Điện Biên Phủ năm 1954, phía Mỹ đánh giá sai lệch ý đồ và mục tiêu chiến lược của đối phương, dẫn đến thất bại đau đớn. Cuối cùng, vào ngày 26/6/1968, trước sức ép tiến công liên tục của Quân giải phóng, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ quyết định rút bỏ Khe Sanh.

Sự ám ảnh “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội năm 1972

Từ giữa tháng 12/1972, sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, Richard Nixon thể hiện rõ bản chất ngoan cố và hiếu chiến, vừa ráo riết triển khai các kế hoạch kéo dài, mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam; đồng thời ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B.52) vào Hà Nội, Hải Phòng cùng các địa phương khác tại Bắc Việt Nam nhằm mục đích: hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, làm lung lay quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam; giảm áp lực cho chính quyền, quân đội Sài Gòn đang thất bại ở miền Nam; tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc Việt Nam dân chủ cộng hòa phải ký kết hiệp định có lợi cho Mỹ.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh tư liệu)

Ngày 18/12/1972, cuộc tập kích của không quân Mỹ (mật danh “Linebacker II”) chính thức bắt đầu và kéo dài trong nhiều ngày. Mỹ đã huy động hơn 700 lần chiếc B.52, cùng hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật (có cả loại hiện đại nhất F.111), ném khoảng 30.000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, giao thông, trường học, bệnh viện, khu phố... gây những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân; đỉnh cao là việc sử dụng máy bay B.52 ném bom rải thảm mang tính hủy diệt vào các khu đông dân cư ở Hà Nội trong những ngày từ 26 đến 29/12/1972. Đây là bước leo thang cao nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam.

Do phán đoán chính xác âm mưu, hành động của chính quyền Richard Nixon, lại có sự chuẩn bị sớm từ trước, quân dân Việt Nam ở Hà Nội và các địa phương bước vào chiến dịch phòng không với tinh thần chủ động, bình tĩnh, tự tin. Ngay trong đêm đầu tiên, lực lượng phòng không đã lập chiến công bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B.52 (2 chiếc rơi tại chỗ), mở ra khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ. Những ngày tiếp theo, nhiều B.52 cùng các loại máy bay chiến thuật khác của Mỹ tiếp tục bị bắn rơi.

Do tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, chấp nhận nối lại đàm phán tại Hội nghị Paris. Kết quả toàn chiến dịch, quân dân Bắc Việt Nam bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 B.52 và 5 F.111, diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, lực lượng phòng không bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 B.52 và 2 F.111. Dư luận phương Tây gọi chiến thắng này là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh thắng cuộc tập kích của không quân chiến lược đối phương bằng một đòn tiêu diệt nặng nề nhất trong lịch sử của nó, gây một sự bất ngờ và kinh hoàng lớn cho phía Mỹ.

Xác B52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Trong hồi ký của mình, chính Richard Nixon đã thú nhận: “Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B52”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, trở thành biểu tượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do; đồng thời cũng chính là nỗi ám ảnh và bài học sâu sắc cho các thế lực xâm lược. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quyết tâm phấn đấu hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đề ra./.

Theo Thiếu tá, TS Trần Hữu Huy/Viện Lịch sử quân sự Việt Nam 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận