Nhóm 'nữ quái' trên tuyến đầu chống dịch

Với sự dũng cảm, cẩn trọng và điềm tĩnh, những nữ phóng viên là những bông hoa thắm, làm dịu đi căng thẳng giữa tâm dịch.

 

Năm 2020 - 2021, Đắk Lắk trải qua đại dịch kép với 2 lần phát sinh ca bệnh Covid-19 và nhiều địa bàn bùng phát dịch bạch hầu nguy hiểm. Đồng hành với các bác sĩ, cán bộ y tế và các lực lượng chức năng, phóng viên nhiều cơ quan báo chí tại tỉnh đã xông pha ở tâm dịch để thông tin kịp thời về diễn biến và nỗ lực phòng chống dịch. Trong số đó đa phần là nữ phóng viên.

Nắm tay nhau đi vào những vùng dịch

Nam Trang (VOV Tây Nguyên), Kim Oanh, Hoàng Tuyết (Báo Đắk Lắk), Hải Yến (Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk (DRT) được một số đồng nghiệp yêu mến, cảm phục đặt cho biệt danh “nhóm nữ quái”. Họ “dính” nhau trong suốt các mùa dịch, cùng tác nghiệp trong các tâm dịch bệnh nguy hiểm như dịch bạch hầu và 2 đợt dịch Covid-19 năm 2020 và 2021.

Thân gái dặm trường, họ vẫn cùng lực lượng chức năng vật vã lúc đêm khuya, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, giữa các chợ đầu mối, các bến xe, hay các khu cách ly, để nắm những thông tin sớm nhất về tình hình dịch bệnh. Họ cũng “thoắt ẩn, thoắt hiện”, lúc ở trạm kiểm soát Covid-19 nơi biên giới, khi thì ở một xã vùng sâu đang nóng về dịch bạch hầu. Kết quả những đêm ngày dấn thân ấy không chỉ là hàng trăm tin thời sự nóng hổi về tình hình dịch bệnh, về những nỗ lực của ngành y tế cùng các cơ quan chức năng, mà còn nhiều bài viết động lòng người về những đùm bọc, chia sẻ của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cùng nhau vượt qua những ngày gian khó.

Nữ phóng viên Nam Trang lên sóng phát thanh trực tiếp về bầu cử trong khu phong tỏa Covid-19 tại Buôn Ma Thuột.

Theo dõi đồng nghiệp qua các tin, bài mới đăng và hành trình tác nghiệp chia sẻ trên mạng xã hội, chia sẻ những giờ phút vất vả, mồ hôi chảy ròng hay những khoảnh khắc xinh tươi, lạc quan, nghe đồng nghiệp lên sóng trực tiếp giữa khu phong tỏa, phóng viên Nguyễn Thảo (VOV tại Gia Lai) thốt lên: “Ở đây, mình và nhiều đồng nghiệp cũng rất say nghề, nhưng vẫn nể nhóm chị Oanh - Yến - Tuyết - Trang bên Đắk Lắk. Nửa đêm mà các chị ấy vẫn tác nghiệp ở khu phong tỏa, nơi mà ai cũng sợ bị lây nhiễm Covid-19 và bị cách ly cả dây chuyền”.

Trước nỗi lo mà đồng nghiệp bày tỏ, Kim Oanh - phóng viên báo Đắk Lắk cười tươi: “Bọn em đều là phóng viên chuyên trách mảng y tế nên đưa tin về dịch bệnh, tác nghiệp giữa tâm dịch là đương nhiên. Vất vả thì có, nhưng nguy cơ vẫn tránh được tối đa vì luôn tuân thủ những quy trình phòng dịch nghiêm ngặt nhất, được bảo hộ như các bác sĩ và nhân viên y tế trong vùng dịch”.

Còn Nam Trang - phóng viên VOV tại Tây Nguyên - tâm sự: “Nói hoàn toàn không lo thì không phải, nhưng nghề nào nghiệp ấy. Nếu không không vào sâu trong vùng dịch thì không thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế; không hiểu được tại sao tiến độ tiêm vaccine bạch hầu lại chậm, tại sao việc thông tin về các ca dương tính cần cẩn trọng. Thấy được những khó khăn vất vả đó, người làm báo mới ý thức rõ, chỉ bất cẩn khi dùng sai 1 từ, 1 câu, cũng gây rất nhiều tổn thương cho những người thực thi nhiệm vụ và những bệnh nhân mà mình đề cập trong tin, bài”.

Ngành y tế thấy mình không lẻ loi

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đắk Lắk - cho biết, trong hành trình chống dịch với vô vàn áp lực, ông và đồng nghiệp cảm thấy được an ủi, sẻ chia và cảm thông từ các phóng viên và đông đảo quần chúng nhân dân: “Cán bộ y tế đi đến vùng dịch nào cũng có các phóng viên - nhà báo đi cùng nên chúng tôi thấy không bị lẻ loi. Các nhà báo nhẫn nại, chờ để thẩm định thông tin cho chính xác, cũng khiến lực lượng y tế và các cộng tác viên ở cơ sở được động viên an ủi”…

Trên tuyến đầu chống dịch bạch hầu và Covid-19 ở Đắk Lắk và Tây Nguyên năm 2020 - 2021 cũng ghi dấu ấn rõ nét của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, khi cán bộ của Viện đã kịp thời hỗ trợ các tỉnh truy dấu vết dịch bệnh, nâng cao năng lực xét nghiệm và thực hiện hàng ngàn xét nghiệm RT-PCR. Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, đến thời điểm này, Đắk Lắk và Tây Nguyên đều cơ bản khống chế được 2 dịch bệnh nguy hiểm. Về sự đồng hành của báo chí trong phòng chống dịch, ông Viên Chinh Chiến nhắc một loạt tên cụ thể: Lao động, Tuổi trẻ, Tiền Phong, VOV, VTV, Báo Gia Lai, Đắk Lắk… và nhiều tờ báo khác. Về các phóng viên, ông nhớ rõ tên Nam Trang, Kim Oanh, Hải Yến…

Những nữ phóng viên dấn thân vào vùng dịch để kịp phản ánh về tình hình dịch bệnh Covid-19 tới khán thính giả cả nước.

Bao giờ hết dịch, mình lại đi tìm thanh xuân

Bộ tứ Nam Trang, Kim Oanh, Hoàng Tuyết, Hải Yến đều là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Vật lộn trong từng điểm dịch không phải không có những lo âu. Mỗi lần báo cáo nhiệm vụ, các tổng biên tập và giám đốc cơ quan luôn nhắn nhủ “hết sức thận trọng”. Mỗi lần có tin trên báo, người thân cũng nhắn gửi những dòng vừa khích lệ, vừa lo âu. “Vậy nên, như bên báo Đắk Lắk, những tin dịch bệnh do em và Tuyết làm phải lấy đến 4 - 5 bút danh, chứ lúc nào cũng Kim Oanh, Hoàng Tuyết thì người nhà sẽ rất lo lắng”, phóng viên Kim Oanh chia sẻ cách giải tỏa lo âu.

“Nhiều khi chúng em cũng muốn cùng nhau nhí nhố một chút để giải tỏa bớt căng thẳng trong công việc, nhưng vẫn phải đeo khẩu trang. Vậy nên mong hết dịch để bọn em còn tìm lại thanh xuân của mình”.

Còn Nam Trang, phóng viên VOV tại Tây Nguyên, không chỉ lo giữ an toàn cho mình, mà còn cho đồng nghiệp và người thân: “Em có nói với Oanh, Tuyết và một số đồng nghiệp: Hay là mình xin tỉnh một phòng riêng để ở đó, khỏi về nhà, không ra quán, cũng không tới cơ quan? Nhưng mấy bạn đều cười: “Nằm mơ à? Tỉnh lấy đâu được phòng cho riêng mấy đứa. Và nếu có, thì con ở nhà ai chăm? Mà nếu dịch kéo dài cả đôi ba tháng, thì cũng bỏ nhà chắc?”. Vậy nên bọn em nhất trí là vẫn đi vào các điểm dịch như các cán bộ y tế, thực hiện các nguyên tắc an toàn - tự bảo vệ mình như các cán bộ y tế vẫn làm. Bên y tế đã cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ dùng 1 lần, tạo điều kiện tối đa để phóng viên tác nghiệp thuận lợi nên cũng yên tâm. Hy vọng là sớm hết dịch”...

Dịch Covid-19 Đắk Lắk đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới, dịch bạch hầu đã được khống chế, Nam Trang - Kim Oanh đã có thể viết nhiều hơn về du lịch - TP Buôn Ma Thuột; Hải Yến dành nhiều thời gian viết về lực lượng Quân đội - Công an.

“Nhiều khi chúng em cũng muốn cùng nhau nhí nhố một chút để giải tỏa bớt căng thẳng trong công việc, nhưng vẫn phải đeo khẩu trang. Vậy nên mong hết dịch để bọn em còn tìm lại thanh xuân của mình”, nhóm nữ phóng viên chia tay đồng nghiệp trong tiếng cười rôm rả. Họ nói chờ hết dịch để đi tìm thanh xuân, nhưng ai cũng nhận thấy, họ đang trong những ngày tháng thanh xuân nhất của cuộc đời, vượt qua thử thách bằng sự mạnh mẽ, lạc quan, đoàn kết và tin tưởng./.  

Trong phòng chống dịch, báo chí đã thể hiện vai trò rất quan trọng. Chính thông tin kịp thời, chi tiết của các báo đã tác động Bộ Y tế sớm có quyết định cấp 10 triệu liều vaccine bạch hầu cho các tỉnh Tây Nguyên. Quan trọng hơn là thông tin báo chí còn giúp hình thành nhận thức đúng cho người dân về các mối nguy dịch bệnh để chủ động phòng chống. Với anh em trong Viện bấy lâu nay làm việc thầm lặng, qua báo chí cũng được xã hội biết đến và công nhận. Đó là nguồn động viên rất lớn”.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận