Xóm ngụ cư ven sông, chật vật trong cơn bão dịch Covid-19

Nằm dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội có xóm nghèo mang tên 'xóm Phao'. Tại đây, 35 nóc nhà được đặt trên những thùng phuy nổi bập bềnh trên sóng nước sông Hồng.

 

Đó là nơi cư ngụ của những lao động đến từ nhiều vùng quê khác nhau, phần lớn trong số họ không có giấy tờ tùy thân, không có công việc ổn định. Cuộc sống bình thường của họ đã vốn khó khăn, nay càng chật vật, chao đảo trong cơn bão dịch.

Người dân xóm Phao ở nhà cả ngày do không có việc làm.

Ghì chặt tay lái theo con dốc nhỏ, dựng đứng trên cầu Long Biên xuống bãi giữa sông Hồng, chúng tôi tìm đường vào xóm Phao... Xóm nhỏ như một ốc đảo chông chênh, ọp ẹp nằm sát bờ sông. Những căn nhà bè được che chắn tạm bợ bằng những tấm gỗ thải, bìa carton là chốn nương thân của gần 100 nhân khẩu.

Trong không gian cách biệt với ồn ào phố thị, một bản nhạc vang lên phá tan bầu không khí tĩnh lặng. Vài người đang túm năm, tụm ba trong quán nước đầu xóm. Cảm giác chẳng gì có thể quấy rầy nhịp sống yên bình nơi đây. Vậy nhưng đó lại là điều rất bất thường với những người dân xóm Phao.

Trong căn nhà đã xệ một bên hông, chỉ chực nhào xuống nước mỗi khi tàu thuyền qua lại, bà Nguyễn Thị Oanh ngồi bệt dưới sàn, tay ôm đứa cháu ngoại gầy gò, đen đúa. Bình thường khi chưa có dịch, chẳng dễ gì gặp bà ở nhà, bởi hai bà cháu lang thang ngoài phố nhặt phế liệu từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Gần hai tháng nay, khi các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố đóng cửa để chống dịch, bà “thất nghiệp”, chỉ biết cầu trời khấn phật, mong dịch bệnh sớm chấm dứt. “Dịch bệnh này hàng quán họ không bán nên mình chẳng có lon bia hay giấy vụn mà nhặt. Giờ cô cứ nhà thôi, chỉ xuống cái hồ này nhặt cua, nhặt ốc để mà ăn chứ có tiền đâu”, bà Oanh than thở.

Những căn nhà ọp ẹp, tạm bợ là chốn nương thân của người dân xóm Phao.

Nhà kế đó, gia đình anh Trần Đức Huân và chị Trần Phương Hoa, đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Trên mâm cơm chỏng chơ vài bộ bát đũa còn có đĩa rau muống luộc. Trong căn nhà trống huơ trống hoác, thứ đồ vật có giá trị nhất là chiếc quạt ắc quy anh chị được tặng, chẳng thể xua tan cái nóng hầm hập của mùa hè.

Nhà anh Huân ở đây từ năm 2002. Anh trôi dạt về đây vì vợ anh bị ung thư, không có tiền để thuê nhà. Cuộc sống khó khăn cùng người vợ 20 năm mắc bệnh ung thư khiến gia đình anh Huân trôi dạt về xóm Phao. Ở đây không mất tiền thuê nhà, nhưng cả gia đình phải nếm trải những khổ cực ở nơi được mệnh danh là xóm ba không: Không trường trạm, không điện, không nước sạch. Để có tiền chữa bệnh cho vợ, anh Huân làm thợ đụng, đụng gì làm đó, ai thuê gì làm đó, còn chị Hoa vì sức khỏe yếu, chỉ làm dăm ba công việc vừa sức. Khi xã hội vào guồng giãn cách, chị dừng việc, chỉ ở nhà trông mấy đứa cháu nhỏ.

Anh Huân, chị Hoa có với nhau hai người con. Đứa con gái lớn đã lấy chồng là hàng xóm và cũng là cư dân xóm Phao. Cái đói nghèo, khổ sở bởi thế “nối dài” từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm Phao cho biết, 35 hộ dân ở đây là những thân phận bần cùng, khổ sở dưới đáy tận cùng xã hội: Có những người lang thang phiêu bạt từ bé, chẳng có lấy một thứ giấy tờ chứng minh thân phận, nhiều đứa trẻ sinh ra không có bố, nhiều mảnh đời “rổ, rá” cạp lại nương tựa vào nhau.

Những cảnh đời lao động nghèo bình thường đã chật vật kiếm sống từng ngày, dịch bệnh xảy ra làm họ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong câu chuyện với những người dân xóm nghèo, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự lạc quan, niềm vui cuộc đời. Bà Phạm Thị Thu ngày nào cũng sang trông con cho hàng xóm cho biết, ở xóm nhỏ này, mọi người luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau nên bà cũng cảm thấy ấm lòng.

Xóm ngụ cư nghèo dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội.

Chiều muộn, khi nắng bớt oi ả, những đứa trẻ xóm Phao rủ nhau lên bờ chơi đùa. Dưới những căn nhà chồng chành ven sông, bố mẹ chúng dường như đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho bữa tối. Họ là những người thợ bốc vác không có việc làm, những bà bán rau ế ẩm vẫn còn đầy sọt hàng, là những người thu gom phế liệu, những nhân công thời vụ của quán ăn đang mong ngóng từng ngày được trở lại với công việc bình thường.

Có lẽ ai cũng hiểu được những gian nan của những lao động nghèo trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Mong rằng trong gian khó, họ sẽ không cô đơn, sẽ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận