Mang đậm nét tâm linh huyền bí, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở huyện Quang Bình (Hà Giang) và Chiêm Hoá (Tuyên Quang) được tổ chức để cầu chúc cho mọi người dân khoẻ mạnh, sản vật sung túc, mùa màng bội thu và tạ ơn các vị thần linh. Lễ hội diễn ra vào buổi tối, trên một bãi đất rộng và bằng phẳng, sau mùa gặt (khoảng từ đầu tháng 11 đến hết tháng Giêng âm lịch) để mừng lúa mới.
Bắt đầu lễ hội, thầy mo làm lễ cúng cầu thần linh. Lễ vật gồm có một bát hương, 1 con gà, 10 chén rượu và tiền giấy. Đồ cúng là 1 chiếc đàn sắt (gọi là cầu cưa). Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo hành lễ trong 1 - 2 giờ. Khi nhận được sự “đồng ý” từ thần linh, thầy mo vừa khấn cúng vừa cùng một dãy người nhảy lửa ngồi đối diện gõ vào “cầu cưa”, đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Khi những động tác lắc lư của người nhảy lửa mạnh dần, họ bắt đầu bật lên, và nhảy tiến ra gần đống lửa. Trong phút xuất thần, họ bỗng thăng hoa mạnh mẽ, và biến ảo trong những bước nhảy trên đống than hồng.
Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa dài hay ngắn là tuỳ theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng gõ “cầu cưa”, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới. Khi đống lửa đã tàn, than đã tắt cũng là lúc kết thúc lễ nhảy lửa. Thầy mo cúng tạ các vị thần rồi mọi người mới ra về.