Cơ duyên thiện nguyện
Cha mẹ quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nhưng bà Dương Thanh Hà được sinh ra tại mảnh đất Cần Thơ. Gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Khi lập gia đình, bà nối tiếp công việc buôn bán của gia đình, mở một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Ngày đó, dù con nhỏ, gia đình còn nhiều thiếu thốn, nhưng mỗi ngày chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn, vất vả hơn mình, bà Hà đã cùng chồng quyết định làm từ thiện, chia sẻ bớt phần nào nhọc nhằn của những người nghèo.
Ban đầu, bà chia đôi đồng lời từ việc buôn bán trứng gà, trứng vịt để 1 tháng nấu 4 buổi cơm chay từ thiện. Bà luân phiên nhiều địa điểm trên địa bàn, để ai khó khăn cũng có thể được một bữa ăn no. Và cứ thế, hơn 30 năm qua, hễ nghe ở đâu gặp khó khăn, bà đều tự nguyện ủng hộ và kêu gọi, vận động xóm làng, bạn bè, mỗi người một chút với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều nhà hảo tâm tại Cần Thơ đã có các hoạt động phát cơm miễn phí, tặng nhu yếu phẩm cho bà con nghèo… Và bà Hà cũng không đứng ngoài danh sách các nhà hảo tâm đó. Cô là một trong những người đầu tiên mở ra mô hình “Chợ 0 đồng”, với khẩu hiệu “Chợ 0 đồng dành riêng cho những người dân nghèo khổ gặp khó khăn”.
Đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, người dân tại phường Lê Bình, quận Cái Răng lại thấy bóng dáng nhỏ bé của bà Hà, tay xách đủ loại rau, củ, quả đưa đến gian “Chợ 0 đồng”, nằm phía sau chùa Phước Long, dưới chân cầu Cái Răng. Rau, củ này cô mua mỗi thứ mỗi giá, mắc có, rẻ có, nhưng người khó khăn đến gian hàng của cô “mua” chỉ với một giá duy nhất là “0 đồng”.
Ban đầu, gian hàng của cô chỉ cung cấp rau, củ, quả, nhưng đến nay đã có nhiều nhà hảo tâm chung tay cùng bà. Do đó, hàng hóa phong phú hơn rất nhiều, từ gia vị, đến mì gói, bánh kẹo, gạo…
Thấy “Chợ 0 đồng” cố định, chỉ giúp được một số ít người khó khăn, sau khi vận động nhiều nhà hảo tâm, bà Hà đã xây dựng thêm mô hình “Chợ 0 đồng di động” đến những vùng quê nghèo hơn trên địa bàn. Gần đây nhất là chuyến đi đến khu vực Chợ Bông Vang (huyện Phong Điền) do bà phát động và cùng các nhà hảo tâm thực hiện.
Bà Hà Thị Mỹ (71 tuổi), sống neo đơn tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, đã rất xúc động khi nhận được phần quà nhu yếu phẩm từ “Chợ 0 đồng di động”: “Tôi làm thời vụ cho bên cây xanh, khỏe thì đi làm mà khi yếu thì xin nghỉ, vì thế thu nhập không ổn định. Đợt này do ảnh hưởng của dịch nên bản thân không có thu nhập. Phần nhu yếu phẩm này giúp tôi xoay sở được trong một tháng. Tôi thực sự biết ơn các nhà hảo tâm”.
Gieo mầm thiện nguyện
Như cánh bồ công anh bay trong gió, những việc làm tốt đẹp của bà Hà ngày càng lan tỏa rộng khắp, ngày càng nhiều người tìm đến chung tay cùng bà làm việc thiện. Nhờ đó, bà thành lập được các hội, nhóm từ thiện, giúp được nhiều người hơn, cũng như thực hiện được các hoạt động cần nguồn kinh phí lớn như xây cây cầu nông thôn… Những nơi chưa từng có hoạt động giúp người khó khăn, khi bà tới làm, chỉ một thời gian sau, nơi ấy đã có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ. Và khi đó bà lại tìm đến chỗ khác, để “gieo hạt” giống mới giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cũng bởi vậy mà bà Hà được mệnh danh là người đi “gieo mầm” thiện nguyện.
Bà Dương Thanh Hà chia sẻ, hơn 10 năm trước, bệnh nhân nghèo điều trị dài ngày tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ rất khó khăn trong việc tìm một nơi bán đồ ăn giá rẻ. Bệnh viện hỗ trợ viện phí, nhưng chi phí cho ăn uống cũng là một áp lực lớn đối với bệnh nhân và gia đình. Nhìn thấy điều đó, bà Hà đã tình nguyện nấu cơm và mang đến phát miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay công việc này đã được những nhà hảo tâm là bạn của bà Hà tiếp tục duy trì. “Tôi sẽ đi tìm những chỗ nào chưa có người biết đến để giúp, và khi biết rồi, lan tỏa rồi thì tôi lại đi tìm nơi khác” - bà Hà cho biết.
Những ngày đầu “đơn thương độc mã” làm từ thiện với số vốn ít ỏi, địa bàn hoạt động của bà Hà vì thế cũng hạn chế quanh khu vực Cần Thơ. Dần về sau, với sự chung tay của nhiều người, nhóm thiện nguyện của bà Hà đã mở rộng đến nhiều nơi ngoài địa bàn Cần Thơ, với những hoạt động đa dạng hơn như: góp sức tiêu thụ hành tím cho bà con huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Hậu Giang…
Với tiêu chí “chỉ nhận vật phẩm, không nhận tiền”, bà Hà luôn động viên các nhà hảo tâm không chỉ quyên góp đồ từ thiện, mà nên dành thời gian cùng cô đi đến tận nơi, trao tận tay những món quà cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi, những hoàn cảnh khó khăn…, bởi theo bà, trực tiếp giúp đỡ những số phận kém may mắn, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc làm mình thấy cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa.
Cô Huỳnh Thanh Thủy, sống tại quận Ninh Kiều, đã hơn 6 năm đồng hành, góp công, góp của cùng bà Hà trong các hoạt động thiện nguyện bày tỏ: “Khi đi làm từ thiện cùng vợ chồng chị Hà, tôi rất ngưỡng mộ vì anh chị đặt hết cái tâm vào việc thiện. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với anh chị, hết lòng chung tay góp sức để chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh”.
Đã bước sang tuổi 60, nhưng bà Dương Thanh Hà vẫn chưa có ý định dừng hoạt động thiện nguyện. Bà vẫn đều đặn phát bốn lần quà trong một năm cho người nghèo, mỗi lần từ 250 - 300 phần. Bà tâm niệm: Tính thiện cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể để giúp đời, giúp người. Như vậy mới tạo ra sức lan tỏa những “tấm lòng vàng”, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. “Tôi còn sống là còn làm từ thiện. Ai dư thì đóng góp với mình, ai cần thì mình giúp. Như vậy, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”, bà Dương Thanh Hà tâm sự.
Chặng đường hoạt động thiện nguyện hơn 30 năm và còn nhiều năm tiếp theo nữa, bà Dương Thanh Hà cùng gia đình sẽ mang thêm nhiều nụ cười hạnh phúc đến với những mảnh đời khó khăn. Là người bình thường nhưng có những hoạt động không phải ai cũng làm được, bà Hà là tấm gương sáng về lòng nhân ái để mọi người học tập, noi theo./.