Già làng Y Yơh Kbuôr

Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Y Yơh Kbuôr ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn nhiệt tình với công tác của buôn làng.

 

Trong nhiều năm qua, ông Y Yơh Kbuôrđược chính quyền và người dân địa phương tín nhiệm bầu làm già làng, người uy tín, trưởng ban công tác mặt trận, chủ tịch hội đồng già làng.

Tuyên truyền viên tích cực của buôn làng

Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại ở Đắk Lắk và các tỉnh lân cận, sau mỗi bữa cơm tối, già làng Y Yơh Kbuôr, ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột lại cùng tổ trưởng các tổ liên gia đi đến từng nhà trong buôn để đôn đốc mọi người chấp hành các quy định phòng chống dịch, nhắc nhở những gia đình có người thân mới đi xa về phải đi khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Già làng Y Yơh kể, không chỉ riêng buôn Kmrơng Prong A mà nhiều buôn làng khác ở xã Ea Tu hiện nay có nhiều thanh niên đi làm ăn ở các tỉnh khác. Giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ và chủ động phòng dịch cũng như có trách nhiệm chung tay cùng cả nước chống dịch.

Buôn Kmrơng Prong A hiện có gần 550 hộ dân với 2.200 khẩu, phần đông là người Êđê. Tình hình dịch bệnh đã có nhiều tác động đến kinh tế và đời sống người dân. Thanh niên đi làm ăn xa, làm công nhân trong các công ty, khu công nghiệp đang phải nghỉ việc vì dịch. Tuy vậy, khi có chủ trương kêu gọi ủng hộ quỹ phòng chống dịch, mọi người đều tích cực tham gia đóng góp. Bà H’Ó Kbuôr, người dân buôn Kmrơng Prong A cho biết, qua thông tin đài báo và qua những buổi trò chuyện với già làng Y Yơh Kbuôr, gia đình đã có ý thức phòng chống dịch tốt hơn. Và dù kinh tế chưa khá giả, nhưng của ít lòng nhiều, bà cũng đóng góp vào quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ. Nhờ những tấm lòng ủng hộ như vậy, trong đợt quyên góp mới đây, buôn Kmrơng Prong A đã huy động được gần 8 triệu đồng, chưa kể nhiều người dân còn trực tiếp ủng hộ bằng các tin nhắn trên điện thoại và các ứng dụng khác. Như lời già làng Y Yơh Kbuôr, tuy không nhiều nhưng đây là số tiền từ sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Già Y Yơh đã đại diện người dân đem nộp số tiền này về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Tu.

Già làng Y Yơh Kbuôr đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con.

Không chỉ đồng lòng chống dịch, người dân buôn Kmrơng Prong A cũng sống đoàn kết và biết giữ gìn các phong tục truyền thống. Trong những năm qua, mặc dù chịu tác động của đô thị hóa và sự giao thoa văn hóa nhưng trong buôn vẫn gìn giữ được nhiều bộ chiêng quý, ché cổ, hoa văn thổ cẩm, trang phục truyền thống, bến nước, nhà dài. Mỗi khi trong buôn có mâu thuẫn xích mích, mọi người cùng ngồi lại phân xử đúng sai, ít khi phải cần đến sự can thiệp của pháp luật.

“Người phán xử” được buôn làng tin yêu

81 tuổi đời, già làng Y Yơh có “thâm niên” hơn 30 năm làm công tác mặt trận, là người có uy tín và được tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch hội đồng già làng của xã trong nhiều năm qua. Dù ở cương vị nào, ông Y Yơh cũng tích cực phối hợp với các cán bộ cơ sở, hội đoàn thể trong buôn để hoàn thành tốt công việc, phát huy vai trò đoàn kết tập hợp nhân dân, làm gương đi đầu trong các hoạt động. Ở buôn Kmrơng Prong A và các buôn gần đó, già làng Y Yơh “nổi tiếng” với vai trò “người phán xử”, là người cầm cân nảy mực trong các cuộc họp giải quyết mâu thuẫn, xích mích. Già làng Y Yơh tâm sự, những năm gần đây đời sống và dân trí ngày càng được nâng cao nên những mâu thuẫn buôn làng hầu như rất ít xảy ra. Người dân đều tuân thủ pháp luật, không vi phạm những điều cấm kỵ theo luật tục buôn làng.

 Già làng Y Yơh trao đổi với phóng viên.

Nhớ lại quãng thời gian trước, khi mới tham gia công tác mặt trận và được tín nhiệm giữ chức già làng, trong buôn vẫn còn mang nặng luật tục truyền thống, xử phạt nặng những trường hợp vi phạm. Có một câu chuyện khiến ông nhớ mãi, đó là lần giải quyết vụ việc loạn luân giữa cha và con gái trong một gia đình ở buôn Kmrơng Prong A. Khi đó, theo tục lệ của buôn làng, hai người vi phạm sẽ phải cắt máu trộn vào cơm, đổ cơm vào máng lợn và cả 2 người phải ăn hết số cơm đó. Trong lúc phân xử, một thành viên trong hội đồng (là bác ruột của cô gái, cũng là thầy cúng trong buôn) kiên quyết bắt người vi phạm phải thực hiện theo luật tục để tránh tai họa cho buôn làng. Ông Y Yơh đã kiên trì thuyết phục, giảng giải cho mọi người trong buôn hiểu cách làm đó là trái với quy định pháp luật. Phân tích đúng sai, lợi hại và bắt 2 người vi phạm phải từ bỏ điều sai mà đi theo hướng thiện. Sự kiên trì của ông được cả hội đồng ghi nhận, người dân chấp nhận tha thứ cho người vi phạm, cho họ cơ hội sửa sai.

Hay như vụ bà H’Buăn Byă ở buôn Kmrơng Prong B kiên quyết đòi ly hôn với chồng vì người chồng thường xuyên say rượu, gây gổ và đánh đập vợ con. Trước khi ra tòa, hai bên gia đình nhờ đến tổ hòa giải thông qua già làng và cán bộ thôn buôn đứng ra giải quyết. “Khi đó tôi mời cả hai vợ chồng đến phân tích đúng sai, động viên, khuyên giải. Khi những khúc mắc bấy lâu được giải tỏa, Hội đồng yêu cầu anh chồng viết cam kết, tôi đứng ra bảo lãnh. Sau đó, vợ chồng chị H’Buăn sống hòa thuận, cùng nhau phát triển kinh tế và nuôi con ăn học. Đến tận bây giờ, khi cả gia đình vượt qua quãng thời gian sóng gió, các con đều đã trưởng thành, mỗi khi gặp tôi, chị H’Buăn vẫn nhắc với chồng, bảo nhờ tôi nên gia đình còn duy trì được đến giờ”, già làng Y Yơh kể.

Theo lời già làng, để người dân nghe mình phân xử, trước hết bản thân phải biết lắng nghe các bên, từ đó hiểu suy nghĩ của họ để có cách giúp đỡ, động viên hay giải thích cho họ biết đúng sai, phải trái. Trước kia luật tục của buôn làng rất khắt khe, không có nhượng bộ, nhưng dần dần, người dân đã hiểu và chấp nhận thay đổi, không còn phạt nặng mà chủ yếu phân xử làm rõ trắng đen, để người sai nhận ra lỗi lầm và quyết tâm thay đổi, nếu tái phạm sẽ đưa ra pháp luật để nghiêm trị.

Đau đáu với giá trị truyền thống

Đánh giá về già làng Y Yơh Kbuôr, ông Bùi Văn Hượng, cán bộ văn hóa xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, già làng Y Yơh đã có nhiều đóng góp đối với chính quyền địa phương. Ông thường xuyên vận động các già làng ở các buôn tham gia hoạt động bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, giáo dục các con cháu giữ gìn truyền thống ông bà, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tham gia hoạt động hòa giải, khuyên bảo từng gia đình khi xảy ra mâu thuẫn. Ông cũng phối hợp với đội cồng chiêng của buôn mở một số lớp truyền dạy cho các em thanh thiếu niên. Vận động người dân giữ gìn và duy trì nghề dệt thổ cẩm, hỗ trợ thu mua và tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm của bà con.

Bản thân ông Y Yơh cũng là tấm gương tiêu biểu về gìn giữ văn hóa, nuôi dạy con ngoan. Ông luôn “nói đi đôi với làm” nên được người dân tôn trọng, tin tưởng. Đặc biệt, khi làm chủ tịch Hội đồng già làng, ông đã giúp phát huy vai trò của từng thành viên hội đồng đối với người dân ở các buôn.

Gắn bó với người dân và hiểu cách nghĩ của người dân, hơn 30 năm qua, già làng Y Yơh Kbuôr đã trở thành “trung tâm đoàn kết” của buôn Kmrơng Prong A nói riêng và của các buôn làng ở xã Ea Tu nói chung. Với cách làm là “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, khuyên bảo nhẹ nhàng, có lý lẽ, già làng Y Yơh càng được người dân tin tưởng, nghe theo.

Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn được như trước, nhưng già làng Y Yơh vẫn nhiệt tình tham gia các công việc chung. Tuy vậy, bản thân ông vẫn nhiều trăn trở trước những giá trị văn hóa đang dần mất đi ở buôn làng. Là buôn giàu bản sắc ở địa phương, trong buôn Kmrơng Prong A còn gần 20 bộ chiêng, hàng chục chiếc ché cổ nhưng mấy năm nay, tiếng chiêng gần như không còn được vang lên bởi nhiều lý do. Lớp trẻ không còn mặn mà học đánh chiêng như trước, đám thanh niên vì lý do kinh tế mà rời xa buôn làng, những người nhiều kinh nghiệm đánh chiêng đều đã cao tuổi, già yếu, có người đã mất. Thậm chí, 3 năm gần đây, trong buôn không tổ chức lễ cúng bến nước như trước, phần vì dịch bệnh, phần khác vì “thầy cúng” duy nhất của buôn đã qua đời, buôn làng không dám mời thầy cúng buôn khác vì sợ phạm vào điều tối kỵ trong tín ngưỡng của đồng bào, có thể ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân trong buôn. Đem theo những trăn trở ấy, già làng Y Yơh lại cặm cụi tìm kiếm và cố gắng bồi dưỡng những người có tiềm năng, với hy vọng một ngày gần đây sẽ có một lớp kế cận trẻ, nhiệt huyết có thể tiếp nối những người như ông, tiếp tục gìn giữ bản sắc của buôn làng cho các thế hệ sau./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận