Cô gái trẻ đam mê nặn 'thực phẩm tí hon' từ đất sét

Với sự tỉ mỉ, khéo tay, các loại trái cây, món ăn… làm từ đất sét của Phạm Thùy Thanh Thảo ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đang gây 'sốt' với nhiều người.

 

Ý tưởng khởi nghiệp này giúp Thanh Thảo có thu nhập ổn định trong bối cảnh người kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

“Nghề chọn mình!”

Thanh Thảo sinh năm 1994 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn và nụ cười tươi rói cùng chiếc răng khểnh đáng yêu ấy tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non năm 2016. Tưởng chừng “mọi sự đã an bài” đối với cô giáo mầm non. Thế nhưng sau khoảng một năm đi dạy, Thanh Thảo cảm thấy nghề giáo viên không hợp với mình, vì những công việc lặp đi lặp lại, trong khi bản thân luôn muốn làm gì đó sáng tạo, đổi mới liên tục. Thế là năm 2017, Thảo đưa ra quyết định “đánh cược với tương lai” khi bỏ hết tất cả những gì ổn định, thân thuộc, một thân một mình xuôi về Cần Thơ, bắt đầu hành trình “nghề chọn mình”, theo đuổi đam mê làm đồ chơi tí hon từ đất sét.

Cầm trên tay những mô hình nhỏ xinh, Thanh Thảo tâm sự, chị tình cờ biết môn nghệ thuật này trên mạng internet. Ngay từ lần đầu xem, chị đã “mê tít” và háo hức muốn bắt tay ngay vào sáng tạo một sản phẩm gì đó từ đất sét. Cũng như bao người, giai đoạn đầu chị “thất bại liên tục”, sản phẩm làm ra không như mong muốn. Lúc đó, bản thân chị có chút hoang mang, nhưng rồi lại tự động viên mình rằng không có thành công nào đến một cách dễ dàng. Hơn thế, đã yêu thích thì phải theo đuổi đến cùng. Thế rồi, ngày gặt hái quả ngọt cũng đến với người kiên trì: “Tác phẩm đầu tiên như trái dâu, trái cam… tôi làm mấy tiếng đồng hồ mới xong. Sau này khi thành thạo, tôi làm nhanh hơn, chỉ trong vài phút” - Thảo chia sẻ.

Thanh Thảo và bạn trai cùng chung chí hướng lập nghiệp.

Thảo cho biết, để làm ra sản phẩm thu nhỏ với kích thước bằng 1/12 vật thật, chị phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: Nhào đất, trộn màu, tạo hình chi tiết, vẽ màu, phủ bóng hay phủ bảo vệ. Trong đó, khâu khó nhất là lên màu sản phẩm sao cho giống y phiên bản thật. Hơn thế nữa, do làm theo phương pháp đất sét tự khô nên các thao tác của Thảo phải thật nhanh và chính xác bởi trước khi đất sét khô sẽ không nặn được như ý. Hàng handmade nên tất cả dựa vào đôi tay khéo léo, tùy vào độ khó của sản phẩm mà thời gian hoàn thiện cũng khác nhau, dao động từ một cho đến vài ngày, nhiều khi cả tuần lễ.

Thế nhưng, con đường thành công của Thảo không chỉ có kiên trì, với hàng trăm sản phẩm phải bỏ đi, cùng nhiều đêm mất ngủ… mà còn phải có sự sáng tạo không ngừng nghỉ, không cho phép bản thân lặp lại của người khác và lặp lại chính mình. 

4 năm qua, Thảo đã lao động miệt mài và nghiêm túc, từ những mô hình trái cây đơn giản lúc đầu, Thảo đã tạo nên những mô hình đòi hỏi sự công phu, phức tạp hơn như: xe bán rau củ quả, sạp bán trái cây, xe bán bánh mì… “Ý tưởng sản phẩm ở khắp mọi nơi, tôi nhìn thấy trong thực tế có mô hình gì hay là sẽ chụp lại và về tìm cách mô phỏng bằng đất sét. Nhiều sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và màu sắc khó như da con mực, món hàu nướng mỡ hành… đòi hỏi mình phải suy nghĩ và thử nhiều phương pháp mới cho ra thành phẩm như ý” - Thảo cho biết.

“Cô chủ nhỏ” của Minitoy

Bốn năm qua, một mình nơi đất khách quê người, nhiều lần gia đình gọi về Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Thảo vẫn bám trụ tại đất Tây Đô. Thảo nói rằng, ban đầu chị chỉ nghĩ Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp và sinh sống, nhưng càng ở lâu chị lại càng mến mảnh đất này. Đến nay, Thảo đã có một cửa hàng nhỏ kinh doanh sản phẩm tâm huyết của mình tại quận Ninh Kiều, cùng trang fanpage Minitoy để quảng bá online.

Các loại trái cây, món ăn nặn bằng đất sét của Thảo được nhiều người yêu thích.

Bên cạnh đó, niềm vui tinh thần của “cô chủ nhỏ” cũng được tròn đầy hơn khi người bạn trai  - anh Lê Lý Bảo - cũng từ tỉnh Đồng Tháp về đất Tây Đô gánh vác việc kinh doanh với Thảo. Ngoài giờ học ở giảng đường, anh Bảo tìm hiểu thêm về cách làm các mô hình xe từ chất liệu gỗ, thép… để hỗ trợ Thảo trong việc tạo nên sản phẩm mới. Không được đào tạo chuyên nghiệp, anh Bảo phải cố gắng xem rất nhiều clip chỉ dẫn, tuy hơi khó khăn, nhưng anh hài lòng với việc sát cánh cùng bạn gái trên chặng đường lập nghiệp.

Anh Lê Lý Bảo cho biết: Công việc này mang tới cho Thảo nhiều niềm vui, do đó anh cũng vui và ủng hộ hết lòng. Đặc biệt, nhìn thấy sự hài lòng mỗi  khi khách nhận sản phẩm, cả hai lại có thêm động lực để bước tiếp. Mong ước của cả hai là nỗ lực phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Trước mắt là phát triển kinh doanh ở thị trường trong nước, lâu dài là mở rộng ra thị trường quốc tế.

Trang fanpage Minitoy của shop có hàng ngàn người theo dõi, không chỉ ở Cần Thơ mà khắp mọi miền đất nước. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc gửi hàng cho khách, nhưng ai cũng chấp nhận chờ đợi, đơn hàng gửi về Minitoy vẫn liên tục. Là một trong những khách hàng thường mua mô hình trang trí từ shop online Minitoy, chị Hoàng Thị Khả Tú, sống tại đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bày tỏ: “Tôi thường mua những bộ món ăn hay nấu ăn đặc trưng của Việt Nam để trang trí cho ngôi nhà của mình. Những sản phẩm đó tuy nhỏ nhưng nhìn y như thật, rất sống động, cho nên tôi thường xuyên ủng hộ shop”.

Đặc biệt, từ những đối tượng ban đầu là khách lớn tuổi ổn định về kinh tế, đam mê sưu tập mô hình thu nhỏ, giờ chị cũng hướng đến nhóm khách hàng trẻ, có thể mua những sản phẩm với giá vài ngàn hay vài chục ngàn đồng. Sự linh hoạt trong kinh doanh đã giúp sản phẩm khởi nghiệp của Thảo tiếp cận được nhiều người hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân.

“Bên cạnh những đồ ăn tí hon, tôi cũng nghiên cứu những đồ chơi cho búp bê, ví dụ như giấy khen, bằng khen, giấy dò số, đồ bán vé số… Đối tượng tôi hướng tới là cộng đồng người chơi búp bê, người có sở thích sưu tầm đồ chơi độc lạ. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi nhiều chủ đề mới, cũng như kỹ thuật thực hiện mới để cho ra các sản phẩm độc đáo” - Thanh Thảo chia sẻ.

Bằng niềm đam mê sáng tạo, sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, Phạm Thùy Thanh Thảo đã khởi nghiệp thành công với các mô hình “tí hon” làm từ đất sét. Sắp tới, khi dịch bệnh qua đi, Thảo dự định mở một lớp chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề cho những ai yêu thích, muốn theo đuổi bộ môn này. Với quyết tâm sống hết mình cho sự lựa chọn của bản thân, Thanh Thảo sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh của mình và chia sẻ tình yêu bộ môn nghệ thuật nặn đất sét đến với nhiều người hơn./.

“Ý tưởng sản phẩm ở khắp mọi nơi, tôi nhìn thấy trong thực tế có mô hình gì hay là sẽ chụp lại và về tìm cách mô phỏng bằng đất sét. Nhiều sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và màu sắc khó như da con mực, món hàu nướng mỡ hành… đòi hỏi mình phải suy nghĩ và thử nhiều phương pháp mới cho ra thành phẩm như ý”.

Phạm Thùy Thanh Thảo


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận