Tô cơm nóng ở vùng cao

Nhóm 'Nuôi em Bắc Kạn' đã giúp hàng trăm em nhỏ tại các điểm trường vùng cao khó khăn của tỉnh Bắc Kạn có bữa cơm nóng đầy đủ chất dinh dưỡng.

 

Với những tấm lòng hảo tâm trong nhóm “Nuôi em Bắc Kạn” và sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, hàng trăm em nhỏ tại các điểm trường vùng cao khó khăn của tỉnh Bắc Kạn đã có được bữa cơm nóng với đủ thịt, rau và cơm trắng.

Hạnh phúc của những người “Nuôi em Bắc Kạn”

Vượt quãng đường mòn gần 20 cây số xuyên qua những vạt đá tai mèo và những cánh rừng già từ trung tâm xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, chúng tôi đến điểm trường Khâu Qua, phân trường dành cho học sinh mầm non, tiểu học của 2 thôn Khâu Qua, Nặm Dài nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể. Lớp học ở Khâu Qua chỉ gồm 2 dãy nhà nhỏ bằng tôn lắp ghép, riêng nhà công vụ, nhà ăn cho học sinh vẫn là ngôi nhà gỗ cũ, mái lợp proximăng, mùa hè thì nóng như đổ lửa còn mùa đông không ngăn ngổi những cơn gió và cái rét thấu xương của núi rừng.

Khâu Qua, Nặm Dài - 2 bản người Mông gần như biệt lập với bên ngoài - nằm giữa vùng lõi rừng Quốc gia. Trước đây muốn đến bản từ trung tâm xã chỉ có cách cuốc bộ gần hai chục cây số đường rừng. Vừa qua, nhà nước đầu tư mở một tuyến đường nhỏ nhưng cũng chỉ đủ để chiếc xe máy đi được trong những ngày trời nắng ráo. Đất ít, ruộng ít, đường đi lại khó khăn là nguyên nhân chính khiến 100% gia đình ở đây thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và bữa cơm của những đứa trẻ ở đây bữa no, bữa đói.

Hàng trăm em nhỏ tại các điểm trường vùng cao của Bắc Kạn đã có được nữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng.

Vậy nhưng hôm nay, bữa trưa của cô bé người Mông Trương Thị Hà Linh, học sinh lớp 3 tại Khâu Qua đã không chỉ còn là gói cơm trắng kèm vài cọng rau cải nương mà bố mẹ chuẩn bị cho em từ sáng. Hơn 2 tháng qua, bữa trưa của Linh và toàn bộ 38 bạn nhỏ của điểm trường Khâu Qua đã được các thầy cô nấu cơm nóng, thức ăn ngoài rau xanh, còn có thịt lợn, bữa khác lại có cá, trứng gà. Niềm vui của các em có được khi chương trình “Nuôi em Bắc Kạn” do nhóm bạn trẻ tại huyện Chợ Đồn đứng ra tổ chức và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền thức ăn, dựng bếp, mua đồ dùng để các thầy cô nấu bữa trưa cho các con.

11h trưa, khi môn học cuối cùng của buổi sáng kết thúc, cô bé Hà Linh cùng các bạn lại tíu tít xuống bếp phụ các thầy cô sắp bàn ghế, lấy bát đũa rồi chia thức ăn cho cả lớp. Hà Linh bộc bạch: “Con thấy đi học vui hơn ở nhà vì được ăn cơm ở đây, có cơm, thịt và canh. Ở nhà, con chỉ ăn cơm rau thôi”.

Thầy cô giáo tự tay nấu các suất ăn cho học sinh.

Cô Lèng Thị Dậu, giáo viên điểm trường Khâu Qua cho biết thêm, do phân trường không tổ chức được bữa ăn bán trú nên hầu hết các em phải mang cơm từ nhà để ăn trưa, bởi nhiều em đi bộ đến hơn 3 cây số đến trường. Tuy vậy, ở vùng đất vốn khó khăn nhất của Bắc Kạn, bữa trưa của các em phần lớn chỉ nắm cơm trắng, có khi được thêm vài cọng rau xào, dăm quả đỗ luộc, gia đình em nào khá thì thi thoảng mới có thêm chút thức ăn mặn. “Ngày trước các cháu đến trường, nhưng đôi lúc không kịp ăn sáng nên đói và trưa lại đi bộ về rất vất vả. Bây giờ có cơm ăn tại chỗ, các cháu ăn xong thì được nghỉ trưa, chiều học sẽ hiệu quả hơn. Dạo này các cháu có sức khỏe tốt hơn, ít ốm hẳn và học bài rất tiến bộ, đi học đầy đủ. Sau bữa ăn, các em còn ý thức tự đi dọn dẹp, giúp các cô rửa bát”, cô Dậu chia sẻ.

Những suất cơm xua lạnh vùng núi đá

Thủ lĩnh của nhóm “Nuôi em Bắc Kạn” là anh Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn. Chàng trai người Tày sinh năm 1980, vốn xuất thân từ công tác đoàn thanh niên xã với hàng loạt các chương trình thiện nguyện hỗ trợ bản làng, điểm trường vùng cao, người được biết đến với hàng chục phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Kạn trao tặng. Anh Huy cho biết, trong quá trình lăn lộn với các chương trình thiện nguyện và công tác tại các bản, chứng kiến những bữa cơm đạm bạc của các em, thậm chí có em chỉ mang cơm trắng với muối rồi chan nước lã, đã khiến anh chạnh lòng. Lật tìm trên mạng xã hội, thấy mô hình các nhóm “nuôi em đến trường” đã triển khai ở một số tỉnh, anh liên hệ tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được.

Điểm trường Khâu Qua.

Tháng 9/2021, nhóm “Nuôi em Bắc Kạn” được thành lập, ban đầu anh rủ được một số bạn thân thường tham gia thiện nguyện bỏ tiền túi để hỗ trợ. Từ việc khảo sát, tìm điểm trường, lên danh sách học sinh… đều do anh và nhóm thực hiện. Như ở điểm trường Khâu Qua này, ngoài ủng hộ tiền, nhóm phải sửa lại căn bếp, xin thêm bàn ghế, mua thêm bát, đũa, bếp gas, nồi nấu cơm. Anh Trần Quang Huy cho biết: “Khi thành lập, chúng tôi dự kiến sẽ nuôi toàn bộ trẻ khó khăn ở huyện Chợ Đồn, sau đó sẽ là cả tỉnh Bắc Kạn. Do đó chúng tôi không lấy tên “Nuôi em Chợ Đồn” mà là “Nuôi em Bắc Kạn”. Lúc đầu cũng gặp chút khó khăn, do đây là chương trình mới, chưa có ở Bắc Kạn nên không tránh khỏi những ánh mắt hồ nghi, nhất là sau những lùm xùm liên quan đến từ thiện. Nhưng nghĩ đến những bữa cơm đạm bạc của các em, tôi quyết tâm làm bằng được. Tất cả danh sách điểm trường, danh sách học sinh, những nơi có thể tổ chức được bữa ăn, kế hoạch triển khai ra sao, đều được Ban quản trị của nhóm công khai. Tiền quyên góp cũng sẽ chuyển thẳng tới các thầy cô giáo. Với việc công khai tài chính, nhà hảo tâm nhận nuôi cháu nào sẽ có thể dễ dàng trực tiếp theo dõi qua bố mẹ, cô giáo cùng với ý nghĩa thiết thực của chương trình nên nhiều người đã nhiệt tình tham gia. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất”.

 

Chỉ sau 2 tháng, chương trình đã thu hút 111 nhà hảo tâm hỗ trợ nuôi 185 cháu tại 5 xã tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn với định suất mỗi cháu là 1.350 nghìn đồng/năm. Thành viên của nhóm có đủ các thành phần, từ cán bộ lãnh đạo đến công chức, viên chức, doanh nhân, kinh doanh tự do. Có những thành viên ở tận TP Hồ Chí Minh cũng gửi kinh phí, nhận nuôi 1 - 2 cháu.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nam Huế, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn cho biết, ngay sau khi biết về hoạt động của nhóm, vợ chồng anh đã trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu, ủng hộ và kêu gọi thêm nhiều bạn bè tham gia. “Với hoàn cảnh như vậy thì tương lai các cháu sẽ như thế nào? Gia đình quyết định trước mắt nhận nuôi 5 cháu, sau đó tôi mời bạn bè lên thăm và kết nối để nuôi thêm 7 cháu nữa. Nhóm chúng tôi cũng đang huy động để xây thêm một ngôi trường cho bản vùng cao, có thể là ngay tại Khâu Qua, Nặm Dài. Chúng ta mỗi người bớt một chút ít thôi cũng đã giúp các cháu có những bữa ăn đủ chất, đồng thời góp phần cải thiện cuộc sống các cháu”, anh Nam bộc bạch.

Để có những bữa cơm nóng sốt, ngoài sự ủng hộ bằng vật chất của các nhà hảo tâm còn có cả sự tận tụy của các thầy cô cắm bản. Điểm trường Khâu Qua nằm biệt lập trong rừng, các thầy cô hàng ngày phải cử người chủ động mua thức ăn từ ngoài chợ xã mang vào. Các bữa trưa, 4 thầy cô cắt cử nhau tự tay nấu đủ 39 suất ăn cho các con mà không cần nhận bất cứ khoản thù lao nào.

“Tôi mong chương trình này sẽ được nhiều người quan tâm, giúp đỡ và đồng hành cùng chương trình hơn. Người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có thể một nhóm 2 - 5 bạn nuôi 1 bé cũng được, số tiền bỏ ra tuy không quá nhiều nhưng cái được cho xã hội thì rất lớn”.

Anh Trần Quang Huy, Trưởng nhóm “Nuôi em Bắc Kạn”

Cô giáo Lục Thị Lan, giáo viên điểm trường Khâu Qua chia sẻ: “Buổi sáng chúng tôi thường ra tận chợ xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) xa hơn 20 cây số để mua thức ăn, thay đổi món, cố gắng cho các cháu được ăn ngon nhất. Với các cô, chỉ cần thấy các trò được ăn no đã là niềm vui lớn nhất rồi”.

Anh Trần Quang Huy, Trưởng nhóm “Nuôi em Bắc Kạn” phấn khởi thông báo, vừa qua, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã công nhận Nhóm “Nuôi em Bắc Kạn” là thành viên mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc. Đây là sự động viên, ghi nhận và cũng là cơ sở để nhóm thực hiện những dự định lớn hơn trong tương lai. Trước mắt, nhóm của anh sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu nuôi 350 cháu tại một số điểm trường khó khăn.

Hiện mỗi bữa ăn trưa của các cháu chỉ hơn 8 nghìn đồng, nhưng so với điều kiện gia đình và những bữa cơm trước đó, cũng đã là cả niềm mơ ước của hàng trăm học sinh những bản làng vùng cao còn khó khăn. Bữa cơm nóng không chỉ giúp các em xua đi cái đói, cái lạnh giá của mùa đông vùng núi đá mà còn thắp lên ngọn lửa ấm của tình người, giúp cho con đường đến trường của các em trở nên gần lại, chắp thêm hy vọng cho tương lai của những bản làng nơi rẻo cao này./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận