Lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ
Rượu cần là loại rượu được nấu từ gạo hay củ sắn trộn với các loại men lá hoặc men bột và ủ trong những chiếc ché (chum, chóe) gốm. Khi uống, người ta dùng cần rượu (được làm bằng ống trúc hoặc ống tre nhỏ) cắm trực tiếp vào ché rượu để hút rượu (nên gọi là rượu cần). Từ xưa, người Ê Đê và nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên dùng rượu cần như một lễ vật trong các nghi lễ cúng. Theo ông Y Pin Bing, ở buôn Ako Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong các nghi lễ như: cúng lúa mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước, người ta đều uống rượu cần. Trong cộng đồng có quy định số ché rượu thích hợp đi kèm với lễ vật cúng. Chẳng hạn như lễ vật là gà thì sẽ cúng cùng 1 hoặc 3 ché rượu, lễ vật là con heo nhỏ (dưới 20kg) sẽ dùng 3 ché rượu, lễ vật là con heo lớn (50 - 60kg) thì dùng 5 ché rượu và lễ vật cao nhất là con bò (hoặc trâu) thì phải dùng 7 ché rượu. Cùng với đó, mỗi khi buôn làng chuẩn bị lễ hội, các gia đình sẽ chuẩn bị vài ché rượu đem góp chung để mọi người cùng thưởng thức.
Để làm ra một ché rượu cần ngon đãi khách hay dâng cúng là cả một quy trình ủ rượu công phu, với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Bà H Lơm Niê, ở buôn Ako Dhông kể, mỗi khi nấu mẻ rượu mới, bà thường dậy từ sớm, chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, đun sôi nước rồi mới cho gạo vào nấu. Khi nấu cũng phải căn lửa kỹ để cơm không bị cháy quá mà chỉ cần một lớp cháy mỏng vàng giòn để khi ủ rượu sẽ có mùi thơm dịu, vị ngọt nhẹ. Còn theo chị H Phiu Niê, người làm rượu cần có tiếng ở buôn Ako Dhông, để có ché rượu ngon quan trọng nhất là khâu ủ men rượu. Chị H Phiu thường dùng các loại vỏ cây, rễ củ trong vườn hay lấy từ rừng về để tạo ra loại men ủ của riêng mình. “Mình dùng gạo ngâm nước rồi giã nhuyễn, ngâm cho lắng bột để làm chất trộn, lấy các loại vỏ cây rừng có vị ngọt, vị cay cay, vị chua nhẹ, cả rễ cây nữa, đem về phơi khô, giã ra rồi ngâm nước, lấy nước đó trộn với tinh bột gạo đã lắng, vo thành cục rồi đem phơi khô là có được men làm rượu”, chị H Phiu kể.
Lượng men cho vào ủ rượu phải vừa đủ, không cho quá nhiều. Sau đó, hỗn hợp cơm trộn men sẽ được trộn chung với vỏ trấu sạch để khi ủ không bị vón cục, cơm rượu lên men đều, khi uống không bị tắc lỗ cần rượu. Sau khi các nguyên liệu được trộn đều sẽ được đưa vào ché gốm để ủ. Sau khoảng 1 đến 2 tuần là rượu trong ché đã lên men hoàn toàn và có thể uống được. Tuy nhiên, để rượu có vị ngon thì phải ủ thêm từ 1 đến 2 tháng mới cho hương vị tốt nhất. Để bảo quản rượu, người ta đào một hố đất và chôn ché rượu xuống để ủ, rượu ủ dưới đất có thể để được cả năm. Không giống các loại rượu khác, rượu cần càng để lâu sẽ càng thấm men và hương vị càng ngon hơn, uống đượm hơn.
Uống rượu cần cũng là một nét văn hóa
Vì thường sử dụng trong các nghi lễ nên khi thưởng thức rượu cần, nhất thiết phải có cột rượu. Người ta dựng những cây cột tre cao khoảng 2 - 3m, đóng thẳng xuống đất hoặc cột vào giữa xà nhà thành hàng ngang hay vòng tròn. Trên cột rượu trang trí thêm những tua chỉ ngũ sắc, hoa, hay những thanh gỗ nhỏ đẽo gọt hình các con thú. Mỗi ché rượu sẽ được buộc chặt vào từng cột để rượu không đổ ngã và còn mang ý nghĩa là đường để các thần linh xuống uống rượu chung vui.
Đế thưởng thức rượu, người ta hái nắm lá chuối hoặc lá cây không độc (như lá mít, bơ, ổi) rửa sạch, để ráo nước và nhồi vào miệng ché, nén chặt lớp cơm rượu trong ché. Việc lót lá nhằm mục đích để khi đổ nước vào, bã rượu không bị trào ra ngoài, đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché. Khoảng trống này là cữ cho người uống. Mỗi cữ khoảng 1/4 lít nước. Uống hết một cữ là phải tiếp thêm nước. Nước uống rượu phải là nước suối tinh khiết lấy vào buổi sáng sớm, đổ vào ché trước khi uống từ 5 - 7 tiếng để rượu đủ ngấm.
Trong mỗi cuộc uống rượu cần, gia chủ sẽ cử ra một người điều hành (người Ê Đê gọi là Pô gai kpiê). Đây không phải là thầy cúng, chủ lễ, mà là một người có hiểu biết, lịch thiệp, có nhiệm vụ điều hành cuộc rượu. Họ sẽ lần lượt mời khách thưởng thức rượu cần theo thứ tự từ già đến trẻ, nữ trước nam sau. Người điều hành cầm cần rượu uống một ngụm rồi nhổ đi, sau đó đưa mời. Người bắt đầu cuộc rượu thường là nữ chủ nhân buổi lễ hoặc nữ gia chủ, tiếp đó là những người khách có mặt ở buổi lễ. Trong suốt buổi uống rượu, chiếc cần được chuyền tay từ người này sang người khác thành một dây chuyền tiếp nối. Nếu người được chuyền đến tay không uống thì họ sẽ dùng ngón tay cái bịt đầu cần. Trong văn hóa Ê Đê, phụ nữ được xem trọng nên thường người được mời sẽ uống một vài hơi rồi hút ra các ống nứa hoặc ly đưa mời những người cao tuổi hoặc phụ nữ có mặt ở đó. Đây được xem là một nét đẹp mang tính cộng đồng, tôn trọng phụ nữ của dân tộc Ê Đê và một số dân tộc ở Tây Nguyên.
Hướng khởi nghiệp của nhiều người trẻ Ê Đê
Ngày nay, rượu cần được xem là “đặc sản” của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Không chỉ sử dụng trong gia đình vào những dịp lễ cúng, thết đãi khách quý, nhiều gia đình còn biến loại đồ uống đặc biệt này thành hàng hóa, bán ra thị trường trong nước, thậm chí ra nước ngoài. Bên cạnh những dòng rượu cần “handmade” được sản xuất với số lượng nhỏ lẻ, những thương hiệu như “Rượu cần Y Nay”, “Rượu cần Y Kô Nan Niê” của nhiều người trẻ Ê Đê ở Đắk Lắk cũng đang dần được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đây là một tín hiệu vui, truyền cảm hứng cho thêm nhiều người trẻ trên bước đường lập thân, lập nghiệp từ loại đồ uống truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc mình.
Sinh ra và lớn lên ở buôn Ako Dhông nên từ nhỏ chị H Tít Alio đã được bà và mẹ truyền dạy cách ủ rượu cần. Từ những lần phụ mẹ và bà ủ rượu cần, chị cảm thấy thích thú và để tâm học hỏi, dần dần tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm. Theo chị H Tít, làm rượu cần về quy trình có thể giống nhau, nhưng bí quyết của mỗi gia đình, cá nhân là khác nhau, nhất là phải làm được men từ các loại lá cây tự nhiên để có được rượu ngon. Tiếc rằng hiện nay những loại cây này rất hiếm, khó tìm thấy. Vì vậy, chị H Tít đã sử dụng những loại men sản xuất công nghiệp của các cơ sở uy tín. Chị cùng với một vài người bạn của mình tự học hỏi kinh nghiệm và tổ chức thành một nhóm lập nghiệp, làm rượu cần theo đơn đặt hàng. Nhóm của chị cũng thường xuyên tham gia các lớp học về du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm bổ sung thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng về lĩnh vực mà mình đam mê. Đối với chị H Tít, làm rượu bây giờ không hẳn là vì giá trị kinh tế, mà đó chính là cách để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh những dòng rượu cần “handmade” được sản xuất với số lượng nhỏ lẻ, những thương hiệu của nhiều người trẻ Ê Đê ở Đắk Lắk cũng đang dần được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đây là một tín hiệu vui, truyền cảm hứng cho thêm người trẻ trên bước đường, lập nghiệp từ loại đồ uống truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc mình. |
Cũng lựa chọn khởi nghiệp với rượu cần, chị H Bích Niê Kđăm (ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) lại đi theo hướng làm rượu cần mắc ca - một cách làm sáng tạo bắt nguồn từ trăn trở tìm hướng lưu giữ truyền thống của gia đình. Chị H Bích kể, vì bà ngoại là người có truyền thống nấu rượu cần nên từ nhỏ chị đã được theo học và biết cách nấu rượu cần. Khi vợ chồng chị phát triển các dòng sản phẩm từ quả và hạt mắc ca, chị đã tự tìm tòi, thử nghiệm hạt mắc ca để nấu rượu cần. Từ thành công bước đầu, sản phẩm rượu cần mắc ca được nhiều người đặt hàng và theo khách hàng đến mọi vùng đất nước, kể cả nước ngoài, được dùng làm quà tặng mang đậm nét văn hóa../.