Ý tưởng ban đầu của hoạt động này nhằm xóa những “điểm đen” về rác thải tại các khu vực đô thị và tuyến đường trung tâm tại các địa phương ở Đắk Lắk. Đến nay, vẽ bích họa đã trở thành phong trào, được lan tỏa mạnh đến các buôn làng, góp phần hiệu quả cải thiện môi trường, tạo cảnh quan phục vụ du lịch.
Những dự án nhằm xóa “điểm đen” rác thải
Vừa kịp hoàn thành trước ngày TP Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, bức bích họa “khổng lồ” với chủ đề “Voi hạnh phúc nhất khi sống trong tự nhiên” tọa lạc ngay ngã tư Lê Hồng Phong - Hồ Tùng Mậu (TP Buôn Ma Thuột) thu hút sự chú ý của nhiều người đi qua. Bức bích họa có kích thước 4x8m, vẽ hình ảnh những chú voi đang vui vẻ nô đùa cùng bầy đàn giữa rừng xanh. Chị Trần Thị Kim Oanh, Công ty TNHH thiết kế Kim Anh (Kim Anh Art), đơn vị thiết kế bích họa cho biết, toàn bộ diện tích bức tường được các tình nguyện viên (TNV) vẽ lên những hình ảnh truyền tải thông điệp về bảo vệ, làm bạn với voi. Đặc biệt, đây là những chú voi lấy nguyên bản từ một số con voi “nổi tiếng” ở Đắk Lắk hiện đang được nuôi dưỡng và bảo vệ tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) như voi Y Khun, voi Bun Khăm.
Trước kia, tuyến đường này là một “điểm đen” về rác thải, thường xuyên tập kết rác thải và quảng cáo rao vặt, rất mất thẩm mỹ và mất vệ sinh. Để thay đổi thói quen của người dân, Hội Liên hiệp thanh niên phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đã phối hợp với Công ty Xã hội Bồ Công Anh và Công ty Kim Anh Art ra quân dọn dẹp rác thải và quảng cáo rao vặt, khoác lên bức tường cũ những hình ảnh 3D sống động. Với kinh phí khoảng 15 triệu đồng, do Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia Foundation) và các cá nhân, doanh nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột tài trợ, tuyến đường đã thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Trước đó, Công ty Kim Anh Art và các TNV cũng đã thực hiện các công trình bích họa tại tuyến đường Nguyễn Trác, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột và đường Lê Hữu Trác, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar. Chị Trần Thị Kim Oanh chia sẻ, các thiết kế bích họa sử dụng hình ảnh thiên nhiên thân thiện với môi trường, kết hợp nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc Ê Đê như hoa văn thổ cẩm, hình ảnh bến nước, nhà dài và địa điểm du lịch mang màu sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, nhờ đó tạo ra sự gần gũi và độc đáo nhưng vẫn mang thông điệp về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, trồng cây xanh. Mục tiêu hướng đến là nâng cao ý thức cộng đồng để bảo vệ môi trường sống.
Tại huyện Cư Mgar, cùng với con đường bích họa dài gần 100m, dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên” còn mở rộng hơn khi tô điểm hơn 150 cột điện và nắp hố ga bằng hình ảnh chùm cà phê chín đỏ mọng hay hoa dã quỳ khoe sắc rực rỡ được vẽ 3D sống động. Với những hình ảnh độc đáo như: nhà dài, bến nước, hoa cà phê, hoa dã quỳ, ong hút mật hay hình ảnh lạ mắt như đôi bàn tay bảo vệ hệ sinh thái, tương phản rừng xanh và rừng cháy,… đã tạo nên một con đường bích họa đầy màu sắc. Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện đoàn Cư Mgar, dự án là tâm huyết của tuổi trẻ huyện Cư Mgar và các đơn vị liên quan nhằm xóa các điểm đen về rác thải, xóa biển rao vặt quảng cáo, góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị của trung tâm huyện, lan tỏa tình yêu thiên nhiên và môi trường đến người dân. Dù mới hoàn thành hơn nửa chặng đường, dự án đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình từ người dân. Anh Y Wal Mlô cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để Huyện đoàn tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo, tiến tới nâng cao dự án, quy hoạch những tuyến đường bích họa theo chủ đề, chủ điểm và tuyến đường bích họa kiểu mẫu.
Huyện đoàn Krông Pắk đã đưa nội dung tuyến đường bích họa vào mục tiêu công tác trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm nay. Anh Nguyễn Văn Hà, Bí thư Huyện đoàn Krông Pắk cho biết, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai vận động các địa bàn, các cụm dân cư để xây dựng các bức bích họa tuyên truyền về tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Huyện đoàn cũng vận động thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật trực thuộc Huyện đoàn là đơn vị chủ lực thi công thiết kế các bích họa. Đồng thời, tuyên truyền vận động để làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đóng góp cho việc lan tỏa dự án. Phối hợp nhân rộng các mô hình và kết hợp với những đường hoa thanh niên, tuyến đường thanh niên tự quản để hình thành những con đường xanh - sạch - đẹp, an toàn.
Sẽ có “buôn bích họa” và quảng bá du lịch từ bích họa
Tiếp nối dự án Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên, từ cuối tháng 6 năm nay, huyện vùng sâu Krông Bông cũng triển khai dự án bích họa đường phố với chủ đề “Tự hào H9-Krông Bông”. Với khoảng 100m tường trống tại khu vực trung tâm thị trấn Krông Kmar, nhóm dự án đã dùng những hình ảnh đặc trưng về con người và vùng đất, những danh thắng nổi tiếng ở Đắk Lắk cũng như ở huyện Krông Bông đưa vào bích họa. Qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ, hình ảnh Núi voi, thác Krông Kmar, Phố Kè, thác Đắk Tuôr đã được vẽ lên tường một cách sinh động. Anh Bùi Tấn Lợi, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Bông, đơn vị đầu mối triển khai dự án chia sẻ, dự án là hoạt động trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện Krông Bông.
Đây là dự án cộng đồng, được xã hội hóa hoàn toàn. Ngay khi mới khởi xướng ý tưởng, công trình đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người đang sinh sống và làm việc tại Krông Bông, những người con quê hương Krông Bông đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước cũng như sự đồng thuận cao của chính quyền và ngành chức năng địa phương. Ông Phan Đình Tấn, Trưởng phòng văn hóa - thông tin huyện Krông Bông cho biết, đơn vị đã phối hợp cung cấp các hình ảnh, tư liệu, thông tin liên quan để đơn vị thiết kế có được hình ảnh phù hợp để hoàn thiện các bức bích họa nhanh chóng nhất. Ông Tấn cũng cho rằng, dự án bích họa này mang ý nghĩa sâu sắc, tô thêm vẻ đẹp văn minh cho thị trấn, phục vụ cho công tác phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.
Còn tại TP Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố khoảng 8km, buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) được Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên chọn để triển khai mô hình thí điểm xây dựng điểm Du lịch cộng đồng, trong đó có dự án “buôn bích họa”. Nhóm triển khai dự án kỳ vọng, mô hình sẽ hình thành nên buôn bích họa đầu tiên ở Tây Nguyên, với khoảng 770m2 tường trong buôn sẽ được phủ kín bằng những bức bích họa độc đáo, hài hòa với quang cảnh buôn làng, nơi sinh sống của gần 2.000 người Ê Đê với nhiều phong tục văn hóa độc đáo đang được lưu giữ và phát huy.
Sau những tuyến đường bích họa lần lượt nở rộ, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch tổ chức khảo sát dự án Bích họa đường phố, cải thiện môi trường và tạo cảnh quan phục vụ du lịch. Với động thái này, kỳ vọng về phố bích họa trở thành một mô hình được nhân rộng để phục vụ du lịch tiến thêm một bước./.
Những phố bích họa được hình thành không chỉ tạo thêm những điểm nhấn tại địa bàn mà còn góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc giữ vệ sinh chung; đồng thời góp phần hình thành những điểm tham quan du lịch, check-in độc đáo nhằm quảng bá nét đẹp, bản sắc văn hóa đặc trưng của thành phố Buôn Ma Thuột cũng như của tỉnh Đắk Lắk tới du khách. |