Đó là kết quả sau hơn 8 năm triển khai thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Cảm hóa giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La do lực lượng Công an và Hội Phụ nữ xã chủ trì. Kết quả này góp phần quan trọng trong đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Câu lạc bộ giúp người lầm lỡ
Chiềng Sơn là xã biên giới của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có hơn 2.100 hộ, 8.500 nhân khẩu. Xã có hơn 8km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có nhiều đường tiểu ngạch từ biên giới vào nội địa. Nhiều năm trước, Chiềng Sơn là địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm và tệ nạn ma tuý. Có thời điểm, Chiềng Sơn còn là địa bàn chung chuyển của những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn được trang bị vũ trang qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Đã có những cuộc đấu súng nghẹt thở giữa các lực lượng chức năng và tội phạm ma túy diễn ra tại đây.
Mỗi năm, Công an xã Chiềng Sơn xử lý trên 50 vụ việc về ANTT, phần lớn đều liên quan đến ma túy. Năm 2012, xã có tới 414 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, hơn 100 người khác từ Trung tâm cai nghiện trở về địa phương, hơn 430 người chấp hành xong án phạt tù, 34 đối tượng tù hưởng án treo, 13 đối tượng cải tạo không giam giữ, hơn 100 người đang chấp hành án phạt tù về các tội liên quan đến ma túy ở các trại giam trên toàn quốc...
Trước thực trạng nêu trên, để góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, Công an và Hội Phụ nữ xã Chiềng Sơn đã phối hợp đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan thành lập mô hình Câu lạc bộ: “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỡ trên địa bàn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Câu lạc bộ gồm 50 thành viên là những cán bộ chủ chốt của xã, của các bản, tiểu khu, nòng cốt là Công an và thành viên Hội Phụ nữ xã.
Sau khi thành lập, ra được quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng thành viên, công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của những người lầm lỡ. Câu lạc bộ đã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy, về phòng, chống mua bán người, Luật hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… Lực lượng công an và Hội Phụ nữ xã còn đến từng nhà tổ chức cho các hộ ký giao ước thi đua về công tác phòng chống ma túy, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phát giác tội phạm và những người nghi nghiện ma tuý; tập trung làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục kết hợp với các biện pháp kiểm tra, sàng lọc để người đã mắc nghiện ma tuý tự nhận và xin được điều trị methadone…
Nhận thấy phần lớn những người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung trở về địa phương đều gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập, rất dễ đi lại con đường cũ, Hội Phụ nữ xã Chiềng Sơn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã làm tốt các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những người lầm lỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, tiền mặt giúp những người lầm lỡ trở về cộng đồng có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời….
Một trong số các trường hợp tiêu biểu từ sự giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục của Câu lạc bộ đã từ bỏ con đường lầm lỗi, nỗ lực vươn lên thoát nghèo phải kể đến anh Anh Phạm Đức Chín ở Tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn. Sau khi cai nghiện thành công, anh đã tập trung phát triển kinh tế, xây được nhà, phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích đất gần 5ha, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng; Chị Nguyễn Thị Lợi, ở Tiểu khu 5, xã Chiềng Sơn sau khi đi cai nghiện về, được sự giúp đỡ của Câu lạc bộ, chị đã được vay vốn trồng chè và trồng ngô trên diện tích cây ăn quả có sẵn. Đến nay chị đã xây được nhà, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, con cái chị đều trưởng thành, có công việc ổn định. Hay anh Đặng Hồng Sơn ở Tiểu khu 4 xã Chiềng Sơn cũng là người nghiện ma túy, được Công an và Hội phụ nữ vận động, giúp đỡ, anh đã tham gia cai tại Trung tâm giáo dục lao động và hoàn thành chương trình trở về địa phương. Hiện nay, anh đã mua ô tô và làm dịch vụ xe công, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/năm…
Khơi dậy tình người
Hơn 8 năm qua, các thành viên Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” xã Chiềng Sơn đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, giúp đỡ hơn 200 người cai nghiện thành công; hơn 130 người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện trở về có cuộc sống ổn định; đã giúp gần 100 lượt người được vay vốn từ quỹ tiết kiệm của Hội phụ nữ xã và Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; xây dựng 8 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ hơn 430 cây giống, hàng chục con trâu, bò và hàng trăm công làm nhà, thu hoạch mùa màng đối với những người lầm lỡ có hoàn cảnh khó khăn tại xã… Nhờ đó, hơn 350 người từng lầm lỡ đã trở về cuộc sống bình thường, vươn lên thoát nghèo, trong đó có rất nhiều gia đình trở thành hộ giàu có trong xã…
Điều đáng nói là từ khi triển khai thực hiện mô hình CLB “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”, nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức quần chúng và nhân dân đối với người lầm lỡ được nâng lên; các đối tượng vi phạm pháp luật được quản lý chặt chẽ và giáo dục thường xuyên; số vụ phạm pháp hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội và các vi phạm xã hội khác giảm rõ rệt. Năm 2018, mô hình đã đưa Chiềng Sơn trở thành địa bàn an toàn về ANTT; là xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện nay đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Khi những người lầm lỗi đã xác định cho mình một lối về đúng đắn, thì trên hành trình thiện lương ấy, bên cạnh họ luôn có những bàn tay nâng đỡ, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh, động lực để họ tự tin hơn trên con đường tìm lại chính mình. Đó là những chiến sĩ công an tận tụy hết lòng vì công việc, hàng ngày, hàng giờ bám sát địa bàn, trăn trở, miệt mài tuyên truyền, vận động, giúp những người lầm lỡ vượt qua mặc cảm, trở lại là chính mình; là những hội viên phụ nữ tận tâm, giàu lòng nhân ái; là cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể; là gia đình, bà con lối xóm bằng sự cảm thông, bằng tình thương và niềm tin tưởng, họ đã một lần nữa mang lại ánh sáng của cuộc đời cho những người lầm lỗi.
Và quan trọng hơn cả là tình người đã và đang được khơi dậy từ mô hình Câu lạc bộ có cái tên rất thân thương: “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”./.