40 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương, khi về hưu, vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - họa sĩ Trần Thiện còn truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau thông qua căn phòng lưu giữ những kỷ vật của môn nghệ thuật truyền thống mà họ sưu tầm suốt gần nửa thế kỷ đi diễn.
Căn phòng nghệ thuật lưu giữ kỷ vật “vô giá”
Căn nhà của gia đình nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung (61 tuổi) - họa sĩ Trần Thiện (67 tuổi) tọa lạc tại đường Phạm Ngũ Lão, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Vừa bước vào phòng khách đã thấy hình ảnh ghi lại các vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ Mỹ Dung. Với thái độ niềm nở, nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung tâm sự về chặng đường hoạt động cũng như cơ duyên mà vợ chồng bà hoàn thành căn phòng nghệ thuật “có một không hai”.
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung tên thật là Trần Thị Dung, sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, gắn bó với sân khấu cải lương đã hơn 40 năm. Gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng bà lại được trời phú cho chất giọng ngọt ngào, phù hợp với bộ môn cải lương. Năm 14 tuổi, Dung được nghệ sĩ Năm Đồng nhận làm học trò và hết lòng truyền dạy khi nhìn thấy được tài năng của Dung thông qua các hội thi sân khấu văn nghệ địa phương. Ông cũng là người đặt nghệ danh Kiều Mỹ Dung cho bà. Bà từng tham gia các Đoàn cải lương tại TP Hồ Chí Minh như: Thế hệ trẻ; Thái Bình; Trúc Giang... Đến năm 1978, khi 18 tuổi, bà đầu quân về đoàn cải lương Tây Đô, sau này là Nhà hát Tây Đô và gắn bó cho đến năm 2016 thì nghỉ hưu.
Chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung là họa sĩ Trần Thiện, quê gốc ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Thời trẻ, ông sinh hoạt đoàn tại địa phương. Thấy ông có năng khiếu vẽ tranh nên các nghệ sĩ đã mời ông về Đoàn cải lương Hậu Giang 1 để vẽ cảnh sân khấu. Năm 1982, họa sĩ Trần Thiện được bổ nhiệm làm Phó đoàn cải lương Hậu Giang 1. Đến năm 2010, ông là Trưởng đoàn cải lương Tây Đô. Năm 2012 làm Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho đến khi nghỉ hưu.
Nên nghĩa tào khang và cùng nhau đi lưu diễn từ năm 1976, từng chặng đường đều ghi dấu kỷ niệm về nghề của vợ chồng nghệ sĩ Kiều Dung - Trần Thiện. Lúc đó, hai vợ chồng nghệ sĩ đã quyết định lưu giữ lại hình ảnh, với suy nghĩ đơn giản không biết bao giờ mới quay lại vùng đất này để diễn phục vụ bà con. Để các bức hình sống động, vợ chồng bà đã thuê thợ chụp hình, sau đó gom lại cất trong túi ni-lông và giữ gìn cẩn thận. Họa sĩ Trần Thiện chia sẻ: “Tôi nghĩ không làm nghề này mình làm sao đi được nhiều nơi như vậy. Một quá trình cống hiến, đi phục vụ như vậy mà mình không có gì lưu giữ thì quá phí. Mình phải có cái gì để ghi nhớ lại, lưu niệm lại, để đời sau, bạn bè, con cháu mình biết về một giai đoạn lịch sử của nghề”.
Nắm trong tay nhiều hình ảnh, đạo cụ sân khấu, nhưng mãi đến khi nghỉ hưu vào năm 2016, ông bà mới chắt góp các khoản để xây nhà và thực hiện ước mơ xây dựng căn phòng truyền thống nghệ thuật của riêng mình. Không gian phòng khoảng 15m2, có gần 1.000 hình ảnh, kịch bản, bằng khen và các vật dụng đi diễn của hai vợ chồng nghệ sĩ.
Ở đây, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp theo trình tự thời gian. Từ những hình ảnh, vật dụng lúc ông bà mới vào nghề, đi diễn chung với NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Thoại Mỹ và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi cả nước đã đến với Tây Đô. Có cả hình ảnh các vở diễn được họa sĩ Trần Thiện vẽ cảnh sân khấu. Đối với ông bà, đây là cả một gia tài được lưu giữ lại trong suốt hơn 40 năm gắn bó với sân khấu cải lương.
Yêu người và yêu nghề
Hơn 40 năm gần gũi, hai nghệ sĩ Kiều Dung - Trần Thiện càng lúc càng quấn quít như đôi sam không rời. Không chỉ nâng đỡ nhau trong đời sống vợ chồng, họ còn là điểm tựa cho nhau trong sự nghiệp.
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung bộc bạch: Cách nay mấy mươi năm, mỗi lần đi diễn đều có rất đông người mộ điệu tới xem. Từng kỷ vật được lưu giữ trong căn phòng nghệ thuật không chỉ ghi lại bước chân hoạt động nghề của vợ chồng bà, mà còn đánh dấu thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương. “Thời hoàng kim, cơ quan nào muốn mời đoàn về biểu diễn thì phải đăng ký và chờ đến lượt. Danh sách đăng ký rất dài. Khi nghệ sĩ biểu diễn, khán giả luôn chật khán phòng và khóc cười cùng các vai diễn. Nghệ sĩ thời dó dù cực và thu nhập không cao nhưng luôn luôn hạnh phúc trong sự yêu thương của khán giả…”, nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung nhớ lại.
Ngồi trong căn phòng “có một không hai”, vợ chồng nghệ sĩ còn tiết lộ, những hình ảnh này đã tạo động lực cho họ vượt qua một biến cố lớn của cuộc đời. Đó là vào năm 2004, vợ chồng nghệ sĩ trên đường đi tập tuồng về nhà đã bị tai nạn giao thông khiến bà mất chân trái, còn ông thì bể xương chậu. Nhưng khi bình phục, dù phải mang chân giả, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho sân khấu cải lương trong vai trò mới “đạo diễn”. Tình yêu nghề quá lớn cùng kinh nghiệm diễn lâu năm đã giúp bà hoàn thành tốt vai trò, giúp nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô có những trích đoạn đi vào lòng người.
Mong ước có một “căn phòng nghệ thuật” lưu giữ những hình ảnh quý giá của nghề diễn, giờ đây hai nghệ sĩ Kiều Dung - Trần Thiện đã hoàn thành tâm nguyện. Không chỉ dừng lại ở đó, mong muốn lớn hơn của họ chính là mở cửa để nơi đây thành điểm giao lưu của anh em nghệ sĩ, của các bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Từ căn phòng chứa đầy sự đam mê nghệ thuật này, mà cho đến tận bây giờ, dù về hưu, ông bà vẫn làm giám khảo cho nhiều cuộc thi kiếm tìm tài năng; giáo viên đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ kế thừa cho sân khấu cải lương Cần Thơ.
Nghệ sĩ Đào Thanh Phong, sinh hoạt tại Hội sân khấu TP Cần Thơ, một trong những nghệ sĩ được truyền kinh nghiệm diễn từ nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung cho biết: “Ấn tượng là có lần tôi dự cuộc thi “Hạt ngọc mùa vàng”, cô chú chạy lo từng ly từng tí. Đối với tôi, cô giống như một người thầy, một người mẹ chỉ bảo, không những trong lối diễn, cách hát mà còn ngoài đời nữa, cô chú cũng đối xử rất tốt”.
Chia tay vợ chồng nghệ sĩ Kiều Dung - Trần Thiện trong một buổi chiều muộn, khi thành phố bắt đầu lên đèn, từ chiếc radio cũ trong căn phòng nghệ thuật, tiếng ca của nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung vang lên “ngọt lịm”. Không gian nghệ thuật ấy chứa đầy ký ức tươi đẹp như minh chứng niềm đam mê nghệ thuật của ông bà chưa bao giờ lắng xuống. Vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - họa sĩ Trần Thiện đã sống trọn cuộc đời “tằm nhả tơ”, góp phần lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc./.
“Căn phòng triển lãm này mang ý nghĩa rất lớn, nó gợi lại kỷ niệm cho những người làm nghề, những người cùng tầng lớp với cô chú khi xem lại những hình ảnh đó; Thêm nữa, được xem lại những dấu tích thời điểm đó mà bây giờ không có. Cũng nhờ cô chú Dung - Thiện tạo nên phòng truyền thống đó, nếu không thế hệ sau này muốn tìm hiểu về cải lương của thời đó sẽ tìm không ra”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô
|