Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ

Người La Hủ là dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống duy nhất ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

 

Trải qua nhiều thế hệ du canh, du cư qua các cánh rừng nơi thượng nguồn sông Đà, theo mỗi mùa lá rụng để sinh tồn, số lượng người La Hủ (thuộc nhóm dân tộc Tạng - Miến và được biết đến với nhiều cái tên khác như Xá Lá Càng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy...) giảm dần theo từng năm và đứng trước nguy cơ suy thoái về dân số. Thế nhưng nay người dân La Hủ đã từ bỏ tập tục di cư tự do để xuống núi định cư.

Bài 1: Ký ức mùa lá rụng giữa đêm lạnh đại ngàn

Vệt sáng đỏ cuối ngày nhạt dần sau dãy núi phía Tây, bóng tối buông xuống thu cả cánh rừng biên giới Pa Ủ vào tĩnh lặng. Giữa màn đêm đông lạnh buốt, không gian lất phất mưa bay. Gió lách qua tấm liếp vách nứa căn lều rồi hất ngược lên mái, khiến những tàu lá chuối và đám cỏ lau mới được lợp lên từ tuần trước chưa kịp úa vàng phần phật rơi xuống đất.

Bên đốm lửa nhen nhóm trong làn khói mù mịt, bà Thả Na Do vội vơ tạm đống lá chuối, cỏ lau quấn quanh nhưng cũng không che hết được đôi chân trần xám xịt của mấy đứa trẻ. Đêm ấy bà Do lại cùng chồng dắt díu đàn con đi tìm vùng đất mới. Đến vùng đất khác, rồi lại dựng lều lên để làm nương rẫy như cái lều đêm nay bà đang chuẩn bị xa nó. Lá xanh trên lều chưa kịp khô úa, hạt giống dưới đất chưa kịp nảy mầm, gia đình bà lại đi và tiếp tục in vết chân trai sần trên đá trong cuộc sống mưu sinh. Ký ức ấy đến giờ bà Thả Na Do, ở bản Thăm Pa, xã Pa Ủ vẫn thấy lành lạnh sống lưng mỗi khi nhớ lại.

Trẻ em người La Hủ phải theo cha mẹ, ông bà từng lang thang trên các cánh rừng và chịu cảnh đói rét.

“Ngày xưa khổ lắm, ban ngày mình phải vào rừng tìm củ sắn, củ mài để nuôi con. Đêm xuống thì phải đốt lửa trong lán để sưởi ấm và để con thú không vào ăn củ sắn, củ mài. Có đêm đang ngủ, nghe thấy tiếng con lợn kêu, mình đốt bó đuốc chạy ra ngoài đã thấy một con hổ cắn con lợn mình nuôi rồi. Sợ quá, mình phải lấy hai ống nứa đập vào nhau một lúc nó mới bỏ đi. Vậy là lại phải đi, nhìn cái lều của mình lá vẫn còn xanh cũng tiếc đấy nhưng không biết phải làm sao”, bà Thả Na Do kể lại.

Đêm ấy, giữa tiết trời đông lạnh giá, mưa bay lất phất, khắp cánh rừng bao phủ một màu đen kịt. Những bàn chân người ngập ngừng, rón rén mang trên mình lỉnh kỉnh đồ dùng sinh hoạt nối bước nhau mò mẫm đi trong đêm. Không gian núi rừng chỉ có tiếng côn trùng, thú dữ, xen lẫn là tiếng xào xạc lá cây khô và tiếng người thảng thốt vì đá ngáng chân.

Mùa di cư của người La Hủ kéo dài nhiều thế hệ trong đói nghèo, lạc hậu.

Trời tảng sáng, một bãi đất trống hiện ra trước mặt, bà Thả Na Do hạ đồ trên lưng xuống phiến đá ngước nhìn đàn con trong mệt mỏi. Đồ đạc mang theo chẳng có gì to tát, chỉ là một con dao cùn, vài cái nồi đen nhẻm và một bao tải chăn nhàu nhĩ nhuộm mùi khói bếp. Khi ấy gia đình ông Ly Xạ Pu, ở bản Nhú Ma, xã Pa Ủ cũng vừa đến nơi. Một hành trình đi tìm vùng đất mới của đồng bào La Hủ không hẹn mà gặp.

Ông Ly Xạ Pu nhớ lại: “Du canh du cư theo nhóm hộ rất nhiều, ở trên chỗ rừng già chủ yếu là phát nương. Chỗ nào trồng được ngô và lúa nương phát xong hết rồi lại xuống thấp. Thiếu đói thì cứ đi đào củ mài, củ nâu và kiếm được cái gì người ăn được thì ăn để sống thôi. Nhà chỉ có lán tạm, chăn màn cũng không có, quần áo cũng không có mặc đâu. Thế rồi đêm ngủ cũng chỉ biết lấy củi đốt xung quanh. Khổ lắm, đời sống của bà con chỉ lủi thủi trong rừng”.

Nhiều canh rừng ở thượng nguồn sông Đà từng bị tàn phá, đất đai bạc màu theo bước chân di cư của người La Hủ.

Cuộc sống khó khăn, cộng với tập quán du canh du cư, thiếu hiểu biết nên đồng bào La Hủ năm này qua năm khác chỉ quanh quẩn với việc tìm đất, dựng lán, phát quang cỏ cây và trọc lỗ tra hạt. Khi hạt bắt đầu nảy mầm cũng là lúc mái lá lợp nhà úa vàng, bà con lại bỏ đi nơi khác tìm mảnh đất khác. Hành trình ấy nối tiếp như một vòng tuần hoàn từ đám nương này qua cánh rừng khác và khi nhìn thấy chim bay từng đàn xà xuống nơi nào thì bà con tìm đến nơi đó để thu hoạch.

Cứ thế, tuổi thơ của những đứa trẻ người La Hủ cũng lẽo đẽo theo bố mẹ, ông bà qua các cánh rừng này, sườn núi kia trên hành trình mưu sinh. Chúng bước đi trong những đêm thiếu ngủ, mơ màng, không được ăn học đến nơi đến chốn.

Từ thuở xưa, đồng bào La Hủ đã quen cư trú trên núi cao, rừng sâu, sống biệt lập với thế giới bên ngoài, ngại giao tiếp với người lạ, không biết tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết và tại cái đói buộc họ phải đi, vì thế không có mảnh vườn, vạt nương nào là vĩnh viễn với họ. Kể cả những cái lán được gọi là nhà kia cũng chỉ tồn tại một khoảng thời gian rất ngắn, rồi lụi tàn trong mục nát trước khi cây ngô ra bắp, cây sắn ra củ. Nhiều người già vì sức cùng lực kiệt, nhiều đứa trẻ không thể chống đỡ nổi cái rét đã nằm lại ở những cánh rừng xa thẳm không một lối về.

Ông Ly Xạ Pu, ở bản Nhú Ma, xã Pa Ủ hồi tưởng lại quá khứ đói khổ của dân tộc mình.

Bà con đi nhiều và sau mỗi bước chân họ là núi rừng bị tàn phá, đất đai bạc màu, cây cối bị đốn hạ để mùa đói cứ thế qua đi và mùa di cư thế chỗ. Sau những cuộc du canh, du cư đó, cuộc sống của bà con cũng không được cải thiện, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Chủ tịch UBND xã Pa Ủ Phí Chí Giá chia sẻ: “Vận động bà con du canh, du cư từ trên rừng hoặc các chỏm bản cũng cần phải có một quá trình. Cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc vận động, đặc biệt như ở Hà Nê và Hà Xi, trước đây là 2 nhóm hộ khác nhau. Qua quá trình vận động bà con xuống núi, cùng với các chính sách đầu tư của bản và nhà nước, hiện tại bà con tập trung về một bản để xóa dần đi những cái khó khăn”.

Một năm đất trời có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, nhưng người La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) phải cõng trên lưng thêm 2 mùa, đó là mùa di cư và mùa đói. Sau những nhọc nhằn của mưa nắng, mỗi sớm mai thức dậy, mỗi nhà cũng chỉ có những chiếc nồi trơ đáy không cơm, bếp không củi lửa. Ký ức đó, nó như những khúc tre trên rừng, đầu của đốt này là cuối của đốt khác mà không có sự khác biệt nào ngoài đói khổ, lam lũ./.

(Còn tiếp Kỳ 2)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận