Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ

Không còn mùa đói, mùa di cư, bản làng người La Hủ hôm nay được soi sáng bởi những mùa trăng - mùa no ấm.

 

Bài 4: Những mùa trăng trên núi

Ngày xưa khi còn lang thang trong rừng, người La Hủ chưa bao giờ được một bữa no. Hôm nay, khi bà con đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, được bộ đội biên phòng vận động xuống núi, giúp làm cho cái nhà thì chuyện mái lá màu vàng trước đây giờ chỉ còn qua các câu chuyện kể của người già. Người dân có nhà mới để ở, có ruộng nương để làm thì lễ hội “Ồ xứ cha”, lễ mừng cơm mới của người La Hủ năm nào cũng được tổ chức đầy đủ các thủ tục hơn xưa.

Trong không khí lễ “Ồ xứ cha”, đồng bào La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã làm các mâm lễ đủ đầy bằng các sản vật do gia đình mình làm ra để dâng lên tạ ơn thần núi, thần rừng chở che cho người dân. Họ cảm ơn đất trời, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cây lúa trĩu bông và cũng thầm biết ơn những người lính biên phòng đã giúp người dân không còn đói khổ, lang thang trong rừng như trước.

Bản làng người La Hủ hôm nay đã đổi thay.

Từ khi có dấu chân và bàn tay của bộ đội biên phòng, sự quan tâm của chính quyền địa phương bằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình phát triển kinh tế được hình thành, giúp cuộc sống của người dân La Hủ bước sang một trang mới. Chị Ly Mỳ Lở, ở bản Mu Chi, xã Pa Ủ chia sẻ: “Bây giờ trẻ con cũng đi học nên biết chữ hết rồi. Mẹ không biết chữ nhưng Chính phủ nói thì bà con nhân dân nghe theo pháp luật của Nhà nước. Xã hội đã thay đổi nhiều nên giờ bà con ít nhiều cũng hiểu ra. Nhà nước biết bà con khổ nên quan tâm, giúp đỡ”.

Đất trời thì vẫn giữ đủ 4 mùa xuân - hạ - thu - đông theo quy luật vốn có, còn đồng bào La Hủ hôm nay đã bỏ được 2 mùa của riêng mình, đó là mùa đói và mùa di cư. Những chiếc lều vàng lá năm xưa ẩn sâu trong rừng nay đã thay thế bằng nếp nhà mái tôn. Để đồng bào yên tâm định cư thì phải ổn canh. Bởi vậy, Bộ đội biên phòng Lai Châu đã cầm tay chỉ việc cho bà con thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Hiện nay người dân La Hủ đã từ bỏ tập tục phát nương trọc lỗ bỏ hạt, thay vào đó là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước. Bà con không còn thả rông con gà, con lợn như trước mà thay bằng đàn bò có chuồng, có vùng chăn thả theo mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình Nông thôn mới đã mang đường về các bản.

Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu chia sẻ: Bộ đội biên phòng đã bám bản kiên trì “4 cùng” với đồng bào, để rồi “mưa dầm thấm lâu”, đồng bào đã thay đổi từ nhận thức đến hành động và hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể: “Hiện nay, tất cả đồn biên phòng đều có các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Đặc biệt, đối với đồng bào La Hủ, các Đồn Biên phòng tuyến Mường Tè đã có nhiều mô hình chăn nuôi bò, cấy lúa nước và phát triển các ngành nghề làm kinh tế, trong đó tiêu biểu là Đồn Biên phòng Pa Ủ”.

Vậy là những lán vàng lá chót vót non cao đã được bà con La Hủ chuyển thành chuồng để nhốt trâu bò. Nuôi như vậy vừa không bị lạc đàn lại bảo đảm vệ sinh. Nói như Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè - Lý Phí Giá, chăn nuôi gia súc thả rông là điều cố hữu bao đời nay của người dân vùng cao, nay người La Hủ đã thay đổi rồi thì đói nghèo cũng sẽ bỏ đi thôi.

Sau khi xuống núi, cán bộ biên phòng đã trở thành kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc.

“Ở xã Pa Ủ có hai mô hình nuôi bò liên kết với bộ đội biên phòng ở bản Tân Biên và bản Mu Chi. Chúng tôi phối hợp với bộ đội biên phòng hướng dẫn các hộ được đứng tên trong mô hình này. Mỗi ngày chúng tôi luân phiên cử hai hộ gia đình tham gia cùng bộ đội đi chăn dắt bò và trồng cỏ. Khi các hộ gia đình này đã làm tốt thì sẽ nhận rộng ra các hộ gia đình khác. Trong thời gian tới, khi bà con đã trồng cỏ tốt rồi, có chuồng trại thì chúng tôi sẽ bàn giao cho các hộ gia đình”.

Chuyện về cuộc sống nay đây, mai đó trên những chiếc lều lán lợp bằng cỏ khô hay lá chuối có tuổi thọ còn ngắn hơn cả một mùa ngô giờ không ai muốn nghĩ đến nó nữa. Quá khứ đó nay chỉ còn trong ký ức của người già qua những câu chuyện kể, để con cháu ghi nhớ về một thời vất vả của cha ông.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ trồng cỏ để chăn nuôi bò.

Trong những đêm trăng vằng vặc ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ - nơi mà dân bản từ khắp các cánh rừng xuống núi sống tập trung - người già La Hủ thường kể cho con cháu nghe một vài câu chuyện về cuộc sống xưa kia. Ai cũng muốn nghe để biết về sự lam lũ, lạc hậu của nhiều đời trước khi phải tự kiếm sống để sinh tồn nơi thăm thẳm núi rừng. Nghe để biết rằng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự góp công, góp sức của người lính quân hàm xanh, bản lành mình mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Những câu chuyện đó cũng là để các thế hệ con cháu đời sau nhớ về thuở khó khăn của ông bà mình, góp phần vào việc bảo tồn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cho dân tộc La Hủ theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Lễ Ồ Xứ Cha (mừng cơm mới) của người La Hủ hôm nay có thêm phần hội và người già nói rằng phải giữ gìn văn hóa dân tộc mình.

Chiều biên giới, ánh mặt trời bất chợt xuống nhanh sau những cánh rừng hun hút. Ánh trăng vùng biên như rát bạc phủ lấp lánh khắp cánh rừng, soi sáng các bản làng. Trên mỗi con đường hay trong những ngôi nhà người La Hủ, khi ấy lại phảng phất ánh sao của người lính biên phòng, xen lẫn là âm thanh của tiếng sáo, lời ca mang âm điệu của gió núi, cây rừng. Vậy là từ đây, bản của người La Hủ ở Mường Tè sẽ tập trung hơn, bước chân hoang hoải năm nào cùng những chiếc lều lán của bao nhiêu mùa trước sẽ mãi mãi nằm lại ở rừng sâu.

Có cuộc sống đủ đầy, no ấm khi xuống núi, đồng bào La Hủ lại càng tin hơn về cuộc sống ngày mai của dân tộc mình, khi con em được cắp sách tới trường học chữ./.

(Còn tiếp Kỳ cuối)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận