Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ

Từ bỏ tập tục du canh du cư, người La Hủ ở huyện Mường Tè, Lai Châu làm theo tiếng gọi của Đảng, xuống núi để có cuộc sống no ấm hơn tại các bản làng tập trung.

 

Bài cuối: Những “Hạt giống đỏ” nảy mầm nơi đại ngàn

Để đồng bào La Hủ tiếp cận với sự phát triển của các dân tộc khác trong vùng, cùng với việc kiên trì bám bản, thực hiện các mô hình kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo; các lực lượng chức năng địa phương đang triển khai mô hình “hạt giống đỏ” trong giáo dục, với kỳ vọng thế hệ trẻ người La Hủ sẽ là hạt nhân để đưa dân tộc, bản làng mình thoát khỏi danh sách dân tộc đặc biệt khó khăn.

“Khi cháu còn ở nhà thì cháu phải theo bố mẹ đi nương, đi rừng để kiếm cái ăn. Từ ngày về ở với các chú bộ đội, cháu được đến trường học chữ. cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt. Sau này cháu muốn được làm chú bộ đội để về giúp đỡ bản làng mình”. Đó là lời chia sẻ về những khó khăn của gia đình, cũng như quyết tâm, cố gắng đạt được ước mơ của cậu bé Vàng Cà Hừ, học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Pa Ủ.

Sinh ra trong gia đình có tới 6 anh chị em ở bản Mu Chi, tuổi thơ của Hừ cũng từng rong ruổi theo cha mẹ đi rừng kiếm cái ăn qua ngày. Hình ảnh cậu bé loắt choắt với dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn thường chạy theo các chú bộ đội trong mỗi lần về bản tuyên truyền, giúp dân phát triển kinh tế là cái duyên đưa Hừ trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Pa Ủ.

Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, người già La Hủ vẫn thường nhắc con cháu dân tộc mình chịu ơn Đảng, ơn Bác Hồ.

Hai năm qua, cứ vào 5h sáng, sau tiếng kẻng báo thức, buổi tập thể dục của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Pa Ủ lại có thêm 2 thành viên nhí là con nuôi Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ. Các cháu đều là con em đồng bào La Hủ có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn và được Đồn nhận nuôi theo chương trình “nâng bước học sinh vùng cao đến trường” của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Lai Châu.

Trung tá Hoàng Văn Hà, Đồn phó Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: “Khi đón các cháu về, Đồn đã bố trí cán bộ chăm lo về sinh hoạt, ăn ở; đồng thời hướng dẫn, chỉ bảo các cháu trong học tập, để cùng phối hợp với nhà trường nâng cao chất lượng học tập cho các cháu. Cụ thể, Đồn đã bố trí 1 đồng chí đội trưởng phụ trách và 1 chiến sĩ trực tiếp ở cùng phòng để giúp đỡ các cháu trong sinh hoạt hàng ngày, giúp các cháu thích nghi dần với môi trường và nhịp sống ở trong đơn vị bộ đội”.

Cô giáo Ngô Thị Hà, giáo viên điểm bản Pha Bu, Trường Mầm non Pa Ủ đã có 15 năm bám tại các bản làng người La Hủ với vai trò giáo viên kiêm tuyên truyền viên chia sẻ: “Trước đây mỗi khi vào mùa nương, đồng bào La Hủ đi rừng là học sinh của cô lại rơi rớt cùng. Nhiều hôm lên lớp ngồi chờ mà không có cháu nào đến, cô lại cùng các thầy, cô giáo ở bản trèo đèo, lội suối đi tìm học sinh. Cứ thế, mùa làm nương của người dân địa phương đã trở thành mùa “níu” chân học sinh của các thầy cô”.

Những cậu bé con nuôi các Đồn Biên phòng sẽ là hạt giống đỏ được kỳ vọng sau này tiếp tục làm đổi thay bản làng.

Sự kiên trì của cô Hà và các thầy, cô giáo công tác tại bản làng người La Hủ đã được đền đáp khi sự quan tâm chăm lo và các chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao nói chung và học sinh người La Hủ nói riêng đã được đền đáp. Sau khi xuống núi lập bản định cư, người dân cũng hiểu hơn về xã hội bên ngoài và nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc cho con em đến trường học chữ. Cô giáo Ngô Thị Hà chia sẻ: “Mấy năm nay có nhiều thay đổi đấy: Các cháu nói được rất nhiều tiếng phổ thông rồi, giao tiếp mạnh dạn, tự tin, tự giác đi học. Bà con bây giờ là cũng nhận biết được tầm quan trọng của giáo dục nên quan tâm đến con em, đưa con đi học rất đều. Phụ huynh ở đây giờ cũng rất quan tâm đến con em mình, chịu khó làm ăn chứ không di cư như ngày xưa”.

Giờ học toán của cô - trò lớp 6A3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Ủ diễn ra trong không khí cởi mở, với sự chăm chú nghe giảng và mạnh dạn của học sinh. Để học sinh người La Hủ tự tin, phối hợp cùng giáo viên trong từng môn học, nâng cao chất lượng học tập, ngoài truyền dạy kiến thức chuyên môn, các thầy cô giáo nơi đây không ngừng trang bị cho các em kỹ năng sống. Cô giáo Ngô Thị Vân chia sẻ: “Đa số các em học sinh ở bán trú biết ăn ở gọn gàng, sạch sẽ. Cũng cần phải có thêm một thời gian nữa để các em dần thay đổi và làm quen với những yếu tố phát triển. Rất mong sau này các em sẽ tiến bộ hơn, không chỉ học tập, mà còn là kỹ năng sống”.

Giáo dục đại trà, với sự hỗ trợ nuôi ăn bán trú của Nhà nước đang dần làm thay đổi tư duy của con em người La Hủ.

Năm học này Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Ủ có 9 lớp, hơn 330 học sinh, 100% là con em đồng bào La Hủ và 2/3 số học sinh được hưởng các chế độ theo Quyết định 116 của Chính phủ về trường bán trú dân nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn theo Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ. Sự tận tâm của các thầy, cô giáo và nỗ lực của học sinh nhà trường đã được đền đáp, khi vừa qua nhà trường có 4 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thế hệ các em đang ngồi trên ngôi trường bán trú này chắc chắn sẽ có những sự thay đổi. Đầu tiên, các em sẽ là những người tuyên truyền về với bà con dân bản để thay đổi nhận thức của các thệ hệ trước để không du canh, du cư, biết trồng trọt tăng gia sản xuất. Vì các em ở trong môi trường bán trú cũng được tham gia tổ chức trồng rau, rồi chăn nuôi thì các em cũng có được những kỹ năng cơ bản. Và tin rằng sau này các em trưởng thành thì sẽ làm thay đổi được bộ mặt của bản làng”.

Đề án “Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ ở khu vực biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu” đến với vùng đồng bào La Hủ như một cứu cánh, giúp hồi sinh một dân tộc. Trải qua hơn 10 năm thực hiện, đời sống của đồng bào dân tộc La Hủ nơi đây đã có nhiều đổi mới, khi cơ sở hạ tầng vùng đồng bào sinh sống được quan tâm đầu tư, các mặt văn hóa - xã hội được chăm lo phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, cái được lớn nhất của đề án là đồng bào không còn du canh du cư như trước và cơ bản xóa được nhà tạm tranh tre, nứa lá, giúp bà con ổn định cuộc sống tập trung.

Người La Hủ đang cùng lực lượng bên phòng làm lá chắn sống bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Nhìn nhận lại về sự đổi thay này, ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không khỏi chạnh lòng khi cho rằng, con số gần 66% tỷ lệ hộ nghèo hiện nay trong vùng đồng bào La Hủ sẽ là thách thức của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương. Đề án bảo tồn đã giúp dân số dân tộc La Hủ phát triển từ hơn 9.600 người năm 2009 lên hơn 12.000 người năm 2021. Con số này là căn cứ để Chính phủ quyết định đưa dân tộc La Hủ ra khỏi nhóm 14 dân tộc khó khăn đặc thù của cả nước, đồng nghĩa với các nguồn lực đầu tư sẽ giảm đi. Vì vậy, chăm lo cho giáo dục đại trà để từng bước thay đổi nhận thức người dân và đầu tư cho giáo dục mũi nhọn, tìm hạt nhân trong thế hệ trẻ tại các bản làng sẽ là hướng phát triển bền vững cho vùng đồng bào La Hủ.

Bước chân hoang hoải của người La Hủ trên hành trình di cư mưu sinh nơi núi rừng đại ngàn đã rẽ lối xuống núi định cư tập trung, với cuộc sống đủ đầy hơn. Chia tay đồng bào trong tiếng cười rộn rộn rã sáng sớm đầu đông, khi lễ hội “Ồ xứ cha” - mừng cơm mới tại bản Tân Biên, xã Pa Ủ bắt đầu diễn ra mà thấy lòng ấm áp đến lạ thường. Ánh bình minh ló rạng sau dãy núi phía đông nhuộm vàng nền trời biên giới, hứa hẹn về sự đổi thay của một dân tộc, khi ngày càng nhiều “hạt giống đỏ nảy mầm” nơi đại ngàn xa xôi. Khi con em được cắp sách tới trường học chữ, đồng bào La Hủ tin rằng, một ngày không xa đói nghèo sẽ lùi lại phía sau, để đón những mùa no ấm./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận