Ngôi nhà thứ hai của nhiều người khuyết tật
Đã xế chiều, sương buông và nhiệt độ giảm sâu hơn. Cơ sở May Sài Gòn Lạng Sơn của gia đình chị Nghiêm Thị Thu Hường (ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn ) vẫn nườm nượp khách ra vào, những thước vải nhiều màu sắc được trải trên bàn cắt, tiếng máy may hoạt động hết công suất khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Đây là cơ sở đào tạo và sử dụng 100% lao động là người khuyết tật. Chị Nghiêm Thị Thu Hường, chủ cơ sở đang bên chiếc máy khâu, tiếp chuyện chúng tôi: “Việc dạy nghề cho người khuyết tật liên quan đến tất cả những gì 2 vợ chồng tôi đã trải qua. Chúng tôi đều đã làm nghề rất lâu, đến năm 2015 thì có một sự thôi thúc mình phải đào tạo, hướng dẫn những người kém may mắn như người khuyết tật hoặc người không may gặp tai nạn… Khi sống cùng mọi người, tôi mới thấy mình may mắn hơn người ta, và sự liên kết đó thực sự rất thân thiết, gần gũi”.
Trong xưởng may nhỏ, 15 người đang tất bật làm việc. Một số bạn chỉ có thể giao tiếp bằng cử chỉ, hay bằng chữ viết… Ngồi trước màn hình máy tính, em Lâm Thị Định, quê huyện Bình Gia, đang miệt mài kẻ vẽ, thiết kế những mẫu in logo. Căn bệnh viêm tủy quái ác đã khiến đôi chân của cô bé người Nùng hoàn toàn bị liệt, di chuyển vô cùng khó khăn. Thời gian đầu khi mới đến cơ sở, em rất vất vả để làm quen và học tập trong môi trường mới, nhưng qua thời gian, bằng tình yêu thương vô bờ bến của cô Hường cùng các bạn học viên, đến nay Định đã thành thạo công việc thiết kế mẫu in logo với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Định kể: “Ở đây cô Hường dạy em về thiết kế đồ họa vì em không học được nghề may do chân em không thể đạp máy được. Những lúc rảnh rỗi, em lên mạng tự mày mò, học hỏi. Em và mọi người thường ăn uống, ngủ nghỉ tại cơ sở. Em coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây, cô Hường và tất cả mọi người đều đoàn kết, chăm sóc, yêu thương và giúp đỡ em như người trong một gia đình. Lúc em không đi đâu được thì người dìu, người bế, có bạn còn cõng em đi nữa. Chính vì thế, em luôn tự nhủ rằng mình phải nỗ lực hơn nữa để có một nghề ổn định lo cho cuộc sống của mình”.
7 năm nay, vợ chồng chị Nghiêm Thị Thu Hường đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 100 người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật sau khi được được đào tạo tại đây đã tự tìm được việc làm, có cả những mối tình đơm hoa kết trái ở nơi này khi họ vượt qua mặc cảm, số phận để đến với nhau, hạnh phúc vỡ òa khi đón những đứa con lành lặn, bụ bẫm. Tại cơ sở may của chị Thu Hường thường xuyên có hơn 10 thanh niên câm điếc làm việc, thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng và được bố trí chỗ ăn, nghỉ, lo thuốc thang khi ốm đau, đi viện hay tiền xe đi lại thăm nom gia đình…
Dạy nghề cho người bình thường đã khó nhưng dạy cho người khuyết tật là điều không phải ai cũng có thể làm được. Để giúp các bạn hiểu được những gì mình nói, vợ chồng chị Hường phải tự học trên mạng để có thể giao tiếp, truyền đạt được cho các học viên, hướng dẫn họ từ cách xâu kim, xỏ chỉ, quấn chỉ vào thoi, lắp xuốt vào máy, chỉnh từng đường may chưa thẳng hàng, phát hiện lỗi bỏ mũi kim trên vải,... Mỗi người khuyết tật mang trong mình một căn bệnh khác nhau cho nên để ngồi yên một chỗ điều khiển máy may công nghiệp là điều không dễ dàng. Do vậy, công việc dạy may cho số lao động này rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Chị Hường phải kiên trì, tận tình chỉ dạy đến khi họ thạo việc.
Nhiều em khi mới đến đây còn khá rụt rè, sống khép kín, không nghe, nói và giao tiếp được với mọi người. Bởi vậy, vợ chồng chị Hường ngoài dạy nghề còn dành thời gian để dạy tiếng Việt, ngôn ngữ, ký hiệu, kỹ năng sống để các em có thể xóa bỏ mọi rào cản, tự tin hòa nhập cộng đồng. Chị Hường bộc bạch: “Lúc đầu quả thật rất khó khăn, nó giống như một sự xung đột ngôn ngữ. Thế nhưng khi mọi người ở gần nhau, cách truyền đạt bằng sự thấu hiểu nhau còn hơn cả ngôn ngữ giao tiếp bình thường. Cá nhân tôi luôn luôn muốn truyền năng lượng tích cực cho các học viên để họ có thể tự tin hòa nhập cuộc sống, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, dù không thể giao tiếp bình thường như người khác. Mọi người hòa đồng cũng rất nhanh, biết chia sẻ những cảm xúc đặc biệt cho nhau, những lúc ấy tôi thực sự rất xúc động khi cảm nhận được sự khao khát của các bạn, biết yêu thương và muốn được thương yêu như bao người”.
Tạo việc làm cho người khuyết tật có thu nhập ổn định
Dù chỉ có thể giao tiếp bằng cử chỉ, hay bằng chữ viết… nhưng tinh thần lao động hăng say, sự lạc quan yêu đời vẫn hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười của những học viên ở nơi đây. Các bạn đến từ các huyện trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn đã có trong tay một nghề cho thu nhập ổn định. Chúng tôi cảm nhận được không khí nơi đây rộn ràng và ấm áp lạ thường. Có lẽ không có gia đình nào lớn như gia đình của chị Hường. Mỗi bữa cơm đều là bữa cơm hạnh phúc, mâm cơm tuy không dồi dào về đồ ăn, thức uống nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương.
Sản phẩm mà học viên khiếm thính tại cơ sở May Sài Gòn Lạng Sơn làm ra thu hút nhiều khách hàng tìm đến và đặt mua với số lượng lớn. Cầm những bộ vest, thời trang công sở, thu, đông... với từng đường kim mũi chỉ sắc nét, ít ai có thể hình dung đó lại là sản phẩm của những người khuyết tật. Với những đóng góp thầm lặng của mình, mới đây, chị Nghiêm Thị Thu Hường đã vinh dự được tỉnh Lạng Sơn trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú lần thứ nhất” nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, đánh giá: “Cơ sở may của chị Hường là một trong những đơn vị nổi bật trong việc đào tạo, hướng dẫn dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, cơ sở đã thu hút nhiều người khuyết tật đến học nghề và tạo điều kiện, việc làm cho họ có thu nhập tốt. Tỉnh Lạng Sơn cũng đặc biệt quan tâm đến những mô hình như thế và đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các cơ sở trong việc đào tạo nghề cho người khuyết tật”.
7 năm nay, vợ chồng chị Nghiêm Thị Thu Hường đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 100 người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật sau khi được được đào tạo tại đây đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác, có cả những mối tình đơm hoa kết trái ở nơi này khi họ vượt qua mặc cảm, số phận để đến với nhau. |
Việc phát triển các mô hình thiện nguyện, đào tạo hướng dẫn nghề cho những người khuyết tật mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp những người khuyết tật vượt qua mặc cảm, khó khăn của bản thân, thêm tự tin để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Hạnh phúc, niềm vui qua lao động của những người khuyết tật là động lực để chị Nghiêm Thị Thu Hường tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa của mình. Chị chia sẻ: "Năm nay doanh thu của cơ sở dự kiến tăng hơn nhờ chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm có giá trị cao. Ðiều này cũng đồng nghĩa, công việc và thu nhập của các bạn khuyết tật sẽ được cải thiện và bảo đảm tính lâu dài"./.