Những nhà sưu tập tâm huyết
Say mê sưu tầm đồ cổ từ khi còn trẻ, gần 30 năm qua, ông Nguyễn Tử Xuyên (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã sưu tập và sở hữu hơn 20.000 hiện vật, trong đó, nhiều hiện vật gắn liền với văn hóa Tây Nguyên, nhiều nhất là bộ chiêng, ché cổ, đồ trang sức của các dân tộc tại địa phương. Ông cũng quan tâm sưu tầm những hiện vật mang tính lịch sử, những món đồ từ thời bao cấp như máy hát, điện thoại, tiền cổ. Hiện ông Xuyên có một showroom nhỏ ở TP Buôn Ma Thuột, là nơi tham quan, giao lưu của những người yêu cổ vật hay thích “săn” đồ cổ độc, lạ. Tại nhà riêng, ông cũng có một không gian để cất giữ những hiện vật đã sưu tầm.
Ông Xuyên chia sẻ, hơn 60 năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, được “cùng ăn, cùng ở” với cộng đồng người dân tộc, ông cảm thấy gắn bó mật thiết với vùng đất này. Ông đam mê và muốn sưu tầm để giữ lại những đồ vật gắn liền với đời sống hằng ngày của các dân tộc Tây Nguyên cũng như cư dân sinh sống nơi đây. Chính vì thế, ông đã lặn lội đi nhiều nơi, mất nhiều thời gian và công sức, tiền của để đưa những hiện vật quý về lưu giữ. Ông nung nấu ý định xây dựng một bảo tàng tư nhân trưng bày những hiện vật riêng về Tây Nguyên, mở cửa miễn phí cho du khách hoặc dùng số tiền thu được từ hoạt động tham quan cho công tác từ thiện tại địa phương.
Cũng là nhà sưu tập có tiếng ở TP Buôn Ma Thuột, anh Võ Minh Luân hiện đang sở hữu một bảo tàng tư nhân với bộ sưu tập đồ sộ gần 20.000 hiện vật về gốm, tranh ảnh, tài liệu, sách quý về văn hóa tộc người của vùng đất Tây Nguyên. Trong đó, độc đáo và phong phú nhất phải kể đến bộ sưu tập gốm và ché cổ với số lượng lên tới 10.000 chiếc, thuộc các dòng gốm nổi tiếng như Biên Hòa, Gò Sành, Châu Ổ, Lái Thiêu. Từ sự tình cờ ban đầu, đến nay, anh không nhớ hết mình đã trải qua bao nhiêu chuyến đi để “săn” và đưa những chiếc ché quý về góp nhặt, chăm chút xây nên “Ngôi nhà Chóe Đại Ngàn” đặt tại số 10, Hải Triều, TP Buôn Ma Thuột. Với anh Luân, mỗi hiện vật đến với anh là một duyên nợ, bắt nguồn từ niềm đam mê và sự tìm tòi, nghiên cứu. Bởi vậy, anh càng trân quý giá trị từ mỗi hiện vật, muốn lưu giữ và truyền lại cho nhiều thế hệ tiếp theo. Gần 4 năm qua, anh Luân đã dành nhiều tâm sức để tạo nên một “Ngôi nhà di sản”. Anh Luân cũng kết nối những người yêu cổ vật ở Đắk Lắk, lan tỏa phong trào sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở địa phương.
Trưởng thành từ phong trào này, trong 3 năm trở lại đây, anh Lê Anh Tiến (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) đã sưu tầm gần 200 hiện vật trang sức cổ của các dân tộc tại chỗ và một số đồ dùng của những gia đình quyền quý thời xưa. Anh Tiến chia sẻ, anh là người dân tộc Nùng gốc Bắc, từ nhỏ theo gia đình vào Đắk Lắk làm kinh tế mới. Khi tham gia giao lưu với nhóm cổ vật Đắk Lắk, anh rất quan tâm và yêu thích những món đồ trang sức cổ như vòng cổ, vòng đeo tay, đeo chân được làm từ đồng, gang hay đá quý, mã não, nhựa thông, thủy tinh tự nhiên được các dân tộc tại chỗ sử dụng trong quá trình giao lưu và trao đổi hàng hóa. Anh cũng tìm hiểu và sưu tầm những món đồ như xà gạc, dùi đâm trâu trăm đốt, cây chọc lỗ tra hạt của người Ê Đê, S’tiêng. Đây là những vật dụng trong gia đình quyền quý thời xưa và hiện nay gần như thất truyền. “Nếu giờ mình không tìm lại và gìn giữ, các hiện vật này sẽ không còn trên mảnh đất Tây Nguyên. Đó sẽ là một mất mát to lớn về di sản cho thế hệ mai sau”, anh Tiến bộc bạch.
Trao tặng hiện vật, gửi niềm hy vọng
Từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Bảo tàng Đắk Lắk đều tổ chức kêu gọi, vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã tiếp nhận được hơn 1.700 tài liệu, hiện vật về khảo cổ, văn hóa dân tộc hay hiện vật tiêu biểu qua các thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước. Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực đã giúp bảo tàng có được nguồn TLHV phong phú, đa dạng và có giá trị.
Là một trong những cá nhân tiêu biểu hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đắk Lắk, suốt 4 năm qua, ông Nguyễn Tử Xuyên đã hiến tặng hàng chục hiện vật có giá trị, trong đó có những kỷ vật gắn với kỷ niệm của ông với vùng đất Tây Nguyên. Theo ông Xuyên, hiện nay số hiện vật ở trong các nhà sưu tập tư nhân còn rất nhiều. Do nguồn kinh phí và công tác liên hệ, kêu gọi hiến tặng ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nên với suy nghĩ và trách nhiệm cá nhân, ông Xuyên đã tiên phong tham gia hiến tặng, để tạo nên phong trào lan tỏa trong cộng đồng những nhà sưu tập để đưa những hiện vật về một nơi bảo quản, gìn giữ mang tính chất lâu dài. Trong đó, có thể kể đến cây kiếm đồng của quân đội Tây Sơn được ông sưu tầm tại huyện Ayun Pa (Gia Lai) và lưu giữ hơn 10 năm trước khi tặng lại cho bảo tàng. Hay cây liềm gặt lúa của tộc người Khơ-me. Đây là những cổ vật quý hiếm mà bảo tàng Đắk Lắk chưa sở hữu.
Với anh Võ Minh Luân, năm nay đã là lần thứ 3 liên tiếp anh hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đắk Lắk với hơn 20 hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử. Từ chiếc ché gốm có hình ảnh lễ hội đâm trâu và cặp voi gốm thuộc dòng gốm Biên Hòa được sản xuất trong khoảng những năm 1970 - 1980, đến những cuốn sách quý hiếm viết về Tây Nguyên như Chúng tôi ăn rừng, Xứ Jơ Rai, Miền đất huyền ảo, Sắc màu Tây Nguyên. Cùng với đó, anh Luân còn tích cực kêu gọi, vận động các nhà sưu tập ở Đắk Lắk và Hội Cổ vật tỉnh An Giang, Câu lạc bộ Cổ vật TX. Thuận An (Bình Dương) hiến tặng nhiều tài liệu, hiện vật quý cho Bảo tàng Đắk Lắk. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên hiến tặng và trưng bày nhiều hiện vật quý cho các bảo tàng khác trong nước.
Còn với anh Lê Anh Tiến, dù chỉ mới tham gia sưu tầm cổ vật thời gian ngắn nhưng cũng đã có 2 đợt hiến tặng cho bảo tàng Đắk Lắk một số hiện vật quý như bình rượu cúng, chén ăn cơm thuộc dòng gốm Lái Thiêu và cuốn sách quý về văn hóa Tây Nguyên có tựa đề Chúng tôi ăn rừng. Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn với quá trình tìm kiếm, sưu tầm, thậm chí là kỷ vật gắn với một kỷ niệm của cá nhân người sưu tập nên khi chia tay những đồ vật mình sưu tầm được sẽ có phần luyến tiếc. Tuy nhiên, các nhà sưu tập chia sẻ, việc hiến tặng TLHV như là sự lan tỏa, để có thêm nhiều người biết đến những vật dụng đã gắn bó với đời sống người dân hay một giai đoạn lịch sử, một giá trị văn hóa của cộng đồng, từ đó thêm trân quý những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc./.
“Hiến tặng tài liệu, hiện vật cho bảo tàng là hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm bảo tồn những di sản của cha ông cũng như những nét đẹp văn hóa vùng đất. Tôi mong muốn những hiện vật được hiến tặng sẽ được triển lãm rộng rãi để công chúng biết tới; Phong trào sưu tầm và hiến tặng hiện vật xưa cho bảo tàng được lan rộng trong và ngoài tỉnh để góp phần giữ gìn những nền văn hóa di sản của nước nhà”.
Anh Võ Minh Luân, nhà sưu tập hiện vật
|