Dìu F0 qua mùa dịch

Ai cũng bận rộn nhưng khi F0 cần thì sẵn sàng giúp sức. Đó là sự hy sinh. Hy sinh để thấy mình may mắn khi vẫn có thể cùng nhau đi qua mùa dịch.

 

“Lúc bắt đầu, chúng tôi dự định làm đến hết thời gian giãn cách thì dừng, vậy mà sau giãn cách, vẫn nhiều F0 liên hệ nên quyết định giúp tiếp, đến nay vẫn chưa thể ngừng. Thôi thì đã biết sẽ giúp kỳ cùng, đến khi quỹ cạn hoặc F0 không còn nhờ tới nữa thì ngưng hẳn”, Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Hồ Thanh Phong xúc động chia sẻ.

Những ngày khó quên

“Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” bắt đầu hành trình sẻ chia trong đợt dịch Covid-19 này từ tháng 5/2021 với chương trình tặng gạo cho người nghèo. Cuối tháng 7, khi đang triển khai hoạt động hỗ trợ vật tư y tế tại một số bệnh viện dã chiến, khu điều trị cách ly, sau một cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình thực tế, nhóm trưởng Hồ Thanh Phong cùng các thành viên quyết định triển khai chương trình “Chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà”, tận dụng từng giờ từng phút khi bên ngoài dịch bệnh đang bùng phát với số ca F0 liên tục tăng cao.

“F0 ngày càng nhiều, mình nên hỗ trợ gì đây?”. Những trăn trở liên tục xuất hiện, thôi thúc các thành viên chung tay. Đến giữa tháng 8, một “bệnh viện ảo” kèm đường dây nóng ra đời với khoảng vài chục người gồm bác sĩ, dược sĩ và tình nguyện viên (TNV) túc trực ngày đêm giúp những người vừa phát hiện mình thành F0. Còn nhớ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, giai đoạn dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, số ca dương tính tại TP.HCM có khi hơn 10.000 ca mỗi ngày, ai nấy đều lo lắng. Từ vài chục người ban đầu, thời điểm đó, nhóm hỗ trợ F0 của ông Phong có hơn 110 bác sĩ, dược sĩ và 125 TNV mà vẫn làm không xuể.

 

Nếu như giai đoạn đầu mỗi ngày tầm dăm ba chục ca, đến tháng 9, có ngày hơn 130 F0 từ các quận, huyện gọi về nhờ tiếp sức. Đội shipper không chuyên của nhóm với khoảng 20 giám đốc, giảng viên ngược xuôi khắp nơi trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, lớp khẩu trang kín mít để kịp đưa thuốc, ô-xy, máy tạo ô-xy, máy đo SpO2 cho người cần.

Nhớ lại những ngày cao điểm, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng nhóm điều phối vận chuyển cho biết, khi đó, điện thoại di động của chị lúc nào cũng trong tình trạng cắm sạc pin vì phải nhận và gọi liên tục từ sáng đến khuya. “Có một anh giám đốc đang họp trực tuyến với nhân viên, nghe tôi gọi điện nói cần giao máy đo SpO2 gấp cho F0, anh nói luôn: “Để anh nhắn mọi người chờ, anh đi liền”. Hay một anh giám đốc khác, làm TNV đội vận chuyển thuốc chạy từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Vậy mà vừa về nhà, cởi bộ đồ bảo hộ, đang xào rau, nghe điện thoại biết có F0 cần giúp, anh lật đật tắt bếp, mặc đồ bảo hộ, lên xe đi liền. Rồi nhiều TNV lén gia đình đi hỗ trợ. Thương lắm!”, chị Ngọc kể lại.

Mệt lắm, nhưng từ khi bắt đầu hành trình đến nay, ông Phong chưa nghe TNV nào than thở hay kể công. Mỗi người một việc, họ lặng lẽ chung tay giúp đỡ các gia đình F0. Ngay cả khi TP.HCM bước vào giai đoạn “bình thường mới” khá lâu, 2/3 số TNV trở lại công việc với bộn bề cuộc sống, họ vẫn ở đó, lắng nghe những lời “cầu cứu” và mang đến tận nhà những gì F0 đang cần. Trong số gần 5.000 F0 tìm đến nhóm thời gian qua, nhiều người đã khỏe hẳn, quay lại gửi lời cảm ơn.

Như hôm bữa, hay tin bà Lá ở quận 8 âm tính sau nhiều ngày chật vật chống chọi với Covid-19, nhìn vào danh sách “đơn hàng” đã chuyển đến nhà bà, chị Ngọc giật mình. Mười mấy chuyến đi, bao nhiêu cuộc gọi không sao đếm xuể. Đến nhiều tới nỗi TNV nhớ như in đường vào nhà bà, từng câu chuyện trao đổi cùng gia đình người phụ nữ F0 phải dùng gần 20 bình ô-xy ấy. Sau bao nỗ lực, bà khỏe lại, ai cũng mừng. Nhưng trên chặng đường đồng hành cùng F0 ấy, có lúc, dù đã cố hết sức, nhóm vẫn không đến kịp để tiếp ô-xy cho một vài bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Nghe người nào không qua khỏi, cả nhóm thấy buồn miên man, nhưng rồi phải tự động viên nhau đi tiếp và biết chấp nhận sự thật rằng mình không thể cứu hết tất cả mọi người. Vậy nên, còn giúp được trường hợp nào, cả nhóm đều tìm đủ cách dù khó cỡ nào.

Mong ngày “thất nghiệp”

Nghe hỏi năm mới mong gì, TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh, nguyên Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở lời ngay: “Tôi mong thành phố bình yên trở lại. Tôi mong đến lúc nào đó chương trình sẽ dừng vì không ai cần mình nữa. Lúc đó có nghĩa mọi người khỏe mạnh hết rồi”.

Bác sĩ Oanh là một trong số các TNV phụ trách chuyên môn tham gia chương trình của nhóm ông Phong từ ngày đầu đến nay. Là bác sĩ chuyên về phổi, bà nhận toàn ca F0 trở nặng nên việc giữ kết nối với người nhà bệnh nhân để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời là vô cùng cần thiết. “Mẹ em tụt ô-xy nhanh quá nhưng gọi phường không được” - nhận tin nhắn trong đêm, bác sĩ Oanh gọi điện lại ngay cho gia đình F0 vừa cầu cứu. Thấy tình trạng bà cụ trở nặng, bác sĩ Oanh khẩn trương hướng dẫn người nhà thực hiện các công đoạn cần thiết trong khi bấm lệnh điều xe trên hệ thống. Đêm đó, nhóm kịp đưa cụ bà F0 đi viện điều trị. Không lâu sau, nghe tin bà chiến thắng Covid trở về, bác sĩ Oanh cùng mọi người thở phào nhẹ nhõm. “Có rất nhiều ca F0 đặc biệt đòi hỏi sự nhanh nhạy, kiên nhẫn của bác sĩ hỗ trợ cùng đội ngũ TNV, người nhà, vì chỉ cần chậm trễ một chút, nóng vội một chút, tình hình sẽ khó khăn hơn. Hồi đó, tôi đâu dám tắt điện thoại dù làm việc cả ngày rất mệt. Tôi tham gia cùng lúc mấy nhóm hỗ trợ F0, các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn liên tục từ sáng đến khuya”, bác sĩ Oanh tâm sự.

Âm tính với Covid-19 sau 2 tuần điều trị tại nhà, chị Lê Vi Vi (TP. Thủ Đức) thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách đăng ký làm TNV cho nhóm. Chị Vi kể lại: “Giữa tháng 11, tôi phát hiện mình nhiễm Covid-19. Lúc đó thực sự hoang mang vì tôi ở một mình, chẳng biết nhờ ai. Nghe chị bạn hướng dẫn, tôi gọi vào đường dây nóng của nhóm hỗ trợ F0 này. Không lâu sau, tôi được giúp ngay. Sang ngày thứ tư, thấy chỉ số SpO2 của tôi quá thấp, bác sĩ gọi liên tục hướng dẫn và gửi máy móc sang tận nhà. Mấy ngày sau, tôi khỏe hẳn. Giờ tôi cùng các TNV khác thực hiện việc tiếp nhận thông tin F0 trong nhóm. Tôi vui vì có thể đáp trả ân tình của mọi người bằng việc giúp những F0 khác trong giai đoạn này”.

“Ngày thường, các anh chị là giảng viên, là giám đốc, tiến sĩ, nhưng khi F0 cần, các anh chị sẵn sang làm shipper đến gõ cửa các gia đình cách ly. Trong giai đoạn TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, nói là 18 giờ “ai ở đâu ở yên đó” nhưng hoạt động của nhóm luôn xuyên suốt 24/24. Về đêm, khi các ca bệnh dễ trở nặng, TNV trực tổng đài và bác sĩ dường như thức trắng”.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, TNV của “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”

Khi người dân TP.HCM đang tìm cách thích ứng với điều kiện sống mới, quy mô hoạt động của các nhóm hỗ trợ F0 thu hẹp dần, có nhóm ngưng hẳn. Thế nhưng, nhà giáo Hồ Thanh Phong cùng các cộng sự vẫn tiếp tục duy trì mô hình “bệnh viện ảo” này vì sợ chẳng may có F0 cần giúp mà không kịp thì ân hận. Vậy nên cứ động viên nhau cố gắng giúp người, chung tay giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Nhiều bác sĩ tham gia nhóm sau ca làm việc tại bệnh viện, phòng khám về nhà lại mở điện thoại trực đến khuya. Nhiều TNV dù phải tăng ca dịp Tết vẫn nhất quyết không bỏ bê nhiệm vụ. “Đi đến chặng đường này, chúng tôi chỉ mong mọi người bình an. Mỗi đêm trên hệ thống hay tin người này khỏi bệnh, người kia hết nguy hiểm là anh em vui lắm. Chúng tôi may mắn khi có những bác sĩ tận tụy, giỏi chuyên môn chung tay cùng đội ngũ TNV thiện chiến. Ai cũng bận rộn nhưng khi F0 cần thì sẵn sàng giúp sức. Đó là sự hy sinh. Hy sinh để nhận về yêu thương, để thấy mình may mắn khi vẫn có thể cùng nhau đi qua mùa dịch”, Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong chia sẻ./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận