Xưa Hà Nội là kinh đô, Thủ đô, nơi tập trung nhiều trí thức, tầng lớp trung lưu, lại thêm lối sống như vua Tự Đức tổng kết “kiêu bạc, xa xỉ, phóng khoáng” nên ăn Tết và chơi Tết cũng có nét riêng biệt so với nhiều vùng miền khác.
Chơi hoa
Ngày Tết, từ thành thị đến nông thôn hầu như nhà nào cũng có lọ hoa, bình hoa, chậu hoa như kéo mùa xuân từ ngoài vào trong, cho gian nhà ấm áp tràn trề dương khí. Nhưng không dừng ở cắm hoa, người Hà Nội nâng nó lên thành một thú chơi.
Phạm Đình Hổ, nhà Nho sống ở Thăng Long vào cuối triều Lê đầu triều Nguyễn đã viết “Vũ trung tùy bút” kể lại chuyện Thăng Long giai đoạn này. Về thú chơi hoa ông viết: “Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”. Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà người Thăng Long - Hà Nội tìm một loài hoa phù hợp. Những gia đình có truyền thống Nho giáo thích cắm cúc trong ngày xuân vì cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm. Mẫu đơn được nhiều nhà Nho khẳng khái ưa trưng trong ngày Tết vì mẫu đơn không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn của đám vương quyền để đem sắc đẹp, hương thơm ban rải cho mọi người. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, ăn ở như bát nước đầy nên các gia đình nền nếp thích mua. Nhưng hoa phải luôn đi với bình, hải đường cắm vào bình sứ Bát Tràng men xanh, loại men không khoe khoang, có chiều sâu sẽ càng làm tăng vẻ chín chắn, mặn mà.
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, năm 1889 họ lập “Vườn thực vật” trồng thí nghiệm các loại rau, hoa nhập từ xứ ôn đới. Và Ngọc Hà, Hữu Tiệp hai làng nằm sát “Vườn thực vật” vốn chỉ trồng: mẫu đơn, huệ, hồng, sói, cúc vạn thọ, ngâu, thiên lý... đã trồng thêm các giống hoa Tây gồm: cẩm chướng, bướm, cúc vàng, violette, lay ơn, thược dược... Ban đầu các hoa này chỉ bán cho Tây. Khi chính quyền Pháp lấp sông Tô Lịch lập chợ Đồng Xuân và mở chợ hoa Tết ở phố Hàng Lược thì thú chơi hoa Tết của người Hà Nội dần thay đổi. Thực ra chợ hoa Tết này là sự tiếp nối chợ hoa Tết có từ thế kỷ 15 ở chợ Cầu Đông (tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay) bên bờ sông Tô Lịch. Chợ hoa Tết Hàng Lược mở từ ngày 23 tháng Chạp cho đến gần Giao thừa mới tan và sau ăn tất niên nhiều gia đình mặc quần áo mới lên chợ dạo chơi ngắm hoa, mua hoa mới về cắm thay cho hoa cắm từ ngày ông Công, ông Táo về trời.
Nhưng dù chơi hoa gì thì Tết Hà Nội không thể thiếu cành đào. Hoa đào là loại hoa đại diện cho mùa xuân vì sắc đỏ rực rỡ. Theo tín ngưỡng dân gian, từ ngày 23 tháng Chạp đến Giao thừa, vũ trụ vô chủ vì ông Công, ông Táo về trời nên ma quỉ hoành hành. Tuy nhiên, ma quỉ lại rất sợ màu đỏ nên có cành đào đỏ trong nhà ma quỉ không dám vào quấy nhiễu. Trong triết lý phương Đông, màu đỏ là màu của may mắn, màu của sự sống và sự tái sinh. Nhưng chơi đào không đơn giản chỉ cần có nụ có hoa mà sành chơi phải chọn cành có thêm lộc non và vài quả đảo con con xinh xắn mới là mùa xuân, cũng là ước mong đầy đủ, xum vầy trong năm mới. Người cầu kỳ còn lên tận vườn chọn sẵn cành ưng ý đặt tiền rồi gửi lại gần Tết mới lên mang vê. Lại có người thích đào thế, thế long giao tượng trưng cho tình phụ tử gắn bó, thế cái nơm là mong mỏi gia đình xum họp. Không chỉ chơi đào trước Tết, trong Tết mà nhiều người Hà Nội còn có thú chơi đào muộn. Ra Giêng hoa đã nở hết nhưng nhiều cây đào vẫn còn hoa muộn trên những nhánh nhỏ, người ta mua về cắm trên chiếc lọ xinh xinh để tận hưởng màu đỏ cuối cùng.
Ngày nay hoa Tết vô cùng phong phú với nhiều loại nhập từ nước ngoài khiến người yêu hoa thêm nhiều lựa chọn. Ngoài chơi hoa theo thẩm mỹ truyền thống, thú chơi hoa Tết ở Hà Nội cũng đa dạng hơn vì kinh tế khá lên, ăn không còn quan trọng và nhu cầu chơi lại lớn hơn. Chơi các loại hoa độc và lạ đặt bên tủ rượu hiện như thú chơi thời thượng.
Chơi câu đối và chữ
Xưa muốn thay đổi cuộc đời thì chỉ có đi học. Sôi kinh nấu sử ngày đêm rồi lều chõng đi thi, nếu đỗ được bổ làm quan thì cuộc sống gia đình thay đổi, làm rạng danh dòng họ và xóm làng vì thế người xưa rất trọng chữ. Chữ Nho được coi là chữ Thánh hiền nên thời vua Tự Đức, sáng sáng có người quẩy đôi bồ đi khắp Hà Nội nhặt những tờ giấy có chữ Nho mang về đền Ngọc Sơn đốt vì Ngọc Sơn là đền thờ Văn Xương sao chủ của sự học hành.
Chữ còn biểu hiện của tư duy, vì thế vào ngày Tết, những ai đã mang danh Nho ở kinh thành đều viết câu đối hay chữ treo lên tường. Khách là bạn thơ đến chơi nhâm nhi chén rượu làng Mơ rồi bình chữ. Nếu chữ bày tỏ khát vọng thì câu đối thường xoay quanh đạo đức Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Trí, Lễ, Tín hay suy nghĩ về nhân tình thế thái. Có khi là câu đối là triết lý về cuộc sống. Đầu thế kỷ 20, cô đầu không chỉ là đề tài cho các nhà văn, nhà thơ viết ra nhiều tác phẩm về thân phận con người. Tản Đà còn có câu đối Tết tặng cô đầu phố Khâm Thiên:
Ai đẻ mãi ra xuân, xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay, năm ngoái xuân hơn, kém/ Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông.
Với dân thường Thăng Long, họ không tự viết được câu đối hay chữ thì mua câu đối đã viết sẵn treo ở cửa vì nhà không có câu đối thì chưa phải là Tết. Tương truyền, một năm, gần đến Giao thừa, vua Lê Thánh Tông vi hành quanh kinh thành xem con dân của mình ăn Tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối, hỏi mới biết người đó ở phường nhuộm vải góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút rồi tự tay mài mực và viết:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ/ Triều trung chu tử tổng ngô môn.
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ tạo ra
Đỏ tía chốn triều đình tất cả từ nhà ta ra).
Một giai thoại khác cũng gần Tết, vua Lê Thánh Tông giả dạng thường dân đi qua một nhà không thấy có câu đối treo cửa, hỏi thì chủ nhà trả lời do thân phận nghèo hèn nên không dám xin chữ. Gặng thêm, mới biết người này làm nghề hót phân, nghe vậy ngài sai lấy bút mực viết ngay đôi câu đối tặng chủ nhà:
Thân ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự/ Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
(Trên mình mặc chiếc áo trận, gánh vác hết việc khó trong nhân thế. Tay cầm thanh gươm dài thu nhận cả lòng người dưới cõi trời). Viết xong ngài cho dán hai bên cửa rồi cắt nghĩa, nghe giảng giải chủ nhà thấy tự hào cái nghề của mình.
Xã hội thay đổi nhưng thú chơi câu đối, chơi chữ ở Hà Nội không thay đổi. Nửa cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc ngày nay chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc. Vào dịp gần Tết, khu vực này xuất hiện các ông đồ cũng trải chiếu trên hè phố viết chữ và bán câu đối đã viết. Ai không biết chữ thì trình bày mong muốn để thầy đồ tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều nhưng nhà có tang phải dùng giấy màu vàng hay màu xanh lục. Ở đây bán những câu đối chữ đại tự cũng chữ được viết trên giấy đỏ, ví dụ như chữ “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông nhớ đến nguồn), “Đức lưu quang” (Đức chan hòa ánh sáng). Ngoài viết câu đối, các ông đồ còn viết chữ mừng xuân theo yêu cầu của người xin chữ theo lối thảo. Thường là chữ: Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc Đức, Phú, Quý, Lộc... Nhà nào không hạnh phúc thì các ông đồ cho chữ Bình, ai nóng vội, thầy cho chữ “Dục tốc bất đạt” hay chữ Nhẫn. Các chữ này được viết to hết khổ giấy. Khi chữ quốc ngữ, chữ Pháp trở nên phổ biến thì chữ Nho thất thế, một biểu hiện sa sút của Nho học nên người xin chữ, viết câu đối Tết ở Hàng Bồ thưa dần. Xót xa cho thứ chữ từng là sợi dây nối xưa với hiện tại nhà thơ Vũ Đình Liên đã cảm thán: “Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn bây giờ ở đâu?”.
Nửa sau của thế kỷ 20, câu đối và chữ gần như mất hẳn nhưng cái gì có ý nghĩa, có giá trị sẽ không mất. Đầu thế 21, xuất hiện phố bán câu đối và chữ chơi Tết ở dốc phố Bà Triệu. Sau đó chợ chữ này chuyển ra gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm sống lại thú chơi truyền thống có tính giáo dục cao. Không chỉ viết chữ Nho nhiều ông đồ trẻ còn viết thư pháp bằng chữ Việt rất bay bướm vô cùng thú vị.
Đi chơi Giao thừa quanh Hồ Gươm
Theo tục lệ truyền thống, trong thời khắc Giao thừa không ai ra đường. Sau Giao thừa, người cao tuổi sẽ đi lễ đền hay chùa gần nhà. Nhưng truyền thống đã có thay đổi.
Năm 1954, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc rất đông, tỉnh nào cũng có. Với người miền Nam tập kết sống và làm việc ở Hà Nội, cứ tối 30 Tết mọi người tập trung ở Ủy ban Thống Nhất Trung ương (số 16 phố Lê Thái Tổ hiện nay) liên hoan bánh kẹo chờ Giao thừa và nghe Bác Hồ chúc Tết. Sau khi nghe Bác chúc Tết, rất nhiều người nhớ quê đã dạo quanh Bờ Hồ cho bớt nỗi nhớ. Nhiều người Hà Nội đồng cảm với nỗi xa quê của bà con miền Nam đã ra Hồ Gươm chơi cùng và từ đó thành nếp cứ Giao thừa là tập trung đi chơi ở Hồ Gươm. Nếp ấy kéo dài cho đến nay trở thành nét văn hóa đi chơi Giao thừa của người Hà Nội. Thời bao cấp, vào ngày Tết, quanh Hồ Gươm lịch sử còn có chương trình ca nhạc tổ chức ở trước cửa Ngân hàng Nhà nước hay Vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay vào trước và sau Tết. Tại nhiều rạp có diễn kịch, chèo hay cải lương.
Dăm năm trở lại đây với sự tài trợ của các doanh nghiệp, một số công ty truyền thông đã đứng ra làm chương trình văn nghệ trong đó có màn đếm ngược thu hút rất đông người tham dự. Không chỉ xung quanh Hồ Gươm mà các sự kiện văn nghệ còn diễn ra tại rất nhiều địa điểm khác trên thành phố khiến không khí Tết thêm vui vẻ và náo nhiệt./.
Nguyễn Ngọc Tiến