Hãy nhìn những dòng sông.
Nhìn mạch nguồn biết sức sống dòng sông. Dòng sông mạch nguồn từ đại ngàn trăm khe ngàn suối bốn mùa mênh mang dòng nước, hàng triệu triệu năm không ngưng nghỉ, tạo nên những lưu vực, châu thổ rộng lớn, trù phú, những nền văn minh rực rỡ. Những dòng sông mạch nguồn khô cằn, đứt gãy sẽ dần mai một, đến một ngày chỉ còn mờ nhạt ký ức…
Văn hóa cũng vậy.
Gần 50 năm trước, người thầy dạy Văn, cũng là thầy chủ nhiệm suốt 3 năm học cấp 3 của chúng tôi là một nhà văn. Ở ông, thầy giáo viết văn hay là nhà văn dạy học, thật khó phân tách. Dưới cái nhìn của chúng tôi, ông là con người tài hoa, uyên bác, lịch lãm. Thêm nữa, rất cá tính, gai góc, nhưng nghĩa khí. Thương lũ học trò như con, chẳng ngại ngần tranh biện, bày tỏ chính kiến, bảo vệ lẽ phải.
Gần đây, anh lớp trưởng của cái lớp hơn 20 thành viên gần 50 năm trước hé mở một câu chuyện. Đó là ngày người thầy của chúng tôi ra đi, những đồng nghiệp lục tìm hồ sơ của người vừa nằm xuống. Họ bất ngờ phát hiện những chi tiết thú vị: Nhà văn- Người thầy của chúng tôi, từng là “Bộ đội Cụ Hồ” thời “chín năm”, là thương binh, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ trung đội trưởng. Trong hồ sơ còn lưu tấm hình người “vệ quốc đoàn”cùng quyết định tặng thưởng Huân chương chiến công.
Một quá khứ thật đẹp và thật sáng.
Lạ thay, lũ học trò và đồng nghiệp thân thiết chưa từng nghe ông kể về một thời trận mạc chinh chiến thật đẹp và thật sáng đó.
Sao thế nhỉ?
Suốt 3 năm học cấp 3, những bài giảng văn của thầy khiến chúng tôi mê đắm là những áng thơ văn về chiến tranh, về người lính ra trận, về người mẹ Tổ quốc… Sau những cao khoát, thăng hoa với những đoạn thơ hào sảng, thường là quãng lặng, những lời bình ngắn mà gợi. Với chất giọng Bình-Trị-Thiên trầm, ấm, không ít lần thầy hạ cái câu: Chà chà…chiến tranh là thế đấy! Chà chà…giá như…
Giá như đất nước này không bị miên man những cuộc chiến tranh!
Dân tộc Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử. Hãy bắt đầu bằng hơn hai nghìn năm trở lại đây.
Ngót nghìn năm đầu bị quốc gia láng giềng phương bắc áp đặt ách đô hộ với liên tiếp những cuộc xâm lăng, chinh phạt; liên tiếp những cuộc đàn áp, hủy diệt đi cùng kế sách đồng hóa, hòng biến một dân tộc có cương vực chủ quyền thành thuộc quốc, quận huyện. Và cũng trong nghìn năm đó, liên tiếp những cuộc phản kháng, nổi dậy chống lại ách đô hộ từ thế lực phương bắc.
Hơn nghìn năm về sau là những năm tháng thoát khỏi ách đô hộ, khẳng định nền độc lập. Suốt hơn nghìn năm ấy vẫn không ngơi nghỉ công cuộc lấy máu xương bảo vệ nền độc lập, lấy sinh mạng cả dân tộc xây đập đắp bờ ngăn những cuộc gây hấn, xâm lăng từ ngoại bang. Sau những cuộc chiến tranh chống ngoại bang, là tháng năm hòa bình, nhưng đây đó, ngay trong nội bộ quốc gia, vương triều vẫn những cuộc tranh đoạt, thanh trừng, tao loạn, cát cứ, hao tổn hiền tài, suy kiệt nguồn lực, hòa bình mà chẳng thể thái bình.
Trừ đi cộng lại, phần lớn thời gian trong hơn hai nghìn năm lịch sử, dân tộc này triền miên những tai ương chướng họa, từ ách đô hộ, từ các cuộc chiến tranh, từ xung đột, tao loạn. Khoảng thời gian thực sự yên ấm, hòa bình chẳng được bao lăm.
Giá như dân tộc này không bị đẩy vào những cuộc chiến tranh!
Chỉ tính riêng hơn trăm năm từ đầu thế kỷ XX lại đây, đất nước nhỏ bé bên bờ Thái Bình Dương liên tiếp oằn mình chống lại sự xâm lược, can thiệp từ bên ngoài. Vừa giành độc lập đã lại bước vào cuộc kháng chiến. Hưởng hòa bình chưa bao lâu đã lại bước vào cuộc trường chinh đằng đẵng. Cứ đinh ninh sau cái ngày 30/4/1975 sẽ vĩnh viễn độc lập, trọn vẹn hòa bình! Nào ngờ, phút chốc lại “lụt Bắc lụt Nam, máu tràn biên giới”, lại “lưỡng đầu thọ địch”, vừa căng sức ngăn thế lực phản động tráo trở Khmer Đỏ, vừa xung trận chống trả cuộc xâm lăng của tập đoàn bành trướng bá quyền!
Những ngày tháng hiện tại, hòa bình đấy mà đâu phải thực sự bình yên! Vẫn hiện hữu, thường trực nguy cơ bất ổn, gây hấn, xung đột. “Ta” đấy, “đồng chí” đấy mà thoắt cái rơi vào vòng xoáy tự diễn biến, tự chuyển hóa, thành tha hóa, biến chất.
Dân tộc này cứ không thôi khát vọng muôn thuở thái bình…
Gần 2 nghìn năm trước, người con gái đất Cửu Chân Triệu Thị Trinh (226-248) cưỡi voi, phất cờ khởi nghĩa chống lại ách cai trị hà khắc của nhà Đông Ngô. Nữ tướng tuổi chớm ngoài đôi mươi tỏ rõ chí khí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông” để “lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ…”
Triều Trần tồn tại 175 năm (1225-1400) mà 3 lần chống lại đội quân xâm lược của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Không khó lý giải khi sau mỗi lần đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, những người xông pha trận mạc lại cháy bỏng ước vọng thái bình. Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải (1241-1294) trong lần “Tụng giá hoàn kinh sư”, tự hào về chiến công hiển hách “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan”, lại không quên nhắc nhủ “Thái bình tu nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san”.
Sau chiến thắng đế quốc Nguyên - Mông lần thứ 3 - 1288, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) cảm khái: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà vạn thuở điện kim âu”.
Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433), sau cuộc kháng chiến mười năm “nếm mật nằm gai”, máu xương hao tổn, đã tuyên bố “lấy toàn dân là hơn, để nhân dân dưỡng sức”. Giữa đất Thăng Long ngày sạch bóng giặc Minh, đức vua Lê Thái Tổ gửi trả thanh gươm cho Rùa thần, thanh thoát thông điệp cởi bỏ binh đao, vun vén hòa bình, dựng nghiệp thái bình.
Vị Hoàng đế xuất thân áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792), ngay sau trận đại phá quân Thanh ngày mùng 5 tết Kỷ Hợi-1789, đã gửi tin báo tiệp tới kinh đô Phú Xuân bằng cành đào Thăng Long vừa chúm nụ. Hơn cả tin báo tiệp là thông điệp về khát vọng những mùa xuân yên bình tịnh không lửa đạn.
Thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh một đời cháy bỏng khát vọng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do…” Trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946 nhằm tìm kiếm cơ hội hóa giải cuộc chiến đang gần kề, khi viếng thăm di tích lịch sử Normandie, Người đến bên khẩu đại bác và lấy bàn tay bịt nòng súng. Giữa trung tâm ngòi nổ cuộc chiến quá khứ và tương lai, Người truyền đi một thông điệp: Giữ lấy hòa bình, ngăn chặn chiến tranh!
Như một thứ định mệnh, qua mỗi triều đại, chiến tranh vẫn nổ ra. Không chỉ một lần...
Như một thứ chướng họa, sau mỗi đận chiến tranh, hệ lụy kéo theo thường là tao loạn, tranh đoạt, thanh trừng.
Lại nhớ về Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442). Năm 1962, kỷ niệm 520 năm ngày mất của Đại thi hào, Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho ông những lời ngợi ca: “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn. Văn là chính trị: Chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn ngàn thu”.
Có mối liên hệ nào giữa “nền thái bình muôn thuở” với “rửa nỗi thẹn nghìn thu” mà người Anh hùng dân tộc một đời nghiền ngẫm, đeo đuổi?
Cũng vị khai quốc công thần thời Hậu Lê, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đúc kết: Hòa bình là cái gốc của lễ nhạc.
Lễ nhạc, ấy là văn minh, văn hóa.
Chiến tranh, xung đột, tao loạn, dù dưới góc nhìn nào, không phải là hướng đến của nhân loại văn minh, tiến bộ. Nó hủy hoại thành quả, phủ bóng đen lên lịch sử, biến các tinh hoa giá trị thành phế tích.
Chiến tranh miên man không thể là môi trường tốt bồi đắp những nền văn hóa nhân bản. Từ đông, tây, kim, cổ, hết thảy mọi đế chế hung tàn đều lụi tàn cùng tham vọng binh đao chinh phạt.
Hậu quả trực tiếp, đã đành, hệ lụy từ chiến tranh đeo đẳng, dài lâu. Những di chứng từ thói quen mệnh lệnh, cưỡng bức, hơn thua ăn sâu vào tiềm thức, chi phối hành vi, khiến nhân cách con người trở nên méo mó, lệch lạc. Nhìn vào cuộc sống hôm nay: Cái đẹp, cái tốt, cái tử tế cũng nhiều, nhưng cái xấu, cái ác cũng còn khá phổ biến. Nhìn kỹ vào hiện tượng, nhìn sâu vào bản chất, đa phần cái xấu, cái ác hình như có mối liên hệ từ thứ văn hóa xấu xí nảy sinh từ môi trường chiến tranh?
Hãy nhìn những dòng sông.
Nhìn mạch nguồn biết sức sống dòng sông. Dòng sông mạch nguồn từ đại ngàn trăm khe ngàn suối bốn mùa mênh mang dòng nước, hàng triệu triệu năm không ngưng nghỉ, tạo nên những lưu vực, châu thổ rộng lớn, trù phú, những nền văn minh rực rỡ. Những dòng sông mạch nguồn khô cằn, đứt gãy sẽ dần mai một, đến một ngày chỉ còn mờ nhạt ký ức…
Văn hóa cũng vậy.
Ước vọng “mở nền thái bình muôn thuở” để có mạch - nguồn - đại – ngàn – văn – hóa, để “rửa nỗi thẹn nghìn thu.”
Đề cao tư tưởng “hòa bình là gốc của lễ nhạc” để hóa giải, khoan dung, dũng cảm bước ra khỏi vừng hào quang quá khứ, sớm đoạn tuyệt với hội chứng hậu chiến tranh.
Đề cao tư tưởng “hòa bình là gốc của lễ nhạc” để tranh thủ ngày tháng hòa bình, tạo dựng cơ đồ “hơn mười ngày nay”.
Cách tốt nhất để dân tộc này ngăn ngừa chiến tranh là tạo hệ giá trị văn hóa khác biệt góp vào sự đa dạng của văn hóa nhân loại.
Thiếu hệ giá trị văn hóa khác biệt anh chẳng còn là anh, thế giới chẳng cần anh, giữ sao vững bền độc lập, mong chi thịnh vượng, thái bình.
Nhà thơ Huy Cận có bốn câu thơ khắc họa sinh động chân dung - tượng đài Dân tộc Việt Nam:
Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.
Cứ “lưng đeo gươm”, cứ “mềm mại bút hoa”, cứ “hiên ngang’, cứ “nhân ái chan hòa.” Chỉ mong đừng thêm một lần phải rút gươm khỏi vỏ.
Giờ thì đã mường tượng, vì sao người thầy dạy Văn gần 50 năm về trước chẳng muốn phô phang một thời quá khứ oai hùng súng đạn. Có lẽ, với ông, ánh hào quang chiến công đã thành quá khứ, và chiến tranh nên là dĩ vãng, để vẹn nguyên nguồn năng lượng, nhiệt huyết cho cảm hứng sáng tạo, cống hiến; để mỗi cá nhân tự do phát triển, đóng góp những giá trị khác biệt cho đất nước, vì “nền thái bình muôn thuở”./.