Sau 2 tuần trở lại học tập trực tiếp, khoảng hơn 300 sinh viên trường Đại học Văn hóa nhiễm Covid-19. Để hỗ trợ các F0, Hội sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã lập đội tình nguyện hỗ trợ, mua đồ ăn, đồ dùng thiết yếu, thuốc men cho các F0.
Trở về Hà Nội sau nhiều tháng học tập trực tuyến, Vũ Thị Hằng, sinh viên năm 3 trường Đại học Văn Hóa Hà Nội chưa kịp đến trường học trực tiếp buổi nào đã mắc Covid-19.
“Khi xuống Hà Nội thì trong phòng có bạn bị dương tính với Covid-19, trường có hỗ trợ bạn đó đi cách ly còn em cách ly tại phòng trọ vì mình là F1. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày em cũng trở thành F0”, Hằng cho biết.
Có một chút hụt hẫng kèm theo sự lo lắng khi nhiễm Covid-19 nhưng điều mà Hằng nhận được là sự chia sẻ của đội tình nguyện hỗ trợ F0 thuộc Hội sinh viên trường Đại học Văn hóa. Khi có bất cứ khó khăn nào Hằng chỉ cần nhắn tin lên nhóm để nhận được sự hỗ trợ.
“Hàng ngày, các anh chị tình nguyện viên sẽ gửi cho chúng em thực đơn trong tuần. Cứ buổi sáng các tình nguyện viên sẽ đi mua đồ ăn sáng giúp. Các bữa ăn chính cũng vậy, đồ ăn sẽ được mang đến khu cách ly ở Ký túc xá đưa cho các F0. Ngoài ra cần mua nhu yếu phẩm gì đều được hỗ trợ mua giúp. Chúng em chỉ cần ở trong phòng theo dõi sức khỏe còn muốn mua bán, thuốc men gì đều được hỗ trợ đến tận phòng”, Vũ Thu Hằng chia sẻ.
Kiều Đức Mạnh, sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng là một F0. Nhưng trước đó, Mạnh là một thành viên tích cực của đội tình nguyện hỗ trợ F0. Cậu sinh viên năm 3 ngành Quản lý Văn hóa dí dỏm chia sẻ, trước đây mình hỗ trợ các F0, giờ đến lượt mình nhận được sự chia sẻ.
“Đội phản ứng nhanh của trường hoạt động 24/24 giờ, ví dụ các F0 sẽ được hỗ trợ mua các đồ thực phẩm đầy đủ dưỡng chất, phát thuốc cũng như là hỏi thăm, quan sát sức khỏe của các F0 như thế nào”, Kiều Đức Mạnh cho biết.
Suốt một năm qua, Mạnh là một tình nguyện viên tích cực tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19. Mạnh không chỉ tham gia các hoạt động của trường mà còn hỗ trợ hoạt động tiêm chủng vaccine tại các phường, đặc biệt là trong những tháng cao điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội năm 2021, Mạnh cùng các bạn trong đội tình nguyện chuyển hơn 600 phần quà cho các F0 và các sinh viên mắc kẹt tại thành phố.
“Chúng em mang trong mình sắc xanh tình nguyện của tuổi trẻ Đại học Văn hóa Hà Nội. Xung kích tình nguyện cùng cộng đồng với mong muốn hỗ trợ, chia sẻ nhiều hơn cho mọi người”, Mạnh chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn và hỗ trợ nhanh nhất tới sinh viên mắc Covid-19, Nguyễn Thị Huyền Trang, thành viên đội tình nguyện Hội sinh viên trường Đại học Văn hóa cho biết, đội sẽ chia thành 2 nhóm. Một nhóm sẽ hỗ trợ thuốc điều trị, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và một đội phản ứng nhanh, các F0 là sinh viên có thể gọi bất cứ lúc nào, kể cả về đêm.
“Những ngày đầu, đội tình nguyện lên thực đơn đồ ăn cho hàng ngày cho mỗi F0. Tuy nhiên, số F0 tăng quá nhanh, do vậy chúng em chỉ có thể lên thực đơn cố định trong ngày và áp dụng cho tất cả mọi người. Ví dụ như buổi sáng có thể 100% ăn cháo. Bữa trưa, bữa tối cũng vậy, tất cả cùng thống nhất một thực đơn”, Huyền Trang cho biết.
Theo anh Trần Minh Quang, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Văn hóa, hiện số lượng sinh viên thuộc diện F0 của trường đã lên đến trên 300 em. Để đảm bảo an toàn, trường dành riêng một khu ký túc xá để cách ly F0. Những sinh viên nào ở trọ bên ngoài nếu có nguyện vọng được cách ly tại KTX thì nhà trường cũng tạo mọi điều kiện.
Mặc dù sinh viên mắc Covid-19 tăng nhanh từng ngày nhưng anh Trần Minh Quang cho biết, đội sinh viên tình nguyện của trường đã có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong suốt hơn 1 năm qua. Thậm chí, theo thống kê đã có hơn 2000 lượt sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Do vậy, dù số lượng F0 đang được cách ly tại phòng trọ hay KTX của trường rất nhiều nhưng đội tình nguyện chưa gặp phải khó khăn gì lớn.
Đối với hoạt động dạy và học, đến nay, trường đại học Văn hóa Hà Nội vẫn không điều chỉnh lại kế hoạch dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, hoạt động dạy và học sẽ được tổ chức linh hoạt.
“Chúng ta nỗ lực để đưa sinh viên có điều kiện dạy học trực tiếp và các em đã học trực tuyến quá lâu rồi. Tuy nhiên, trong một lớp học, giảng viên căn cứ vào số lượng F1, F0 như thế nào để quyết định dạy trực tuyến hay dạy trực tiếp. Nếu một nửa lớp, sinh viên vẫn có thể học trực tiếp thì giảng viên dạy trực tiếp và nếu quá nhiều sinh viên là F1, F0 thì sẽ tổ chức dạy trực tuyến hoặc kết hợp giữa dạy trực tuyến và dạy trực tiếp”, TS. Đinh Công Tuấn cho biết.
Theo VOV2