Người thổi hồn cho tượng gỗ Tây Nguyên

Gần 4 năm qua, tạc tượng gỗ trở thành nghề chính đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nghệ nhân tạc tượng gỗ Y Thái Ê Ban và một số thanh niên theo học nghề.

 

Kể chuyện bằng tượng gỗ

Sau nhiều lần từ chối vì bận việc, chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân tạc tượng gỗ Y Thái Ê Ban tại ngôi nhà của ông ở buôn Kmrơng Prong B (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Nghệ nhân Y Thái Êban (sinh năm 1970, dân tộc Ê Đê) kể, vì cha mất sớm nên từ nhỏ ông thường theo các cậu, các chú rong ruổi khắp nơi. Những khi buôn làng có đám ma, các ông cậu lại lên rừng tìm gỗ về tạc tượng để đưa ra đặt ở nhà mồ. Trong ký ức của cậu bé mới 9, 10 tuổi khi ấy, những bức tượng “người ôm mặt khóc” được tạc nên từ khúc gỗ thô sơ có một sức hút kỳ lạ. Dường như khuôn mặt bức tượng biểu lộ rõ sự đau buồn, tiếc thương, là cảm xúc, tình cảm của người ở lại gửi tới người đã chết, sự tiếc thương sau cuối tiễn người đã khuất về với tổ tiên, ông bà. Hay những hình ảnh con kỳ đà, chim, rùa, khỉ,… biểu thị cho sự sung túc của người đã khuất lúc họ còn sống cũng được khắc tạc lại để đặt xung quanh nhà mồ khi họ mất đi. Những hình ảnh đó đã in sâu trong tâm trí cậu bé Y Thái và thôi thúc cậu tự mày mò, gõ đục những nét khắc đầu tiên.

1.	Nghệ nhân Y Thái Ê Ban giới thiệu về các bức tượng mà ông tâm đắc.

Sau những lần thất bại, đôi tay lóng ngóng không thể điều khiển chiếc rìu, chiếc đục theo ý mình khiến những khúc gỗ nguyên vẹn bị hư hỏng. Nhưng với niềm đam mê, càng làm càng hăng say, những khúc gỗ vào tay Y Thái đã dần thành hình. Sở thích tạc tượng gỗ theo Y Thái đến khi trở thành chàng thanh niên có đôi tay khéo léo. Cuộc sống thay đổi, tượng gỗ gần như mai một, không mấy ai sử dụng. Nhưng với niềm đam mê từ thuở nhỏ, những khi rảnh rỗi, Y Thái lại lấy những khúc gỗ tạo hình để thỏa sở thích và làm ra những bức tượng gỗ nho nhỏ để trang trí trong nhà.

Năm 2015, khi hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5, ông Y Thái mạnh dạn đăng ký tham gia. Tuy không đạt thành tích cao nhưng qua những ngày tham gia hội thi, nghệ nhân Y Thái đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân các tỉnh bạn, từ đó tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu. Đến hội thi tiếp theo được tổ chức vào năm 2017, tác phẩm “thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” của ông đã xuất sắc vượt qua hàng trăm tác phẩm khác, đạt giải nhì tại hội thi, từ đó giúp tên tuổi nghệ nhân tạc tượng Y Thái được nhiều người yêu văn hóa Tây Nguyên biết đến. Nhiều lần ông đại diện tỉnh Đắk Lắk tham dự các hội thi và giao lưu văn hóa trong khu vực, gặt hái nhiều giải thưởng. Khách hàng cũng tìm đến đặt hàng tượng gỗ để trang trí tại các bảo tàng, khu du lịch hay không gian riêng trong gia đình.

Tượng voi Ama Kông được vợ nghệ nhân hỗ trợ hoàn thiện.

Chỉ với những vật dụng đơn giản như chiếc rìu, đục hay dao, từ khúc gỗ xù xì sau vài ngày đục đẽo, nghệ nhân Y Thái đã cho ra bức tượng hoàn chỉnh. Để tạo ra tác phẩm, ông chỉ cần nhìn vào khúc gỗ, nghe ý tưởng của gia chủ, khách hàng hay tự mình tưởng tượng ra hình mẫu phù hợp là có được bức tượng hoàn chỉnh mà không cần phải vẽ mẫu trước.

Theo nghệ nhân Y Thái, điều quan trọng làm nên cái hồn của mỗi bức tượng chính là biểu thị được ý nghĩa và cảm xúc ẩn chứa trong đó, giúp người xem cảm nhận được thông điệp mà bức tượng truyền tải. Mỗi bức tượng lại mang một ý nghĩa riêng, là một câu chuyện, một điển tích dân gian, một nét đẹp văn hóa hay truyền thống dân tộc. Thường ông dựa trên yếu tố thời tiết, mùa màng và lễ nghi đặc biệt trong đời sống hằng ngày của người Ê Đê để tạo ra những bức tượng phù hợp và có ý nghĩa. Ông “bật mí”, đó chính là bí quyết để những tác phẩm của ông được đánh giá cao tại các hội thi.

3.	Nghệ nhân Y Thái tạc tượng “thầy cúng” tại hội thi Tạc tượng gỗ Tây Nguyên năm 2017.

Như tác phẩm “Thăm rẫy”, là hình ảnh cặp vợ chồng người Ê Đê trên đường lên rẫy, người chồng với cơ thể vạm vỡ, rắn chắc, vác trên vai chiếc xà gạc, thể hiện sức mạnh và sự bảo vệ, che chở. Người vợ đi bên cạnh, đằng trước địu con nhỏ, phía sau đeo chiếc gùi mây bên trong chứa đầy đủ nồi cơm, bầu nước. Hình tượng “thăm rẫy” là hình ảnh quen thuộc vào đầu mùa mưa ở Tây Nguyên, là mùa trồng tỉa ngô, lúa. Đây cũng là hình tượng biểu thị cho ước muốn về mùa màng tươi tốt, bội thu.

Động lực từ “hậu phương” và niềm hy vọng truyền nghề

Nếu như sự tỉ mỉ, khéo léo và khả năng sáng tạo của nghệ nhân Y Thái xuất phát từ sự đam mê, thì những thành quả của ông gặt hái được trong nhiều năm qua lại có vai trò rất lớn từ gia đình - “hậu phương” vững chắc của ông. Bà H Yâo Byă, vợ nghệ nhân Y Thái chia sẻ, biết đam mê của chồng với công việc tạc tượng gỗ, bà luôn động viên, ủng hộ ông. Thời gian trước, khi ông còn làm nghề thợ xây, dù công việc vất vả, con cái còn nhỏ, nhưng mỗi khi thấy chồng tìm được khúc gỗ tốt, bà lại động viên chồng tranh thủ tạc tượng cho “đỡ buồn”. Rồi khi nghe tin có hội thi tạc tượng gỗ được tổ chức, chính bà là người cổ vũ chồng đăng ký tham gia để học hỏi kinh nghiệm. “Có lần ông ấy tạc bức tượng “Vua voi Ama Kông”, bận quá không làm kịp thì tôi cũng mày mò đục đẽo giúp ông ấy. Tôi bảo ông ấy vẽ phấn từng nét rồi tôi đục theo. Bức tượng ấy khiến tôi mất ăn mất ngủ, thậm chí đêm chợp mắt tôi cũng mơ thấy đang đục tượng vua voi. Đó là bức đầu tiên và duy nhất tôi làm giúp ông ấy, đến nay chưa dám tạc thêm bức nào. Nhưng mà mỗi lần ông ấy làm thì cả nhà đều động viên. Trước khi tham gia hội thi gì, ông lại nhờ vợ con tư vấn về bức tượng sẽ đục, ý nghĩa của bức tượng và thông điệp muốn truyền tải. Ông bảo tôi tư vấn đúng lại có ý nghĩa”, bà H Yâo kể. Không chỉ ủng hộ, 2 người con trai của ông Y Thái cũng thích thú theo cha “học nghề”. Đặc biệt, cả 2 đều có năng khiếu, nhất là cậu con trai út, không chỉ tạc tượng đẹp mà vẽ tranh cũng rất đẹp. Hiện tại đang tuổi đi học nên 2 con trai ông Y Thái ít tham gia làm việc cùng cha, nhưng mỗi khi có dịp, 3 cha con lại chụm đầu vào nhau để cùng tạc tượng.

4.	Các tác phẩm từ cuộc thi tạc tượng năm 2017 được trưng bày tại khu du lịch.

Nghệ nhân Y Thái chia sẻ, nhận thấy sự quan tâm của nhiều khách hàng đối với nghề tạc tượng gỗ, ông cảm thấy rất vui. Đã có thời tượng gỗ không còn được ai quan tâm, sử dụng nên bị mai một. Vì vậy, sau mỗi cuộc thi, những tác phẩm đạt giải cao của các nghệ nhân khác đều được ông ghi nhớ và về tự đục đẽo lại để lưu giữ. Ông còn lưu lại cả những tích cổ liên quan đến bức tượng, mỗi khi có ai hỏi thăm lại đem ra giới thiệu. Vinh dự được đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân khác, ông Y Thái cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà mình tích lũy được, truyền dạy lại cho những người đam mê và chịu khó học hỏi. “Tôi sẽ dạy cho tất cả mọi người, không chỉ trong buôn làng, mà ngay cả những người ở nơi khác đến, chỉ cần họ có đam mê thì tôi cũng không ngại khó, ngại khổ để truyền dạy”, nghệ nhân Y Thái Ê Ban tâm sự.

Vừa làm vừa truyền nghề, nghệ nhân Y Thái vừa động viên “học trò” của mình bằng cả tinh thần và vật chất. Khi có đơn đặt hàng lớn, ông tỉ mỉ vẽ từng đường phấn rồi hướng dẫn để học trò đục, tạc từng bước chính xác. Mỗi khi nhận thanh toán, ông lại chia sẻ với “thợ” của mình, động viên họ tiếp tục những đơn hàng tiếp theo. Ông bảo, đó cũng là một cách để truyền lửa tình yêu tạc tượng gỗ cho nhiều người trẻ. Bởi dẫu sao, trong nền kinh tế thị trường, trước tiên phải sống được thì mới tiếp tục đam mê được./.

Điều quan trọng làm nên cái hồn của mỗi bức tượng chính là biểu thị được ý nghĩa và cảm xúc ẩn chứa trong đó, giúp người xem cảm nhận được thông điệp mà bức tượng truyền tải. Mỗi bức tượng lại mang một ý nghĩa riêng, là một câu chuyện, một điển tích dân gian, một nét đẹp văn hóa hay truyền thống dân tộc.

Nghệ nhân Y Thái

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận