Quảng Trị - Đường lớn đã mở

Quảng Trị là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC) qua hai cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, là điểm nối giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

 

Theo vòng tay lái điêu luyện của “Lính xế” Giao thông, chiếc Fortuner đưa chúng tôi đi dọc miền Duyên hải từ Mỹ Thủy ra Cửa Tùng, lên đại lộ Trường Sơn từ Bến Tắt đến Đakrông vào Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt… Và dòng ký ức về một con đường đã trở lại trong tôi xao động, một ký ức vẫn vang vọng âm hưởng hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Con đường mòn nhỏ, len lỏi dưới những tán rừng năm xưa giờ đã được thảm nhựa phẳng lì, hút tắp thênh thang, rừng hai bên đường vừa xanh trở lại sau cơn mưa đầu mùa, dòng Đakrông rộn ràng tiếng nước ào qua bờ đá, tung bọt trắng reo vui… Đang lướt nhanh trên con đường êm thuận và trong tầm nhìn sâu thẳm, thì Tiến sĩ Trần Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị, bộc bạch: “Muốn phát triển, trước hết phải bắt đầu từ những con đường”. Vâng, phải bắt đầu từ những con đường. Mấy mươi năm chiến tranh, bắt đầu của chúng ta là những con đường dọc ngang chạy suốt miền Tây len lỏi giữa đại ngàn, chìm lấp dưới bóng lá, men theo suối khe những chuyến xe chở người và của từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, những con đường băng qua tháng năm máu lửa với hàng vạn Bộ đội, Thanh niên Xung phong đã nằm lại dọc theo đường Trường Sơn để có một ngày về Sài Gòn rực rỡ cờ hoa chiến thắng.

Xe dừng lại điểm đầu của Tuyến Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Tiến sĩ Trần Hữu Hùng, cho biết: “Quảng Trị là nơi giao điểm của trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam và Đông - Tây của quốc gia, nên đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy hoạch và đang triển khai thực hiện các Dự án lớn, đó là: Trục giao thông Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây; đường sắt thống nhất Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao; đường bộ ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quốc lộ 9) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (EWEC) và hành lang song song là Quốc lộ 15D qua cửa khẩu Quốc tế La Lay (PARA EWEC); tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo…”

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ và Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Trị kiểm tra hiện trường Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) tháng 3/2021

Vậy là đường lớn đã mở, đây là điều kiện và cơ hội để Quảng Trị khai thác các tiềm năng, lợi thế nhằm phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành một số dự án trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình Giao thông quan trọng, kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống Giao thông Quốc gia, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án Quốc lộ 15D, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đốc thúc, đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - nối hành lang kinh tế Đông - Tây

Đồng tình với chủ trương của tỉnh, Chính phủ đã có sự chỉ đạo và giao cho tỉnh thẩm quyền lập dự án, chuẩn bị các thủ tục đầu tư một số công trình quan trọng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, cụ thể là:  Công trình Cảng hàng không Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dân dụng cấp 4C dùng chung dân dụng và quân sự có công suất 1 triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, nối với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhằm từng bước hoàn thiện nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các Trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông, nâng cao năng lực vận tải Bắc - Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị; phát huy hiệu quả vốn đầu tư các dự án đường cao tốc đã và đang triển khai; góp phần quan trọng vào sự  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của khu vực nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Dự án đã được Thủ Tướng Chính phủ đồng ý và giao cho UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng theo phương thức PPP.

Cầu ĐaK’rông trên Đại lộ Hồ Chí Minh (nhánh Đông)

Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, có chiều dài khoảng 70 km. Đây là dự án nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2022- 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các nước Myanma, Thái Lan, Lào tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, góp phần đảm bảo quốc phòng- an ninh, đặc biệt là hỗ trợ công tác phòng chóng thiên tai, giảm thiểu tai nạn giao thông. Dự án Quốc lộ 15D là tuyến đường nối từ Cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài 92 km đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến Quốc lộ 15D hình thành có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đồng thời cũng là điểm kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan và Myanma, tạo ra một trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN; đồng thời hình thành tuyến nối biển Đông và Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300 km), tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, giao thoa, cộng hưởng trong giao thương và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hợp tác thương mại, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tăng khả năng kết nối trong khu vực; điều tiết giao thông, hỗ trợ cho nhau khi có sự cố về an toàn giao thông, thiên tai lũ lụt, gây ách tắc đối với các tuyến giao thông huyết mạch. Và một dự án cũng khá quan trọng, đó là Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 685 héc ta với 10 bến, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Việc hình thành Khu bến cảng Mỹ Thủy có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng và phát triển các dự án động lực thuộc Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Dự án cũng là điểm phục vụ đắc lực cho nhu cầu của các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút lượng lớn hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông bắc Thái Lan trên tuyến EWEC.

Đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông)

50 năm sau chiến thắng lịch sử 1972, Quảng Trị đã có những bước đi khá toàn diện và vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội và Quốc phòng An ninh, xứng danh với tên gọi Quảng Trị anh hùng. Có được những kết quả đó, là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh; sự đầu tư có hiệu quả của Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nói chung và ngành Giao thông Vận tải nói riêng. Nói như Tiến sĩ Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, thì “những con đường càng dài ra, khoảng cách càng ngắn lại; những con đường càng rộng ra, thì đói nghèo được thu hẹp, bởi hơn ai hết, người dân Quảng Trị hiểu sâu sắc rằng, đường đi là đường thoát nghèo, đường làm giàu, đường mở tới đâu, là ánh sáng văn hóa sẽ vào theo tới đấy, bùng lên khắp làng gần, bản xa- một ánh sáng được thắp lên bởi những thế hệ nối tiếp truyền thống anh hùng của cha anh.

Nơi cái “chảo lửa” năm xưa giờ đây đã thành Phố, thành Phường và dẫu chưa thật sầm uất; uy nghi, nhưng cũng đủ để khẳng định sự lớn mạnh và sức vươn lên của một thế hệ sinh ra, lớn lên trong hòa bình xây dựng đã và đang góp sức làm nên những Đại lộ rộng dài nối liền Nam- Bắc, Đông- Tây; nối quá khứ vào tương lai và bảo tồn những giá trị lịch sử- Văn hóa bất diệt của dân tộc- đây chính là cửa ngõ khai mở cho khát vọng giàu đẹp, bình yên, là một khối nam châm cực lớn đủ sức thu hút ngoại lực để Quảng Trị rời đường băng, cất cánh./.

Phan Sáu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận