Những khung hình theo suốt cuộc đời

'Hôm triển lãm ảnh, thấy có vị khách cứ nức nở mãi, tôi đến hỏi thăm thì nghe kể nhà có 3 người mất vì Covid-19, 10 người F0 nên rất khó nguôi ngoai'.

 

“Hôm triển lãm ảnh, thấy có vị khách cứ nức nở mãi, tôi đến hỏi thăm thì nghe kể nhà có 3 người mất vì Covid-19, 10 người F0 nên rất khó nguôi ngoai” - nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, người dành gần 5 tháng liền rong ruổi khắp TP Hồ Chí Minh mùa giãn cách để lưu lại những bức ảnh “để đời”, chia sẻ.

Lưu dấu đại dịch

Những giọt nước mắt mặn chát lặng lẽ rơi trên gò má nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong khi anh cầm micro kể lại hành trình lưu giữ ký ức trước khi chính thức khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ 17 mang tên “Sài Gòn Covid-19 (2021)”. Trần Thế Phong nói, chính giây phút đó, bao ký ức đau thương ùa về khiến trái tim anh dù cố bình tĩnh vẫn không ngăn được cảm xúc. Từng giọt nước mắt rơi khi anh nhớ lại thời điểm mình đứng tại Nhà tang lễ TP.HCM những ngày giăng dây, giữa bao hộp đựng hũ tro cốt của đồng bào không may qua đời vì Covid-19. Nước mắt nhiều hơn khi nhiếp ảnh gia nhớ lại lúc anh đến các gia đình có người tử nạn vì dịch bệnh, ngắm nhìn những đứa trẻ bỗng dưng mất mẹ cha, thành trẻ mồ côi vì con virus vô hình. Đau lắm, thương lắm ngày tháng đã qua ấy!

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tác nghiệp độc lập trong suốt cao điểm đợt dịch Covid-19 tại TP.HCM để lưu lại những khoảnh khắc không thể nào quên.

Và khi cánh cửa tại phòng trưng bày thuộc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bật mở sau lời phát biểu khai mạc, biết bao người có mặt hôm đó đã khóc cùng Trần Thế Phong. Mấy chục năm theo nhiếp ảnh nghệ thuật, đây là triển lãm đặc biệt nhất với nhiếp ảnh gia người Sài Gòn này. Ngay khu vực trung tâm của triển lãm, anh bày một bàn thờ lớn, trang nghiêm với hoa trái, nến nhang. Khách tới triển lãm mặc trang phục trắng, tay cầm cành bạch cúc cùng nhau cúi đầu trước bàn thờ, dành vài phút tưởng niệm những người đã chẳng thể đợi ngày thành phố hồi sinh. Một triển lãm im ắng và nhiều cảm xúc. Những vị khách xa lạ không ngại dành cho nhau cái ôm, siết tay thật chặt khi biết người đứng cạnh mình chẳng may đã phải tiễn người thân đi xa mãi trong mùa giãn cách.

Giữa không gian lắng đọng với dây giăng mắc khắp nơi, 60 bức ảnh lớn nhỏ, đủ màu được sắp đặt đánh dấu những khoảnh khắc không thể nào quên với bất kỳ ai đã cùng Sài Gòn bước qua đợt bùng dịch dữ dội trong năm 2021. Những mất mát, hao gầy, những đau thương, xơ xác và cả những yêu thương, sẻ chia… mọi thứ hiện ra trước mắt bằng hình ảnh sống động, chạm đến cảm xúc của người xem. “Việc khó nhất với tôi tại triển lãm lần này chính là chọn 60 ảnh trưng bày từ hơn 6.000 file đã chụp về máy. Lúc chọn 155 tấm để in sách ảnh, mọi thứ đã chẳng dễ dàng. Cứ xem lại ảnh, ký ức trong những ngày Sài Gòn vắng lặng lại quay về, nghẹn ngào. Bộ ảnh triển lãm lần này tôi đặt ra yêu cầu rất cao, phải vừa đảm bảo tính thời sự, vừa giàu tính nghệ thuật và mỹ thuật đương đại. Đó là những ngày không ai có thể quên, vậy nên cần được lưu giữ theo cách trọn vẹn và đong đầy cảm xúc. Nhiều người ghé thăm rồi nói lời cảm ơn vì tôi đã lưu lại hình ảnh Sài Gòn những ngày khó khăn đó. Tôi cảm ơn vì họ đã đến, cùng tôi tri ân điều tốt đẹp, sẻ chia bao mất mát trong đại dịch vừa qua”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong trải lòng.

Một góc trang nghiêm tại triển lãm “Sài Gòn Covid-19 (2021)”.

Sách ảnh đã phát hành, triển lãm cũng kết thúc, thành phố đã nhộn nhịp hơn nhiều vậy mà trong lòng anh, cảm xúc buồn vẫn tìm chỗ giăng mắc, neo đậu đến tận bây giờ. Trần Thế Phong chia sẻ, có những hình ảnh từ đau thương đến ấm áp tình người sẽ theo anh đến hết cuộc đời. Chính thời khắc chứng kiến đội ngũ y tế tìm mọi cách cứu người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần ở phòng hồi sức Covid-19, lúc các chiến sĩ bộ đội chăm hương khói cho đồng bào qua đời vì dịch bệnh hay hình ảnh bao đoàn xe tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ mọi miền tập trung về Sài Gòn những ngày cùng cực ấy khiến anh tự dặn mình, phải luôn nhớ mọi thứ như một phần máu thịt của thành phố. Ký ức ấy dù quá đau thương nhưng vẫn có niềm tin lấp lánh sau đám mây mù vì trong nghịch cảnh mọi người không bỏ rơi nhau, trong đau thương chúng ta vẫn nương nhau vượt qua. Và giờ Sài Gòn đã hồi sinh, cuộc sống đang dần trở lại nhịp sôi động đã từng.

“Ai sẽ là người ghi lại bộ ảnh lịch sử này?”

Lắng nghe thanh âm khác thường của thành phố quen thuộc trong những ngày giãn cách, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết, anh chấp nhận rủi ro để có thể ghi lại những tệp ảnh giá trị. Giá trị lớn nhất từng bức ảnh trao lại, theo anh, chẳng phải là góc chụp đẹp nhất mà là thông điệp của sự vượt qua, cho đi và tin tưởng. Làm sao anh quên lúc mình vội trao tận tay những người vô gia cư vô tình gặp nhau trên phố một ổ bánh mỳ, chút tiền mua sữa. Mặt bít bùng khẩu trang, ánh mắt họ ngập trong nước và cả sự biết ơn. Những ánh mắt xa lạ đủ sức khiến người ta đau đáu, nhớ thương. Làm sao anh quên những chiều một mình đứng giữa phố, bao quanh là tiếng cứu thương, chẳng một bóng người. Nghĩ lại giây phút đó, sống lưng anh vẫn lạnh dù giờ Sài Gòn đã tấp nập người xe. Làm sao anh quên hình ảnh người ta rao bán chiếc xe đạp trên con phố nọ và rất nhiều những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Vậy mà, đáng quý biết bao khi trong giai đoạn tối tăm nhất với số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến, cọng rau muống, ổ bánh mỳ còn chẳng thể tự mua, anh cùng bao người vẫn dưỡng nuôi niềm tin mãnh liệt: “Sài Gòn rồi sẽ ổn”.

Khách tham quan triển lãm cùng làm lễ tưởng niệm cho những người đã hy sinh, những người không qua khỏi trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Trần Thế Phong hay nói anh là người may mắn khi đủ nhân duyên để là một trong những nhân chứng của trận đại dịch chưa có tiền lệ này. Do đó, ngay lúc khó khăn nhất, anh với chiếc máy ảnh vẫn đến những nơi cần lưu lại ký ức. Thế nhưng, chẳng phải những mất mát, đau thương, điều anh muốn người xem khi đứng trước từng bức ảnh của mình nhớ nhất là sự mạnh mẽ, đồng lòng của người dân TP.HCM khi bị đại dịch đặt vào nghịch cảnh. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong kể lại: “Khi đứng ở phòng hồi sức của một bệnh viện điều trị Covid-19, tôi thấy thật may mắn cho những ai vượt qua được đợt dịch này. Và nếu đã là may mắn thì chúng ta phải trân quý từng phút giây được sống. Tôi muốn mượn những hình ảnh của mất mát, chia ly, của yêu thương, đùm bọc để nhắc nhớ chính mình và mọi người đừng bao giờ cho phép bản thân quên tháng ngày vừa qua. Chính những mất mát ấy giúp chúng ta sát lại gần nhau, cùng nương nhau qua mùa dịch và nhận thấy bản thân cần cho đi nhiều hơn”.

Hình ảnh do nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chụp trong những ngày giãn cách.

Nếu triển lãm là 60 lát cắt nổi bật, tập trung vào khoảnh khắc đặc biệt, sâu lắng thì cuốn sách ảnh “Sài Gòn Covid-19 (2021)” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong như thước phim quay chậm gợi lại những giai đoạn khó quên suốt 5 tháng thành phố oằn mình chống dịch. Anh gọi đó là “bức tranh toàn cảnh” về đại dịch mà bản thân đã cố gắng chọn lựa, chăm chút để ai nhìn vào cũng hình dung rõ nhất về sự tàn phá của dịch bệnh, sự mạnh mẽ của mọi người và sự đồng lòng hướng về “ngày chiến thắng”. “Ai sẽ là người ghi lại bộ ảnh lịch sử này? Ai sẽ nhớ những người đã hy sinh? Mình là nhiếp ảnh gia phải dấn thân chứ, chẳng lẽ cứ ở nhà đợi dịch bệnh trôi qua. Ngoài kia, bao nhiêu thứ cần được lưu lại để những ai không thể ra ngoài, những bạn trẻ sau này không biết đến đợt dịch khủng khiếp đã qua vẫn hình dung rõ những cột mốc cần phải nhớ của thành phố. Lúc đó, tôi cứ nghĩ vậy mà bắt tay vào làm dù nhiều người can ngăn, sợ chẳng may nhiễm bệnh, có chuyện gì thì khổ”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.

Sau tất cả, niềm tin, lòng biết ơn vẫn là điều nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong muốn mọi người hướng tới thông qua cuốn sách ảnh và triển lãm ảnh về dịch bệnh lần này.

Chính trong hành trình ấy, anh nhận thấy mình nhận về rất nhiều điều đáng quý. Không ra ngoài, làm sao anh tận mắt chứng kiến từng đoàn xe tiếp viện tập trung về Sài Gòn. Không ra ngoài, làm sao anh tận mắt thấy cách người ta nhường cơm sẻ áo, cùng động viên nhau trong những ngày ảm đạm, bi thương. Không ra ngoài, làm sao anh tận mắt thấy cách người ta đối đãi tử tế với người đã đi xa vì dịch bệnh và cả những người ở lại trong mỏi mòn nhớ thương. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nói, anh muốn người xem cảm nhận rõ những gì mình đã thấy và xúc động, thậm chí đau lòng. Chính những cảm xúc mạnh mẽ ấy sẽ khiến họ nhớ mãi và biết làm gì đó ý nghĩa cho thành phố, cho cộng đồng. Nhưng trên hết, anh muốn mọi người hãy yêu thương nhau nhiều hơn và sẵn sàng giúp đỡ, cho đi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì được sống, được thấy thành phố “trở lại” sau cơn đại dịch đã là một món quà lớn với chính anh và nhiều người./.
 

“Tôi từng tổ chức không ít triển lãm ảnh nhưng chưa bao giờ đón lượng khách vãng lai nhiều đến vậy. Họ tới để ngắm nhìn lại Sài Gòn những ngày khiếp khủng, tới để chắp tay nguyện cầu cho người đã ra đi và cảm ơn cuộc đời vì mình vẫn còn đây giữa chuỗi ngày thành phố dần gượng mình sau đại dịch. Nhưng đâu riêng gì họ, tôi cũng khóc…”.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận