Người 'mài ngọc'

Sơn Cao Thắng đã 'khởi nghiệp' thành công bằng chính tình yêu của mình dành cho nguồn cội.

 

Nhiều người ưu ái gọi anh Sơn Cao Thắng, 34 tuổi, giảng viên của trường Đại học Trà Vinh là “người mài ngọc” bởi anh có nhiều đóng góp trong hoạt động giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer.

Con nhà nòi

Nhắc đến văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ là nhắc đến kho tàng nghệ thuật độc đáo, được lưu giữ hàng chục thế kỷ với nhiều loại hình như: Hát dù kê, hát Aday, múa Rô-băm,... Mỗi người con sinh ra và lớn lên ở các phum, sóc luôn cảm thấy tự hào và muốn lan tỏa nét đẹp truyền thống của cha ông đến nhiều thế hệ mai sau. Sơn Cao Thắng - giảng viên khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, trường Đại học Trà Vinh là một trong số đó.

“Người mài ngọc” Sơn Cao Thắng có nụ cười hiền hậu và rất hay cười. Anh lan tỏa năng lượng tích cực đến cho người đối diện bằng nụ cười hảo sảng và sự phóng khoáng, khi say sưa nói về truyền thống của gia đình mình. Ông bà nội của Thắng vốn là bầu gánh hát dù kê, cha là nghệ nhân chơi nhạc cụ Khmer, thỉnh thoảng ông còn đảm nhận các vai diễn trên sân khấu. Còn mẹ Thắng là nghệ nhân hát nhạc truyền thống Khmer. Mảnh vườn nghệ thuật trù phú ấy như chất liệu quý vun bồi nên một hạt giống đẹp là Sơn Cao Thắng. Theo phong tục của người Khmer, con trai khi lên 12 - 13 tuổi đều vào chùa để tu. Tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người, thời gian tu có thể khác nhau. Anh Thắng cũng không ngoại lệ. Sau khi đi tu trả hiếu như bao chàng trai Khmer khác, anh tiếp tục học tập và theo đuổi ước mơ của mình. Không chút do dự, anh chọn ngành Văn hóa học của trường Đại học Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp, Sơn Cao Thắng được giữ lại trường công tác cho đến nay.

Thầy Sơn Cao Thắng trên giảng đường.

Lớn lên từ phum sóc, đắm mình vào từng điệu múa, lời ca, Sơn Cao Thắng yêu văn hóa, tín ngưỡng của cha ông như máu thịt. Anh dành cả tâm huyết cho nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Anh kể, hễ ở đâu có chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ là anh đều dành thời gian đưa sinh viên đến đó tham gia. “Nhờ những chương trình như vậy mà nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer được lan tỏa rất nhiều. Mình muốn truyền cho các bạn trẻ ngọn lửa yêu nghệ thuật nhiều hơn, vì các bạn chính là thế hệ kế thừa”, anh chia sẻ.

Thấy tôi tò mò về nét đặc trưng của hai loại hình: Hát Dù kê và múa Rô-băm, anh nhiệt tình lý giải: Rô-băm thiên về múa, các diễn viên trên sân khấu không dùng lời nói, chỉ diễn bằng hình thể. Với Rô-băm, người ta sẽ diễn những tuồng tích trong Ramayana của người Ấn Độ được người Khmer hóa lại để diễn. Còn với Dù kê thiên về hát nhưng có kết hợp nhiều loại hình múa, hát, nhạc, kịch. Ngoài ra, cũng có những dòng khác tựa như sân khấu cải lương.

Đưa người trẻ đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống

Gần 10 năm - khoảng thời gian không ngắn cũng không dài đủ để “ông giáo trẻ” kiến tạo nên những công trình to lớn, mang lại giá trị thiết thực. Kịch bản dù kê do anh viết luôn mang hơi thở hiện đại. Anh xem đó là cách để quyện lòng cùng thế hệ 8X, 9X. Qua hàng loạt tên đề tài do anh công bố là đủ biết anh tâm huyết đến nhường nào, nổi bật như: Làm thế nào để nghệ thuật truyền thống Khmer được giới trẻ đón nhận; Cách để nghệ thuật dù kê tiệm cận với công chúng… Anh chia sẻ: Theo mình quan sát thì khán giả của dù kê đều là người lớn tuổi. Người trẻ chỉ xem văn nghệ ở phần mở màn rồi về, không mặn mà ở lại để xem hát dù kê. Để nghệ thuật truyền thống được giới trẻ đón nhận, trước tiên mình phải tạo sân chơi như hội thi biểu diễn để các bạn yêu thích lĩnh vực này có thể tham gia. Bên cạnh đó, mình cần phải đào tạo bài bản như mở mã ngành đào tạo, có chế độ đãi ngộ đi kèm phúc lợi cho những nghệ nhân lớn tuổi để người trẻ họ thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa sâu sắc của loại hình nghệ thuật này.

Mão, mặt nạ do Sơn Cao Thắng chế tác.

 Để có được bề dày kiến thức về văn hóa truyền thống Khmer, ngoài học từ gia đình, trường lớp, anh Thắng còn “lặn lội” đến nhà các nghệ nhân truyền thống như ông Thạch Sô Hoanh, ông Sang Sết để tìm hiểu và ghi chép lại những tư liệu quý. Tuổi trẻ tài cao nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, anh Cao Thắng chia sẻ: “Mình vẫn phải học các cô chú nghệ nhân nhiều thêm nữa”.

Năm tháng dần trôi, số lượng sinh viên ở trường Đại học Trà Vinh yêu mến anh đếm không xuể. “Thầy Thắng” đối đãi với học trò ngoài tư cách của một người thầy, còn là một người bạn cùng đam mê nghệ thuật truyền thống. Anh trân quý những người trẻ mạnh dạn chọn lối đi riêng để bảo tồn văn hóa cổ truyền. Với vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh, điều anh Thắng tâm đắc nhất là đã truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho bao thế hệ sinh viên. Từ câu lạc bộ này, hàng trăm sinh viên biết múa, hát, biết vẽ mặt nạ, làm mão… cho kịch hát Khmer. Em Thạch Thị Trang - sinh viên khoa Kinh tế Luật, Đại học Trà Vinh, tự hào kể lại: “Học rô-băm cổ điển là một việc khó khăn, phải có sự cố gắng và kiên trì cũng như phương pháp giảng dạy, học tập phù hợp. Rô-băm cổ điển của ông cha xưa để lại cho con cháu sau này được biết, được học và giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thầy Thắng đã hết lòng truyền dạy chúng em”.

Mỗi khi có thời gian rảnh, Sơn Cao Thắng đưa học trò đến các chùa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để “tầm sư học đạo”. Tại đây, có nhiều nghệ nhân, nhà sư am hiểu sâu rộng, không chỉ dạy cách chơi nhạc cụ mà còn truyền tải cho các bạn trẻ những kiến thức quý giá về truyền thống dân tộc. Nhiều năm làm nghề “mài ngọc”, anh luôn mong mỏi có thể rèn giũa những “viên ngọc thô” thêm sáng, vì các em chính là thế hệ kế thừa cho tương lai. Cuộc trò chuyện với ông giáo trẻ rơi vào “nốt trầm” khi anh nói về những băn khoăn, trăn trở của mình làm sao để quảng bá nét đẹp truyền thống, văn hóa người Khmer đến với du khách gần xa. Đi tìm lời giải cho câu hỏi đó, anh đã sáng chế mão, mặt nạ biểu diễn và mô hình ghe ngo thu nhỏ làm quà lưu niệm. “Những sản phẩm này đều có vị trí quan trọng trong tâm thức người Khmer. Tới An Giang có đường thốt nốt, về Trà Cú có đan tre, chỗ nào cũng có sản phẩm đặc thù. Vậy mình càng phải làm ra những sản phẩm đặc thù của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh để du khách có cái mang về làm quà”, anh Thắng nói.

Thầy Thắng hướng dẫn sinh viên múa Rô-băm.

Là người am tường trong chế tác, anh kể, mão múa có 2 dạng: dán dính trên tóc và đội đầu. Mặt nạ cũng có mặt nạ kín và mặt nạ hở với rất nhiều loại, cho từng nhân vật, tính cách khác nhau. Nhưng đặc biệt nhất với anh là mặt nạ chằn, có gương mặt dữ tợn: bặm môi, mắt lồi, xếch, mũi to, miệng rộng, nhe răng nanh… Tùy theo loại chằn (địa vị, sức mạnh, ma thuật) mà người làm mặt nạ sẽ vẽ những đường nét làm toát lên khí chất đó. Dường như với Sơn Cao Thắng, không có điều gì có thể làm khó được đôi bàn tay tài hoa của anh. Công trình Chính điện chùa Phật giáo Nam tông Khmer truyền thống và hiện đại được anh chế tác thành mô hình thu nhỏ rất độc đáo và được đánh giá cao.

Trong những năm qua, cơ sở chế tác quà lưu niệm của ông giáo trẻ vừa mang lại thu nhập vừa là nơi vun bồi tình yêu văn hóa, nghệ thuật cho các bạn sinh viên. Bà con xứ này ai nấy đều khen ngợi Sơn Cao Thắng đã “khởi nghiệp” bằng chính tình yêu của mình dành cho nguồn cội. Và đó là vốn liếng quý giá nhất, mà không có thứ vật chất nào sánh bằng. “Trước nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại như ngày nay, các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống không nhiều. Vì vậy, mình càng phải quyết tâm đưa các em đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống của cha ông vì văn hóa Khmer mình đẹp lắm!”, Sơn Cao Thắng trải lòng./.

Trong quá trình công tác tại trường Đại học Trà Vinh, anh Sơn Cao Thắng đã có nhiều thành tích đáng nể trong hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ, điển hình như hàng loạt bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và Hiệu trưởng nhà trường.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận