Người 'vẽ mâm xôi' lưng chừng trời

'Cái khó nhất khi khai thác ruộng bậc thang, đó là phải tìm được nguồn nước và mảnh đất đủ màu mỡ'.

 

Ít ai biết rằng, để có một danh thắng Mâm Xôi thu hút du khách như hiện nay, gia đình bà Lù Thị Lỳ ở thôn Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã dành không ít công sức và tâm huyết, khai hoang, điểm tô  “mâm xôi vàng”.

Đồi Mâm Xôi - là khu ruộng nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 8km, nằm trong vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ngọn đồi rộng hàng nghìn mét vuông, gồm các thửa ruộng xếp tầng xếp lớp lên nhau, tạo nên hình dáng giống một mâm xôi khổng lồ, ở độ cao từ 1.000 - 1.600m so với mực nước biển.

Du khách nếu muốn lên khu vực này sẽ bắt xe ôm của người dân bản địa để di chuyển.

Ba mươi năm “vẽ” ruộng bậc thang

Cũng như bao bà con người Mông ở Mù Cang Chải, bà Lù Thị Lỳ thường dậy rất sớm để đi nương, tắt mặt trời mới về nhà. Tôi phải nhờ cán bộ xã hẹn mãi, tối mịt một ngày giữa hè, bà Lỳ mới có thể ngồi chuyện trò về đồi Mâm Xôi đẹp như tranh vẽ của gia đình mình.

Bà Lỳ còn nhớ, hơn 30 năm trước, đồi Mâm Xôi chỉ là một ngọn núi như bao ngọn núi khác, hoang vu và đầy cây cối. Đồi Mâm Xôi và nhiều thửa ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn đều không thể sản xuất do thiếu nước. Sau khi lấy nhau, hai vợ chồng bà mới xuống đó tiến hành khai hoang. Hơn 2 tháng ròng rã đào đắp, san gạt đất đá từ sáng tới khi mặt trời núp sau lưng núi, với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, vợ chồng bà đã tạo được một thửa ruộng ngay trên đỉnh núi. Sau đó cứ hạ cấp dần, tạo nên những bậc thang chạy quanh núi.

Đồi mâm xôi mùa nước đổ.

Bà Lỳ tâm sự: “Đồi núi cao nên không đưa trâu bò lên cày bừa được, lại rất nhiều đá nên việc khai hoang rất khó khăn, vừa dùng cuốc xẻng đào vừa phải dùng tay nhặt đá nên có ngày chỉ san đào được 1 - 2m2 ruộng. Nhưng vì để có ruộng cấy lúa ăn nên vợ chồng tôi vẫn quyết tâm”.

“Cái khó nhất khi khai thác ruộng bậc thang, đó là phải tìm được nguồn nước và mảnh đất đủ màu mỡ. Ở vùng cao đất nhiều nhưng nước rất hiếm, kiếm được chỗ đất tốt thì không có nước, chỗ có khe nước thì đất cằn, đá chen đá. Để có được những thửa ruộng bậc thang, đó phải là sự tìm kiếm dài lâu và cả kinh nghiệm tích lũy”, anh Hờ A Lù, hàng xóm của gia đình bà Lỳ nói với giọng khâm phục. Theo anh, 30 năm trước đường chưa có, men theo rừng mà đi, chuyện tìm đất khai hoang ruộng của vợ chồng bà Lỳ năm ấy nhọc nhằn gấp bội so với việc khai hoang ruộng ngày nay. Chưa kể thú dữ, rừng thiêng nước độc.

Một vụ cấy trồng bắt đầu từ cuối tháng 5 hằng năm, khi đó gia đình phải đi nạo vét mương dẫn nước từ đầu nguồn về ruộng khoảng 5km, để chuẩn bị làm đất, gieo mạ, cày cấy. Trên nền ruộng khô, bà con thường thả trâu, bò ra ăn cỏ nên gây hư hỏng bờ và cảnh quan khu vực đồi. Những lúc như vậy, gia đình bà Lỳ lại phải phân công nhau ra trông coi, sửa chữa, bảo vệ ruộng, gìn giữ vẻ đẹp hiếm có của Mâm Xôi này.

Suốt 30 năm qua, bà Lỳ cùng người thân đã đào đắp, cải tạo đồi Mâm Xôi.

“Dù việc trông coi không quá vất vả nhưng rất mất thời gian do quãng đường đi lại khá xa và quanh co. Tuy nhiên, để bảo vệ cảnh quan đồi Mâm Xôi, gia đình tôi vẫn tích cực thăm ruộng, đắp bờ, sửa chữa những hư hỏng do mưa to hay trâu bò đi lại gây ra”, bà Lỳ chia sẻ.

Hiện nay, đồi Mâm Xôi mỗi vụ mang về cho gia đình bà Lỳ từ 17 - 20 bao thóc. Số thóc này đủ để gia đình ăn, có thêm chút cám cho lợn, chút thóc cho gà vịt. Bên cạnh đó, xã cũng trích một phần kinh phí từ bán vé tham quan để gia đình bà Lỳ có thêm điều kiện bảo tồn, gìn giữ ruộng.

Những “bậc thang no ấm”

Một năm có hai mùa đẹp nhất để du khách tham quan, chụp ảnh đồi Mâm Xôi, cũng là hai thời điểm vất vả nhất của gia đình bà Lỳ, đó là mùa nước đổ và mùa lúa chín, hay còn gọi là mùa vàng.

Vào mùa nước đổ là chuyện canh nước, lấy nước vào ruộng, vừa phục vụ cấy trồng vừa tạo nên những tấm “gương trời” long lanh, đẹp như tranh vẽ. Anh Hờ A Chua, con trai bà Lỳ cho biết: “Ruộng cách xa nguồn nước, lại có hàng chục gia đình luôn cần nước vào ruộng nên gia đình mình cũng phải có người đi nạo vét kênh mương, canh nước về ruộng. Ngày một người canh, đêm cũng phải một người canh. Nước vào ruộng đủ thì mới được về”.

Gia đình bà Lỳ gìn giữ đồi Mâm Xôi để được đón ngày càng nhiều hơn du khách đến trải nghiệm.

Khi cấy xong, gia đình bà Lỳ lại tất tả để có “mùa vàng” đúng nghĩa. Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo chiều cao, độ đồng đều, gia đình bà Lỳ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ khâu chọn giống đến bón phân rồi phòng, trừ sâu bệnh. Lúa chín thì gặt, đó là chuyện của nhà khác, còn với nhà bà Lỳ, lúa chín để đó phục vụ du khách tới tham quan, trải nghiệm, sau đó mới thu hái. “Hồi đầu thấy lúa chín mà cán bộ xã xuống bảo chưa vội thu hái thì cũng lo vì sợ hỏng mất. Sau thì yên tâm vì được cán bộ hướng dẫn, nhất là khi có giống lúa mới, khi chín để được lâu hơn”, bà Lỳ cho biết.

Vất vả và nhiều công đoạn là vậy nhưng bà Lỳ bảo, bà rất vui vì ruộng nhà mình đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện, của tỉnh, từ đây có thêm một phần thu nhập. Vì thế, gia đình sẽ cố gắng gìn giữ đồi Mâm Xôi để ngày càng có nhiều người đến tham quan, trải nghiệm. Bà cũng bày tỏ mong muốn chính quyền quan tâm hơn nữa để bảo tồn, phát huy vẻ đẹp độc đáo của địa phương: “Gia đình tôi mong muốn xã quan tâm giúp đỡ hơn để việc sản xuất được đảm bảo và xem xét có cách nào để đồi Mâm Xôi canh tác thêm được một vụ nữa, vì bây giờ chỉ làm được một vụ. Nếu canh tác được hai vụ thì đỡ để đất trống lâu ngày”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Hiện nay, vào mỗi mùa nước đổ cũng như mùa vàng, khu vực đồi Mâm Xôi thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng mỗi ngày. “Thật khó tin là khu vực này đẹp như vậy, từng bờ ruộng uốn lượn cứ như nét vẽ của người họa sĩ trong những bức tranh chứ không phải cảnh thật”, anh Nguyễn Minh Tú đến từ Hà Nội bày tỏ, anh đi rất nhiều nơi nhưng chưa thấy ruộng bậc thang nơi đâu đẹp như ở Mù Cang Chải và đến Mù Cang Chải thì quyến rũ nhất chính là đồi Mâm Xôi, đặc biệt là vào mùa nước đổ.

Theo anh Đặng Quốc Khánh, một kỹ sư Thủy lợi thì cách dẫn nước, cách giữ nước trong ruộng của gia đình chủ nhân đồi Mâm Xôi thực sự là kỳ công: “Chắc hẳn người dân không áp dụng kiến thức toán học, vật lý mà tạo nên kỳ quan bằng con mắt và kinh nghiệm canh tác nhiều năm canh tác của mình. Tôi rất ấn tượng trước sức sáng tạo của đồng bào vùng cao nơi đây”.

Bằng đôi bàn tay cần cù, gia đình bà Lỳ đã tạo nên một kiệt tác độc đáo.

Để các hoạt động trải nghiệm diễn ra thuận lợi, an toàn, sau khi thống nhất với các hộ dân có ruộng, trong đó có gia đình bà Lù Thị Lỳ, chính quyền xã La Pán Tẩn đã đứng ra thu phí, rồi phân bổ cho các hộ dân có ruộng; phần còn lại dùng để tu sửa, mở rộng tuyến đường lên đồi Mâm Xôi. “Các hộ gia đình cũng tạo điều kiện phối hợp với xã để bảo vệ tốt ruộng bậc thang, từ khơi thông cống rãnh, đào bờ, đắp bờ đến việc canh tác, hướng dẫn du khách đến tham quan”, anh Hờ A Thanh, Công chức văn hóa xã La Pán Tẩn cho biết.

Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: Cùng với đồi Mâm Xôi ở La Pán Tẩn, trong hơn 7.000ha ruộng bậc thang ở huyện còn rất nhiều địa danh hấp dẫn du khách khác. Huyện đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ nguyên trạng vùng lõi của di tích Quốc gia, đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải; chú trọng tu sửa, chỉnh trang cảnh quan khu vực di tích; kết hợp duy trì lễ hội văn hoá cổ truyền như: Mừng cơm mới, Hội Gầu tào, đánh Pao, bắn nỏ... tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn với du khách gần xa.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp hùng vĩ, có thể làm ngỡ ngàng bất cứ ai tới với nơi đây. Bên cạnh cảnh quan, du khách cũng có thể khám phá cuộc sống của đồng bào Mông, những chủ nhân của ruộng bậc thang. Đó là những con người chân chất, hiền hòa, bằng đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, họ đã tạc vào lưng chừng núi những "bức tranh” ruộng bậc thang no ấm./.

 

Năm 2007, danh thắng ruộng bậc thang độc đáo ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1954 về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích, trong đó có Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải.


 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận