Độc đáo nghề làm lồng chim làng Vác

"Ai về làng Vác nhắn nhờ / Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng"

 

Làng Canh Hoạch (làng Vác), xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội, không chỉ là vùng đất có truyền thống khoa cử với 2 Trạng nguyên, mà còn được biết tới là làng nghề làm lồng chim nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

Trước sân nhà thờ làng Vác, trên đường làng... đâu đâu cũng thấy người dân đang phơi tre, trúc.

Lồng chim làng Vác bền, đẹp và sang trọng, ít nơi nào có thể sánh được. Anh Nguyễn Văn Khanh, chủ xưởng làm lồng chim lớn nhất làng Canh Hoạch, cho biết: “Tre, nứa, trúc phải chọn những cây không bị nổi củ, gốc củ vẫn còn chìm ở dưới đất thì cây tre mới tốt. Nếu tre đủ tay, đủ mắt, mầm măng thì dùng rất bền”.

Được biết, mỗi ngày làng Vác bán ra khoảng 3.000 lồng chim. Giá đổ buôn lồng cao cấp từ 1,5 triệu đồng/chiếc, lồng thường 500 - 600 ngàn đồng/chiếc. Những loại lồng giá trị cao được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, minh họa các tích xưa như Ngũ Long tranh châu, Thập bát La Hán, hoặc dựa theo bức tranh dân gian Đông Hồ đám cưới chuột… Công phu nhất là lồng Bát Tiên, mỗi chân lồng chạm khắc 8 vị Tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị Tiên.

Chế tác thành phẩm lồng chim có rất nhiều khâu như vót công, khoan vanh, uốn công, dựng lồng, làm chót, làm gánh, khắc chân, hơ lửa, quét dầu bóng...

Ngay khi đến đầu làng, du khách đã thấy được không khí làng nghề sôi động với những chiếc lồng chim được bày thành hàng dài hai bên đường, những người thợ cần mẫn vót tre, trúc và tiếng máy cắt, khoan lên tre trúc rộn ràng. Hơi thở cuộc sống của người dân làng Vác cũng rộn ràng như âm thanh làng nghề mà ông cha truyền lại.

Việc chế tác lồng chim đòi hỏi người nghệ nhân phải làm việc tỉ mỉ, chẩn thận từng chi tiết.Trong các công đoạn chế tác thì công đoạn làm vanh, khoan vanh và uốn vai lồng là quan trọng nhất. Bởi khi dựng lồng chim lên lồng phải thẳng, vai vuông, các vanh phải cân đối với nhau thì mới tạo nên cái lồng đẹp.Sản phẩm lồng chim làng Vác tinh tế từ nan lồng đến phần đế. Những nan tre được vót nhỏ, chuốt đều tay, trăm nan như một. Phần đế lồng thường làm từ gỗ thị và mít vì không bị mối mọt, mềm nên dễ chạm khắc trang trí. Lồng có đẹp, có chuẩn hay không là khi ngắm lồng ngồi bên này nhìn sang bên kia thì nan bên này che khuất nan bên kia.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận