Chuyện khởi nghiệp của cô gái đất Sen hồng

Nữ kỹ sư 9x Nguyễn Phượng Hằng ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã 'bỏ phố về quê' khởi nghiệp với dự án 'Công nghệ sinh học HF'.

 

Tận dụng căn nhà của ba mẹ và số tiền vay mượn từ người thân, bạn bè, nữ kỹ sư 9x Nguyễn Phượng Hằng ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn “bỏ phố về quê” khởi nghiệp với dự án đầy tâm huyết “Công nghệ sinh học HF”.

Gầy dựng cơ sở cây giống cấy mô

Làn sóng thanh niên “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp đã dần hình thành và lan rộng trong vài năm trở lại đây. Cũng ở trong “làn sóng” ấy, Nguyễn Phượng Hằng, nữ kỹ sư sinh năm 1992, đã từ bỏ công việc có mức thu nhập đáng mơ ước ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thuộc tỉnh Đồng Nai để trở về quê nhà khởi nghiệp.

Lớn lên ở vùng nông thôn, từ bé Hằng đã có cơ hội làm quen với nhiều loại cây giống. Tình yêu nông nghiệp cứ vậy ngấm vào cô gái trẻ. Năm 18 tuổi, Phượng Hằng thi đỗ vào ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, cô được tuyển vào vị trí nhân viên ở một phòng thí nghiệm tại Đồng Nai. Là người có năng lực, một năm sau, Phượng Hằng lên chức quản lý. Thế nhưng, đúng vào thời điểm ấy, cô đưa ra quyết định: Khăn gói về quê “khởi nghiệp”. “Đồng Tháp quê mình là vựa cây giống nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL, thế nên mình chọn về quê để vừa gần gia đình, vừa nghiên cứu thêm nguồn cây giống góp phần phát triển nông nghiệp địa phương”, Phượng Hằng chia sẻ.

Khoảng sân trước nhà được phủ một màu xanh tươi tắn từ cây giống cấy mô.

Trào lưu bỏ phố về quê khá phổ biến. Thế nhưng Phượng Hằng khi ấy không phải vì chán cuộc sống nơi thành thị nên quyết định về quê lập nghiệp, mà bởi cô gái trẻ biết rõ bản thân mình mong muốn điều gì và lường trước được chặng đường sắp tới sẽ khó khăn ra sao.

Hành trình khởi nghiệp của Hằng đầy ắp gian nan. Bắt tay xây dựng cơ sở cây giống cấy mô, vốn liếng mà cô có được chỉ là 5 năm kinh nghiệm cùng với số tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè và một tình yêu lớn lao dành cho nông nghiệp quê nhà.

“Đơn thương độc mã” trên con đường khởi nghiệp, nhưng chưa lúc nào cô gái trẻ mất đi nguồn năng lượng. Trái ngược với thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp thì Phượng Hằng là người có tinh thần rất máu lửa, đầy quyết tâm chinh phục mọi khó khăn, thử thách.

Khi phòng thí nghiệm “Công nghệ sinh học HF” được xây xong, cũng là lúc Hằng bắt tay vào việc. Ban đầu cô chọn cây chuối để nghiên cứu vì đây là loại cây rất quen thuộc với người dân Nam bộ. Theo thống kê, vùng này có diện tích trồng chuối từ 3.000 đến 8.000ha. Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với trái chuối tươi và các sản phẩm chế biến từ chuối ngày càng mở rộng. Nếu được đầu tư bài bản, đúng quy trình, cây chuối có thể mang về doanh thủ hàng tỷ đô la Mỹ cho nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, chuối trồng theo phương pháp truyền thống tách giống từ cây mẹ dễ nhiễm bệnh vàng lá và thối củ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Phượng Hằng cho hay, kỹ thuật cấy mô tế bào là phương pháp phổ biến tại nhiều Quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam có các phòng thí nghiệm cũng thực hiện theo cách này. Đây là cách duy trì, nuôi cấy các cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng, giàu hàm lượng dinh dưỡng, tái tạo lại các hệ gen tốt của cây giống, mang lại giá trị kinh tế cao so với các phương pháp giâm, chiết, ghép cành thông thường dễ làm cây thoái hóa, giảm năng suất.

“Đơn thương độc mã” trên con đường khởi nghiệp, nhưng chưa lúc nào cô gái trẻ mất đi nguồn năng lượng. Trái ngược với thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp thì Phượng Hằng là người có tinh thần rất máu lửa, đầy quyết tâm chinh phục mọi khó khăn, thử thách. Không ngại đường sá xa xôi, cô đến nhiều nơi tìm cây giống đạt chất lượng để lấy nguồn mô sạch. “Tôi lên Đồng Nai tìm nguồn giống đem về quê, vì ở đó có cây giống đạt chất lượng. Đây cũng là vùng đất tôi khá có duyên bởi nhận được nhiều đơn hàng từ bà con nơi này”, Phượng Hằng chia sẻ.

Đối với cây chuối, Hằng đào củ rồi đem về Đồng Tháp khử trùng bằng dung dịch rồi mới đưa vào phòng thí nghiệm nhân giống. Bao công sức từ những ngày đầu xây dựng, đến nay đã cho trái ngọt. Sản phẩm của cây giống cấy mô HF (do Hằng sáng lập) được đông đảo khách hàng khu vực miền Đông Nam bộ biết đến, tìm mua. Từ một phòng thí nghiệm có diện tích 20m2, nay trước sân nhà Hằng còn được phủ một màu xanh tươi mát, đầy ắp cây giống. Không chỉ có chuối, còn có các loại cây kiểng khác đan xen.

Công việc thường nhật của nữ kỹ sư 9x Nguyễn Phượng Hằng là nghiên cứu, cấy mô trong phòng thí nghiệm.

Từ khi con gái về vườn lập nghiệp, ba mẹ của Hằng đỡ đần, phụ giúp, và xem cây giống là niềm vui tuổi xế chiều. Dẫu có lúc công việc cũng thăng trầm, nhưng nữ kỹ sư 9x luôn tìm ra hướng đi mới và cách giải quyết vấn đề. Điển hình là khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng, cơ sở cây giống không bán được hàng, Hằng lại quay sang nghiên cứu các giống cây mang hiệu quả kinh tế cao. “Mỗi loại cây sẽ có cái khó riêng. Ví dụ như hồi đi học, tôi nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh, việc tạo ra cây rồi ươm ra vườn sẽ khó, vì nhiệt độ của vườn cao quá thì cây sẽ chết. Quy trình nuôi cấy mô đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật cao, môi trường cấy phải sạch. Mình phải học hỏi từ thầy cô, bạn bè dần dà mới cho ra được sản phẩm ưng ý”, Nguyễn Phượng Hằng cho hay.

Thành tích ấn tượng của Dự án khởi nghiệp

Dự án khởi nghiệp cây giống cấy mô của cô gái đất sen hồng đạt giải Nhì trong Cuộc thi khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021, đồng thời đạt giải ba cuộc thi Khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ chủ trì phối hợp với Mạng lưới khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức. Dự án “Công nghệ sinh học HF” được Hội đồng Ban giám khảo góp ý và nhận xét là dự án có tính sáng tạo, đột phá. Chính sự động viên kịp thời đã khích lệ cô gái trẻ ngày càng vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.

Thành phẩm cây giống cấy mô.

Mỗi năm phòng thí nghiệm của cơ sở Cây giống cấy mô HF cung ứng ra thị trường khoảng 100.000 cây nuôi cấy mô các loại, lợi nhuận thu về gần 200 triệu đồng. Nhà sáng lập HF cho biết: “Con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 nhằm phục vụ thị trường tiêu thụ trên cả nước. Tôi đặt tiêu chí này và cũng đi được nửa đoạn đường rồi. Hy vọng từ đây đến cuối năm sẽ có nhiều khách hàng hơn nữa”.

Để đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh, thành, cơ sở cây giống cấy mô của Phượng Hằng bắt đầu đào tạo nguồn lao động. “Tôi may mắn gặp được những người bạn đam mê ngành nghề này ở Đại học Cần Thơ. Cơ sở cây giống cấy mô quy mô còn nhỏ, trả lương cho các bạn chưa được cao, nhưng các bạn làm ở đây hỗ trợ nhau và có thêm kinh nghiệm. Những bạn đã được học qua Công nghệ sinh học hay các ngành liên quan nông nghiệp, ít nhiều có kiến thức về lĩnh vực này rồi thì tôi hỗ trợ hướng dẫn thêm chuyên môn. Còn ai chưa học qua thì tôi hướng dẫn để thực hiện theo ba-rem trong phòng mô, giống như hướng theo nhân công tay nghề”, Hằng trải lòng. Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu nguồn nhân lực ở Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến. Nhờ những cơ sở có quy mô như “Cây giống cấy mô HF” đã góp phần đào tạo nghề, hỗ trợ nguồn lao động, nhất là các bạn sinh viên trẻ mới ra trường có định hướng tốt trong công việc và nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống.

Sản phẩm được đóng gói hoàn thiện để gửi đi cho khách hàng khắp các khu vực trên cả nước.

Hằng cho biết thêm, Cây giống cấy mô HF sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các loại cây giống như: hoa kiểng (sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của Đồng Tháp), gừng, khoai môn... Đây là các loại cây phục vụ cho nhu cầu sản xuất rất lớn ở địa phương. Đồng thời, ứng dụng phương pháp cấy mô vào các loại cây trên nhằm tái tạo lại nguồn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng. Nghe Phượng Hằng chia sẻ về những dự định trong tương lai gần, tôi hy vọng những dự định của nữ kỹ sư trẻ sẽ được hiện thực hóa một cách nhanh chóng để Đồng Tháp nói riêng, Nam bộ nói chung có được nguồn giống chất lượng, uy tín, đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững, góp phần đưa nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam lên một vị thế mới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận