Lưu lại những mùa trung thu

'Mấy chục năm trước cả làng gần 100 nhà cùng làm lồng đèn truyền thống. Hết thời thịnh đến lúc suy, giờ còn ngót nghét 20 nhà, nhưng tôi vẫn ráng giữ nghề".

 

“Mấy chục năm trước cả làng gần 100 nhà cùng làm lồng đèn truyền thống. Hết thời thịnh đến lúc suy, giờ còn ngót nghét 20 nhà, nhưng tôi vẫn ráng giữ nghề do ba mẹ truyền lại vì đây là nếp nhà, là văn hóa Việt, bỏ thì tiếc lắm”, chị Nguyễn Thị Ánh Loan, một nghệ nhân tại Làng lồng đèn truyền thống Phú Bình (quận 11, TP.HCM) chia sẻ.

Giữ nghề của mẹ

Về làng Phú Bình sinh sống hơn 50 năm, gia đình chị Loan có chừng đó thời gian gắn bó với nứa tre, dây kẽm, giấy kiếng, hồ dán, màu vẽ. Ban đầu, thấy ba mẹ làm lồng đèn kiểu xưa, chị Loan tò mò, thích thú nhưng chỉ đứng xem vì sợ làm hỏng. Những chiếc đèn khung tre mô phỏng con thuyền, con gà, thỏ, cá hay bươm bướm phủ giấy kiếng đỏ trở nên lung linh hơn sau khi người lớn trong nhà khéo léo phẩy vài đường cọ mềm mại đủ màu, thắp thêm cây đèn cầy nhỏ xíu. Vậy là thành trung thu, đơn giản nhưng khó quên. Tuổi thơ của chị Loan là bao mùa trung thu ấm áp như thế. Lớn thêm chút, chị Loan phụ ba mẹ làm đèn mà đâu ngờ, cái nghề gắn chặt đến tận hôm nay, khi chị bước qua tuổi ngũ tuần.

Gia đình chị Thu với các công đoạn làm lồng đèn ông sao.

Chỉ tay về cuối hẻm, giọng chị Loan pha chút trầm tư. Chị kể, ngày trước, cả tuyến đường nhộn nhịp, giờ lưa thưa mấy nhà bám nghề. Phần vì cực, lời lãi chẳng bao nhiêu, phần vì chẳng ai kế thừa, người trẻ ưa đi xa, mê những trải nghiệm mới của thời hiện đại. Nhiều gia đình trong làng, xưa làm lồng đèn cung cấp các nơi, nay neo người chỉ đặt hàng về bán cho đỡ nhớ. Có đoạn, lồng đèn nhựa phủ sóng mạnh mẽ, trẻ con, người lớn đổ xô tìm mua vì tiện lợi, đủ nhân vật hoạt hình nổi tiếng. Hàng truyền thống bị cạnh tranh dữ dội, bị thu hẹp thị trường, không ít nghệ nhân nản chí, chuyển nghề. Thấy mẹ mình ngoài 90 tuổi vẫn lưu luyến lồng đèn xưa, anh em chị Loan bàn nhau cách giữ nghề để cả nhà có dịp quây quần, đồng hành.

Nói là làm đèn trung thu chứ cả năm ngơi tay đâu hơn ba tháng, còn lại bữa nào cũng tất bật, vào mùa cao điểm thì thức trắng đêm. Cứ sau rằm tháng Giêng, nhà nghề ở làng Phú Bình bước vào giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, uốn khung. Các công đoạn còn lại kéo dài đến tận cuối tháng 4 Âm lịch đầu tháng 5, mọi thứ đã hòm hòm để nhận đơn khách sỉ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Làm đến tận rằm Trung thu mới ngưng, nghỉ ngơi vài ngày thì cùng nhau dọn dẹp, tính toán các chi phí, chuẩn bị cho mùa tiếp theo. Cứ vậy, mấy chục năm nay, vợ chồng chị Loan giữ nếp trung thu với những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu.

Chị Loan đang trang trí những chiếc lồng đèn cá, thỏ để kịp giao khách.

Chị Loan nói, mừng nhất là các con chịu theo nghề ba mẹ dù công ăn việc làm đã ổn định, thu nhập cao. Cứ đến mùa, bận mấy, con cháu trong nhà cũng sắp xếp thời gian để mỗi tối ngồi dán hồ, đắp giấy kiếng hay quấn dây trang trí. Không những phụ ba mẹ làm đèn truyền thống, con chị Loan còn chụp ảnh, giới thiệu lồng đèn Phú Bình trên mạng xã hội. “Từ xưa đến giờ, vợ chồng tôi chỉ biết làm lồng đèn cho thật đẹp chứ không rành cách giới thiệu hay bán buôn qua mạng. Bọn nhỏ lanh lợi, làm đủ cách để quảng bá hình ảnh lồng đèn làng mình. Khách các nơi tìm về nhiều, năm nay đơn hàng lên gấp đôi, làm rất mệt nhưng chẳng ai than. Ngày trước ba mẹ tôi chủ yếu làm lồng đèn con giống với giá bán rất rẻ, sau này vợ chồng tôi cùng các cháu sáng tạo thêm nhiều mẫu mới, đủ kích cỡ nên giá trị chiếc đèn tăng cao. Nhiều người tỉnh xa muốn mua lồng đèn giấy kiếng mà sợ cồng kềnh, dễ rách, chúng tôi làm đèn gấp tiện lợi mà vẫn giữ nét xưa. Chỉ mong mọi người luôn thích đèn truyền thống để mỗi mùa trung thu chúng tôi lại được bận rộn đến mất ngủ”, chị Loan vui vẻ cho hay.

Mấy ngày nay, 6 người trong gia đình chị Nguyễn Kim Thu làm việc hết công suất để kịp hàng giao cho khách. Cái nghề cực nhiều vui cũng lắm này được chị Thu kế thừa từ ba mẹ chồng gần 30 năm nay. Gia đình chị chuyên làm lồng đèn ông sao các kích cỡ, bán sỉ, bán lẻ có đủ. Có đơn cả ngàn chiếc, có khách tới nhà mua một sản phẩm, chị vẫn vui vẻ giới thiệu, tư vấn. Chị Thu nói, còn người đến mua là còn niềm tin gắn kết với nghề truyền thống, vậy nên bán được 10 ngàn đồng cũng quý. Lồng đèn ông sao nhà chị Thu làm khéo, đủ hoa văn sắc sảo, giá lại rẻ nên khách truyền tai nha u tìm đến mua ngày một đông.

Mọi năm chị bán tầm 10 nghìn chiếc đèn ông sao. Năm nay đơn hàng tăng đột biến nhưng dù tăng ca liên tục, chị cũng chỉ nhận đến 15 nghìn chiếc. Vừa hối con trai quấn tua rua 30 chiếc đèn giao cho khách đứng đợi, chị Thu vừa khoe, giọng rổn rảng đúng chất miền Tây: “Hôm qua có khách từ Đồng Nai chạy xe máy xuống mua chiếc đèn ông sao cỡ lớn, nghe báo giá 80 ngàn đồng/cái, khách ngỡ ngàng sao rẻ vậy. Lồng đèn truyền thống làm cực thiệt đó chứ nguyên liệu mình chủ động nên bán mắc làm gì, miễn sao người mua vui khi nhìn thấy món đồ chơi, đồ trang trí quen thuộc này là được”.

Nâng niu hồn dân tộc

Nếu như chị Loan, chị Thu cùng một số nghệ nhân khác bao năm nay nỗ lực duy trì Làng lồng đèn truyền thống Phú Bình thì đây là mùa đầu tiên cô kiến trúc sư 9X Nguyễn Thị Kim Thủy (quận 3, TP.HCM) thử sức ở lĩnh vực này. Ngày Thủy đưa ra ý tưởng lập fanpage Lồng đèn xưa để bán những chú “cá chép hóa rồng” khung bằng tre, da bằng giấy kiếng hoặc vải với hoa văn đủ sắc màu do hai vợ chồng tỉ mỉ tạo nên, người thân, bạn bè lo ngại về mức độ tiêu thụ của thị trường do giá thành một sản phẩm thủ công công phu không hề rẻ. Thế nhưng, Thủy đã khiến mọi người bất ngờ khi không chỉ chốt được khá nhiều đơn hàng thông qua mạng xã hội mà còn quảng bá tốt hình ảnh, thông điệp ý nghĩa của chiếc lồng đèn xưa.

Cách đây 3 năm, lần đầu thấy hình ảnh chiếc lồng đèn truyền thống Cá chép hóa rồng (Lý ngư hóa long) được một nhà văn hóa nổi tiếng phục dựng, Thủy như bị thôi miên trước vẻ đẹp hoài cổ đó. Cô nàng tự hỏi, tại sao những món đồ độc đáo đến vậy lại rơi vào quên lãng, nhường chỗ cho đồ chơi “mỳ ăn liền” với pin, nhạc ầm ĩ suốt mùa trung thu. Và nếu trẻ em Việt không còn được lớn lên, lưu giữ trong ký ức những hình ảnh đặc biệt với lồng đèn xưa, có phải đáng tiếc lắm không? Sợ bản thân phải hối tiếc, Thủy muốn chung tay vào quá trình giữ gìn vẻ đẹp của nghề lồng đèn truyền thống ở một phiên bản khác: phiên bản cao cấp hơn, mang vào đó sự mới mẻ từ góc nhìn một người trẻ mê vẽ nét, phối màu.

Phần khung lồng đèn, Thủy đặt các nghệ nhân tại TP.HCM làm giúp theo kích thước, yêu cầu cụ thể. Có khung, vợ chồng Thủy bắt tay vào những công đoạn tiếp theo như dán giấy/vải, phủ sơn, trang trí từng phần. Là phiên bản cao cấp, mọi khâu đều phải kỹ lưỡng vì yêu cầu thẩm mỹ rất cao, vợ chồng Thủy mất 3 ngày để hoàn thành một chiếc lồng đèn. Nếu như mẫu đèn cá chép hóa rồng truyền thống thường xoay quanh 3 màu đỏ, vàng và xanh lá cây thì với phiên bản đèn này, Thủy bổ sung thêm một số màu cần thiết để tạo ra 6 mẫu sản phẩm, đa dạng sự lựa chọn tùy theo sở thích. “Từng chiếc vảy cá cũng phải được vẽ tay thật kỹ, cách phối màu phải bắt mắt, hài hòa theo như thiết kế tôi thực hiện trên máy tính. Hoàn thiện được những sản phẩm đầu tiên, vợ chồng tôi bắt tay vào việc quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội. Chúng tôi có thế mạnh về chụp hình và ghi lại những câu chuyện thú vị liên quan đến sản phẩm nên may mắn đã tạo được hiệu ứng trong cộng đồng. Các đơn hàng lần lượt đến sau khi chúng tôi chia sẻ rộng rãi hình ảnh bộc lộ vẻ đẹp của chiếc lồng đèn quen mà lạ này”, Thủy háo hức kể lại hành trình khởi nghiệp với Lồng đèn xưa.

Chỉ mong mọi người luôn thích đèn truyền thống để mỗi mùa trung thu chúng tôi lại được bận rộn đến mất ngủ”, chị Loan vui vẻ cho hay.

Không dừng lại ở việc bán hàng, điều Thủy mong muốn khi bước vào lĩnh vực kỳ công này là đưa “Cá chép hóa rồng” với thông điệp luôn vượt khó vươn lên đến gần với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Niềm vui tiếp tục được lan tỏa khi Thủy tổ chức cuộc thi nhỏ trên mạng, nơi giúp mọi người kể lại ấn tượng, kỷ niệm về trung thu thuở bé của mình. Rất nhiều bài viết đã chạm đến cảm xúc người đọc khi gợi lại hình ảnh trung thu ấm áp ngày xưa bên mâm cỗ, lồng đèn giấy kiếng và tiếng trống lân rộn ràng. Mấy ngày này, Thủy ngưng nhận đơn hàng, dành toàn thời gian cho việc hoàn thiện những chiếc lồng đèn đặc biệt. Thủy sẽ gửi tặng lồng đèn đến chủ nhân các bài chia sẻ ấn tượng ngay đúng dịp trung thu như một cách lan tỏa giá trị truyền thống giữa cuộc sống bộn bề. Thủy nói, năm sau, cô lại tiếp tục dán vẽ lồng đèn xưa vì càng làm càng thích. Và đâu chỉ cá chép hóa rồng, sẽ có thêm nhiều mẫu lồng đèn truyền thống được Thủy giới thiệu đến mọi người./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận