'Hiếu cá lăng' và ước mơ vươn ra thế giới

Từ 100 con cá lăng bố mẹ đầu tiên, 'Hiếu cá lăng' đã có trong tay 2 trại cá giống với thu nhập tiền tỷ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

 

294kg cá giống và vài năm ròng thất bại

Năm 2009, gom góp và vay mượn họ hàng được tầm 60 triệu đồng, anh Nguyễn Trung Hiếu rời quê nhà Tiền Giang lên thuê bãi đất hoang tại huyện Củ Chi, TP.HCM, bắt đầu mô hình khởi nghiệp đầu đời: Nuôi cá lăng giống.

Ngày một thân một mình đặt chân lên TP.HCM nhận đất, anh Hiếu thở dài vì nhìn đâu cũng thấy cỏ dại với cây mắc cỡ. Cỏ dại cao lút đầu, chẳng chừa lối vào ao. Mới tốt nghiệp đại học thì bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp, cái gì ít tiền sẽ được anh ưu tiên, miễn sao sớm biến ước mơ thành sự thật. Hồi còn ở giảng đường trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, chàng sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản đã nuôi ước mơ sở hữu trại cá lăng giống to nhất vùng. Nhưng từ mơ đến thực tế mọi thứ đâu dễ dàng. Muốn đến đích, phải lần dò từng bước, thử sai, làm lại, trầy trật đủ bề.

Gần 15 năm nay, anh Nguyễn Trung Hiếu dành trọn tâm huyết với nghề nuôi cá lăng bột, cá lăng giống.

Để tiết kiệm tối đa chi phí, Hiếu tìm mua nguồn cá bố mẹ giảm giá dưới miền Tây, đất thuê thì nhờ bạn bè chọn mối khuyến mãi rồi tự làm cỏ, đào ao, không dám thuê bất kỳ ai phụ giúp. Tay chân cứ thế thêm nhiều vết chai, mảng xước, đôi lúc là vết thương tứa máu vì chưa quen địa hình. Là kỹ sư nông lâm, nắm rõ kỹ thuật nuôi cá nhưng chàng trai năm ấy đâu biết để tự vận hành một mô hình cần rất nhiều công sức, tiền bạc. “Cái gì cũng lụi cụi làm một mình, lúc mệt quá tôi nghĩ đến ngày thành công rồi tự động viên bản thân cố gắng hết sức. Sau một năm, mọi thứ dần thành hình. Mấy cái ao lúc đó nhỏ xíu, gạch bể thì lót bạt chứ đâu có tiền xây to, xây xịn như người ta. Tôi dựng tạm cái chòi nhỏ tựa vào mấy gốc bạch đàn, từ sáng đến đêm “sống với cá”, không dám tiêu pha, dành mọi vốn liếng vào cá giống, tái đầu tư công nghệ. Vậy mà, mẻ đầu tiên… thất bại. Mấy năm tiếp theo, thất bại đi kèm thất bại. Cá chết hàng loạt, có mẻ chết hơn 80%. Lúc đó tôi tự hỏi “Hay mình dừng lại?””, anh Hiếu kể.

Hồi mới làm ao cá giống đầu tiên, anh Hiếu háo hức thả vào đó 100 con cá bố mẹ. Không đủ tiền mua thức ăn cho cá giống, mỗi sáng, anh tranh thủ dậy sớm, lên chiếc xe máy cà tàng chạy ngược về Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) mua cá biển về xay nhuyễn rồi rải vào ao cho cá ăn. Nhìn đàn cá lớn lên mỗi ngày, lúc đó “lão nông” mới vào nghề đâu biết, giai đoạn thử thách chỉ mới bắt đầu. Cá giống chưa kịp kích trứng để nhân đàn thì chết cả loạt. Nguyên nhân: nguồn thức ăn làm bẩn ao, cá chết. Ngậm ngùi dọn dẹp tàn tích, vệ sinh ao, anh thả đàn cá bố mẹ mới với hy vọng lần này mọi thứ sẽ suôn sẻ. Nhưng không, cá vẫn chết, tỷ lệ thu hoạch cao nhất giai đoạn đầu chỉ đạt 20 - 30%.

Những lúc tính dừng lại, nhìn mấy con cá giống ngoe nguẩy đuôi lại thương, rồi dặn lòng cố thêm lần này xem sao. Một, hai, ba, bốn… cả chục lần thất bại nối đuôi nhau, chẳng hiểu sao “Hiếu cá lăng” không rời ao, đi làm công ăn lương như nhiều người khuyên cho nhẹ lòng. Đến tận bây giờ anh vẫn không lý giải được mối duyên bền chặt ấy. Phát hiện cá chết liên tục, khi thì do nhiễm bệnh, nguồn nước không đảm bảo, lúc vì thiếu ô-xy, dù đã tìm đủ cách khắc phục nhưng bao nhiêu tiền đầu tư cứ vậy trôi theo dòng nước, lắm lúc anh sợ mình phải bỏ cuộc. Vậy mà trời thương, chuỗi ngày đằng đẵng chịu thương chịu khó đã mang về “trái ngọt”. Ngay lúc bế tắc nhất, anh tìm ra phương pháp tạo ra chất lượng trứng cá tốt nhất với chi phí tiết kiệm tối đa. Tìm được hướng, niềm tin được củng cố, anh cứ vậy cày ngày cày đêm cho những mẻ cá mới.

 “Tôi muốn là người đầu tiên đưa con cá lăng ra thế giới để bạn bè quốc tế biết thêm một giống cá mới chất lượng, thơm ngon của người Việt mình”.

Đến nay, khi đã nắm trong tay quy trình nuôi cá lăng giống chuẩn, khi đã là nơi cung cấp cá bột, cá giống lớn trên cả nước, anh Hiếu vẫn không thể nào quên lúc cùng anh em nhảy vội xuống ao tát nước cứu mẻ cá giống ngợp ô-xy. Mặt ai cũng xanh lét, bao nhiêu tiền của, công sức đang quay về “số 0”. Anh Hiếu kể, giọng vẫn run run vì xúc động: “Biết cá ngợp sắp chết mà máy móc đâu có đủ, tôi kêu anh em xuống ao lấy xô múc nước tạt để tạo dòng chảy, lòng chỉ mong khi nắng lên cá khỏe sẽ hồi được phần nào. Ngã đâu đứng dậy ở đó, hơn 5 năm liền, tôi tìm đủ cách để khắc phục các vấn đề phát sinh. Tôi tiếp tục vay mượn tái đầu tư. Lúc đó tiền nợ đã vượt một tỷ đồng. Hỏi lo không, có chứ. Nhưng lỡ mê cái nghề rồi, phải tìm cách bám tới cùng. Cuối năm 2015, tôi thành công với nhiều mẻ cá giống, cá bột chất lượng. Trả xong nợ, tôi đẩy mạnh đầu tư, tăng sản lượng, tìm thêm đầu ra. Máy móc dần hiện đại, quy trình khép kín, mọi thứ bắt đầu mang lại kết quả khả quan. Ban đầu tôi khởi nghiệp một mình, sau có thêm đứa cháu về phụ, giờ cả chục nhân công, chưa kể người làm thời vụ”.

Ước mơ mang tên “Thương hiệu cá lăng Việt”

Đầu năm 2016 là thời điểm “thắng lớn” của cá lăng khi giá cá thịt được đẩy lên cực đỉnh, từ 70 ngàn đồng lên gần 130 ngàn đồng/ký. Cá bột cũng tăng gấp đôi, từ 100 đồng lên 200 đồng/con và luôn trong tình trạng “cháy hàng” do nhu cầu tiêu thụ của thị trường quá lớn. Nắm bắt thời cơ, thời điểm ấy, mỗi đợt nuôi cá bột, trại cá của anh Hiếu cung cấp ra thị trường hai triệu, thậm chí ba triệu con, mỗi tháng kiếm về hơn 1 tỷ đồng. Có tiền, anh lại mở thêm ao, tăng thêm đàn bố mẹ, sắm thêm máy móc, siết chặt hơn nữa chất lượng đầu ra. Cuốn sổ tay ghi lại các vấn đề trong quá trình nuôi và chăm sóc cá giống, cá bột của “Hiếu cá lăng” ngày càng dày thêm. Rủi ro nào, lỗi nằm ở đâu, mọi thứ đều được anh ghi chép cẩn thận để dặn mình phải thật chịu khó với nghề.

Người ta gọi tôi là “Hiếu cá lăng”, cái tên không đẹp, không thời thượng nhưng tôi thích nghe như vậy.

Hồi mới bắt tay khởi nghiệp, anh Hiếu nghĩ cứ cố gắng hết sức thì kiểu gì cũng thành công. Nhưng càng làm, càng va vấp, anh mới nhận ra, ngoài nhiệt huyết thì cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. “Thất bại của những năm đầu mang đến cho tôi nhiều kiến thức và cả quyết tâm phát triển đến cùng. Cứ sau một lần thất bại, tôi lại nhận ra lỗi sai và tìm mọi cách khắc phục. Tôi không bảo thủ, sai đâu sửa đó, ngã đâu đứng dậy ở đó. Tôi biết, kiến thức luôn phát triển nên mình phải học hỏi không ngừng. Nhờ vậy mà ao sạch, nước sạch, thức ăn sạch, con cá ngày càng khỏe mạnh, sản lượng ngày càng tăng. Giờ khách hàng của tôi ở mọi miền đất nước, tôi đưa con cá lăng khỏe mạnh đi khắp nơi.

Anh Hiếu khoe, giờ đơn cá bột, cá giống nào của anh cũng một, hai triệu con, người ta tin tưởng chất lượng nên giới thiệu nhau tìm đến ngày càng nhiều. Nuôi cá giống, cá bột thành công, anh đặt cột mốc cao hơn cho ước mơ đời mình. Ông chủ trại cá này muốn tạo được hệ thống khép kín, chất lượng đảm bảo để nhân giống, nuôi cá lăng thịt chất lượng và chế biến, xuất khẩu ra thị trường quốc tế. “Hiếu cá lăng” đang vẽ kế hoạch cho hành trình kế tiếp, ở đó, anh đặt tham vọng định hình thương hiệu cá lăng ở nước ngoài. Anh muốn có những đơn vị liên kết cùng mình tạo ra hàng triệu đàn cá lăng chất lượng rồi tạo thành dòng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, xuất khẩu mang về ngoại tệ. So với cá tra, cá ba sa, thịt cá lăng chất lượng hơn hẳn, thế nhưng, giống cá đầy tiềm năng này vẫn chưa thể xuất khẩu. “Tôi muốn là người đầu tiên đưa con cá lăng ra thế giới để bạn bè quốc tế biết thêm một giống cá mới chất lượng, thơm ngon của người Việt mình. Tôi có kỹ thuật và kiến thức, có cả ước mơ, kế hoạch, giờ chỉ mong kiếm được các đối tác cùng chung chí hướng, cùng nhau thực hiện các cột mốc quan trọng. Xuất khẩu cá đòi hỏi những quy định khắt khe mà một doanh nghiệp không thể kham nổi. Nhưng nếu có người chung tay, chúng ta sẽ cùng nhau làm tốt nhất có thể. Tôi tin, khi được đầu tư tới nơi tới chốn, con cá lăng sẽ làm nên chuyện vì đây là loài có nhiều tiềm năng phát triển”, anh Hiếu kỳ vọng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận