Chặt rừng thông trồng tam giác mạch

Các cấp chính quyền huyện Yên Minh có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc hằng chục héc-ta rừng thông, sa mộc bị chặt phá.

 

Kỳ 2: Rừng chết, trách nhiệm thuộc về ai?

Số báo 51 ra ngày 20/12/2018, Báo TNVN có bài viết “Chặt rừng thông trồng hoa tam giác mạch” phản ánh hàng chục héc-ta rừng thông, sa mộc tại km7 đường quốc lộ 4C, đoạn qua xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã bị người dân tự ý đốt phá, đốn hạ để trồng hoa tam giác mạch, xây dựng dự án du lịch.

Dân vẫn phá rừng, vẫn xây công trình du lịch

Một hướng dẫn viên du lịch bản địa đưa du khách qua hiện trường cho biết, công trình nhà sàn cộng đồng dựng trên phần diện tích đất rừng đã bị phá của chủ rừng Nguyễn Văn Thắng vừa bị chính quyền xã yêu cầu dừng thi công vì chưa xin phép, nhưng vẫn có hàng chục thợ đang tiếp tục hoàn thiện công trình. Còn tại phần đất của chủ rừng Phan Hoài Doanh (Phan Duy Thanh), những cây thông, sa mộc vẫn đang bị đốt phá, những ruộng hoa tam giác mạch mới đang tiếp tục định hình, chủ rừng vẫn thu vé cho du khách vào chụp ảnh, tham quan vườn hoa.

Không gian xanh mát của rừng thông xã Lao Và Chải, Yên Minh.

Ngày 22/12/2018, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Minh cho biết: Rừng này là rừng sản xuất nên các chủ rừng chỉ khai báo với cơ quan quản lý để tạo điều kiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng; người dân chỉ trồng hoa tam giác mạch ở bên dưới. Ông Tuyển cũng cho biết thêm: “Hình như sau khi khai thác gỗ thì các chủ rừng sẽ trồng cây ăn quả. Họ chỉ trồng tam giác mạch ở phía dưới thôi”.

Tuy nhiên, khác xa với sự khẳng định của ông Tuyển, rừng đã bị phá từ mấy tháng nay, hoa tam giác mạch được trồng bạt ngàn trên diện tích đất rừng nay đã vào mùa thu hoạch mà không hề thấy bóng dáng cây ăn trái nào, và những ngôi nhà không phép là giai đoạn đầu của một dự án xây dựng khu du lịch sinh thái đã mọc lên mà chính quyền vẫn mơ hồ như “không biết, không hay”.

Điểm bán vé tham quan vườn hoa tam giác mạch trên diện tích rừng bị đốt phá sai quy định tại km7 thuộc xã Lao Và Chải.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Về hướng giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Hữu Tuyển cho biết: “Huyện sẽ kiên quyết xử lý sai phạm. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả cần phải có thời gian dài”. Ông Tuyển cũng không nói rõ biện pháp xử lý sai phạm và lộ trình khắc phục hậu quả rừng thông, sa mộc bị chặt phá.

Theo Điều 24, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch được cấp tỉnh duyệt, được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao, thuê đất nếu chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải do UBND huyện quyết định.

Do đó, việc xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch, bán vé tham quan vườn hoa được trồng trên đất rừng sản xuất mà chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được UBND huyện phê duyệt là hoàn toàn trái pháp luật. Cũng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, UBND huyện có quyền thu hồi rừng nếu chủ rừng sử dụng rừng sai mục đích.

Ngôi nhà sàn đang xây dựng trái phép trên diện tích rừng bị đốt phá.

Rừng thông, sa mộc trên địa bàn xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh nằm trong vùng lõi khu vực bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo đó, xã Lao Và Chải nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Công viên địa sinh học gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, Khu vực sinh thái thuộc các xã Na Khê, Lao Và Chải, Tùng Vài. Hạt nhân là Công viên đa dạng sinh học Du Già, tại khu trung tâm của khu bảo tồn. Không xây dựng mới tại vùng lõi. Hạn chế xây dựng mới tại vùng đệm, chỉ ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học, quốc phòng an ninh và hạ tầng xã hội thiết yếu. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/4/2017 tại quyết định số 438/QĐ-TTg.

Việc đốt phá rừng, xây dựng nhà, dự án du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp không xin phép, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vừa vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, vi phạm Luật Đất đai, không tuân thủ Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng với mục tiêu bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh Hà Giang đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các cấp chính quyền huyện Yên Minh, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang như thế nào khi để xảy ra vụ việc phá rừng thông, sa mộc tại xã Lao Và Chải?.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn có mục tiêu góp phần đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đáp ứng các tiêu chí của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị về tài nguyên di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận