Dân xứ Ồ Ồ hỏi huyện Duy Xuyên

Xứ Ồ Ồ thuộc xã Duy Thu của huyện Duy Xuyên – tỉnh Quảng Nam có hàng chục hộ dân khai hoang phục hóa đất, sau đó bị thu hồi mà chưa được bồi thường.

 

Càng để lâu càng khó

Người dân gọi nơi đây là xứ Ồ Ồ vì đất không bằng phẳng, gập ghềnh, có chỗ trũng sâu, mùa mưa nước chảy xối xả ồ ồ. Từ khi thống nhất đất nước đến năm 1997, khi có văn bản thông báo thu hồi đất để bàn giao cho Đại đội Kho VK-Đ, người dân nơi đây đã khai hoang phục hóa và sử dụng đất xứ Ồ Ồ làm nông lâm nghiệp hơn hai chục năm, tạo ra sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống như sắn, khoai, bạch đàn, keo lá tràm...

Nơi đây trời mưa nước chảy ồ ồ

Được biết, vùng đất này trước giải phóng là bãi rác của Khu kỹ nghệ An Hòa – Đức Dục. Trong đơn gửi Báo Tiếng nói Việt Nam, ông Ngô Tuấn viết: “Cuối năm 1975, tôi và vợ tôi khai hoang trên diện tích đất xứ Ồ Ồ khoảng 10 sào, rất khó khăn và cực khổ vì phải phá dỡ dây thép gai, đạn M-79, cối 81, bom 3 càng còn sót lại…”.

Ông Ngô Tuấn và vợ là bà Trần Thị Sanh năm nay ngoài bảy mươi tuổi, dấu ấn hàng chục năm cơ cực hằn trên gương mặt và đôi bàn tay. Gặp chúng tôi, bà Sanh nói như khóc: “Tôi thì tôi không biết chữ nên họ bảo sao biết vậy thôi. Tôi cứ ở đây chứ không đi đâu hết, có chết tôi cũng ở đây, tôi xin chú cầu phước cho tôi… Vừa rồi tôi vào đó làm mà mấy đứa trẻ ranh ra đuổi, dọa, còn chửi là bà trồng tôi đ… trả bà đâu”.

Ông Ngô Tuấn và vợ là bà Trần Thị Sanh nói rằng chưa được bồi thường công khai hoang phục hóa đất đai

Căng thẳng cũng xảy ra khi ông Hồ Ngọc Hải thuê 14 người trồng 1 vạn rưỡi cây keo lá tràm trên diện tích 2 ha đất do cha ông Hải là cụ Hồ Ngọc Mai khai hoang phục hóa từ gần 50 năm trước. Trong biên bản lập ngày 02/06/2022 có đại diện chỉ huy Kho VK-Đ, đại diện công an và địa chính xã Duy Thu, ông Hải ghi: “Tôi sẵn sàng bàn giao đất cho quốc phòng và cây cối theo hiện trạng, không yêu cầu đền bù cây trồng và tiền công trồng cây... Tôi yêu cầu đền bù công khai hoang tại thửa đất trên; đền bù số tài sản mà chính quyền đắp đập gây thiệt hại cho gia đình tôi trước đây…”. Về những thiệt hại này, trong đơn gửi báo Tiếng nói Việt Nam, ông Hải viết rõ: “… khoảng tháng 10 năm 1986, xã Duy Thu lúc đó cho người vào đắp đập làm hồ chứa nước không thông báo cho gia đình biết, gây ngập úng toàn bộ hoa màu cũng như tài sản, ước tính 4,7 tấn lương thực, 40 con bò, 3 con trâu, 3 con heo, gà…”. Cũng trong đơn, ông Hải cho biết, cha của ông là cụ Hồ Ngọc Mai đã khiếu kiện từ huyện đến tỉnh (Quảng Nam – Đà Nẵng lúc đó), nhưng không được giải quyết. Cụ Mai ra Chính phủ nộp đơn, được Thanh tra Nhà nước nhận hồ sơ và gửi công văn số 59A-TD/XKT ngày 03/12/1987 yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đánh giá tình hình, báo cáo thiệt hại để đền bù thỏa đáng. Nhưng từ đó đến khi cụ Mai mất (năm 2011) các cấp đùn đẩy không giải quyết. Cho dù chưa được đền bù nhưng năm 2001, cũng theo ông Hải, khi xã Duy Thu bán đất cao lanh tạo ra nhiều hồ sâu, cụ Mai tiếp tục làm đơn xin cải tạo thành hồ chứa nước tưới tiêu cho hoa màu, nhưng không hiệu quả nên lại bỏ công sức san lấp để trồng keo lá tràm.

Ông Hải đã ước tính ra một số tiền cụ thể để yêu cầu đền bù những thiệt hại và công lao ấy. Theo ông Hải, vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà đó là danh dự, là truyền thống của gia đình.

Ông Hồ Ngọc Hải và ông Ngô Tuấn

Cùng với các ông Ngô Tuấn và Hồ Ngọc Hải, nhiều hộ dân đang canh tác ở khu vực này cũng bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng giao đất cho quốc phòng, nhưng họ muốn bồi hoàn thỏa đáng công sức khai hoang phục hóa đất đai. Chị Thanh là con ông Ngô Khôi, một trong những người khai hoang đầu tiên ở đây nói: “…khai hoang đất từ năm 1975, cực khổ lắm, mà bây giờ mấy anh lấy không, thì làm sao được?”. Còn đây là ý kiến của ông Trần Văn Kim: “Mấy lần bảo tôi ký, tôi nói thẳng là quốc phòng thì tôi sẵn sàng giao đất, nhưng mà các ông lấy đất rồi cũng lại trồng cây trồng màu thì để tôi làm…”.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Duy Thu là ông Nguyễn Văn Kiên thừa nhận việc này càng để lâu càng khó. Cuộc gặp gần đây vào ngày 08/09/2022 cũng không thống nhất được như mong muốn của người dân. Huyện, Ban chỉ huy quân sự và xã đã thành lập tổ công tác đến gặp từng hộ dân nhằm tìm cách giải quyết hợp lý thuận tình. Dân cam kết trả đất quốc phòng, còn xã sẽ xác minh cụ thể, huyện tìm cách vận dụng chính sách hỗ trợ cho đúng. Về thiệt hại của cụ Mai vì lâu quá, xã Duy Thu đã gặp riêng một số người hồi đó, sắp tới sẽ có cuộc mời gặp các cụ để xác minh thiệt hại tới đâu, mới có cơ sở để làm.

Ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch xã Duy Thu

Khó, nhưng không phải là không làm được

Theo Luật đất đai, Nhà nước khuyến khích đầu tư khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng… Đất khai hoang được Nhà nước bồi thường khi thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Như vậy là có cơ sở pháp luật để xác minh và bồi thường công sức tiền của mà người dân xứ Ồ Ồ đã bỏ ra khai hoang phục hóa đất đai nơi đây. Từ năm 1997, khi có văn bản thông báo thu hồi đất giao cho quân đội, cho đến năm 2008, khi hoàn thành việc cắm mốc giới đất quốc phòng ở khu vực này, lẽ ra xã Duy Thu và huyện Duy Xuyên cần xác minh hoa lợi và diện tích đất khai hoang từ hàng chục năm trước để bồi thường cho bà con, kể cả những thiệt hại của cụ Mai từ năm 1986, thì bây giờ con cụ là ông Hải không phải gửi đơn khắp nơi kêu đòi.

Mốc giới đất dành cho quốc phòng đã cắm xong hàng chục năm nay

Đáng tiếc là việc tốt đẹp và có lợi cho dân như vậy mà đến nay vẫn chưa thực hiện được, nên cắm mốc giới hàng chục năm rồi mà bà con vẫn vào đó canh tác, vì cho rằng chưa được bồi thường thì chưa phải giao đất.

Khi được hỏi về việc đó, ông Hoàng Đức Mai trước đây từng làm công chức chính quyền nơi này nói: Tôi tưởng việc xong rồi, nhưng sau nghe nói vẫn còn đó. Việc không quá khó, vấn đề là có muốn làm hay không, cách làm ra sao. Tôi tin lớp cán bộ trẻ bây giờ sẽ làm được, họ biết cách tiếp nhận và xử lý. Làm việc này cần có cái tâm, làm đúng pháp luật, xem xét cụ thể, và nên làm sớm”.

Ông Hoàng Đức Mai nói rằng vấn đề là có muốn làm việc này hay không

Mong muốn là vậy, nhưng nhiều năm dân xứ Ồ Ồ hỏi xã, hỏi huyện không thông. Vừa rồi có người đâm đơn ra trung ương. Trung ương chuyển nguyện vọng của dân về tỉnh. Tỉnh chuyển về huyện. Huyện giao cho xã xác minh. Xã nói việc này khó, chưa biết làm sao cho phải.

Thiết nghĩ, Duy Xuyên nên quan tâm xử lý rốt ráo việc này, bởi dân hỏi là chuyện thường ngày ở huyện. Dân hỏi là dân còn tin chính quyền đủ thẩm quyền giải quyết theo pháp luật và chính sách, chăm lo và bảo vệ lợi ích cho dân./.

Chính Trực

 

Bình luận

    Chưa có bình luận