Ông Tư Rô - Nhà sáng chế của nông dân

Ông Nguyễn Văn Rô đã sáng chế ra những chiếc máy cày phao nổi. Công trình này là mơ ước của người làm nghề nuôi thủy sản.

 

Không qua trường lớp đào tạo, nhưng bằng sự siêng năng và niềm đam mê sáng tạo, ông Nguyễn Văn Rô, 58 tuổi đã mày mò sáng chế ra những chiếc máy cày phao nổi. Công trình này là mơ ước của rất nhiều bà con nông dân làm nghề nuôi thủy sản.

Ông Tư máy cày

Về ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau hỏi thăm nhà ông Tư Rô, người dân địa phương ai cũng biết và chỉ dẫn rất nhiệt tình. Bởi lẽ ông là nhà nông nổi tiếng ở xứ này, là “cha đẻ” của chiếc máy cày phao nổi, lội trên mặt nước, góp phần mang lại hiệu quả cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Xưởng cơ khí của ông nằm nép mình bên dòng sông Bảy Háp. Đôi tay dính đầy dầu nhớt vì đang lắp ráp máy cày, ông Tư vẫn vui vẻ kể về quá trình sáng chế của mình. Chất giọng hào sảng, cùng giọng cười “rổn rảng” đậm chất Nam bộ của lão nông này tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái, như thân quen từ rất lâu rồi.

Xưởng cơ khí của ông Tư Rô nép mình bên dòng kênh Bảy Háp.

“Ông Tư máy cày” là cái tên thân thương mà người dân vẫn quen dùng mỗi khi nhắc về ông. Tuy chỉ mới học hết lớp 4 trường làng nhưng lão nông này đã mày mò, chế tạo ra những chiếc máy hữu ích. Xuất thân trong gia đình khó khăn nên ông Tư luôn phấn đấu vươn lên từng ngày và kiếm sống bằng nghề cơ khí tại địa phương. Là người chất phác, đôn hậu thế nên ông Tư Rô được mọi người tin tưởng và hay ghé xưởng cơ khí uống trà, tâm sự những vui buồn của nghề nông. Cái Nước là địa bàn có diện tích nuôi tôm, cua chiếm sản lượng lớn tại Cà Mau. Cũng từ đó, nhu cầu cải tạo vuông sau mỗi mùa vụ là rất lớn. Một lần được nghe bà con chia sẻ về nỗi niềm và ước mơ có được chiếc máy cày, trục vùng đất lầy, lún để nuôi tôm, ông Tư thở phào, trăn trở: “Nghe bà con nói mà tôi xót ruột”. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, nhiều đêm dài thức trắng, ông Tư nung nấu quyết tâm chế tạo ra chiếc máy cày siêu nhẹ để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Sáng chế hữu ích này vừa giúp đất được cải tạo, lại không gây ô nhiễm trên đồng ruộng. “Hồi đó tôi làm cái này khó khăn lắm, mất mấy năm nghiên cứu, chế tạo, tháo ra lắp vô mới được. Mấy cái này mình phải nghe người dân nói và hiểu nhu cầu của người dân là gì để từ đó nó mới thực tế và gần gũi với bà con nông dân”, ông Tư trải lòng.

Biến suy nghĩ thành hành động

Trong một lần đi hàn lưỡi cày ngoài ruộng, ông ngồi cả buổi trời và quan sát thấy chiếc lưỡi cày nào cũng có kết cấu giống nhau mà đất đai, địa hình mỗi vùng lại khác nhau. Ông tặc lưỡi và rút ra được “chân lý” cho riêng mình. Điều quan trọng là thiết kế từng loại lưỡi cày phù hợp với từng kiểu địa hình. Mất mấy tháng ròng nghiên cứu cho bằng được chiếc lưỡi cày, ông mới chuyển sang giai đoạn chế tạo nhằm thu nhỏ kích thước và khối lượng của chiếc máy truyền thống. Nhen nhóm ý tưởng từ năm 2010, mãi cho đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, chiếc máy cày đầu tiên đã lăn bánh trên đồng ruộng huyện Cái Nước. Trọng lượng khoảng 110kg, chạy bằng xăng, công suất trục đất khoảng một công đất (1.000m²/giờ), được ông chế lại từ chiếc máy đánh cỏ sân bóng nhân tạo.

Máy cày phao nổi do ông Tư sáng chế.

“Lúc đó bà con tới coi đông lắm, có người nói tôi không được bình thường nữa, làm gì có chiếc máy cày nào như vậy”, nói rồi ông Tư Rô bật cười, cuối cùng cả xóm phải trầm trồ, thán phục trước tài năng của kỹ sư chân đất Nguyễn Văn Rô. Ông quả quyết: “Nếu cày 1.000m2 đất mà tốn hơn 1 lít xăng thì bà con có quyền đổi lại máy mới miễn phí”. Trong khi đó, máy cày nhập khẩu thường tiêu tốn hơn 2 lít xăng/1.000m2 đất. Chữ tín quan trọng hàng đầu, đúng như cam kết, vậy là từ trước đến nay, chưa có người dân nào tìm đến ông để đổi máy mới. Với giá thành dao động trong khoảng 20 triệu đồng trở lại, mỗi chiếc máy ông lời được 2 - 3 triệu đồng. Để làm được chiếc máy cày giá rẻ như vậy, lão nông này phải lặn lội đến các chợ đầu mối ở TP.HCM để tìm mua linh kiện. “Để đạt chất lượng mà giá thành phải hợp lý cũng không dễ gì”, ông Nguyễn Văn Rô tâm sự. Tuy nhiên, dù có khó khăn ra sao, kỹ sư không qua trường lớp luôn tìm cách khắc phục. Ông quyết định lựa chọn chất liệu có độ bền hơn để khi máy chạy trong vùng nước mặn thường xuyên vẫn không bị gỉ sét. Còn chất liệu inox thì khi bán ra thị trường giá phải cao hơn nữa, sẽ rất bất lợi cho người dân có thu nhập thấp. Nhờ vậy, sáng chế của ông Tư máy cày được đông đảo người dân đón nhận.

Tiếp nối thành công đó, vài năm sau, hàng loạt sáng chế hữu ích khác cũng được trình làng như: Máy cày xới đất trồng bồn bồn, máy cày phơi đất vùng chuyên canh tôm - lúa, máy cày cải tạo môi trường nuôi tôm… Ông Tư cho biết, điểm đặc biệt trong sáng chế của ông là dùng thùng hình trụ đưa vào phía trong khung hình trụ của các bánh lồng. Đồng thời, người lái ít hao tổn sức lực, có thể điều chỉnh lượng chất lỏng bên trong thùng để tạo độ nổi cho máy, điều này giúp máy cày dễ dàng nổi lên trên mặt nước.

Không ngủ quên trên chiến thắng, để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, ông luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của bà con nhằm cải tiến và mang lại nhiều tính năng vượt trội. Những năm qua, máy cày của ông Tư đã xuất bán hàng trăm chiếc ra thị trường, có mặt khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… “Máy cày của tôi lội kênh, mương, qua sông Cái Tàu được nên không cần phà chuyên chở, chạy băng băng dưới nước mà không bị lật”, ông Nguyễn Văn Rô phấn khởi nói.

Chiếc mày cáy của ông có giá từ 16 - 17 triệu đồng.

Cà Mau là vùng đất thấp, hay bị ngập nước khó canh tác. Chiếc máy cày Tư Rô ra đời là minh chứng cho công sức lao động bền bỉ, sáng tạo của người dân nơi đây.

Chiếc máy cày được ông Tư Rô đặt tên “Máy cày ước mơ nhà nông”. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do tỉnh Cà Mau tổ chức lần thứ 6 năm 2018 - 2019, ông Nguyễn Văn Rô xuất sắc đạt giải Nhất. Sáng chế này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm độc quyền về giải pháp hữu ích”. Hai năm sau, ông đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. Lau chùi sạch vết dầu nhớt, cầm những tấm bằng khen trên tay, ông Tư Rô như đang nâng niu chính thành quả mà mình có được. Nói đôi điều về chúng, rồi ông lại cất gọn trong góc nhà và phấn khởi chia sẻ về “dự án” mới trong tương lai: “Bây giờ chú đang ráp cái thùng suốt lúa - Ước mơ của nhà nông. Mua cái thùng suốt lúa lớn thì đâu có tiền trả. Chú làm cái thùng nhỏ, đi 3 - 4 người, kéo cái thùng lội qua sông là chuyện bình thường”.

Một nhà nông ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau phấn khởi cho biết: “Nhờ sáng chế của chú Tư mà việc cải tạo, trục đất đơn giản hơn nhiều, giờ cải tạo ao tôm khỏe re”. Là người gắn bó với nghề cơ khí lâu năm, theo cha học nghề từ thuở bé, đến đời con của mình, ông Tư không ép buộc con trai phải theo nghề này vì ông hiểu rằng mỗi người đều có ước mơ và hoãi bão của riêng mình. Con trai làm tài xế nhưng cũng biết ít nhiều về cơ khí và phụ ông lắp ráp máy cày. “Chú dạy nghề lại cho thằng con của chú để sau này nó còn biết mà làm. Nó cũng muốn học nghề này nữa”, ông Tư chia sẻ.

Máy cày phao nổi lội nước qua kênh.

Hết lòng vì bà con nông dân

“Nhà sáng chế của nông dân” Nguyễn Văn Rô không giấu nghề mà rất tận tâm hướng dẫn cho bà con có đam mê, mong muốn học hỏi cách làm của ông. “Học mà làm đại trà rồi bán theo kiểu thương mại thì không được bởi giá máy cày bị đội lên cao, không có lợi cho nhiều nông dân khác", ông Rô bày tỏ. Lúc nào cũng vậy, ông luôn suy nghĩ làm sao để nhà nông có lợi nhuận cao nhất. Việc đồng áng đã vất vả, dư dả không bao nhiêu nên có chiếc máy tiện ích, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả vượt trội là điều rất cần thiết. Vừa qua, ông đã cho ra đời chiếc máy mới, nhẹ hơn 5 lần so với máy cày truyền thống cùng loại. Đặc biệt, chiếc máy cày phiên bản mới được cải tiến phần lưỡi cày, xới được cục đất to hơn, độ tơi xốp lớn, động cơ cũng êm hơn. “Ông Tư sáng chế máy cày tốn rất nhiều công sức, trải qua nhiều giai đoạn. Lúc đầu, do mới làm cũng có thất thoát, tốn kém. Người dân mới góp ý, ông lắng nghe rồi về chỉnh sửa lại, giờ cái máy gọn nhẹ lại thuận tiện cho bà con”, ông Huỳnh Dũng Tiến, ngụ ấp Bào Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước cho biết.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận