Sáng mãi với thời gian

Ở đâu có điện về là ở đó người ta biết đến Ban A miền Trung với lòng biết ơn, sự tin yêu và cảm phục.

 

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm trời nắng nhạt, gió thổi nhẹ, thời tiết mát dịu rất thuận lợi cho dòng người ngược, xuôi mua sắm Tết. Hòa vào niềm vui chung ấy, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Hồ Văn Thái, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung vì thế càng thêm ấm cúng và cởi mở. Mặc dù đã nghỉ hưu hơn mười năm và hiện là Chủ tịch HĐQT Cty CP Cơ điện Đại Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi được hỏi về quá trình xây dựng và phát triển của Ban Quản lý Dự án các Công trình điện miền Trung, thì ông hào hứng kể lại vanh vách từng chi tiết và từng công trình mà ông đã chỉ đạo thực hiện trong thời gian hơn mười năm với trọng trách là Trưởng Ban, mà theo ông đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.

Ông Hồ Văn Thái, cho biết: “Tiền thân của Ban A miền Trung bây giờ là Ban Quản lý Công trình điện thuộc Công ty Điện lực 3, được thành lập vào những ngày đầu thực hiện công cuộc đổi mới, giữa lúc cái mới và cải cũ đang còn đan xen, thuận lợi nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít, vì vậy để đứng vững và phát triển trong lúc này không đơn giãn chút nào. Nhưng với bản lĩnh của những người đã dày dạn kinh nghiệm trong công tác Truyền tải nên Tập thể Lãnh đạo của Ban đã biết cách vượt khó, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm nhờ vậy đã nhanh chóng bắt kịp nhịp độ phát triển của đất nước nói chung và của Ngành điện nói riêng, đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn IV, V và VI. Chỉ tính riêng trong giai đoạn này, Ban A miền Trung đã hoàn thành đóng điện 2.922,72 km đường dây, trong đó đường dây 500kV là 1.232, 76 km; đường dây 220kV là 1.178,06 km; đường dây 110kV là 512,5km. Và Tổng dung lượng biến áp đã hoàn thành là 1.654 MVA… Hoàn thành sứ mệnh “Điện đi trước một bước”, góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và anh ninh- quốc phòng ở khu vực miền Trung- Tây nguyên và một số địa phương phía Nam, phía Bắc.

Tuyến ĐZ 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Qua cuộc trò chuyện với ông Hồ Văn Thái, tôi hiểu thêm về quá trình xây dựng và phát triển của Ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung (A miền Trung) đã trải qua nhiều giai đoạn và giai tầng khác nhau, nhưng cho dù có thay đổi tên gọi, thay đổi cấp Quản lý, thì A miền Trung cũng chỉ một nhiệm vụ chính, đó là Quản lý Dự án, Tư vấn giám sát kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu xây lắp, đấu thầu vật tư thiết bị cho các công trình lưới điện có cấp điện áp đến 500kV ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên và một số tỉnh miền Bắc, miền Nam. Và tất nhiên, không phải đến bây giờ sau 35 năm xây dựng và phát triển thì tên gọi Ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung mới chính thức được lưu danh, mới đi vào lòng người với sự tin yêu và mến phục. Bởi đã từ lâu cái tên Ban Quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung (A miền Trung) đã được cán bộ và nhân dân các nơi từ địa đầu Hà Giang đến miền sông nước Cửu Long, từ đồng bằng Châu thổ sông Hồng lên Tây Nguyên gió lộng hay miền Trung bão ập, lũ tràn… Ở đâu có điện về là ở đó người ta đều biết đến Ban A miền Trung với lòng biết ơn cũng như sự tin yêu và cảm phục.

Không tin yêu, không cảm phục sao được khi mà chính họ là những người đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và cả những hiểm nguy để truyền tải nguồn năng lượng về muôn nơi. Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung, cho biết: “Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Ban A miền Trung đã nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và thiếu thốn để đưa các công trình lưới điện vào đúng tiến độ với chất lượng ngày càng tốt hơn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”. Đặc biệt là trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm Quốc gia do Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung làm chủ đầu tư luôn luôn hoàn thành vượt tiến độ được các Bộ, ngành và Chính phủ đánh giá cao, trong đó phải kể đến các công trình như: Công trình đường dây 500kV mạch 2, các đường dây 500kV Pleiku- Phú Lâm; Pleiku- Dốc Sỏi- Đà Nẵng, Đà Nẵng- Hà Tĩnh, tuyến đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông và các tuyến đường dây 220kV Vinh- Hà Tĩnh, Thanh Thủy- Hà Giang- Tuyên Quang, Tuyên Quang- Thái Nguyên, đặc biệt là tuyến đường dây 220kV Đắc Nông- Phước Long- Bình Long và mới đây nhất là cụm Công trình đường dây và trạm 500kV Vân Phong- Vĩnh Tân… Có thể khẳng định rằng, điện về thành thị nhà máy mới mọc lên, phố phường sáng đẹp hơn. Điện về vùng sâu, vùng xa góp phần xua đi đói nghèo, lạc hậu. Với những thành tích to lớn đó, Ban A miền Trung đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho những Tập thể và cá nhân xuất sắc.

Có thể nói, điện không chỉ góp phần khai phá văn mình, mà còn là nguồn năng lượng không thể thiếu và không thể thay thế trong sản xuất và đời sống. Có lẽ vì vậy mà đi đến đâu tôi cũng nghe câu nói: “Đường dây truyền tải điện và Trạm Biến áp là những Công trình sáng mãi với thời gian”. Vâng, sẽ sáng mãi với thời gian mỗi khi nhắc đến những công trình trọng điểm mà Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Trung đã góp sức xây dựng nên, như Công trình đường dây 500kV Ialy - Pleiku và mở rộng trạm 500kV, Đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm và 2 NXT 500kV tại trạm Pleiku, Đà Nẵng. Đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh và NXT 500kV tại trạm Đà Nẵng. Đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, Đường dây 500kV Quảng Ninh- Hiệp Hòa và Trạm 500kV Hiệp Hòa, Đường dây 500kV Sơn La- Lai Châu, Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng- Quảng Trạch, Quảng Trạch- Dốc Sỏi, Dốc Sỏi- Pleiku… Cũng như một số truyên đường dây và trạm 220kV tiêu biểu như Đường 220kV Đắc Nông- Phước Long- Bình Long, Đường dây 220 kV Krông Buk - Nha Trang và trạm 220kV Nha Trang, Đường dây 220kV Pleiku- Krông Buk và trạm 220kV Krông Buk; Đường dây 220kV Pleiku- Quy Nhơn và Trạm 220kV Quy Nhơn; Đường dây 220kV Hòa Khánh - Huế và trạm 220kV Huế, Đường dây 220kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi và trạm 220kV Dốc Sỏi, Đường dây 220kV Đa Nhim- Nha Trang và 2 NXT 220kV, Đường dây 220kV Vinh- Hà Tĩnh và 2 NXT 220kV, Đường dây 220kV Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang, Đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên, Đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên và vô số tuyến đường dây và trạm biến áp khác…

Trạm biến áp 500kV Sơn La

Những công trình đường dây và trạm do Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung xây dựng và đưa vào vận hành đã mang lại hiệu quả cao, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, góp phần quan trọng trong việc tăng cường độ tin cậy và ổn định hệ thống truyền tải điện khu vực miền Trung và cả nước, đồng thời giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện cho các vùng, miền và là nền tảng để kết nối lưới điện của các nước tiểu vùng và khu vực Đông Nam Á.

 Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập, Ban A miền Trung chỉ có 30 cán bộ và chỉ quản lý, điều hành một số lưới điện từ 35kV đến 110kV, nhưng đến nay sau 35 năm xây dựng và phát triển, Ban A miền Trung đã có một đội ngủ cán bộ hơn 200 người với đầy đủ năng lực, thành thạo chuyên môn, tràn đầy nhiệt huyết và được giao quản lý điều hành nhiều dự án lưới điện 220kV, 500kV đang phát triển theo đà lớn mạnh của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và của ngành Điện lực Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung, đã nói: “Nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, việc thành lập Ban A miền Trung là một Quyết định sáng suốt, một tầm nhìn có tính chiến lược của Lãnh đạo Bộ Năng lượng trước đây, bởi lúc bấy giờ các Nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại và các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lần lượt đưa vào vận hành, vì vậy miền Bắc cơ bản đáp ứng đủ và thừa công suất, trong khi miền Trung lại thiếu điện nghiêm trọng. Vì vậy việc xây dựng hệ thống lưới điện Quốc gia- mà tiêu biểu là Đường dây 500kV Băc- Nam để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam là một quốc sách, vừa giải quyết được nguồn điện đang dư thừa ở miền Bắc, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách cho miền Trung và miền Nam đang “đói điện”.

Tuyến ĐZ 500kV Dốc Sỏi - Pleiku

Và sau khi tuyến đường dây 500kV mạch một, (hay còn gọi là tuyến đường dây tải điện siêu cao áp Bắc- Nam) được đưa vào vận hành, thì hệ thống điện miền Trung được cung cấp chủ yếu từ Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và Trạm biến áp 500KV Pleiku cùng với hệ thống điện miền Nam qua đường dây 110kV Đa Nhim- Cam Ranh. Một mình chứng rất rõ mà ai cũng có thể nhận thấy, đó mối quan hệ biện chứng và quyện kết giữa tốc độ phát triển lưới điện của khu vực miền Trung cũng như của cả nước nhanh và bền vững bao nhiêu, thì đội ngũ cán bộ công nhân viên của Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung cũng theo đó mà phát triển lớn mạnh bấy nhiêu.

Điều đáng ghi nhận ở đây là cùng với quá trình hình thành và phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, thì công tác quản lý điều hành dự án của Ban A miền Trung ngày càng được củng cố và phát triển. Đặc biệt là Lãnh đạo Ban A miền Trung đã nhạy bén trong việc xác định các giai đoạn cần đưa các dự án vào vận hành phù hợp với tình hình, cũng như tìm hiểu về nhu cầu cung cấp điện, về phát triển của các phụ tải tại các địa phương, của từng khu vực để từ đó lập kế hoạch đầu tư xây dựng một cách hiệu quả. Để thực hiện được những điều này, trước hết là nhờ Lãnh đạo Ban A miền Trung đã biết vận dụng một cách linh hoạt để giải quyết hai vấn đề khó khăn nhất trong quản lý dự án, đó là tiến độ và chất lượng. Để đảm bảo tiến độ, Lãnh đạo Ban A miền Trung đã xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, chính xác trước khi đưa một dự án vào thực hiện đó là lường hết những khó khăn có thể xảy ra, kể cả khó khăn trong vấn đề thu xếp vốn, cũng như việc lựa chọn các Nhà thầu để thực hiện các gói thầu một cách tốt nhất để đảm bảo tiến độ và chất lượng. (Trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh). Đặc biệt là đã linh hoạt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng- đây là một công việc khó khăn nhất, dai dẵng nhất và lo ngại nhất trong xây dựng cơ bản, nhưng Ban A miền Trung vẫn làm được và làm tốt nhờ biết phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và Chính quyền địa phương và quan trọng hơn là biết làm công tác “Dân vận” đã biết nói để dân nghe “lọt tai”, nhờ vậy mà “Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

Ba mươi lăm năm so với một đời người chưa phải là dài, nhưng thời gian cũng đủ để đo sức lớn vượt lên của một cơ thể trưởng thành. Tương lai phía trước còn dài, thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít, nhưng với một đơn vị luôn luôn có truyền thống vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và quyết làm nhất định đội ngũ cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để những Công trình đường dây và trạm “SÁNG MÃI VỚI THỜI GIAN”./.

PS

 

Bình luận

    Chưa có bình luận