Tiệc trà trăm năm trên đỉnh mờ sương

Giữa bập bùng bếp lửa chính giữa căn nhà Mông truyền thống, nhấp một ngụm trà Shan Tuyết cổ thụ có một không hai, đôi khi lại tưởng nơi chốn bồng lai tiên cảnh.

 

Tìm đến non cao Suối Giàng ở miền Tây Yên Bái để được chạm tay vào mây trắng, chìm đắm, phiêu du trong bảng lảng sương trời và trải nghiệm những đêm tiệc trà ở nơi “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” sẽ là một trong những trải nghiệm tuyệt diệu nhất vào mùa này.

Xứ sương giăng và vùng trà cổ thụ trăm tuổi

Đường lên xứ sương giăng ấy mùa này bạt ngàn những triền đồi nhuộm màu hoa đào, hoa mận nở rộ, rực rỡ ẩn hiện giữa rừng mây. Đón khách trong quãng đường hơn 10 cây số từ huyện lỵ lên Suối Giàng, A Lử - một thanh niên 21 tuổi giới thiệu khá chi tiết, rành rọt bằng tiếng phổ thông: “Suối Giàng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ở độ cao khoảng 1.300 đến 1.400m so với mực nước biển, quanh năm được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp mây trời, cộng thêm không khí luôn cực kỳ trong lành và mát mẻ khiến nơi đây trở thành địa điểm rất được du khách yêu thích. Giống như Tam Đảo, Sa Pa, trong những ngày đẹp trời, người ta có thể cảm nhận được đủ bốn mùa trong năm”.

Cũng tác phong rất thẳng thắn và nhanh nhẹn ấy, tại trụ sở xã nhìn thơ mộng như khu nghỉ dưỡng, ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng vừa tranh thủ giải quyết công việc cuối năm vừa thông tin với phóng viên: Vùng chè Shan Tuyết ở xã trải rộng trên diện tích khoảng gần 400ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là gần 300ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… Hơn 4 vạn cây trong số đó có tuổi đời từ 100 đến trên 300 năm.

Những búp chè mơn mởn một tôm hai lá.

Không phải đi đâu quá xa, ngay cách khuôn viên xã chừng vài chục mét, theo hướng chỉ của ông Đằng, những cây chè Shan Tuyết cổ thụ sừng sững hiện ra giữa sương mây. Có cây thân to vài người ôm mới xuể, màu trắng mốc, tán cây rộng như gian nhà người Mông nơi đây, lá màu xanh đậm. Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên cây chè ở đây búp rất to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết, nên có tên là Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).

Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Người dân địa phương vẫn bảo đây là loại chè “5 cực”: “cực khổ” khi trồng và thu hái; “cực sạch” vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ mới thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” với đủ các phẩm chất cao nhất mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Với “4 cực” trên thì đương nhiên, chè Suối Giàng “cực đắt”, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng 1kg.

Du khách thưởng thức trà trong đêm.

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch 3 vụ. Khi đến mùa thu hái, những phụ nữ người Mông thường trèo hẳn lên những cây chè cổ thụ để hái búp thay vì đứng dưới đất thu hái như những vùng chè khác. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy mà người dân nơi đây luôn nhẹ nhàng tay hái để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên búp.

“Nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm để sao chè thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị nát, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè”, chị Mai - một người dân địa phương chia sẻ thêm.

Những đêm tiệc trà…

Vài năm gần đây, xã Suối Giàng đã đưa những đêm tiệc trà trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn vào mỗi cuối tuần. Tại những đêm tiệc trà ấy, du khách gần xa được thưởng thức các loại trà Shan Tuyết do nhân dân các thôn, bản và hợp tác xã trên địa bàn sản xuất, đồng thời, được giao lưu văn hóa, văn nghệ với đồng bào Mông.

Thiếu nữ Mông hái búp cây trà hơn 300 năm tuổi.

Tiệc trà trong Không gian văn hóa trà Suối Giàng trải rộng hơn 7.000m2 vốn thu hút du khách, ngày xuân lại càng đông hơn; thường bắt đầu bên bếp lửa bập bùng sưởi ấm không gian se lạnh, khi sương trắng bồng bềnh tan dần trên đỉnh núi, màn đêm dần buông.

Như Quỳnh, mới ngoài 20 tuổi đã là rất ra dáng một nghệ nhân pha trà đích thực, vừa bày tiệc đón khách vừa đi vào chi tiết đặc điểm của từng loại trà. Đêm cứ thế trôi đi nhanh chóng trong vị trà ngon khi đăng đắng, lúc ngọt dịu mãi nơi đầu lưỡi không tan; bên những câu chuyện dài như vô tận xoay quanh thứ chè đặc sản, từ khâu chế biến cho đến các bước để pha trà ngon cũng như văn hóa thưởng trà nơi non cao qua chất giọng nhè nhẹ, bay bổng của cô sơn nữ. Quỳnh tỉ mỉ đến độ người ta cứ nghĩ thiếu nữ này đã có trải nghiệm trà trong vài chục năm qua. Rằng, sự hoàn hảo của nghệ thuật pha trà được thể hiện trong các yếu tố “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”.

Trà Suối Giàng uống ngon là do nơi đây có một nguồn nước đặc biệt, chảy từ rừng nguyên sinh Tập Lăng xuống các thôn, bản. Nguồn nước này dùng pha trà giúp trà giữ được hương vị rất lâu. Đối với yếu tố “nhì trà” thì trà để pha ở đây là những búp trà ngậm sương được tinh chọn “một tôm, hai lá” non tươi mơn mởn được hái từ những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hút dưỡng chất từ đất, chắt lọc tinh túy của trời với hàm lượng IGCG cao, có tác dụng chống lão hóa và phòng ngừa ung thư gấp hàng trăm lần so với các loại chè thông thường khác. Qua bàn tay của người dân bản địa nâng niu chăm sóc, thu hái và kỹ thuật sao, các nghệ nhân gửi gắm tâm tình vào từng búp chè để làm nên những sản phẩm “Đệ nhất danh trà”. Tiếp đó, tách trà có đạt được hương vị chuẩn còn phụ thuộc vào kỹ thuật pha, ấm pha trà và chén uống trà. Đặc biệt, thưởng trà ngon không thể thiếu những người bạn tri kỷ...

Vừa pha trà, Như Quỳnh vừa chia sẻ về cách thưởng thức.

Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Người dân địa phương vẫn bảo đây là loại chè “5 cực”: “cực khổ”, “cực sạch”, “cực hiếm”, “cực ngon” và “cực đắt”.

Ngấm vị trà cũng là lúc các nghệ nhân pha trà “bật mí” cho du khách kinh nghiệm pha trà ngon qua đủ 3 lần nước là đánh thức trà, hãm trà và thưởng trà. Rồi lại “khoe” nét đặc biệt của trà Suối Giàng là có thể pha được 10 - 15 lần nước trong một lần trà mà không bị nhạt vị. Du khách cũng được thực hành phong cách dùng trà “tam long giá ngọc”, tức ba ngón tay chụm lại để nâng ly trà, khi đưa lên môi thì quay cổ tay ra che miệng thật ý nhị…

Đặng Thái Sơn, quản lý Không gian văn hóa trà Suối Giàng dù rất bận nhưng vẫn cố gắng dành hàng giờ để giải thích từng loại chè nơi đây với người phương xa: Trà ngon có 4 loại, đều có nguồn gốc từ những cây chè hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng, với phương thức sao tay kỳ công của các nghệ nhân mà tạo nên, đặc biệt cao cấp, thỏa mãn những trà nhân khó tính nhất.

Hồng trà là một trong tứ đại danh trà nổi tiếng quý hiếm với giá hết sức đắt đỏ, được ủ từ những lá chè tươi quý nhất, sau khi vò sẽ biến màu từ xanh lục thành màu sậm hơn. Tiếp đến được sấy khô, pha cùng các nguyên liệu khác. Với cách này, hồng trà có độ oxy hóa hoàn toàn 100%, thành phẩm có màu đen, thơm nồng, nước trà pha ra có màu đỏ nâu, vị mạnh hơn các loại trà khác; hương thơm giữ được trong nhiều năm. Nhiều người, đặc biệt là tầm trung và cao tuổi rất ưa thích hương vị của loại trà này, bởi nó có vị chát đậm, khi uống xong lưu lại trong miệng một vị đắng nhưng lại như ngọt, kích thích giác quan. Bên cạnh đó, hồng trà có tác dụng chống ô-xy hóa, chống lão hóa cho các tế bào rất tốt, có tác dụng làm ấm, hỗ trợ tiêu hóa và đặc biệt là tăng cường chức năng tim mạch. Ngoài ra, hồng trà cũng được biết đến với khả năng giải độc do chứa nhiều alkali có thể hấp thụ kim loại nặng cùng kiềm sinh vật, đồng thời cũng lắng đọng phân giải…

Ở Suối Giàng, các em học sinh người Mông từ bé đã được dạy pha trà.

Bạch trà là loại trà quý nhất, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Loại trà này thường được làm từ búp của những cây trà trồng ở vùng có độ cao lớn, do nhiệt độ ở những vùng này thấp nên búp trà thường có nhiều mao trắng bao phủ bên trên, rất tinh khôi và đẹp mắt. Bạch trà là loại trà có công đoạn chế biến khá đơn giản, sau khi hái thì búp trà được làm héo mát, rồi làm khô bằng cách phơi nắng. Mục đích của việc này là hạn chế công đoạn chế biến để giữ được búp trà trắng muốt. Bạch trà pha ra có màu vàng nhạt, trong như nước suối, nhưng uống vào có vị ngọt nhẹ đặc biệt tinh tế. Bạch trà Suối Giàng được đánh giá là một loại thuốc bổ tuyệt vời, là một trong những quà tặng quý giá của thiên nhiên. Khả năng lớn nhất của bạch trà là ngăn ngừa bệnh tật, bảo vệ tim mạch và chống đột quỵ; hạn chế cholesterol, chống ô-xy hoá, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn tế bào ung thư.

Hoàng trà hay còn gọi là trà vàng theo truyền thuyết vốn dĩ được dâng cho hoàng đế, có màu sắc và hương vị đặc biệt. Búp trà sau khi được sao lên, gói vào trong một miếng vải ẩm và cho vào một cái lọ, để một ngày đêm với độ ẩm 80 đến 90% để ô-xy hóa; sau đó đem ra sấy nhẹ. Cánh lẫn nước trà của hoàng trà đều có màu vàng óng tuyệt đẹp, hương thơm thanh lịch, êm dịu và tươi mát, vị ngọt của trà đọng lại trong miệng rất lâu khiến người ta lưu luyến. Hoàng trà còn có hiệu quả tuyệt vời trong việc bảo vệ sức khoẻ như chống lão hóa, ngăn chặn tế bào ung thư, giảm stress.

Đặng Thái Sơn chia sẻ tỉ mỉ về từng loại trà trong đêm tiệc.

Diệp trà lại là loại phổ biến nhất, một thức uống không thể thiếu của đời sống thường nhật cũng như mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những ngày cuối năm, chẳng mong ước gì cao sang, chỉ cần cùng với người thân yêu nhâm nhi một tách trà ngon, ôn lại kỷ niệm vui buồn của năm cũ đã qua là đủ mãn nguyện. Để làm nên diệp trà, trà được hái về không ủ mà sao luôn rồi cất đi ngay để giữ hương vị tươi mới, không cần phải trải qua các công đoạn chế biến công phu... Loại trà này đang rất được ưa chuộng vì chúng không chỉ mang lại những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, chống lại các bệnh tật khác nhau như tim mạch, đường huyết… mà còn tạo trạng thái dễ chịu, giảm căng thẳng cho người sử dụng.

Tách trà đặc biệt bên bếp lửa người Mông vô cùng nhiều hương vị.

Cũng là trà nhưng đến Suối Giàng thấy thật lạ và thú vị khó tả! Khi nhấp một ngụm trà nóng, lập tức cảm được vị thơm, vị chát nhẹ lướt nhanh qua miệng, đủ kích thích để nhấp thêm một ngụm nhỏ nữa, từ đây sẽ là vị ngọt thanh nhẹ, dậy lên nơi cuối vòm họng, giữ mãi không tan… Tay mân mê tách trà nóng, tỉ tê cùng đôi ba người bạn mới quen cùng sở thích uống trà mới thấy thật thư thái.

“Đến với tiệc trà, tôi không chỉ được tìm hiểu về nghệ thuật pha trà, những điều khác biệt của cây trà “5 cực”, cảm nhận được sự tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản với không gian thưởng trà ấn tượng mà còn được tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Đây là những trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ trong hành trình du xuân của tôi”. Từ nơi phương Nam xa xôi tới Tây Bắc trải nghiệm, Huỳnh Thành Nguyên, 30 tuổi, ngồi nghiền ngẫm từng loại trà, bày tỏ rằng sẽ còn quay trở lại nhiều lần nữa để tìm thấy những vị trà chưa kịp thưởng hết suốt hai ngày ở đây.

Mùa Xuân trên đỉnh mờ sương Suối Giàng giá rét hơn thường lệ. Cầm tách trà nóng ủ ấm đôi bàn tay, giữa bập bùng bếp lửa chính giữa căn nhà Mông truyền thống, nhấp một ngụm trà Shan Tuyết cổ thụ có một không hai, đôi khi lại tưởng nơi chốn bồng lai tiên cảnh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận